ĐBQH LÃ THANH TÂN: THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÁC MÔ HÌNH ĐÀO TẠO GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP

13/03/2024

Quan tâm hệ thống cơ sở đào tạo giáo dục nghề nghiệp và hiệu quả các mô hình đào tạo, thông qua hình thức chất vấn bằng văn bản, đại biểu Quốc hội Lã Thanh Tân – Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đánh giá thực trạng, so sánh chất lượng, hiệu quả đào tạo, khả năng đáp ứng nhu cầu của thị trường sau đào tạo của người lao động tại các mô hình cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

ĐBQH LÃ THANH TÂN: LÀM RÕ NGUYÊN TẮC YÊU CẦU, ĐIỀU KIỆN XÁC ĐỊNH HẠN MỨC SỬ DỤNG BĂNG TẦN

Đại biểu Quốc hội Lã Thanh Tân – Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng

Đại biểu Quốc hội Lã Thanh Tân cho biết, theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đến tháng 5/2023, cả nước có: 1.888 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (gồm: 397 trường cao đẳng, 433 trường trung cấp và 1058 trung tâm giáo dục nghề nghiệp). Trong đó, có 1.205 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập (chiếm khoảng 64%), số cơ sở ngoài công lập chiếm 36%; cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc các bộ,ngành trung ương chiếm 25%, cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc địa phương chiếm 75%.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Bộ trưởng đánh giá thực trạng, so sánh chất lượng, hiệu quả đào tạo, khả năng đáp ứng nhu cầu của thị trường sau đào tạo của người lao động tại: cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập – ngoài công lập; cơ sở đào tạo giáo dục nghề nghiệp thuộc các bộ, ngành trung ương – địa phương?

Trong các mô hình tổ chức đào tạo nêu trên, mô hình nào đạt chất lượng, hiệu quả, cần quan tâm, ưu tiên đầu tư, nhân rộng để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường? Mô hình nào cần tổ chức, cơ cấu lại hoặc xóa bỏ? Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp, chính sách trong thời gian tới?

Trả lời nội dung chất vấn của Đại biểu, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã có Văn bản số 3143/LĐTBXH-VP nêu rõ:

Trong những năm qua, Nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức khác thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp nên cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng đa dạng về cấp quản lý. Tuy nhiên, theo Luật giáo dục nghề nghiệp, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp được phân chia thành 2 nhóm chính là các cơ sở trực thuộc các bộ, ngành và các cơ sở trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý. Hiện nay, các bộ, ngành, địa phương đã và đang xây dựng, thực hiện đề án tổ chức lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo cơ quan chủ quản. Các đề án tập trung theo hướng sáp nhập các trường trên cùng địa bàn, giải thể trường hoạt động không hiệu quả, đẩy mạnh tự chủ cho các trường gắn với phát triển các trường tư thục, tạo ra cạnh tranh chất lượng dịch vụ giáo dục nghề nghiệp.

Việc tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập và tư thục, giữa các cơ sở do bộ, ngành quản lý với các cơ sở do địa phương quản lý đã tạo sự đồng đều về chất lượng cũng như hiệu quả đào tạo. Thước đo chính xác nhất về hiệu quả đào tạo chính là sự chấp nhận của doanh nghiệp và thị trường lao động đối với người học sau khi tốt nghiệp, là sản phẩm đào tạo của mỗi trường.

Mặc dù đã đạt được những thành công đáng kể trong thời gian vừa qua, hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn còn bộc lộ một số điểm hạn chế như: Một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa thực sự hiện đại, nhất là các điều kiện đảm bảo chất lượng; tình trạng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở thành phố lớn không có đủ diện tích tiêu chuẩn để tổ chức đào tạo thực hành; năng lực hội nhập hạn chế; quy mô đào tạo chưa tương xứng với tiềm năng, chưa đáp ứng yêu cầu nhân lực có kỹ năng nghề của quốc gia với gần 100 triệu dân, 55 triệu lao động. Cơ cấu đào tạo theo nghề và trình độ đào tạo chưa hợp lý; chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực kỹ thuật chất lượng cao cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nhất là những ngành kinh tế mũi nhọn, trọng điểm của đất nước. Quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu quản trị hiện đại. Thể chế, quy định pháp luật về giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu mới về chuyển đổi số, đẩy mạnh tự chủ, gắn kết doanh nghiệp và hội nhập quốc tế. Việc thực hiện các chính sách khuyến khích xã hội hóa trong giáo dục nghề nghiệp chưa đạt được kết quả mong đợi. Số lượng, cơ cấu và quy mô, ngành, nghề đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xã hội hóa tập trung đầu tư và đào tạo các ngành, nghề đòi hỏi vốn đầu tư thấp, trong khi các ngành, nghề thuộc lĩnh vực mũi nhọn, trọng điểm không thu hút được các nhà đầu tư.

Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (Ảnh minh họa)

Để tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 10/02/2023 phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045, trong đó xác định mục tiêu tổng quát là: Phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đa dạng về loại hình, phân bố hợp lý về cơ cấu ngành, nghề, cơ cấu trình độ, cơ cấu vùng, miền; chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, phân tầng chất lượng; đủ năng lực đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề, nhất là nhân lực có kỹ năng nghề cao cho phát triển đất nước trong từng giai đoạn. Mục tiêu cụ thể của Quy hoạch là:

. Đến năm 2025: Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đủ năng lực đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề của nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Giảm khoảng 20% cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập so với năm 2020, trong đó: giảm khoảng 40% trường trung cấp công lập; nâng tỷ lệ cơ sở iáo dục nghề nghiệ tư thục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lên khoảng 45%.

. Đến năm 2030: Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đủ năng lực đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề của nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Giảm ít nhất 30% cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập so với năm 2020, trong đó: giảm khoảng 50% trường trung cấp công lập; nâng tỷ lệ cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lên khoảng 50%.

. Tầm nhìn đến năm 2045: Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đủ năng lực đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề của nước phát triển, thu nhập cao; chất lượng đào tạo thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực ASEAN; một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới, có năng lực cạnh tranh vượt trội ở một số lĩnh vực, ngành, nghề đào tạo.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, có 10 nhóm giải pháp, trong đó tập trung triển khai, thực hiện một số nhóm giải pháp sau:

Thứ nhất, giải pháp về cơ chế, chính sách: Rà soát, hoàn thiện chính sách đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, phát triển lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo quy hoạch; khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân trong và ngoài nước thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Đồng thời, rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính phù hợp đối với các loại hình cơ sở giáo dục nghề nghiệp để huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, kể cả hình thức hợp tác công - tư, liên doanh, liên kết.

Thứ hai, giải pháp về phát triển nguồn nhân lực:

(1) Phát triển, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia và người dạy nghề: Tổ chức, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đảm bảo việc làm phù hợp và các chế độ, chính sách, quyền lợi đối với nhà giáo. Ưu tiên nguồn lực tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo, ưu tiên nhà giáo giảng dạy các ngành, nghề trọng điểm tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4 và các nước phát triển trong nhóm G20 có hệ thống giáo dục nghề nghiệp phát triển; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho nhà giáo, đáp ứng yêu cầu giảng dạy ngành, nghề mới mà xã hội có nhu cầu.

Đẩy mạnh phát triển đội ngũ nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề. Hình thành mạng lưới kết nối đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia và người dạy nghề trong giáo dục nghề nghiệp . Tăng cường năng lực các cơ sở thực hiện đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp theo hướng phù hợp với cơ cấu các ngành, nghề, lĩnh vực đào tạo và phân bổ hợp lý theo vùng miền, đáp ứng nhu cầu phát triển đội ngũ nhà giáo cả về số lượng và chất lượng.

(2) Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục nghề nghiệp: Đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên để nâng cao năng lực đối với đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp theo phân tầng chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Hỗ trợ đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý đào tạo tại doanh nghiệp. Bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý tại các nước có hệ thống giáo dục nghề nghiệp phát triển về mô hình tổ chức bộ máy, năng lực quản trị, quản trị cơ sở. Đẩy mạnh thu hút đội ngũ các nhà khoa học, chuyên gia trong nước và nước ngoài tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học và quản lý tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Thứ ba, giải pháp về tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo:

Bố trí quỹ đất để phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp bảo đảm phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, Nghị quyết số 39/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội khóa XV về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025 và các quy định về pháp luật đất đai khác có liên quan. Bảo đảm ổn định diện tích đất của các cơ sở giáo dục nghề nghiệpcông lập hiện có, đồng thời ưu tiên bố trí quỹ đất dôi dư do sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập và quỹ đất được bổ sung, tăng thêm ở khu vực có hạ tầng giao thông thuận lợi, gần các khu công nghiệp, khu chế xuất để thu hút đầu tư, đẩy mạnh khuyến khích xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp.

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về xây dựng và thiết kế theo các loại hình cơ sở giáo dục nghề nghiệp, theo phân tầng chất lượng, theo cấp độ và trình độ đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển. Nâng cao hiệu quả và hiệu suất sử dụng cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo, nhất là đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trên cơ sở chia sẻ tài nguyên và tối ưu hóa quy trình đào tạo.

Hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo đạt chuẩn theo quy định, phù hợp với công nghệ sản xuất của doanh nghiệp; đầu tư các thiết bị mô phỏng cho thực hành, thực tập; phát triển mô hình “nhà trường thông minh, hiện đại”, “nhà trường xanh”.

Thứ tư, giải pháp về liên kết, hợp tác phát triển:

Đẩy mạnh liên kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó phát huy vai trò kết nối của các trường cao đẳng thực hiện chức năng trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, trường cao đẳng thực hiện chức năng trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao. Đẩy mạnh liên kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong nước với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong khu vực ASEAN và thế giới, từng bước tiến tới công nhận kết quả đào tạo giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Tăng cường liên kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, cơ sở đào tạo đại học và sau đại học trên cơ sở tăng cường hiệu quả liên thông dựa trên khung trình độ quốc gia, chuẩn đầu ra quốc gia, phát triển chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra, lượng hóa giá trị đơn vị học tập, công nhận kết quả học tập theo cả trình độ và đơn vị học tập.

Tăng cường các hoạt động hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp một cách thực chất thông qua các hoạt động liên kết cụ thể. Xây dựng, triển khai các mô hình đào tạo theo chuỗi, gắn kết với các trung tâm khởi nghiệp, trung tâm đổi mới sáng tạo, gắn với các doanh nghiệp, hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia và hướng tới đổi mới sáng tạo.

Thứ năm, giải pháp về hợp tác quốc tế:

Tăng cường hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các cơ sở đào tạo trong khu vực ASEAN, các nước thuộc nhóm G20; khuyến khích liên kết đào tạo và thành lập các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư tài chính và kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ từ các tổ chức giáo dục, đào tạo quốc tế, từ các nước có hệ thống giáo dục nghề nghiệp phát triển trong khu vực và trên thế giới, nhất là việc xây dựng, vận hành mô hình trường cao đẳng thực hiện chức năng trung tâm quốc gia, trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao.

Đẩy mạnh thực hiện các hiệp định, thỏa thuận song phương với các đối tác phát triển trong việc đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp để tiếp cận trình độ khu vực và quốc tế; đẩy nhanh quá trình công nhận kỹ năng nghề nghiệp giữa Việt Nam và các nước.

Thứ sáu, giải pháp về mô hình quản lý, phương thức hoạt động:

Đa dạng hóa mô hình, phương thức quản lý cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập dựa trên tính chất, quy mô của cơ sở giáo dục nghề nghiệp gắn với nhu cầu phát triển nhân lực và đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

Đẩy mạnh phân cấp về trách nhiệm, quyền hạn từ cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến các cơ quan quản lý các cấp; từng bước thực hiện lộ trình tự chủ tài chính đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập.

Đổi mới chương trình và công tác tổ chức, quản lý đào tạo trên cơ sở chuẩn “đầu ra”. Triển khai mô hình quản lý, quản trị, vận hành các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và tổ chức đào tạo./.

Lê Anh

Các bài viết khác