GÓC NHÌN: BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC BIỂN NHẰM THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG KINH TẾ BIỂN
Đại biểu Nguyễn Chu Hồi - Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng
Thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế biển theo hướng chuyển từ “nâu” sang “xanh”
Theo đại biểu Nguyễn Chu Hồi- Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng, biển đảo và nghề cá đều là những vấn đề lớn, cho nên bên cạnh những chủ trương, đường lối chỉ đạo của Đảng ghi trong Nghị quyết của các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, trong những năm gần đây Quốc hội cũng ban hành không ít chính sách, luật pháp về khai thác và sử dụng hợp lý, về quản lý bền vững và phát triển kinh tế biển, đảo, góp phần bảo đảm chủ quyền biển đảo của đất nước. Tuy nhiên, so với trên “đất liền”, thì số lượng và chất lượng chính sách, luật pháp dành riêng cho công tác quản lý, quản trị biển đảo, bao gồm tài nguyên và môi trường biển ở ba phần Tổ quốc trên biển vẫn còn hạn chế. Bởi thế, cần ưu tiên việc tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật và giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật nói chung, về môi trường và tài nguyên biển nói riêng.
Cần cụ thể hóa các luật cơ bản để sớm có một Bộ luật đầy đủ về biển, trong đó có loạt luật liên quan tới tài nguyên và môi trường biển. Ví dụ, cần xây dựng các luật chuyên ngành, chuyên sâu về Khai thác, sử dụng biển (Sea-use), Môi trường biển (Marine environment), Quản lý hải đảo..., không nên để một vài “luật biển” gánh vác cả như hiện nay. Bên cạnh đó, Đảng và Chính phủ cũng cần ban hành nhiều hơn các chính sách đặc thù với độ mở của cơ chế đủ để hỗ trợ, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế biển theo hướng chuyển từ “nâu” sang “xanh”; chuyển từ ưu tiên khai thác các dạng tài nguyên vật chất sang khai thác, sử dụng hiệu quả lâu dài các dạng tài nguyên phi vật chất, phi vật thể, các giá trị không gian và dịch vụ của các hệ sinh thái biển, đảo; gắn phát triển hiệu quả và bền vững kinh tế biển với đảm bảo an ninh, quốc phòng; chuẩn bị điều kiện để sớm tham gia khai thác, sử dụng bền vững đại dương;...
Theo đó, cần ưu tiên xây dựng chính sách (Nghị định, Thông tư hướng dẫn,...) đặc thù, ví dụ: về đánh giá môi trường đối với các dự án đầu tư vào biển; phát triển năng lượng biển tái tạo; phát triển hệ thống đô thị biển thông minh; giải quyết đồng bộ ba vấn đề “Ngư dân, Ngư nghiệp, Ngư trường” (Chính sách tam ngư) hướng tới phát triển nghề cá bền vững và có trách nhiệm ở Việt Nam; phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa biển, bao gồm các giá trị của khảo cổ học biển...
Trong hoạt động giám sát thực thi chính sách pháp luật về môi trường biển, đại biểu quan tâm đến việc triển khai thực hiện các mục tiêu và giải pháp lớn của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Giám sát việc thực thi các luật: Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (2015); Quy hoạch (2017), Thủy sản (2017); Bảo vệ môi trường (2020);... cũng như các chính sách: giao khu vực biển; quản lý tổng hợp và thống nhất quản lý nhà nước về biển, đảo và vùng bờ biển; bảo vệ nguồn lợi thủy sản và chống đánh bắt cá bất hợp pháp (IUU); giám sát mức độ tuân thủ các biện pháp bảo vệ môi trường, bao gồm xả thải, nhận chìm xuống biển ở các khu kinh tế ven biển, ở các khu công nghiệp ven biển, trên đảo, và từ các hoạt động kinh tế trên biển (tàu thuyền, khai thác và vận chuyển dầu khí;...).
Là đại biểu của thành phố Hải Phòng, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi nhấn mạnh, đây là mảnh đất rất đặc biệt, vừa có thế núi, thế sông, vừa có đồng bằng và biển đảo. Sự phân hóa lãnh thổ như vậy tạo cho mảnh đất này các đặc trưng văn hóa riêng - “Văn hóa biển Hải Phòng” và các lợi thế phát triển cơ bản gắn với biển, như: cảng biển, đô thị, công nghiệp, kinh tế biển, thương mại và dịch vụ. Nhìn lại lịch sử gần 300 năm hình thành và phát triển từ một bến nhỏ Ninh Hải xưa (cảng Hải Phòng nay), thành phố Hải Phòng luôn khẳng định được vị thế địa chiến lược quan trọng đặc biệt của mình, cùng với phát huy các giá trị văn hóa vốn có của người Hải Phòng. Vì thế, bên cạnh phát huy các lợi thế, việc tiếp tục khơi dậy các giá trị tinh hoa văn hóa, biến nó thành động lực phát triển thành phố đã được người Hải Phòng xem trọng và rất quan tâm.
Thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế biển theo hướng chuyển từ “nâu” sang “xanh” (Ảnh minh họa)
Theo đại biểu, hướng ưu tiên đối với phát triển kinh tế - xã hội của Hải Phòng là đấu phát triển Hải Phòng trở thành hình mẫu của một thành phố ở vùng cửa sông ven biển giàu và đẹp, thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng; một thành phố “an ninh, an toàn, an sinh” đứng đầu cả nước vào năm 2030; một thành phố tiên phong trong thực hiện “Khát vọng Việt Nam” đến năm 2045 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Để có thể đóng góp nhiều nhất vào định hướng chiến lược nói trên, đại biểu quan tâm đến tạo “động lực phát triển” từ các giải pháp phát huy các giá trị “địa văn hóa” của Hải Phòng với đặc thù văn hóa biển, với các giá trị di sản ngoại hạng, với các loại hình kiến trúc đô thị độc đáo như một “Pari ở phương Đông” trên nền cảnh quan của một vùng sông nước ven biển nhiệt đới.
Trong quá trình mở rộng, phát triển đô thị và khu công nghiệp theo định hướng nói trên cần gắn chặt với nhiệm vụ bảo tồn thiên nhiên, nguồn lợi thủy - hải sản, bảo vệ môi trường đô thị, cảng và kiểm soát tốt chất thải đổ vào biển (chất thải công nghiệp, đô thị, sinh hoạt và rác thải nhựa,...); bảo toàn các giá trị di sản toàn cầu và quốc gia ở vùng biển đảo Cát Bà - Long Châu làm nền tảng cho phát triển loại hình kinh tế dựa vào bảo tồn (Conservation-based economy), bao gồm nghề cá giải trí,...; xây dựng một cơ sở khoa học - công nghệ đại dương tầm cỡ quốc gia, khu vực và quốc tế để thu hút các nhà khoa học, các tổ chức khoa học đại dương quốc tế vào làm việc và nghiên cứu, triển khai ứng dụng tại Việt Nam. Thực thi hiệu quả, công bằng chính sách nông thôn mới gắn với nâng cao mức sống của nông dân; ưu tiên công nghiệp hóa nông nghiệp đối với các dự án bảo quản, chế biến và tạo ra chuỗi giá trị để nông dân trực tiếp tham gia. Trong quá trình đô thị hóa, chú trọng cải thiện một bước đáng kể đời sống của người dân đô thị; thực hiện xóa đói giảm nghèo bền vững, lấy người dân làm mục tiêu chính của sự phát triển thành phố.
Phải giải quyết tốt cân bằng giữa môi trường và phát triển trong kinh tế biển
Quan tâm sâu về kinh tế biển, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cũng chỉ rõ, nguồn lợi thủy sản đang bị giảm sút nghiêm trọng do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là do mất an ninh môi trường biển gần đây từ những hành vi ứng xử xấu với môi trường biển. Trong khi, các nguồn thải từ đất liền và nhận chìm trên biển ở nước ta có chiều hướng gia tăng, chưa được kiểm soát hiệu quả, rác thải nhựa chưa được quản lý đổ ra các vùng cửa sông ven biển và trôi dạt từ ngoài biển vào đang ở mức báo động. Rất tiếc, những hành vi vi phạm như vậy lại xảy ra ở trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam (nội thủy, lãnh hải), mặc dù đã nhãn tiền từ bài học liên quan tới sự cố môi trường Formosa. Các thông báo gần đây của Viện Nghiên cứu Hải sản cho thấy, trữ lượng hải sản ở vùng biển nước ta đã giảm khoảng 16% so với trước năm 2010. Ở vùng biển gần bờ và các thủy vực nước lợ ven bờ biển đã bị đánh bắt quá mức, thậm chí vùng lõi của khu bảo tồn biển và các khu bảo tồn nguồn lợi thủy sản khác cũng bị đánh bắt theo lối hủy diệt,...
Đại biểu Nguyễn Chu Hồi cho rằng, cần phải giải quyết tốt cân bằng giữa môi trường và phát triển trong kinh tế biển
Cho nên, hơn lúc nào hết cần phải giải quyết tốt cân bằng giữa môi trường và phát triển trong phát triển kinh tế biển, bao gồm nghề cá hướng tới phát triển bền vững. Ngoài các giải pháp dài hạn và ngắn hạn nói trên, đại biểu cho rằng cần phải tập trung bảo toàn nguồn vốn tự nhiên biển (marine natural assets), trước hết là các hệ sinh thái biển – ven biển, là yếu tố nền tảng bảo đảm cho phát triển kinh tế biển hiệu quả và bền vững. Cần phải đưa các cân nhắc, vấn đề môi trường biển, thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng,... vào trong bộ chỉ số để sàng lọc các dự án đầu tư, ngang bằng các chỉ số về kinh tế - xã hội. Nên ban hành chính sách và hướng dẫn kỹ thuật cụ thể đối với việc kiểm soát chất thải từ các nguồn thải tiềm năng đổ ra biển, bao gồm cả việc quy định không chỉ hàm lượng chất thải sau xử lý so với quy chuẩn, mà phải quy định tổng lượng thải theo đơn vị thời gian để ngăn ngừa các tác động tích lũy.
Đồng thời, có chính sách riêng cho các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản và khu bảo tồn đa dạng sinh học biển... trong đó tăng cường phân cấp cho cộng đồng địa phương để chủ động bảo vệ nguồn sinh kế của chính họ. Đặc biệt, cần làm tốt quy hoạch không gian biển dựa vào hệ sinh thái để giảm thiểu mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển các ngành/lĩnh vực kinh tế biển theo yêu cầu của Luật Quy hoạch. Áp dụng hiệu quả phương thức quản lý biển theo không gian, giao không chỉ quyền sử dụng khu vực biển cho các ngành, địa phương và các nhóm cộng đồng mà còn cả trách nhiệm quản lý cho họ, đồng thời với các chế tài cụ thể, đạt mức răn đe hiệu quả nhất.