Error

Web Part Error: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe. Correlation ID: 5ba467a1-8942-90f0-c4c5-04648f980a79.

Error Details:
[UnsafeControlException: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe.]
  at Microsoft.SharePoint.ApplicationRuntime.SafeControls.GetTypeFromGuid(Boolean isAppWeb, Guid guid, Guid solutionId, Nullable`1 solutionWebId, String assemblyFullName, String typeFullName, Boolean throwIfNotSafe)
  at Microsoft.SharePoint.WebPartPages.SPWebPartManager.CreateWebPartsFromRowSetData(Boolean onlyInitializeClosedWebParts)

ĐBQH TRẦN VĂN TIẾN: CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG TRẦN TUẤN ANH VỀ GIẢI PHÁP CHỐNG HÀNG GIẢ, HÀNG NHÁI

27/02/2020

Trên thị trường, việc bày bán tràn lan hàng giả, hàng nhái của các thương hiệu uy tín và nổi tiếng trên thế giới diễn ra công khai ở hầu khắp các phân khúc và đang là một trong những vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Trước tình hình này, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh về giải pháp khắc phục.

Mỹ phẩm giả bày bán tràn lan

Bệnh viện Da liễu Trung ương từng tiếp nhận trường hợp nữ bệnh nhân (24 tuổi) nhập viện trong tình trạng vảy tiết nhiều toàn bộ vùng mặt, gần như không còn thấy được vùng da lành. Theo chia sẻ của nữ bệnh nhân, với mong muốn cải thiện làn da trắng sáng hơn, cô đã tới một phòng khám trên địa bàn Hà Nội và được tư vấn mua bộ sản phẩm phục hồi da gồm cả thuốc uống, thuốc bôi.

Bệnh nhân (24 tuổi) nhập viện trong tình trạng vảy tiết nhiều toàn bộ vùng mặt

Cũng tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, các bác sỹ tiếp nhận một bệnh nhân nữ (22 tuổi) nhập viện trong tình trạng bị bội nhiễm virus, vi khuẩn nặng, tổn thương toàn bộ vùng da mặt vì sử dụng bột mỹ phẩm rửa mặt mua qua mạng. Theo lời kể của bệnh nhân, sau 2 lần sử dụng một loại bột rửa mặt được quảng cáo online trên mạng thì thấy trên da bắt đầu xuất hiện triệu chứng nóng rát, ngứa ngáy khó chịu. Toàn bộ vùng da mặt nhanh chóng xuất hiện các tổn thương nghiêm trọng như mụn nước, dập vỡ, để lại nhiều vết trợt và vảy tiết trên da.

Trung bình, mỗi ngày Bệnh viện Da liễu Trung ương tiếp nhận khoảng 1.500 bệnh nhân, trong đó nhiều bệnh nhân phải nhập viện để điều trị bệnh lý do mỹ phẩm giả, kém chất lượng gây ra. TS.BS Phạm Thị Minh Phương - Trưởng khoa Khám bệnh cho biết, để có giá thành rẻ hơn nhiều so với hàng thật, tác dụng nhanh, các cơ sở sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm giả đã đưa vào sản phẩm mỹ phẩm những thành phần độc hại, bị cấm sử dụng như chì, thuỷ ngân, kẽm... Hậu quả là nhiều người sau khi sử dụng đã bị dị ứng hoặc viêm da…

Dạo quanh một số khu chợ tại thành phố Hà Nội như chợ Xanh, Phùng Khoang, Nghĩa Tân, Hà Đông… chúng ta dễ dàng bắt gặp nhiều quầy hàng bán mỹ phẩm làm đẹp gắn nhãn mác của các thương hiệu nổi tiếng như: Innisfree (Hàn Quốc), Maybeline (Mỹ), L’Oréal Paris (Pháp) tuy nhiên lại có giá siêu “mềm” chỉ từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng đổ lại.

Không chỉ xuất hiện ở các chợ lớn nhỏ, trên mạng xã hội cũng xuất hiện hàng loạt các trang Web, trang mạng xã hội ồ ạt quảng cáo, livestream các mặt hàng mỹ phẩm với những lời quảng cáo thổi phồng công dụng của sản phẩm. Một số người bán trên mạng sẵn sàng dùng thử, cam kết 100% hàng chính hãng, tung ra đủ các chiêu trò nhằm“mê hoặc” khách hàng….

Mỹ phẩm được cho là mặt hàng không thể thiếu đối với nhiều chị em phụ nữ nhưng phần lớn được lưu thông trên thị trường là hàng giả. Số liệu khảo sát của cơ quan sở hữu trí tuệ Việt Nam cho biết, có tới hơn 50% mỹ phẩm đang bị làm giả, làm nhái các thương hiệu nổi tiếng được rao bán công khai.

Mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ bị bắt giữ tại Thừa Thiên Huế

Mới đây, ngày 26/2/2020, Cục Quản lý thị trường Thừa Thiên Huế tạm giữ hàng ngàn tuýp, lọ mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ trên xe khách từ phía Nam ra Bắc để bên vệ đường Quốc lộ 1A thuộc địa bàn huyện Phong Điền. Số hàng hóa mỹ phẩm này mang nhãn hiệu kem dưỡng da Alovera, nhãn hiệu Kim Hoàng, hồng sâm Collagen, mỹ phẩm căng da phủ sương, hiệu Titan. Tất cả số hàng hóa này đều không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ./.

Thực phẩm chức năng dởm “tung hoành”

Cũng do nhu cầu làm đẹp, tăng cường sức khỏe của người dân ngày một tăng cao nên các sản phẩm thực phẩm chức năng cũng bị trà trộn làm giả nhiều. Bên cạnh những sản phẩm chức năng có chất lượng, thì không ít cơ sở sản xuất, kinh doanh giả, kém chất lượng. Theo Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam, hiện nay, hoạt động đăng ký tham gia thị trường thực phẩm chức năng có hơn 3.600 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh với gần 7.000 sản phẩm nhưng rất khó kiểm soát chất lượng, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn sản xuất thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng.

Trong khi lợi nhuận thu được từ mặt hàng thực phẩm chức năng rất lớn, thì điều kiện để cấp phép lưu hành sản phẩm trên thị trường lại đơn giản hơn nhiều so với thuốc tân dược, ngoài ra nhu cầu làm đẹp, nhu cầu tăng cường sức khỏe lớn nên các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm chức năng không đảm bảo chất lượng bất chấp thủ đoạn “lộng hành”.

Năm 2019, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội liên tục phát hiện nhiều vụ vận chuyển thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc. Cụ thể, đêm ngày 11/12/2019, trên tuyến đường Nội Bài về trung tâm thành phố Hà Nội, Cục Quản lý Thị trường Hà Nội phối hợp cùng với Công an thành phố Hà Nội khám 03 xe ô tô mang BKS 30A - 550.88; 29A - 010.43; 30A - 144.49 và bắt giữ 1.500 sản phẩm hàng hóa bao gồm thực phẩm chức năng, thực phẩm dinh dưỡng, mỹ phẩm.

Trước đó, 3.000 sản phẩm thực phẩm chức năng dưới dạng sản phẩm của các nhà thuốc Đông y gia truyền cũng bị lực lượng quản lý thị trường Hà Nội phát hiện khi kiểm tra cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng, mỹ phẩm tại số nhà 45, ngõ 9 Hoàng Cầu (Hà Nội). Kiểm tra xe ô tô mang biển kiểm soát số 29C-65293 đang vận chuyển hàng hóa tại ga Giáp Bát đơn vị này cũng giữ 5.590 viên An Cung Ngưu Hoàng hoàn Kwangdong và 31.990 viên Ngưu Hoàng Thanh Tâm hoàn nhãn hiệu Tongren, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.

Ông Nguyễn Công San: Thực phẩm chức năng giả được “phù phép” thành sản phẩm của Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc

Ông Nguyễn Công San, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, cho biết, thị trường thực phẩm chức năng phát triển mạnh mẽ trong khi hệ thống quy định pháp luật về điều kiện sản xuất, kinh doanh mặt hàng này còn khá lỏng lẻo. Đặc biệt, hầu hết nguyên liệu sản xuất thực phẩm chức năng giả nhãn mác là hàng giá rẻ, nhưng được “phù phép” thành sản phẩm của Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc... 

Sau 1 năm thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã tiến hành kiểm tra 1.111 vụ, xử lý 1.031 vụ, khởi tố hình sự 1 vụ với 1 đối tượng.

Năm 2019: 8.000 vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Không chỉ mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hầu hết những mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, thậm chí cả hàng điện tử của các hãng nổi tiếng cũng đều bị cá nhân, doanh nghiệp cố tình làm giả, làm nhái nhằm thu lợi bất chính. Riêng năm 2019, lực lượng quản lý thị trường cả nước phát hiện hơn 8.000 vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Thực phẩm chức năng, tân dược giả bị bắt giữ tại TP. Hồ Chí Minh

Riêng tại Tp. Hồ Chí Minh, các cơ quan chức năng phát hiện hơn 1.000 vụ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Đơn cử như Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh thu giữ 234 thùng thực phẩm chức năng với hơn 8.000 hộp dạng cốm của Công ty TNHH Toàn cầu D2 Việt Nam (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) do không có chứng nhận GMP trong sản xuất. Cuối tháng 7/2019, Công an Thành phố Hồ Chí Minh còn bóc dỡ một đường dây sản xuất thực phẩm chức năng giả quy mô cực lớn tại 4 địa điểm sản xuất, phân phối ở quận 8, 10, 11 và huyện Bình Chánh, thu giữ 504 thùng carton chứa hàng chục nghìn hộp thực phẩm chức năng, tân dược giả; hàng trăm kg nguyên liệu, bao bì, nhiều máy móc, dụng cụ dùng để sản xuất hàng giả.

Ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết: Câu chuyện hàng giả, hàng nhái không là vấn đề mới song chưa bao giờ là cũ, bởi từng ngày, từng giờ vẫn đang hiện diện, tác động trực tiếp đến xã hội bởi siêu lợi nhuận trong buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng lậu khiến rất nhiều người đã lựa chọn con đường gian thương. Chính vì vậy mà số vụ vi phạm ngày càng mang tính quy mô, mức độ nguy hiểm ngày một trầm trọng hơn. Để góp phần bảo đảm thị trường ổn định, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh và quyền lợi người tiêu dùng, mới đây, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) đã công khai hàng trăm tụ điểm kinh doanh buôn bán hàng giả, hàng nhái nổi cộm tại 20 tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Quảng Trị, Bình Dương và Kiên Giang.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn

Không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, người sử dụng phải hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng như thuốc, thực phẩm chức năng, thực phẩm, đồ uống còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, tính mạng con người tài chính của người tiêu dùng, làm suy giảm niềm tin của người sử dụng. Đối với doanh nghiệp làm ăn chân chính ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống còn, đến uy tín. Xa hơn là vấn đề an ninh xã hội, tính minh bạch của thị trường hàng hóa, uy tín của một quốc gia và thất thu lớn ngân sách nhà nước. Trước thực trạng này, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV vào chiều 6/11/2019 đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc đã có chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh về giải pháp khắc phục tình trạng hàng giả, hàng nhái. 

Đại biểu Trần Văn Tiến nêu: “Tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng như thuốc chữa bệnh, dược phẩm, thực phẩm chức năng tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp gì trong thời gian tới để khắc phục tình trạng nêu trên? Trách nhiệm của Bộ trưởng và các cơ quan có liên quan để xảy ra tình trạng trên trong thời gian qua?”

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn đại biểu

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Văn Tiến, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: câu chuyện về gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng không còn là cá biệt ở các địa phương trên cả nước, nhất là khi chúng ta đang hội nhập sâu rộng với thế giới. Thậm chí có những nơi hoạt động này được tổ chức rất tinh vi có sự liên kết giữa trong và ngoài nước. “

Để giải quyết tình trạng này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Chính phủ coi việc chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là một nhiệm vụ trọng tâm, thể hiện qua vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Tổng cục Quản lý thị trường Bộ Công thương.

Lực lượng quản lý thị trường đang tiếp tục tinh giản biên chế, cắt giảm đầu mối nhưng vẫn đang phát huy được vai trò của mình thông qua hàng loạt các cơ chế phối hợp với địa phương, các lực lượng chuyên ngành như bộ đội biên phòng, hải quan, công an. Lực lượng quản lý thị trường cũng như tất cả các lực lượng chức năng, hệ thống chính trị có trách nhiệm trước tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng gian lận, hàng nhái kém chất lượng diễn ra ở nhiều địa phương.

Bộ trưởng Bộ Công thương cũng nhấn mạnh: Đã nhiều lần không chỉ có hàng thuốc giả, hàng mỹ phẩm giả mà đơn giản là quần áo, đồ trang sức và những đồ tiêu dùng khác, hàng giả được bày bán công khai với sự tiếp tay của rất nhiều lực lượng chức năng tại địa phương. Theo Bộ trưởng Công thương, các lực lượng chức năng đang tổ chức các cuộc đấu tranh tại một số địa bàn trọng điểm như Đồng Tháp, An Giang, và các thành phố lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Khánh Hòa…

“Tại diễn đàn Quốc hội, tôi cũng nhìn nhận trách nhiệm của mình trong việc thời gian qua chưa bảo đảm hết những yêu cầu trong đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng”. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cam kết, trong thời gian tới, lực lượng chức năng quản lý thị trường sẽ tiếp tục làm tốt và sẽ làm tốt hơn trách nhiệm của mình, chủ động phối hợp với các địa phương cũng như lực lượng chức năng đấu tranh, chống buôn lậu, gian lận thương mại”./.

Chống hàng giả, hàng nhái là một mặt trận kinh tế đầy khó khăn, thách thức

Hầu hết các hãng có uy tín, có thương hiệu, được người tiêu dùng ưa chuộng đều có nguy cơ bị làm giả, làm nhái hàng hóa. Tổng cục Quản lý thị trường cũng đặt ra mục tiêu đến hết tháng 6 năm 2020: 50% số cơ sở kinh doanh tại các địa bàn nổi cộm không còn kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;  70% số cơ sở kinh doanh đã bị xử phạt vi phạm hành chính không tái phạm. Đến hết tháng 12 năm 2020: 90% đến 100% số cơ sở kinh doanh tại các địa bàn nổi cộm không còn kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái vẫn đang diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi.

Vậy, tính hiệu quả của các giải pháp nhằm góp phần đẩy lùi, tiến tới ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái theo kế hoạch của Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương đưa ra có khả thi? Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc về vấn đề này.

Đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc

Phóng viên: Xuất phát từ thực tiễn nào, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Trần Tuấn Anh về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng của nước ta?

Đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc: Xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, trên thị trường có rất nhiều hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Qua các cuộc tiếp xúc, cử tri phản ánh về tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan trên thị trường, ở rất nhiều phân khúc của thị trường, từ các phiên chợ vùng sâu, vùng xa đến hè phố, thậm chí len lỏi, trà trộn vào cả những siêu thị khiến người dân rất khó phân biệt. Đồng thời cũng qua báo cáo của Bộ trưởng Bộ Công thương cũng đã khẳng định mức độ nguy hại về tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang có nguy cơ làm mất an ninh, trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng tới sức khỏe của cộng đồng. Chính vì những lý do này tôi đã có chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh về giải pháp hữu hiệu cho tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất ở nước ta hiện nay.

Phóng viên: Ngay sau khi đại biểu chất vấn, Bộ trưởng đã đăng đàn trả lời trước Quốc hội. Quan điểm của đại biểu về nội dung trả lời của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh xung quanh vấn đề đại biểu chất vấn?

Đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc: Trả lời chất vấn của tôi, Bộ trưởng Bộ Công thương đã thừa nhận trách nhiệm của mình là chưa bảo đảm hết những yêu cầu trong đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng. Bộ trưởng cũng đã khẳng định Chính phủ coi việc chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là một nhiệm vụ trọng tâm, được thể hiện qua vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Tổng cục Quản lý thị trường Bộ Công thương. Trong phần trả lời Bộ trưởng cũng cam kết thời gian tới, lực lượng chức năng quản lý thị trường sẽ tiếp tục làm tốt và sẽ làm tốt hơn trách nhiệm của mình, chủ động phối hợp với các địa phương cũng như lực lượng chức năng đấu tranh, chống buôn lậu, gian lận thương mại. Tôi đồng tình với nội dung trả lời của Bộ trưởng là đã trả lời bám sát câu hỏi, sát với thực tế và đã nhận trách nhiệm về phần mình.

Phóng viên: Dù công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đã thu được những kết quả tích cực nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. Theo đại biểu, nguyên nhân tồn tại và phát triển của hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là gì?

Đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc: Theo tôi, nguyên nhân hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn còn diễn biến phức tạp và tinh vi là do lợi nhuận thu về từ sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là rất cao. Chính vì siêu lợi nhuận nên nhiều đối tượng bất chấp thủ đoạn hoạt động. Bên cạnh đó, với sự phát triển mạnh mẽ của internet, hàng giả hàng nhái hàng kém chất lượng có cơ hội đến với người tiêu dùng nhanh và rộng rãi hơn thông qua các trang Web và mạng xã hội, nhất là những cam kết, lời quảng cáo thổi phồng sự thật để đánh lừa người tiêu dùng, trong khi đó việc việc kiểm tra, kiểm soát nội dung quảng cáo, kiểm tra hàng của các cá nhân, tổ chức trên mạng là rất khó khăn.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng không có nhiều thông tin về mặt hàng mình đang mua mà chỉ dựa vào những gì được in trên bao bì hoặc nhận thông tin từ người bán hàng, trong khi đó hàng giả được làm một cách tinh vi và giống hệt như hàng thật nên người tiêu dùng sử dụng. Ngoài ra cũng cũng có người tiêu dùng dù biết mình đang mua hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng nhưng vẫn chấp nhận mua vì giá cả phù hợp với túi tiền họ qua đó tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái hàng kém chất lượng vẫn còn “đất sống” ngoài thị trường.

Lực lượng quản lý thị trường còn mỏng, sự phối hợp giữa lực lượng quản lý thị trường với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương còn nhiều hạn chế, thiếu sự đồng bộ. Chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe đối với các đối tượng sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Trong khi đó đường biên giới, đường sông đường biển quá nhiều nên chúng ta không đảm bảo được hết nhiệm vụ bảo vệ trên toàn tuyến đối với việc vận chuyển mua bán, tàng trữ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Phóng viên: Trong phần trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã đưa ra một số giải pháp. Đại biểu có ấn tượng với giải pháp nào? Vì sao?

Đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc: Bộ trưởng Bộ Công thương đã khảng định sự quyết tâm của Bộ trưởng, lực lượng chức năng trong việc phối hợp với các cơ quan, đặc biệt là các địa phương trong công tác đấu tranh với tình trạng buôn lậu, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển và tiêu dùng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Đây là giải pháp tôi cho là ấn tượng nhất, bởi Bộ trưởng đã nhận thấy trách nhiệm, hạn chế trong ngành mình thời gian qua vẫn để xảy ra tình trạng buôn lậu, sản xuất, vận chuyển và tiêu dùng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ở hầu khắp các địa phương do chưa có sự phối hợp chặt chẽ. Và thông qua giải pháp này, tôi tin tưởng với sự nỗ lực vào cuộc tích cực của lực lượng quản lý thị trường, các cơ quan chức năng và địa phương với sự phối hợp nhịp nhàng đồng bộ, chặt chẽ và quyết liệt thì sẽ kiểm soát đc tình hình buôn lậu, sản xuất vận chuyển, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Bộ trưởng cũng khẳng định, dù lực lượng quản lý thị trường đã được kiện toàn và tinh giảm biên chế nhưng Bộ trưởng vẫn cam kết sẽ làm tốt và làm tốt hơn. Điều này thể hiện sự nỗ lực và quyết tâm cao của Bộ trưởng cũng như toàn ngành công thương trong công tác này.

Phóng viên: Ngoài giải pháp Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đưa ra, đại biểu có đề xuất, kiến nghị gì để đẩy lùi nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trong thời gian tới?

Đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc: Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, dự báo việc gian lận thương mại sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, tinh vi hơn. Tôi nghĩ việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước số hóa công tác quản lý thị trường sẽ là giải pháp góp phần hạn chế tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Tăng cường đội ngũ để đảm bảo đủ mạnh ngoài xử lý hàng kém chất lượng trên thị trường còn xử được hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng qua môi trường mạng.

Bên cạnh đó, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý chất lượng hàng hóa theo tiêu chuẩn để có chuẩn mực đánh giá chất lượng, qua đó lực lượng chức năng, người dân dễ dàng phân biệt được đâu là hàng giả, đâu là hàng thật. Ngoài ra, hoàn thiện chế tài xử lý đủ sức răn đe để cá nhân, doanh nghiệp không giám giả mạo mẫu mã, không thể lợi dụng và không dám lợi dụng để sản xuất, kinh doanh, buôn bán vận chuyển, tàng trữ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Ngoài ra, phát động phong trào toàn dân tố giác cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, mua bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Người tiêu dùng cũng cần nâng cao tinh thần cảnh giác khi mua hàng và phải nhận thức rõ nhiệm vụ của mình trong việc chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Việc này không chỉ là bảo vệ quyền lợi của mình mà còn chống lại hành vi phá hoại sản xuất, kìm hãm sự phát triển kinh tế đất nước.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Cũng theo đại biểu Trần Văn Tiến, hầu hết các hãng có uy tín, có thương hiệu, được người tiêu dùng ưa chuộng đều có nguy cơ bị làm giả, làm nhái một cách tinh vi và rất khó phân biệt. Vì thế, chống hàng nhái, hàng giả là một mặt trận kinh tế đầy khó khăn, thách thức vì làm hàng nhái, hàng giả không phải tốn tiền đầu tư cho nghiên cứu sản xuất mà lợi nhuận lại cao nên nhiều người không từ bất kỳ thủ đoạn nào để thực hiện. Do vậy cuộc đấu tranh đối với vấn nạn này đòi hỏi phải có sự vào cuộc một cách tích cực, chủ động của toàn xã hội từ người dân đến các tổ chức, doanh nghiệp và đặc biệt là các bộ ngành có liên quan, nhất là Bộ Công thương để từng bước đẩy lùi vấn nạn này. Song song với đó, trên hết, người tiêu dùng phải biết tự bảo vệ chính mình trước “chiêu trò” của các gian thương nhằm tránh tiếp tay cho vấn nạn kẻ xấu./.

 

 

Lê Phương