Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình phát biểu tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV
Tham gia ý kiến về việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho rằng, để có sự thống nhất, tạo đà bứt phá, đưa nền kinh tế phát triển bền vững trong năm 2021 và những năm tiếp theo, cần phải có những cơ chế, giải pháp bổ sung một số nội dung như sau:
Thứ nhất, cần phải xác định lĩnh vực công nghiệp là mục tiêu đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam khởi đầu nông nghiệp là quan trọng, cần thiết nhằm mục đích xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống. Thời gian qua, lĩnh vực nông nghiệp đã có những bước đạt đỉnh cao. Tương lai muốn giàu có, thu nhập cao thì sản xuất công nghiệp là lĩnh vực quan trọng. Giải pháp phát triển công nghiệp là thu hút vốn đầu tư FDI. Nhân tố đặc biệt quan trọng để tăng trưởng kinh tế của các quốc gia hội nhập kinh tế quốc tế. Thực tế 16 tỉnh vừa cân đối, vừa nộp được ngân sách cho quốc gia như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Vĩnh Phúc hoặc Bắc Ninh những địa điểm này không phải mạnh về nông nghiệp, nhưng lại là 1 trong 16 tỉnh đứng đầu trong cả nước nộp ngân sách cho quốc gia là nhờ phát triển công nghiệp. Đại biểu kiến nghị cần quan tâm phát triển công nghiệp trong thời gian tới để làm cho nền kinh tế có những thay đổi đột biến.
Thứ hai, cần phải bổ sung quyết liệt trong giải ngân vốn đầu tư công, giải pháp quy hoạch xét duyệt các dự án đầu tư một cách chu đáo và chặt chẽ, không dàn trải, phòng, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng, đẩy nhanh hoàn thành công trình các dự án.
Về giải ngân vốn đầu tư, thực tế trong 10 năm qua, có 12 dự án lớn và nhiều dự án khác trong đầu tư hiệu quả thấp, thất thoát lớn. Nhiều dự án có dấu hiệu của tham nhũng, lãng phí, không chỉ gây ra tổn hại về mặt kinh tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng cả về mặt chính trị, xã hội. Theo Báo cáo số 525, báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 10 này, về công tác phòng, chống tham nhũng 2020 có thống kê: thanh tra phát hiện vi phạm về kinh tế 119.000.528 tỷ đồng, 9.045 hecta đất, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 54.770,44 tỷ đồng. Nhìn chung, tham nhũng được kiềm chế từng bước, từng ngăn chặn và có nhiều chuyển hướng thuyên giảm tích cực, góp phần quan trọng trong giữ vững ổn định chính trị, kinh tế - xã hội và nâng cao uy tín của Đảng, Nhà nước và vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, có biểu hiện tinh vi hơn và khó phát hiện. Vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý chưa tương xứng với tình hình tham nhũng diễn ra hiện nay. Dự báo tình hình tham nhũng, tình hình nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, cho doanh nghiệp trong giải quyết công việc để vụ lợi, tham nhũng vặt ở một số bộ phận cán bộ, công chức, viên chức vẫn tiếp tục diễn ra ở một số bộ, ngành, địa phương. Quản lý và sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, tín dụng ngân hàng, quản lý, sử dụng tài chính ngân sách, vốn và tài sản công tiếp tục, những lĩnh vực để xảy ra tham nhũng có thể gia tăng một số vụ, hậu quả xã hội ở mức độ tinh vi và nghiêm trọng hơn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng cảnh báo, tham nhũng là giặc nội xâm, Đảng ta gọi là nguy cơ đối với Đảng cầm quyền, là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng, đe dọa sự tồn vong của chế độ, sự tồn vong của quốc gia dân tộc, là một lực cản nặng nề cho sự phát triển kinh tế và xã hội, là tệ nạn làm tổn hại đến danh dự của Đảng, làm suy giảm niềm tin của nhân dân. Chính vì thế, cần phải có những biện pháp phòng chống.
Thứ ba, đại biểu đề nghị Chính phủ và các ngành cần phải quan tâm đến việc không để ai ở lại phía sau cùng đồng hành cần thực hiện mục tiêu không để tỉnh nào ở lại phía sau. Thực tế, các tỉnh, thành phố đã có cơ hội phát triển kinh tế, còn có nghị quyết, chế độ thực hiện mục tiêu riêng, có cơ hội thu hút vốn, doanh nghiệp, còn tỉnh nào đã khó khăn lại càng khó khăn trong thu hút đầu tư, đặc biệt là vốn FDI./.