Phát biểu tại hội trường về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đại biểu Trần Kim Yến cơ bản thống nhất về sự cần thiết ban hành Luật này trước yêu cầu đảm bảo an ninh, trật tự trong tình hình mới và yêu cầu kiện toàn, sắp xếp, bố trí lực lượng, tinh gọn đầu mối, gắn với việc hoàn thiện chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của từng tổ chức.
Đại biểu Trần Kim Yến – Đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Theo đó, thực hiện việc sắp xếp, bố trí thống nhất các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã, thị trấn bán chuyên trách đã kết thúc nhiệm vụ thành một lực lượng chung với tên gọi là lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để tham gia phối hợp, hỗ trợ lực lượng công an cấp xã chính quy trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn. Quy định cụ thể, thống nhất nhiệm vụ, quyền hạn, nhiệm vụ của lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với tính chất là tham gia hỗ trợ lực lượng công an chính quy cũng như mối quan hệ công tác của lực lượng này với cơ quan, tổ chức ở địa bàn cơ sở.
Ngoài ra theo đại biểu Trần Kim Yến, việc thống nhất 3 lực lượng này sẽ xác định rõ chủ thể chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, khắc phục được thực trạng hiện nay có nhiều lực lượng cùng tham gia nhưng không xác định được chủ thể chịu trách nhiệm chính.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Kim Yến cũng chỉ rõ, hiện nay, số lượng của 3 lực lượng dự kiến trên 651.000 người, giảm khoảng 500.000 người, tương đương khoảng 3/4. Nhưng trong hồ sơ trình có tiêu chí nào để giảm và giảm lực lượng nào là chính: bảo vệ dân phố, công an xã hay dân phòng.
Bên cạnh đó, tại Điều 5 khoản 1 điểm a, điểm b, điểm c về tiêu chuẩn tham gia lực lượng có nêu về vấn đề học vấn, sức khỏe, đạo đức. Tuy nhiên theo đại biểu Trần Kim Yến, dự luật đưa ra các tiêu chuẩn còn hết sức chung chung. Đại biểu cho rằng dự thảo đang ưu tiên cho lực lượng công an xã đã kết thúc nhiệm vụ. Bởi vì tại khoản 1 Điều 33 có nêu các chức danh công an xã bán chuyên trách khi kết thúc nhiệm vụ thì được tiếp tục tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của luật này mà không nhắc đến 2 lực lượng khác, trong khi đó cả 3 lực lượng đều có đóng góp trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở tại cơ sở nói riêng và cho đất nước nói chung theo chức năng, nhiệm vụ được giao trong thời gian vừa qua.
Đại biểu Trần Kim Yến cho biết hiện nay, việc kết thúc nhiệm vụ của công an xã cũng còn có nhiều tâm tư, vì nguyện vọng của công an xã cũng như của dư luận xã hội và lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng và nhiều người khi tham gia giữ gìn an ninh, trật tự ở tại cơ sở là do nhiệt tình, tính tích cực tham gia các vấn đề của địa phương nhằm giữ gìn an ninh, trật tự và sự bình yên cho cộng đồng cũng như của chính bản thân và gia đình mình.
Tại khoản 1 Điều 3 cũng đã xác định lực lượng quần chúng tự nguyện được tuyển chọn làm nòng cốt trong lực lượng quần chúng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
“Tôi nhấn mạnh ở đây 2 chữ “tự nguyện". Như vậy, việc ban hành luật này là để tốt hơn, thuận lợi hơn trong công tác quản lý. Nhưng có khi nào chúng ta đang chính quy hóa lực lượng quần chúng, làm giảm nhiệt tình của quần chúng trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc hay không cần được đánh giá kỹ”, đại biểu Trần Kim Yến nêu ý kiến.
Mặt khác, Tờ trình của Chính phủ có nêu, khi thống nhất được 3 lực lượng thì có thể cắt giảm chi ngân sách khoảng gần 500.000 người, tương đương với việc cắt giảm khoảng 375 tỷ đồng/tháng để chi cho hỗ trợ lực lượng này. Tuy nhiên theo đại biểu, không phải việc giảm chi lúc nào cũng tốt.
“Chúng ta tiết kiệm, chúng ta không lãng phí nhưng không hà tiện. Ở nơi nào, ở lĩnh vực nào chưa cần thiết thì hết sức tiết kiệm và không lãng phí, nhất là trong giai đoạn kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng nơi nào cần thiết thì dù có nhiều cũng phải chi, nhất là trong vấn đề đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội”, đại biểu Trần Kim Yến nêu quan điểm.
Ngoài ra, việc tinh gọn, tinh giản cũng nên theo đặc thù của địa phương, chứ không nên máy móc giảm cơ học. Ví dụ có những địa bàn chỉ khoảng 7, 8, 9 giờ tối là đã yên bình cho cuộc sống của người dân, nhưng cũng có những địa bàn bình thường là khoảng 12 giờ đêm hoặc có khi đến 2-3 giờ sáng hôm sau. Do vậy theo đại biểu, nếu máy móc giảm một cách cơ học sẽ không đảm bảo được tình hình ở tại địa bàn hoặc như tiêu chuẩn để tham gia lực lượng cũng nên tham khảo thêm ở luật nước ngoài.
Tại Chương II quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng, đại biểu Trần Kim Yến cho rằng cần phải được nghiên cứu rất kỹ và cân nhắc quy định này.
“Có quá nặng không không khi dự thảo luật quy định lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có chức năng là tham gia phối hợp và hỗ trợ”, đại biểu Trần Kim Yến nói, đồng thời cho rằng, dự thảo luật đã khẳng định đây là lực lượng tham gia phối hợp và hỗ trợ, việc quy định nhiệm vụ của lực lượng này như thế nào để tránh trùng lắp với nhiệm vụ chính của công an xã và quan trọng là để tránh được tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa lực lượng chính quy với lực lượng này, cũng như tránh được tình trạng lạm quyền làm thay nhiệm vụ.
Ngoài ra theo đại biểu Trần Kim Yến, cũng cần xác định đây có phải lực lượng thi hành công vụ hay không. Dự thảo luật quy định đây là lực lượng tham gia phối hợp và hỗ trợ, là lực lượng hoạt động không chính danh mà chỉ là lực lượng hỗ trợ, phối hợp để thực hiện nhiệm vụ. Như vậy, khi không có công an đi cùng thì lực lượng này không thể tự mình thực hiện nhiệm vụ. Mặt khác, khi không có công an đi cùng thì có xem là đang thực thi nhiệm vụ hay không và vấn đề bị chống lại thì có xem là chống người thi hành công vụ hay không.