Đại biểu Đặng Bích Ngọc – Đoàn ĐBQH tỉnh Hoà Bình phát biểu
Tham gia ý kiến tại phiên thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2022, đại biểu Đặng Bích Ngọc – Đoàn ĐBQH tỉnh Hoà Bình nhấn mạnh, ngay từ đầu năm 2022, Quốc hội đã tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ nhất với nhiều nội dung quan trọng. Tại kỳ họp, Quốc hội đã có những quyết sách kịp thời nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội về kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách để chủ động ứng phó với những tác động tiêu cực của dịch bệnh, hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo sinh kế và đời sống của nhân dân để không ai bị bỏ lại phía sau.
Đặc biệt, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trên cơ sở nghị quyết, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11 với một loạt nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội. Theo báo cáo của Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2022 có những chuyển biến tích cực, GDP quý I ước tăng 5,03%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2020-2021, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm, chăm lo và phát triển. Việc tổ chức thành công Đại hội thể thao khu vực Đông Nam Á SEA Games 31 đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè các nước trong khu vực và quốc tế.
Bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn những tồn tại, hạn chế như công tác quản lý, sử dụng nguồn lực trong phòng, chống dịch còn bất cập, giá các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, kinh doanh tăng cao, một số địa phương xảy ra tình trạng thiếu hụt cục bộ nguồn lao động. Những yếu tố trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân.
Về việc thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu cho rằng, trong 4 tháng đầu năm, việc triển khai thực hiện chương trình đã đạt những kết quả tích cực, tuy nhiên trên thực tế, các doanh nghiệp và người dân vẫn gặp nhiều khó khăn. Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục có giải pháp để hỗ trợ thêm cho doanh nghiệp và người dân, như: Đề xuất cấp có thẩm quyền giảm một số loại thuế, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, có chính sách bình ổn giá, nhất là giá các mặt hàng thiết yếu để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Chính phủ sớm phân bổ nguồn vốn đầu tư công để thực hiện các dự án trong danh mục thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội phê duyệt. Đối với các dự án mới chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy trình rút gọn để các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện, tránh tình trạng ùn ứ vốn vào cuối năm hoặc phải chuyển nguồn sang năm sau.
Về khả năng hấp thụ nguồn vốn đầu tư, đại biểu cho biết, hiện nay, trong nền kinh tế có một lượng lớn vốn đầu tư đã được Quốc hội quyết định cần được giải ngân, như: Nguồn vốn từ kế hoạch đầu tư công, nguồn vốn từ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, nguồn vốn từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Trong khi để triển khai dự án đầu tư phải thực hiện rất nhiều các thủ tục, như: Chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà thầu. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ sớm phân bổ chi tiết các nguồn vốn đầu tư để các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ theo kế hoạch.
Đối với việc đánh giá, tổng kết thực hiện Nghị quyết 66 của Quốc hội về dự án đường Hồ Chí Minh, đại biểu đánh giá cao hiệu quả mà dự án đã mang lại đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo Nghị quyết 66 của Quốc hội, mục tiêu đến năm 2022 sẽ thông toàn tuyến dự án với chiều dài khoảng 2.744 km, hiện đã hoàn thành 2.362 km, đạt 86,1%. Nhưng đến nay, sau 4 nhiệm kỳ Quốc hội, dự án vẫn còn những đoạn tuyến chưa hoàn thành. Theo phương án Chính phủ trình Quốc hội thì từ nay đến năm 2025 sẽ đầu tư hai đoạn là Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn và Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận, còn đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến với tổng chiều dài 87,5 km. Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ chưa chỉ rõ về hình thức đầu tư cũng như chưa xác định cụ thể thời gian hoàn thành toàn tuyến. Để đảm bảo hiệu lực nghị quyết của Quốc hội cũng như góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu, bố trí nguồn vốn đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 để tiến hành đầu tư tất cả các đoạn tuyến còn lại, đảm bảo thông tuyến, tiến tới hoàn thành toàn bộ dự án.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong công tác quản lý quy hoạch, quản lý đất đai nhằm tạo sự chủ động cho các địa phương đẩy nhanh thời gian thực hiện thủ tục đầu tư các dự án, tận dụng cơ hội thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, cho phép Ủy ban nhân dân cấp tỉnh của một số địa phương có năng lực, kinh nghiệm quản lý làm chủ đầu tư thực hiện các dự án giao thông theo quy hoạch đường cao tốc đi qua địa bàn nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và giảm tải cho Bộ Giao thông.