Toàn cảnh Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023
Hội nghị được thực hiện theo hình thức trực tiếp tại Hội trường Diên Hồng, kết nối trực tuyến với 49 điểm cầu Đoàn ĐBQH các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước. Đây là lần thứ 2 trong nhiệm kỳ này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai chương trình giám sát của Quốc hội. Hội nghị là sáng kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tham dự tại Nhà Quốc hội có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực miền Bắc... Cùng dự còn có đại diện: Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, các bộ, ngành Trung ương, các đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương.
Theo dõi Hội nghị quan trọng này, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, Hội nghị tiếp tục khẳng định quyết tâm đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội. Đồng tình với nhiều giải pháp kiến nghị được đưa ra tại Hội nghị, đại biểu đề xuất, cần chú trọng khâu hậu giám sát, đảm bảo các kiến nghị được thực thi trên thực tế,…
Phóng viên: Sáng 27/9, tại Nhà Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị triển khai chương trình giám sát năm 2023. Theo dõi sự kiện này, đại biểu có đánh giá như thế nào về kết quả của Hội nghị?
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Hội nghị triển khai chương trình giám sát năm 2023 một lần nữa tiếp tục thể hiện quyết tâm đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội. Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung đề xuất nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện 04 chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023.
Hội nghị đã tập trung đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác điều hòa, phối hợp hoạt động tiến hành giám sát, nhất là đối với hoạt động giám sát chuyên đề, việc khảo sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban tại địa phương; giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động xem xét các báo cáo; công tác triển khai hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn năm 2023; việc tăng cường giám sát để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; giải pháp tăng cường sự chỉ đạo và trách nhiệm giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân.
Hội nghị cũng đã đề xuất các giải pháp tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giải trình của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban; tăng cường hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15 ngày 22/7/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thông qua Hội nghị, giúp các ĐBQH, các cơ quan hữu quan có góc nhìn tổng thể về hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2022. Qua tham luận, thảo luận rất nhiều bài học kinh nghiệm, cách làm hay đã được nêu ra; đồng thời, những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai cũng được nhận diện rõ. Đặc biệt, thông qua Hội nghị, giúp thống nhất nhận thức và hành động để thực hiện hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ đề ra trong Chương trình giám sát năm 2023.
Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp
Phóng viên: Theo đại biểu đâu là những điểm đổi mới đáng chú ý trong hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2022?
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Hoạt động giám sát chuyên đề được có nhiều đổi mới cả trong công tác tổ chức thực hiện lẫn phương pháp giám sát. Từ những đổi mới này, đã đưa đến hiệu quả thiết thực, tạo chuyển biến mạnh mẽ ngay trong quá trình giám sát, được cử tri và Nhân dân đồng tình, đánh giá cao.
Bám sát hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có thể thấy rõ, việc triển khai hoạt động của các Đoàn giám sát chuyên đề đều được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo rất sát sao như: Xem xét, cho ý kiến về kế hoạch chi tiết, đề cương báo cáo của các Đoàn giám sát chuyên đề; xác định cụ thể hơn đối tượng, nội dung giám sát tại Kế hoạch chi tiết theo ủy quyền của Quốc hội; Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng bố trí thời gian nghe báo cáo kết quả bước đầu, kịp thời chỉ đạo trong quá trình giám sát, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các Đoàn giám sát;…
Bên cạnh đó, trong khâu tổ chức thực hiện giám sát, các Đoàn giám sát cũng đã huy động cả Đoàn ĐBQH, HĐND tham gia triển khai giám sát để có những luận cứ, bằng chứng rất sát thực. Việc lựa chọn các cơ quan, đơn vị để giám sát trực tiếp cũng được chọn lọc rất kỹ lưỡng và chỉ đến làm việc khi thật cần thiết. Các Đoàn giám sát cũng huy động, phối hợp chặt chẽ với MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, các tổ chức chính trị xã hội... trong quá trình giám sát.
Thông qua đó, kết quả giám là dựa trên những bằng chứng cụ thể, tình hình thực tế của các bộ, ngành, địa phương; đảm bảo có số liệu, luận cứ đầy đủ, thuyết phục,…
Phóng viên: Trong năm 2023, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ triển khai giám sát đối với 04 chuyên đề lớn. Vậy, đâu là chuyên đề đại biểu đặc biệt quan tâm?
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Năm 2023, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giám sát nhiều vấn đề nóng được nhân dân quan tâm như: Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng… Trong 4 chuyên đề được lựa chọn, tôi đặc biệt quan tâm đến chuyên đề về "Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông" tại phiên họp tháng 8/2023.
Vừa qua, trong các buổi tiếp xúc cử tri, cử tri Đồng Tháp cũng bày tỏ vui mừng khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thực hiện chuyên đề giám sát về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Củ tri mong muốn, qua hoạt động giám sát sẽ kịp thời làm rõ những vướng mắc, bất cập và chỉ rõ nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, các bộ, ngành, địa phương trong lĩnh vực này.
Ngoài ra, cử tri cũng kiến nghị, Đoàn giám sát quan tâm đánh giá trên các phương diện như: việc đáp ứng nội dung đổi mới của chương trình; đổi mới phương pháp giáo dục; biên soạn, thẩm định, phê duyệt, xuất bản, phát hành, lựa chọn sách giáo khoa giáo dục phổ thông;… để đưa ra những kiến nghị, giải pháp hữu hiệu khắc phục những bất cập hiện nay, đáp ứng mong mỏi của người dân.
Phóng viên: Nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát là một nội dung quan trọng, khâu then chốt trong quá trình đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Vậy, đại biểu có đề xuất giải pháp gì để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động giám sát trong thời gian tới?
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Cùng với chức năng lập pháp và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát là một trong những chức năng quan trọng của Quốc hội. Hoạt động giám sát của Quốc hội không chỉ nhằm mục đích đưa pháp luật vào cuộc sống, bảo đảm cho pháp luật được thi hành nghiêm chỉnh và thống nhất trong cả nước mà còn đề cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước.
Bên cạnh những kết quả to lớn đạt được thì vấn đề hậu giám sát vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Thực tế cho thấy, nhiều nghị quyết, kết luận, kiến nghị sau giám sát không được cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát thực hiện triệt để hoặc thực hiện chưa đầy đủ dẫn đến các vấn đề được chỉ ra qua giám sát chậm chuyển biến, làm giảm hiệu quả giám sát. Do đó, song song với việc triển khai, ban hành nghị quyết, kết luận giám sát cần tăng cường hơn nữa hiệu quả của công tác hậu giám sát để phát huy thành quả của giám sát trong thực tiễn.
Đây cũng là vấn đề mấu chốt, vấn đề được cử tri đặc biệt quan tâm. Cử tri mong muốn những vấn đề được nêu ra sau giám sát phải được xử lý triệt để, không để tình trạng nêu ra rồi để đấy. Vì vậy, cần có chế tài phù hợp nhằm đảm bảo các kết luận, kiến nghị được thực thi, tạo chuyển biến cụ thể trên thực tế. Đồng thời, đưa hoạt động theo dõi, tổng hợp, đôn đốc về hậu giám sát trở thành hoạt động thường xuyên hàng tháng, quý, cả năm thông qua các công cụ và các hoạt động như: Thông báo về việc thực hiện kết luận giám sát của Quốc hội; báo cáo định kỳ về hoạt động hậu giám sát;..
Ngoài ra, để hậu giám sát thiết thực, cụ thể hơn, cần có các tiêu chí định lượng rõ ràng, có các chỉ số đánh giá, coi đây là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá tín nhiệm của Chính phủ, của thành viên Chính phủ tại mỗi kỳ lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!