TỔNG THUẬT CHIỀU NGÀY 27/10: QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN KẾT QUẢ PHÁT TRIỂN KT-XH NĂM 2022, DỰ KIẾN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KT-XH NĂM 2023
Thiếu các dự án có quy mô lớn của công nghệ hiện đại.
Đại biểu Lã Thanh Tân cho biết, theo văn kiện Đại hội XIII của Đảng ngành công nghiệp hóa chất được xem là ngành kinh tế có tính chất nền tảng, đóng vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội hội của đất nước. Với đóng góp GDP chiếm khoảng 5% trong toàn ngành công nghiệp, tốc độ tăng trưởng hàng năm trung bình ở mức trên 10% luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp. Công nghiệp hóa chất có tiềm năng phát triển tốt, do sản phẩm của ngành này là nguyên liệu đầu vào cho một số ngành kinh tế có tốc độ phát triển cao như: dệt may, da giày, gỗ, sản phẩm từ gỗ, thiết bị linh kiện điện tử, ôtô, xây dựng, thủy, hải sản.
Điểm hạn chế lớn hiện nay là chưa có công nghệ nguồn và cơ chế chính sách để phát triển công nghệ nguồn cho ngành hóa chất, chưa tận dụng tối ưu nguồn tài nguyên, nguyên liệu trong nước và chưa làm chủ được thị trường nội địa. Nhiều doanh nghiệp muốn tìm nguồn hóa chất nội địa để giảm chi phí Logistics và chủ động hơn trong sản xuất, nhưng do trong nước chưa tìm được nhà cung cấp hóa chất, nguyên liệu và các sản phẩm hóa chất quan trọng phục vụ phát triển sản xuất nên phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, điều này làm tăng giá thành một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực dẫn đến giảm sức cạnh tranh tranh của hàng Việt Nam.
Đại biểu Lã Thanh Tân - Đoàn ĐBQH Tp. Hải Phòng
Đồng thời, ngành công nghiệp hóa chất cũng đứng trước một số khó khăn, tồn tại như: quan điểm, nhận thức của một bộ phận dân cư và chính quyền địa phương về vị trí, vai trò, tiềm năng cũng như sự cần thiết phải phát triển công nghiệp hóa chất còn thiên về hướng an toàn, e ngại rủi ro, e ngại sự cố hóa chất, sự cố môi trường cũng như ảnh hưởng về chính trị, an sinh xã hội.
Hoạt động và kết quả nghiên cứu khoa học còn hạn chế, chủ yếu ở mức độ phòng thí nghiệm và các đề tài, thiếu công nghệ mới hiện đại, có tính ứng dụng quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh quốc tế để đầu tư áp dụng. Vốn nhà nước và tư nhân còn nhỏ, hạn chế, trình độ quản lý chưa cao, vẫn còn tình trạng tham nhũng, lãng phí. Nhà nước có tiếp tục đầu tư các dự án lớn trong khi khối tư nhân không đủ vốn, không muốn đầu tư lớn để tránh rủi ro và khó liên kết để phát triển. Vì vậy, thiếu các dự án có quy mô lớn của công nghệ hiện đại, làm hạt nhân làm đầu tàu, thu hút các dự án vệ tinh.
Hệ thống pháp luật và các chính sách tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều bất cập, chồng chéo, độ trễ cao, chưa bắt kịp sự phát triển của ngành. Nhà nước còn thiếu các cơ chế, chính sách đặc thù, linh hoạt để thu hút tối đa các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực trong nước cho đầu tư.
06 kiến nghị để trở thành ngành công nghiệp nền tảng hiện đại.
Luật Hóa chất năm 2007, qua gần 15 năm thực hiện đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng được những đòi hỏi trong tình hình hiện nay như phân định giữa hóa chất và sản phẩm hóa chất chưa rõ ràng, chưa có quy định thể chế hóa định hướng phát triển công nghiệp hóa chất theo hướng thân thiện với môi trường.
Việc phân công trách nhiệm quản lý hóa chất chồng chéo, gây khó khăn trong việc xác định hóa chất doanh nghiệp thuộc cơ quan nào quản lý. Đồng thời, trên thực tế hạ tầng kỹ thuật thông tin về quản lý hóa chất còn nhiều yếu kém. Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn vận chuyển, xây dựng, bảo quản chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, đội ngũ cán bộ quản lý còn mỏng từ Trung ương đến địa phương. Nhiều Sở Công Thương không có cán bộ được đào tạo về hóa chất ngày 16/6/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 726 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2040 với quan điểm phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp hóa chất.
Quốc hội thảo luận về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023
Để thực hiện hiệu quả và thành công Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hóa chất nước ta trở thành ngành công nghiệp nền tảng hiện đại trong phát triển kinh tế đất nước trong thời gian tới, Đại biểu Lã Thanh Tân đưa ra 06 kiến nghị:
Một là, sớm chỉ đạo tổng kết, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Hóa chất năm 2007 xây dựng Luật Phát triển công nghiệp, trong đó có nội dung về công nghiệp hỗ trợ để kịp thời thể chế hóa các chủ trương, chính sách theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đồng thời ban hành các cơ chế, chính sách cụ thể làm cơ sở pháp lý để phát triển thành ngành công nghiệp hóa chất, ngành công nghiệp nền tảng.
Tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tiềm năng phát triển đến cơ quan có thẩm quyền từ Trung ương đến địa phương để đề xuất thực thi các cơ chế, chính sách phù hợp phát triển công nghiệp hóa chất. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, giám sát công tác an toàn, bảo vệ môi trường để xây dựng tiêu chí hình ảnh về một ngành công nghiệp hóa chất phát triển xanh, bền vững.
Hai là, sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn tài nguyên. Tích cực tìm kiếm các nguồn tài nguyên mới để phát triển ngành công nghiệp hóa chất, ứng dụng công nghệ hiện đại để dịch chuyển cơ cấu nhằm gia tăng giá trị tăng thêm của ngành hóa chất, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực hóa học và công nghiệp hóa chất gắn liền với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và công nghiệp sinh thái.
Ba là, trong xây dựng quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, Chính phủ và các địa phương quan tâm xây dựng, hình thành và phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp tập trung, các tổ hợp sản xuất hóa chất có quy mô lớn, di dời các nhà máy máy sản xuất hóa chất vào các khu, cụm công nghiệp nhằm quản lý tập trung, hiệu quả.
Bốn là, phát triển bền vững ngành công nghiệp hóa chất với công nghệ cao, chú trọng phát triển các lĩnh vực, sản phẩm ưu tiên bao gồm các sản phẩm hóa chất có nhu cầu lớn, giá trị gia tăng cao, có lợi thế đảm bảo an ninh lương thực, an ninh y tế.
Năm là, đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế nhằm tận dụng các nguồn lợi thế về nguồn vốn, công nghệ, trình độ quản lý của quốc tế và các doanh nghiệp, đặc biệt là các quốc gia có ngành công nghiệp hóa chất phát triển hiện đại và các tập đoàn lớn trong lĩnh vực hóa chất.
Sáu là, cần có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút, đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực có trình độ cao để làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ngành hóa chất./.