ĐBQH TRẦN QUANG MINH: CÓ NHỮNG CÔNG TRÌNH SAU HÀNG CHỤC NĂM "ĐẮP CHIẾU" ĐƯỢC CHUYỂN ĐỔI CÔNG NĂNG SỬ DỤNG NHƯNG KHÔNG HIỆU QUẢ
QUỐC HỘI THẢO LUẬN VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ GIAI ĐOẠN 2016-2021
Thực hiện Kỳ họp thứ 4, Quốc hội vừa thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.
Đóng góp vào nội dung trên, đại biểu Hoàng Quốc Khánh – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu cơ bản thống nhất với Báo cáo giám sát và dự thảo Nghị quyết giám sát. Tuy nhiên, trong dự thảo Nghị quyết giám sát cần bổ sung làm rõ hơn một số vấn đề sau:
Thứ nhất, trong những năm qua, kinh phí đầu tư cho lĩnh vực giáo dục rất lớn. Bên cạnh những kết quả đạt được còn rất nhiều hạn chế, bất cập. Những số liệu cụ thể được nêu trong báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các báo cáo giám sát của các địa phương đã chỉ ra, như hạn chế, bất cập cho công tác xây dựng dự toán, phân bổ nguồn vốn giải ngân chậm; việc thực hiện các chương trình, đề án, dự án ở các trường đại học trực thuộc trên phạm vi cả nước còn chậm, nhiều dự án ký túc xá không hiệu quả; việc in ấn sách giáo khoa còn nhiều bất cập, lãng phí; việc sử dụng kinh phí mua sắm trang thiết bị nhiều địa phương còn để xảy ra nhiều sai phạm, phải xử lý hình sự.
Các đại biểu đóng góp về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.
Trong báo cáo giám sát có đánh giá nhưng chưa rõ nét, nhất là việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước tại Mục C trang 6 báo cáo giám sát. Vì vậy, đại biểu Hoàng Quốc Khánh đề nghị bổ sung, đánh giá việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực giáo dục trong báo cáo hoặc trong dự thảo nghị quyết, chỉ rõ những hạn chế, bất cập để thấy được trách nhiệm và rút ra bài học kinh nghiệm cho thực hiện trong thời gian tới.
Thứ hai, về nội dung cụ thể trong dự thảo nghị quyết giám sát. Việc nhận định, đánh giá một số lĩnh vực cụ thể, đề nghị xem xét thống nhất giữa đánh giá kết quả đạt được và tồn tại, hạn chế. Ví dụ như đánh giá việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách thủ tục hành chính đạt được nhiều kết quả tích cực là một thành tựu và kết quả nổi bật nhất trong giai đoạn 2016-2021, nhưng phần tồn tại, hạn chế chỉ ra còn nhiều hạn chế, bất cập cần khắc phục, như vậy là chưa phù hợp. Hơn nữa, việc nhận định kết quả trên là thành tựu và kết quả nổi bật nhất giai đoạn 2016-2021 đã thật sự thỏa đáng chưa, đề nghị cân nhắc thêm.
Về tên Điều 3 và Điều 4 dự thảo nghị quyết, theo đó Quốc hội kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan Quốc hội, các ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội các Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp ở Điều 3 và kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ở Điều 4. Đề nghị Ban soạn thảo xem xét thêm, vì đây là hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội. Việc khắc phục những hạn chế, bất cập thuộc trách nhiệm thi hành của các cơ quan, tổ chức, cá nhân qua giám sát Quốc hội đã chỉ ra. Do đó, Quốc hội không kiến nghị mà Quốc hội yêu cầu hoặc giao trách nhiệm cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giải quyết và báo cáo kết quả giải quyết với Quốc hội.
Đại biểu Hoàng Quốc Khánh – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu.
Tại khoản 2 Điều 4 kiến nghị của Chính phủ năm 2022 và 9 tháng đầu năm 2023 phải thực hiện rất nhiều việc nội dung khó, tồn đọng trong cả giai đoạn vừa qua. Ví dụ, có giải pháp khắc phục hơn 3.000 dự án sử dụng vốn nhà nước thất thoát, lãng phí; hơn 70.000 ha sử dụng đất sai mục đích, bỏ hoang, vi phạm pháp luật ởcác công ty nông, lâm nghiệp; thu hồi có phương án sử dụng đối với các diện tích đất nông nghiệp, lâm nghiệp chưa thu hồi. Nội dung ở trên là rất đúng. Đây là kết quả quan trọng mà Đoàn giám sát đã chỉ, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết. Để giải quyết vấn đề này cần có khoảng thời gian nhất định, vì vướng mắc về quy định chính sách, pháp luật cần có thời gian sửa đổi, bổ sung và chỉ đạo thực hiện. Do đó, đại biểu Hoàng Quốc Khánh đề nghị xác định lại mốc thời gian phù hợp để Chính phủ tập trung chỉ đạo, giải quyết một cách tổng thể, triệt để bất cập, hạn chế đã được chỉ ra và báo cáo Quốc hội vào năm 2025 thay vì báo cáo trong 9 tháng đầu năm 2023.
Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chung thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, từ năm 2023, Quốc hội phát động phong trào toàn quốc vận động thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí. Đối với nội dung này, đại biểu Hoàng Quốc Khánh đồng thuận, nhưng cần tính toán kỹ trong việc đảm bảo thiết thực, hiệu quả và có lộ trình thực hiện. Về một số kiến nghị cụ thể, đại biểu Hoàng Quốc Khánh đề xuất:
Một là, qua giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực công còn nhiều bất cập, hạn chế, nếu không được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt sẽ cản trở sự phát triển, làm chậm lại đà tăng trưởng kinh tế của đất nước. Để có thêm cơ sở chính trị vững chắc, đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương ban hành chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong giai đoạn hiện nay, làm căn cứ cho việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật.
Hai là, đề nghị Quốc hội, Chính phủ và Bộ, ngành trung ương xây dựng chính sách, pháp luật bổ sung nội dung đánh giá tác động việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như một nội dung trong đánh giá tác động chính sách được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Ba là, tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí bằng hình thức phong phú, phù hợp với đối tượng vùng miền và có giải pháp khắc phục tính hình thức, đối phó trong việc xây dựng chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của các cơ quan, đơn vị như hiện nay; tăng cường công tác thanh tra, kiểm toán, giám sát chuyên đề về thực hiện các quy định pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Việc này trong thời gian qua chưa được quan tâm đúng mức./.