ĐBQH NGUYỄN TRƯỜNG GIANG: RÀ SOÁT MỘT CÁCH HỢP LÝ VIỆC SẮP XẾP, CHUYỂN ĐỔI CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP
Đại biểu Trần Văn Lâm – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực nội vụ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã đăng đàn trả lời các vị đại biểu Quốc hội về các vấn đề nóng bỏng như: Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập, xây dựng hệ thống vị trí việc làm gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và việc triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức. Việc ban hành các văn bản thực hiện quy định của Bộ luật Lao động về tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức. Giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nhận xét, đánh giá, xử lý vi phạm. Nguyên nhân, giải pháp trước tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc gia tăng trong thời gian gần đây, nhất là lĩnh vực, vị trí địa bàn đông dân cư, chịu nhiều áp lực công việc. Việc bảo đảm biên chế cho ngành giáo dục, đáp ứng yêu cầu dạy - học. Giải pháp giải quyết những vấn đề khó khăn, bất cập của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố, nhất là công chức cấp xã dôi dư sau sắp xếp.
Trao đổi bên hành lang nghị trưởng sau phiên chất vấn, đại biểu Trần Văn Lâm – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang nêu rõ việc tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức trong lĩnh vực công hay lĩnh vực doanh nghiệp khu vực nhà nước đều sẽ tạo áp lực nhất định lên lạm phát. Tuy nhiên, khi tính toán việc tăng lương cần tính toán tăng ở mức độ nào, tăng ở thời điểm nào để hướng tới mục tiêu vừa nâng cao đời sống, thu nhập của người lao động, phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội nhưng cũng đảm bảo giữ ổn định vĩ mô, đặc biệt là vấn đề kiểm soát lạm phát.
Theo đại biểu, trong thời gian vừa qua, cơ quan thẩm tra đã nghiên cứu, rà soát và thấy rằng những mục tiêu đặt ra như mức độ tăng, thời điểm xác định tăng lương… trong dự kiến tăng lương cơ sở, nâng hệ số cho một số lĩnh vực, nghề nghiệp đặc thù đã phù hợp. Đại biểu tin tưởng rằng sẽ đạt được mục tiêu vừa nâng cao đời sống, nâng cao thu nhập, cải thiện các mặt sinh hoạt của người lao động, đồng thời vẫn kiểm soát được lạm phát trong khung mà Quốc hội cho phép.
Bên cạnh đó, đại biểu Dương Minh Ánh – Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội bày tỏ quan tâm tới việc bổ sung đội ngũ giáo viên cho ngành giáo dục và sắp xếp bảng lương đối với các viên chức ngành văn hóa, nghệ thuật.
Theo đại biểu, qua khảo sát trong ngành giáo dục trong bối cảnh toàn ngành đang triển khai chương trình giáo dục năm 2018, việc thiếu giáo viên ở các bộ môn mới cũng như thiếu, thừa giáo viên nói chung đang rất lớn. Qua giai đoạn đại dịch COVID-19 vừa qua đã có nhiều giáo viên bỏ việc, đây là một bất cập. Đặc biệt, đối với những thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội thì thách thức này càng đặt lên vai ngành giáo dục trách nhiệm nặng nề hơn.
Để đáp ứng những môn học mới tích hợp với đội ngũ giáo viên hiện nay, giảng viên, giáo viên sẽ gặp khó khăn với kỹ năng giảng dạy. Lực lượng mỏng lại thiếu kỹ năng thì vô cùng khó khăn. Qua giải trình tại phiên chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, tới đây ngành giáo dục sẽ tiếp tục đẩy mạnh giải pháp tăng cường đội ngũ giáo viên. Đây là tín hiệu đáng mừng nhất mà cử tri ngành giáo dục đang mong đợi.
Về việc sắp xếp bảng lương đối với các viên chức ngành văn hóa, nghệ thuật, đại biểu Dương Minh Ánh cho rằng đây là lĩnh vực rất đặc thù, quá trình đào tạo rất dài, để có bằng đại học có thể mất 8-12 năm. Tuy nhiên, khi tốt nghiệp lại chỉ được xếp bảng lương giống công chức, viên chức thông thường, trong khi thời gian công tác tại ngành trong một số lĩnh vực lại rất ngắn. Vì vậy, việc cải cách tiền lương thời gian tới cũng cần phải quan tâm thêm công chức, viên chức hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang
Ở khía cạnh khác, đại biểu Lý Anh Thư – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang bày tỏ quan tâm đến vấn đề biên chế, đặc biệt là những giải pháp cụ thể trong tinh giảm biên chế theo lộ trình tới năm 2025 đạt được kết quả theo Nghị quyết của Trung ương để vừa tinh giảm biên chế, vừa bảo đảm hiệu quả trong công việc.
Đại biểu cho rằng đội ngũ cán bộ không chuyên trách cấp xã, thôn sẽ khó có thể hoàn thành nhiệm vụ khi khối lượng công việc tăng do tinh giản biên chế, nhất là ở những địa phương có đông dân cư. Mặc dù chịu áp lực rất lớn về công việc nhưng chế độ phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách cấp xã, thôn vẫn thực hiện như trước khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn vừa qua.
Để đội ngũ cán bộ cơ sở không chuyên trách yên tâm công tác, phục vụ người dân chuyên nghiệp hơn, đại biểu Lý Anh Thư nhấn mạnh cần sớm sửa đổi Nghị định số 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.
Cùng với đó, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang đánh giá cao các ý kiến chất vấn của đại biểu Quốc hội đối với Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Các đại biểu đã đưa ra những vấn đề chất vấn rất trọng tâm, trọng điểm và bám sát vào những vấn đề mà nhân dân, cử tri cả nước đang quan tâm. Đặc biệt là những vấn đề về công chức, viên chức. Đồng thời bày tỏ tán thành phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Bộ trưởng đã nắm rất sát, rất vững tình hình, thực trạng của ngành. Qua phần trả lời của Bộ trưởng, có thể thấy, Bộ trưởng đã nắm rất rõ các vấn đề và đã có những kế hoạch rất chủ động để khắc phục những tồn tại, bất cập.
Khi thảo luận về Nghị định 34/2019/NĐ-CP liên quan đến công chức, viên chức cơ sở chuyên trách và không chuyên trách, các đại biểu Quốc hội đã chỉ rõ thực trạng đang diễn ra, đó là số lượng cán bộ không chuyên trách, bán chuyên trách giảm đi do việc sắp xếp đơn vị hành chính nhưng dhế độ phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách vẫn thực hiện như trước khi sáp nhập. Việc quyết định mức phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách ở xã, thôn thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhưng các tỉnh không thể tăng mức phụ cấp này do Nghị định 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định cụ thể mức khoán quỹ cho từng xã, thôn. Trong khi trọng trách của các cán bộ cơ sở cũng không khác gì so với các cán bộ khác.
Theo lời Bộ trưởng, dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 34 đã được gửi lấy ý kiến với 63 tỉnh, thành phố. Sau Kỳ họp thứ 4, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát và xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, báo cáo cấp có thẩm quyền để sửa đổi quy định hiện hành phù hợp hơn, điều chỉnh mức khoán cao hơn, dù không điều chỉnh số lượng cán bộ không chuyên trách xã, thôn. Do đó, đại biểu mong rằng những điều Bộ trưởng đã hứa ở trong phiên chất vấn sẽ được thực hiện để có thể sớm sửa đổi Nghị định 34/2019/NĐ-CP, đáp ứng được mong mỏi của cán bộ ở cơ sở và kỳ vọng của cử tri, nhân dân cả nước./.