GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: ĐƯA VĂN HÓA TRỞ THÀNH SỨC MẠNH NỘI SINH, ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN
ĐBQH NGUYỄN THỊ VIỆT NGA: CẦN NHIỀU CHÍNH SÁCH ĐỒNG BỘ ĐỂ PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC NGÀNH VĂN HÓA Ở ĐỊA PHƯƠNG
ĐBQH NGUYỄN THỊ SỬU: KỲ VỌNG NHỮNG GIẢI PHÁP ĐỘT PHÁ TRONG CẢI CÁCH THỂ CHẾ, CHÍNH SÁCH VỀ VĂN HÓA
TS.TRẦN MINH CHÍNH: THỂ CHẾ, CHÍNH SÁCH VÀ NGUỒN LỰC LÀ NHỮNG VẤN ĐỀ KHÔNG THỂ THIẾU ĐỂ PHÁT TRIỂN VĂN HOÁ
Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chỉ đạo triển khai Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng với 6 nhóm giải pháp và 107 nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, tập trung thể chế hoá các quan điểm, chủ trương của Đảng, quán triệt và triển khai các ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 về “Xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, ổn định, công khai, minh bạch, tính toán đầy đủ yêu cầu hội nhập quốc tế”.
Hội thảo Văn hóa năm 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” sẽ diễn ra vào ngày 17/12/2022 tại tỉnh Bắc Ninh.
Quán triệt các quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, được sự đồng ý của lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phối hợp với các cơ quan có liên quan sẽ tổ chức Hội thảo Văn hóa năm 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho sự thịnh vượng, cho sự phát triển bền vững, cho gốc rễ của con người, dân tộc. Mấu chốt cần làm hiện nay là hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật để tạo động lực, khơi thông nguồn lực, tăng dư địa cho văn hóa phát triển theo định hướng của Đảng.
Văn hóa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước
Phóng viên: Hội thảo Văn hóa năm 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” với mục tiêu quan trọng, xuyên suốt là tiếp tục quán triệt các quan điểm của Đảng về văn hóa, con người Việt Nam, đặc biệt là các chủ trương tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 sẽ diễn ra trong tháng 12 tới. Theo đại biểu, Hội thảo có tầm quan trọng như thế nào trong bối cảnh nước ta hiện nay?
ĐBQH Nguyễn Thị Lệ Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường: Văn hóa là cái gốc, nền tảng tinh thần, là hệ điều tiết, kim chỉ nam của sự phát triển một con người và toàn xã hội. Văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước. Tầm quan trọng của phát triển văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Do vậy, hàm lượng văn hóa trong đời sống con người cao bao nhiêu thì tính nhân văn, khả năng phát triển kinh tế - xã hội càng trở nên phát triển bấy nhiêu. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong bối cảnh mới của quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hội nhập quốc tế thì phát triển con người toàn diện, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để đất nước phát triển bền vững, thịnh phương.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ trên thì việc thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương của Đảng, các chính sách, pháp luật cho phát triển văn hóa có vai trò vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, Hội thảo “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” sẽ là diễn đàn để các chuyên gia, trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân, các nhà văn hóa, cơ quan quản lý, các nhà hoạch định chính sách, các đại biểu Quốc hội có những đánh giá về những kết quả đạt được, nêu nên những hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và kiến nghị cơ chế, chính sách, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, hình thành khung khổ pháp lý, thể chế thuận lợi nhằm phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực, tạo động lực cho văn hóa phát triển, thực hiện thắng lợi chủ trương, quan điểm, chủ trương Đảng về văn hóa.
Hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật để tạo động lực, khơi thông nguồn lực, tăng dư địa cho văn hóa phát triển
Phóng viên: Thể chế, chính sách là những yếu tố rất quan trọng để phát triển văn hóa. Theo đại biểu, chúng ta cần làm gì để có một hành lang pháp lý đủ thông thoáng, đồng bộ, tạo bước phát triển mạnh mẽ cho văn hóa nhưng vẫn giữ gìn được bản sắc dân tộc?
ĐBQH Nguyễn Thị Lệ Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường: Văn hóa Việt Nam hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc. Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đây là khẳng định vô cùng quan trọng về văn hóa trong Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII), Nghị quyết số 33-NQ/TW và Kết luận số 76/KL/TW ngày 4-6-2020 của Đảng về văn hóa.
Những khẳng định và kết luận trên là cơ sở quan trọng trong thời gian tới để chúng ta tập trung thể thể hóa các quan điểm của Đảng về văn hóa, nhất là việc thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến thể chế, chính sách như rà soát, sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới các quy định của pháp luật liên quan đến điện ảnh, văn hóa, văn học, giáo dục, đào tạo, di sản văn hóa, sở hữu trí tuệ, quảng cáo, tài chính ngân sách, ... để có những cơ chế, đãi ngộ đột phá đối với đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân, các nhà văn hóa, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Thông qua đó sẽ thúc đẩy lĩnh vực văn hóa phát triển, dần hình thành ngành công nghiệp văn hóa trong nước và có sự lan tỏa văn hóa dân tộc Việt Nam ra thế giới.
Phóng viên: Phát triển văn hóa là nhiệm vụ chính trị, là trách nhiệm chung chứ không phải chuyện riêng của ngành Văn hóa. Theo đại biểu, chúng ta cần làm thế nào để khơi dậy tối đa các nguồn lực trong xã hội quan tâm và phát triển văn hóa?
ĐBQH Nguyễn Thị Lệ Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường: Trước hết phải khẳng định, đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho sự thịnh vượng, cho sự phát triển bền vững, cho gốc rễ của con người, dân tộc. Nguồn lực cho văn hóa không chỉ là vấn đề tài chính, ngân sách, con người mà gồm cả cơ chế, chính sách, pháp luật và thời đại. Vì việc tạo cơ chế, chính sách và hoàn thiện hệ thống pháp luật là tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho việc khơi thông nguồn lực, tạo động lực cho văn hóa phát huy, phát triển. Do vậy, mấu chốt cần làm hiện nay là hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật để tạo động lực, khơi thông nguồn lực, tăng dư địa cho văn hóa phát triển theo định hướng của Đảng. Mặt khác, sự giao lưu về kinh tế - xã hội với các nước trong khu vực và trên thế giới cũng là tạo động lực, hấp thu nguồn lực, nâng cao trình độ nguồn nhân lực, tạo cơ hội cho văn hóa Việt Nam phát triển.
Nghiên cứu có thể ban hành 01 bộ luật chuyên biệt về văn hóa
Phóng viên: Nếu được góp một ý kiến tâm huyết cho Hội thảo, đại biểu sẽ nói điều gì?
ĐBQH Nguyễn Thị Lệ Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường: Hiện nay, chúng ta đã có các luật chuyên ngành riêng liên quan đến văn hóa, mỗi luật này có đều có sự điều chỉnh một phần liên quan đến lĩnh vực văn hóa như: Luật Du lịch; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Giáo dục; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Báo chí; Luật Bình đẳng giới; Luật Di sản văn hóa; Luật Quảng cáo… Những luật này tạo thành 01 hệ thống pháp luật về văn hóa. Tuy nhiên, hệ thống này lại tương đối rời rạc, chưa có tính logic, chưa cân đối và cũng chưa thực sự quy định đầy đủ các lĩnh vực của văn hóa. Do vậy, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng, có giá trị căn bản của con người, dân tộc và là động lực, sự tự hào dân tộc trong quá trình phát triển đất nước, nên chăng, chúng ta suy nghĩ, nghiên cứu có thể ban hành 01 bộ luật chuyên biệt về văn hóa nhằm quy định các chính sách, tạo các cơ chế đột phá, nguồn lực để phát huy, phát triển văn hóa Việt Nam theo định hướng của Đảng đã đề ra.
Trước tiên, Quốc hội cần phân bổ tăng thêm nguồn lực cho văn hóa, tạo thêm một số chính sách, pháp luật để khơi thông nguồn lực trong xã hội cho văn hóa. Chính phủ cần thúc đẩy thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt và đảm bảo các mục tiêu của Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 về chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!