CHIỀU NGÀY 17/12: TỔNG THUẬT ‘’HỘI THẢO VĂN HÓA 2022’’
Phóng viên: Qua theo dõi Hội thảo Văn hóa 2022 vừa qua, đại biểu có đánh giá như thế nào về các nội dung đưa ra tại Hội thảo đại biểu có mong muốn gì sau khi Hội thảo này kết thúc?
Đại biểu Trần Thị Vân - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh: Về việc chuẩn bị Hội thảo Văn hóa năm 2022, Tôi đánh giá cao tỉnh Bắc Ninh đã chuẩn bị chu đáo các điều kiện phục vụ Hội thảo như: Hội trường, các phòng chức năng, cơ sở vật chất; công tác trang trí, khánh tiết, tuyên truyền trực quan trong và ngoài khu vực tổ chức Hội thảo...
Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Ninh tổ chức phong phú hoạt động văn hóa chào mừng Hội thảo như: Hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh trên thuyền tại Công viên Nguyên Phi Ỷ Lan vào tối 16/12; Triển lãm tài liệu lưu trữ “Lịch sử tỉnh Bắc Ninh qua di sản tư liệu thế giới” tại Quảng trường Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc; Trưng bày Bản sắc văn hóa Bắc Ninh và các sản phẩm OCOP của tỉnh tại khu vực Sảnh xung quanh Hội trường Hội thảo... Ngoài ra còn có các hoạt động văn hóa đường phố, biểu diễn Múa rối nước Đồng Ngư, trưng bày giới thiệu tranh dân gian Đông Hồ; biểu diễn âm nhạc, dân vũ, trò chơi dân gian…
Đại biểu Trần Thị Vân - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh
Theo dõi “Hội thảo Văn hóa 2022” diễn ra vào ngày 17/12. Tôi nhận thấy, Hội thảo Văn hóa năm 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hoá” đã diễn ra thành công tốt đẹp. Hội thảo đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận, các cơ quan trong hệ thống chính trị, Nhân dân và cử tri cả nước.
Hội thảo đã tập trung đánh giá thực trạng về thể chế, ban hành các chính sách và bảo đảm nguồn lực để phát triển văn hoá và con người Việt Nam trong thời gian qua. Hội thảo đã đánh giá những kết quả rất quan trọng đã đạt được, trong đó, khẳng định công tác thể chế hoá các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hoá tiếp tục được quan tâm và đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Tôi cho rằng, thể chế về văn hoá theo quan điểm của Đảng đã được xác lập nhất quán trong hệ thống pháp luật; đã khẳng định sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa là của toàn dân, do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân là chủ thể sáng tạo và thụ hưởng và đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng.
Hội thảo nhấn mạnh thể chế quản lý nhà nước về văn hóa phải được đổi mới đồng bộ với quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng nâng cao hiệu quả quản lý văn hóa, phù hợp với bối cảnh kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chú trọng vai trò của người dân trong phát triển sự nghiệp văn hóa, nhất là xác lập cơ chế tự quản của các cộng đồng xã hội để tự tổ chức, vận hành và trang bị cơ sở vật chất cho các thiết chế văn hóa. Tăng cường phân cấp, phân quyền, tạo cơ chế khuyến khích sự năng động, sáng tạo, chủ động trong quản lý các hoạt động của ngành văn hóa; bảo đảm yêu cầu quản lý toàn diện, đa ngành nhất là các ngành công nghiệp văn hóa. Hệ thống quy định về thủ tục hành chính và điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa cần tiếp tục được hoàn thiện theo hướng đơn giản, minh bạch hơn.
Tôi mong rằng, một trong các đột phá chiến lược trong giai đoạn tới cần phải hoàn thiện thể chế, chính sách, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phóng viên: Kết luận hội thảo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu ra 7 nhóm nhiệm vụ cần làm ngay. Đại biểu suy nghĩ thế nào. Theo đại biểu nhiệm vụ nào là quan trọng nhất?
Đại biểu Trần Thị Vân - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh: Tôi đồng ý với 7 nhóm nhiệm vụ giải pháp cần tập trung làm ngay của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cụ thể:
Một là, sớm xây dựng Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa với 9 nhóm chính sách đã được chỉ ra tại Hội thảo là các nội dung quan trọng để xây dựng khung chính sách cho Chương trình này.
Hai là, rà soát các nội dung về văn hóa trong 02 Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tiếp thu các ý kiến có giá trị tại Hội thảo để có những điều chỉnh phù hợp, đạt kết quả tốt hơn.
Ba là, tập trung triển khai có hiệu quả Chiến lược, chương trình, đề án về xây dựng văn hóa công sở, văn hóa học đường, văn hóa doanh nghiệp, ngoại giao văn hóa.
Bốn là, đầu tư các công trình văn hóa mang tính biểu tượng quốc gia và thời đại Hồ Chí Minh. Phát triển các sản phẩm văn hoá có giá trị đỉnh cao về nghệ thuật và tư tưởng, phấn đấu có các tác phẩm văn học nghệ thuật xứng tầm.
Năm là, đổi mới cơ chế hoạt động, nhất là cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực văn hóa để thu hút, sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn.
Sáu là, đẩy mạnh thu hút đầu tư cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch, sản phẩm thương mại mang bản sắc văn hóa Việt Nam.
Bảy là, chú trọng các cơ chế, chính sách phát huy, tạo điều kiện, khuyến khích, năng lực sáng tạo của các chủ thể văn hóa.
Trong đó, tôi cho rằng, việc sớm xây dựng Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa với 9 nhóm chính sách đã được chỉ ra tại Hội thảo là các nội dung quan trọng để xây dựng khung chính sách cho Chương trình này.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!