CÔNG TÁC DI DỜI TRỤ SỞ KHỎI NỘI ĐÔ CÒN CHẬM VÀ NHIỀU BẤT CẬP
Chưa quyết liệt trong di dời trụ sở các bộ, ngành, cơ quan trung ương, trường đại học ra khỏi nội đô.
Chủ trương di dời trụ sở các Bộ, ngành, cơ quan trung ương ra khỏi nội đô Hà Nội được thông qua tại Nghị quyết số 16/2008/NĐ-CP của Chính phủ. Đến tháng 1/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 130/QĐ-TTg về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội.
Tiếp đó, năm 2012, Luật Thủ đô được Quốc hội ban hành với các chính sách đặc thù bước đầu đã giúp thành phố thiết lập đồng bộ các công cụ pháp lý cho việc xây dựng, quản lý quy hoạch nhằm thực hiện thống nhất theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Tuy nhiên, sau 10 năm đi vào cuộc sống, đến thời điểm này, việc thực hiện một số chính sách đặc thù theo Luật Thủ đô vẫn còn chậm, đó là những tồn tại, hạn chế, trong đó tiến độ di dời thực hiện rất chậm.
Nhiều trường đại học chưa di dời làm gia tăng áp lực giao thông tại nội đô.
Thực hiện nhiệm vụ quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của các đoàn thể tại Hà Nội đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Xây dựng đã rà soát 36 cơ quan trung ương thuộc đối tượng quy hoạch (18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, 8 cơ quan thuộc Chính phủ, 6 cơ quan đoàn thể trung ương) để xây dựng các phương án quy hoạch cụ thể.
Bên cạnh đó, từ năm 2007, Quy hoạch mạng lưới các trường ĐH và CĐ giai đoạn 2006 - 2016 được Thủ tướng phê duyệt đề cập đến việc di dời các trường công lập có diện tích quá nhỏ (dưới 2ha) ở nội thành Hà Nội. Theo đó, 12 cơ sở giáo dục phải di dời khỏi nội đô Hà Nội gồm: Đại học Công đoàn, Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp, Đại học Luật Hà Nội, Đại học Ngoại thương, Đại học Răng Hàm Mặt, Đại học Văn hóa Hà Nội, Đại học Xây dựng, Đại học Y Hà Nội, Đại học Y tế công cộng, Viện Đại học Mở Hà Nội, Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội và Cao đẳng Y tế Hà Nội.
Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cũng đã thừa nhận tiến độ triển khai chậm. Nguyên nhân là các cơ quan chưa quyết liệt; chậm xây dựng các đề án di dời; nguồn ngân sách bố trí cho di dời, xây dựng hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế. Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm chung về việc đôn đốc; các cơ quan chịu trách nhiệm cụ thể cũng chưa quyết liệt.
Di dời trụ sở cần phương án, lộ trình và cam kết cụ thể.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên cũng đánh giá, việc di dời các trường đại học ra ngoại thành quá chậm. Theo đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, mục tiêu đầu tiên di dời các trường đại học, cao đẳng ra khỏi nội đô là bớt ách tắc giao thông, trong khi đó, đất của đô thị quá chật cho nên không gian bảo đảm việc dạy và học hạn chế, từ chỗ trọ đến nơi ở, điều kiện học tập, thực hành không đảm bảo.
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội.
Nêu giải pháp di dời trụ sở trường đại học ra khỏi nội đô, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục cho rằng, phải xác lập lại kế hoạch, trường nào đi trước, trường nào đi sau. Bởi, cần bảo đảm cơ chế cho con em học hành, phải tính đến những sinh viên nghèo bởi vì các em phải đi làm thêm để sinh sống và học tập.
Cùng với đó, cần tuyên truyền, lắng nghe ý kiến của dư luận xã hội, phụ huynh sinh viên nói chung. Khi gia đình các em có khúc mắc, cần trao đổi, lý giải thấu đáo để tạo sự đồng thuận. Có được sự đồng thuận thì mới tạo được hiệu quả, khi chuyển các trường đến nơi mới, không còn băn khoăn, suy nghĩ.
Đại biểu lưu ý, việc di dời trụ sở trường học cần làm cặn kẽ, kỹ lưỡng, thận trọng, chắc chắn và “liệu cơm gắp mắm” trong điều kiện rất cụ thể về kinh tế, văn hoá, trong đó chú trọng quan tâm đến thế hệ trẻ. Đại biểu tin tưởng, khi có các đô thị đại học, thành phố đại học, có không gian thì các bậc cha mẹ và sinh viên cũng yên tâm hơn.
Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân.
Trong khi đó, đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân nêu thực tế có một số trường đại học đã xây dựng cơ sở vật chất khang trang, hiện đại ở ngoại ô nhưng việc di chuyển lại không thực hiện được, trong đó nguyên nhân quan trọng là chưa tạo ra sự kết nối về giao thông thuận tiện.
Để thực hiện di dời các trường đại học ra khỏi nội đô, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng giải pháp căn cơ lâu dài đó là cần mở rộng phạm vi phát triển, cần tạo ra hệ thống hạ tầng giao thông kết nối. Ví dụ hệ thống đường vành đai 4, đường vành đai 5 là hệ thống giao thông đi qua các trường đại học, đồng thời tạo ra các trung tâm kết nối hướng tâm. Nếu làm được việc này sẽ tạo không gian phát triển và khi đó các trường đại học di chuyển sang địa điểm mới sẽ thuận lợi hơn.
Đại biểu cho rằng, trong giai đoạn hiện nay chưa có điều kiện hạ tầng để tạo không gian phát triển, các trường đại học nên thực hiện chuyển dịch từng phần. Ví dụ xây dựng cơ sở 2 tại các địa điểm di dời và tiến hành chuyển từng phần để tạo sự thích ứng dần dần sau đó mới tiến hành chuyển dịch toàn bộ. “Thật sự sẽ rất khó khăn nêu chuyển dịch toàn bộ các bộ phận của trường ra địa điểm mới trong cùng một thời điểm trong khi hạ tầng và bối cảnh chưa hoàn toàn phù hợp”, Đại biểu Hoàng Văn Cường nói.
Về lý do chậm di dời được các trường đưa ra đó là đã được cấp đất nhưng kinh phí để dịch chuyển lại không có, đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất nguồn kinh phí từ ngân sách là chính. Bởi hệ thống giáo dục đại học công lập là hệ thống phi lợi nhuận, thực hiện chức năng đảm bảo an sinh xã hội, nên nguồn đầu tư chủ yếu dựa vào ngân sách. Nhưng theo quan điểm của đại biểu chỉ có kinh phí cũng không thể giải quyết được vấn đề này, vì trên thực tế, không ít trường học được Nhà nước đầu tư cả nghìn tỷ đồng, đã xây dựng cơ sở hiện đại tại cơ sở mới, nhưng đến nay vẫn chưa đi vào hoạt động. Bởi hiện nay không thể chuyển dịch một cách cơ học là đưa toàn bộ bộ máy của các trường đại học đến khu vực ngoại ô.
Đối với việc di dời trụ sở bộ, ngành, cơ quan trung ương ra khỏi nội đô, đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH Quốc hội thành phố Hà Nội nêu quan điểm, mặc dù việc di dời trụ sở các cơ quan Trung ương ra khỏi nội đô đang được triển khai. Thực tế một số cơ quan đã thực hiện, nhưng vẫn còn tình trạng một bộ phận ở cơ sở mới, một phần ở cơ sở cũ. Điều này cũng góp phần giảm áp lực ở trung tâm, nhưng việc di chuyển toàn bộ các cơ quan trong diện phải di dời vẫn chưa thể thực hiện được.
Tuy nhiên, theo đại biểu Hoàng Văn Cường có 2 yếu tố khiến việc di chuyển trụ sở ra khỏi nội đô chậm. Đầu tư hạ tầng phát triển ở cơ sở mới chưa thực sự đồng bộ để có thể kết nối hoạt động của các bộ ngành, bởi các bộ ngành không thể hoạt động độc lập mà liên quan đến nhau, nếu quy hoạch tổng thể, đồng bộ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình làm việc. Ngoài ra, vẫn còn có tâm lý chờ đợi giữa các bộ ngành nên chưa tạo ra quyết tâm cao, nên cần phải thực hiện hai yếu tố song trùng. Đó là cần tiến hành di dời đồng bộ tạo sự tương tác giữa các bộ, ngành; xây dựng hệ thống hạ tầng kết nối giao thông dễ dàng, tránh tình trạng cán bộ đi làm việc, đi họp mất thời gian di chuyển. Bên cạnh đó, cần có lộ trình, cam kết để mỗi cơ quan bộ ngành có phương hướng hành động cụ thể.
Đại biểu nhấn mạnh, trách nhiệm trong việc di dời trụ sở trường học, bộ, ngành đến từ hai phía, trong đó ngành xây dựng quy hoạch địa điểm di chuyển (hiện đã hoàn thành) và đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng ở khu vực này. Nhưng việc đầu tư này không đơn thuần chỉ bộ Xây dựng có thể làm được, mà liên quan đến nhiều cơ quan, trông đó có việc bố trí, phân bổ vốn của các bộ ngành, đầu tư công trình công cộng…/.