ĐBQH TRẦN VĂN KHẢI: 5 NỘI DUNG ĐƯA RA KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ 2 XEM XÉT ĐỀU TẠO ĐƯỢC SỰ ĐỒNG THUẬN CAO
TS.BÙI SỸ LỢI: QUY HOẠCH TỔNG THỂ QUỐC GIA CẦN ĐÁNH GIÁ ĐÚNG ĐẮN, KHÁCH QUAN THỰC TRẠNG VIỆC PHÂN BỐ VÀ TỔ CHỨC KHÔNG GIAN CÁC HOẠT ĐỘNG KINH TẾ-XÃ HỘI
Theo chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Kỳ họp bất thường lần thứ 2 của Quốc hội khóa XV.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Uỷ ban đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của Chính phủ trong việc phấn đấu hoàn thành Quy hoạch tổng thể quốc gia theo yêu cầu tiến độ tại Nghị quyết số 61/2022/QH15 của Quốc hội. Tuy nhiên, việc chưa bảo đảm thời gian trình Quốc hội dẫn đến khó khăn cho công tác thẩm tra nên đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm và tập trung nguồn lực để bảo chất lượng Quy hoạch tổng thể quốc gia.
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, báo cáo tổng hợp quy hoạch được xây dựng cơ bản đã đầy đủ các nội dung theo quy định tại Điều 22 Luật Quy hoạch. Thế nhưng, Báo cáo còn một số nội dung cần tiếp tục rà soát để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khoa học, hợp lý. Theo đó, nội dung Báo cáo quy hoạch cơ bản đã đánh giá được các đặc điểm điều kiện tự nhiên, các yếu tố phát triển và hiện trạng phát triển quốc gia làm cơ sở để đề xuất các quan điểm, mục tiêu và định hướng phát triển của đất nước thời kỳ 2021 - 2030.
Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần bổ sung các phân tích, đánh giá rõ hơn về các yếu tố thuận lợi, khó khăn về vị trí địa lý, điều kiện địa hình – địa mạo, địa chất – thổ nhưỡng tài nguyên, khoáng sản, khí hậu, rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu và đánh giá các điều kiện này tác động đến phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Đồng thời, làm rõ lợi thế so sánh của Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới; bổ sung đánh giá sâu hơn về dân số, nguồn nhân lực, tài nguyên nhân văn và làm rõ hơn đánh giá về hạn chế, yếu kém liên quan đến tổ chức, phát triển không gian hạ tầng văn hóa, xã hội; lâm nghiệp; thủy sản; môi trường, tài nguyên.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chỉ ra rằng, quy hoạch tổng thể quốc gia được lập nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, theo hướng phân bố không gian, phân vùng và liên kết vùng. Do vậy, cần nghiên cứu làm rõ hơn, các nội dung phải định hướng trong việc sắp xếp, phân bố không gian để đạt được các mục tiêu mà Chiến lược đã đề ra. Đồng thời, đề nghị Chính phủ bổ sung, nhấn mạnh hơn việc giảm chồng chéo, xung đột trong sử dụng không gian giữa các ngành, các địa phương và quan điểm về phát triển kinh tế biển.
Cùng với đó, mục tiêu cho việc phát triển kết cấu hạ tầng mới tập trung chủ yếu cho hạ tầng giao thông, trong khi một số ngành khác có vai trò quan trọng nhưng còn chung chung như: hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng năng lượng, hạ tầng thủy lợi…
Huy động tốt nguồn lực và chú trọng hạ tầng giao thông miền núi
Bên hành lang Kỳ họp bất thường lần thứ 2, cho ý kiến về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đại biểu Trần Hoàng Ngân- Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Tp.Hồ Chí Minh khẳng định: Trong Tờ trình của Chính phủ lên Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đảm bảo tính tổng thể, khách quan, trí tuệ và kế thừa được những ưu điểm, bài học kinh nghiệm của Quy hoạch trước đó.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, điều quan trọng nhất nhận được sự quan tâm của các đại biểu và Nhân dân hiện nay là nguồn lực để đưa những ý tưởng trong quy hoạch đó trở thành hiện thực và được áp dụng vào cuộc sống.
Nêu quan điểm về tầm quan trọng và tổng quan về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đại biểu Nguyễn Chu Hồi- Đoàn ĐBQH Tp. Hải Phòng cho rằng, Quy hoạch tổng thể quốc gia phải là bức tranh phát triển của đất nước và thể chế hóa được Nghị quyết của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng như khát vọng của Việt Nam đối với phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2030-2045 trở thành hiện thực.
Đại biểu Nguyễn Chu Hồi - Đoàn ĐBQH Tp. Hải Phòng.
Theo đại biểu Nguyễn Chu Hồi, việc Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần hướng tới phát triển hạ tầng giao thông ở khu vực miền núi, vùng khó khăn. Nếu chú trọng phát triển giao thông ở khu vực này thì sẽ kéo theo nền kinh tế-xã hội cũng phát triển theo. Bên cạnh đó, cần chú trọng tới phát triển hạ tầng số với chức năng liên kết vùng. Ngoài ra, để thích ứng với biến đổi khí hậu cần có hạ tầng tự nhiên để giảm thiểu thiên tai, bão lũ, nước biển dâng...
Khi thực hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia phải theo lộ trình. Ngoài ngân sách Nhà nước, chúng ta cần huy động nguồn lực từ xã hội và Nhân dân cũng như sự hỗ trợ cũng như sử dụng tốt các khoản vay của các tổ chức quốc tế. Việc tổ chức thực hiện cần có sự rà soát các luật có liên quan đến Luật Quy hoạch để làm sao hệ thống pháp luật phải đồng bộ, không chồng chéo./.