TỔNG THUẬT CHIỀU 06/01: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ ÁN LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH (SỬA ĐỔI)
Thực hiện chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, chiều ngày 06/1, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và dự kiến Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự án Luật này vào ngày 09/1/2023.
Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) chiều ngày 06/1/2023.
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đóng vai trò quan trọng và có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của Nhân dân cũng như chất lượng an sinh xã hội nên Quốc hội có thể sớm ban hành các quy định liên quan để khơi thông các vấn đề còn vướng mắc để người dân có thể được cung cấp đầy đủ và tốt nhất điều kiện khám, chữa bệnh hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, trong thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 đã khiến cho công tác chăm sóc bệnh nhân gặp một số khó khăn do thiếu một số thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Do đó, việc Quốc hội xem xét và biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược là hết sức cần thiết. Việc làm này đã giải quyết được vấn đề cấp bách trong đời sống hiện nay là đảm bảo việc khám chữa bệnh, điều trị, chăm sóc cho sức của của Nhân dân.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ngoài ra, tại Kỳ họp bất thường này, Quốc hội cũng xem xét, biểu quyết thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Liên quan tới luật này, đại biểu Nguyễn Thị Sửu bày tỏ sự quan tâm đến chính sách cho người đội ngũ y, bác sĩ ở các cơ sở y tế cũng như đối với người bệnh đang được chăm sóc, điều trị ở các bệnh viện.
Quan tâm đến dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Anh Trí- Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cho rằng, Quốc hội đã dành sự quan tâm với luật này và có sự cân nhắc, thận trọng đối với những vấn đề liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Việc Quốc hội lựa chọn xem xét, biểu quyết thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 đã cho thấy cơ bản Quốc hội đã bám sát thực tiễn cuộc sống, của ngành Y tế. Qua đây cũng góp phần để ngành Y tế thực hiện tốt hơn công tác khám, chữa bệnh.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội.
Các bệnh viện công lập có thể giảm bớt khó khăn thông qua khám chữa bệnh theo yêu cầu
Quan tâm đến giá dịch vụ khám, chữa bệnh trong dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Chu Hồi - Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng cho rằng, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tác động rất lớn tới sức khỏe của người dân. Hy vọng rằng, khi Quốc hội biểu quyết thông qua Luật này tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 sẽ góp phần hỗ trợ cho các bệnh viện công lập có thể giảm bớt khó khăn khi có thể quyết định được giá dịch vụ điều trị, chăm sóc bệnh nhân theo nhu cầu. Ngoài ra, điều này cũng góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân.
Đại biểu Nguyễn Chu Hồi- Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng.
Đồng thuận với quan điểm trên, đại biểu Điểu Huỳnh Sang - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước nhấn mạnh sự cần thiết của việc sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh nhằm đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe của Nhân dân được tốt hơn và giải quyết được những vấn đề bất cập, phát sinh của ngành Y tế hiện nay.
Theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang, dự án Luật cần đảm bảo thích nghi, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Ngoài ra, việc sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh cần có sự thống nhất, đồng bộ với Luật Bảo hiểm Y tế, Luật Đấu thầu, Luật giá...
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước.
Quan tâm đến chi phí liên quan đến dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu Điểu Huỳnh Sang cho rằng, việc tách chi phí liên quan đến dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đã tạo điều kiện cho việc tính đúng, tính đủ tiền công khám bệnh, chữa bệnh, đồng thời khuyến khích cho các cơ sở nâng cao chất lượng dịch vụ do yếu tố đầu tư chất lượng đã bao gồm các dịch vụ khám bệnh.
Tuy nhiên, việc quy định này cũng sẽ làm thay đổi về cách tính giá khám bệnh, chữa bệnh hiện hành và phải thực hiện tính lại toàn bộ giá khám bệnh, chữa bệnh, bóc tách các chi phí liên quan đến các trang thiết bị và thuốc đã tính trong giá khám bệnh, chữa bệnh hiện nay. Vì vậy, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị Ban soạn thảo cũng phải quy định rõ, cụ thể trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)./.