QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ QUY HOẠCH TỔNG THỂ QUỐC GIA THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: HUY ĐỘNG TỐT NGUỒN LỰC TỪ XÃ HỘI VÀ NHÂN DÂN ĐỂ THỰC HIỆN HIỆU QUẢ QUY HOẠCH TỔNG THỂ QUỐC GIA
Thực hiện Kỳ họp bất thường lần thứ 2, sáng ngày 07/1, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đóng góp ý kiến vào nội dung trên, đại biểu Trần Thị Thanh Lam- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre thống nhất với Báo cáo của Chính phủ và cơ quan tẩm tra về Bản quy hoạch và cho rằng, để thực hiện quy hoạch cần có định hướng sử dụng đất quốc gia.
Phải có quy hoạch chặt chẽ, chính xác, khoa học về diện tích đất lúa
Theo đại biểu Trần Thị Thanh Lam cho rằng, dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia có đặt ra nguyên tắc định hướng sử dụng đất. Theo đại biểu Trần Thị Thanh Lam, cần lưu ý mục tiêu phát triển của con người mang tính toàn diện trong sử dụng đất, trang thiết bị khoa học kỹ thuật, đặc biệt là trong sử dụng đất nông nghiệp và mục tiêu là gì thì mới có thể gọi là hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả mà nguyên tắc đã đề cập đến. Mặt khác, định hướng sử dụng đất nông nghiệp có nêu đến năm 2030, đất nông nghiệp của cả nước chiếm 83,7% diện tích đất tự nhiên của cả nước, giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa.
Đại biểu Trần Thị Thanh Lam- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre.
Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Thị Thanh Lam, giải pháp cốt lõi để thực hiện cho định hướng nội dung này chưa thấy thể hiện rõ trong dự thảo của nội dung quy hoạch. Do đó, đại biểu Trần Thị Thanh Lam kiến nghị Chính phủ quan tâm bổ sung cho phù hợp. Đồng thời, từ thực tiễn ý kiến của đông đảo cử tri về định hướng này, đại biểu Trần Thị Thanh Lam đề nghị Chính phủ quan tâm 2 vấn đề:
Một là, trước khi có thể kiểm soát chặt chẽ đất nông nghiệp thì điều đầu tiên là phải có quy hoạch chặt chẽ, chính xác, khoa học vì trong thực tế ai trong chúng ta cũng biết rằng, diện tích đất lúa hiện nay cần phải xem lại tính chính xác từ số liệu so với thực tế, tránh trường hợp chỉ là quy hoạch trên giấy, chưa sát với thực tiễn đời sống của người dân. Mặt khác, quy hoạch về đất đai thì phải phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, điều kiện phát triển hạ tầng, phát triển xã hội, đặc biệt là cập nhật quy hoạch theo thực tế đô thị hóa của từng vùng, từng địa phương và kết nối liên vùng cần được tính toán cho phù hợp.
Hai là, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Điều này thể hiện rõ qua các Nghị quyết như Nghị quyết 16, hiện nay là Nghị quyết 19 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và các chương trình, đề án về an ninh lương thực quốc gia đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đời sống của người dân có bước cải thiện nhưng cuộc sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn.
Đại biểu Trần Thị Thanh Lam nhấn mạnh: Dân có giàu thì nước mới mạnh, người nông dân trồng lúa, làm nông nghiệp mà khá giả thì an ninh lương thực mới đảm bảo. Thực tế thời gian qua vì sao người nông dân tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa dù biết là chưa đúng với chính sách pháp luật của Nhà nước? Liệu chính sách của Nhà nước đối với người trồng lúa hiện nay có phù hợp hay chưa? Nếu chúng ta không hoặc chưa giải quyết được câu hỏi này thì trong định hướng quy hoạch hiện nay cũng như là Luật Đất đai cũng khó có thể thực hiện nghiêm và quy hoạch quốc gia có ban hành mục tiêu 3,5 triệu đất lúa liệu có đạt được hay không?
Trên cơ sở đó, đại biểu Trần Thị Thanh Lam kiến nghị trong phần giải pháp thực hiện nội dung này của quy hoạch tổng thể quốc gia cần có quy định rõ về giải pháp và cơ chế chính sách theo hướng có lợi trực tiếp và phù hợp với từng vùng miền cho người trồng lúa thì người nông dân không bỏ cây lúa, thậm chí diện tích đất lúa có thể tăng lên trong tương lai.
Năng suất và chất lượng lao động ở nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, chưa thật sự đột phá
Cho ý kiến về năng suất lao động, đại biểu Trần Thị Thanh Lam cho rằng, năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn thấp. Để trở thành quốc gia trở thành nước có thu nhập cao, Việt Nam cần nâng cao năng suất lao động, trong đó không chỉ đầu tư về cơ sở vật chất, chương trình đào tạo mà cần có định hướng phát triển nguồn nhân lực...
Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Liên quan đến đánh giá về năng suất lao động, đại biểu Trần Thị Thanh Lam nêu quan điểm: Người lao động là lực lượng trực tiếp sản xuất, tạo ra của cải vật chất và đã có nhiều cơ chế, chính sách được điều chỉnh, ban hành để thúc đẩy, tạo sự chuyển biến về thể chế, chính sách cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, vấn đề năng suất và chất lượng lao động ở nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, chưa thật sự đột phá.
Theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế, Tổ chức Năng suất châu Á thì năng suất lao động của Việt Nam vẫn thuộc nhóm thấp nhất của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thấp hơn Nhật Bản 11 lần, thấp hơn Hàn Quốc 10 lần. So với các nước trong khu vực thì Việt Nam chỉ bằng 1/5 của Malaysia và 2/5 của Thái Lan. Để thực hiện mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 mà Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra cũng như Chiến lược phát triển kinh tế đã hướng đến đòi hỏi phải nâng cao năng suất lao động ở mức cao hơn và tốc độ tăng bình quân ở mức tiệm cận 7%/năm.
Đại biểu Trần Thị Thanh Lam cho rằng, trong khi mức tăng cao nhất thời gian qua chỉ khoảng 5,3 %/năm. Riêng năm 2022, 14/15 chỉ tiêu kinh tế xã hội đạt mục tiêu kế hoạch được Quốc hội giao và đây là chỉ tiêu còn lại không đạt được mục tiêu của kế hoạch (khoảng 4,7 đến 5,2% trong khi kế hoạch là 5,5%). Thực tế, nguồn nhân lực lao động ở nước ta trong bối cảnh hiện nay thì tỷ lệ tham gia lao động và tỷ lệ có việc làm không thể tăng nhiều so với giai đoạn trước đây, mặc dù chúng ta đang tận dụng thời kỳ dân số vàng và còn phải đối mặt với việc già hóa dân số theo dự báo. Mặt khác, những vấn đề tồn tại vì kỹ năng nghề, kỹ năng số, cơ sở dữ liệu, kết nối các thông tin vẫn chưa được cải thiện. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 27% cho thấy, các yếu tố hỗ trợ tăng năng suất lao động cũng có tốc độ tăng nhưng rất chậm.
Dự thảo Nghị quyết có đề cập về chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2030 là khoảng 6,5%. Tuy nhiên, nội dung này trong quy hoạch tổng thể của quốc gia rất mờ nhạt. Do vậy, đại biểu Trần Thị Thanh Lam đề nghị Chính phủ cần quan tâm, cân nhắc thấu đáo cho nội dung này trong Quy hoạch tổng thể quốc gia và có giải pháp căn cơ hơn để định hướng trong tổ chức thực hiện. Trong đó đáng chú ý không chỉ là vấn đề đầu tư cơ sở vật chất, thay đổi mô hình đào tạo, phương thức đào tạo mà là cần có một chiến lược đột phá, phong trào cải thiện năng suất lao động mang tính quốc gia để thực sự duy trì tăng trưởng, duy trì phát triển, nâng cao hiệu quả, chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai./.