Quy hoạch tổng thể quốc gia có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển đất nước. Trên cơ sở Quy hoạch này, các quy hoạch vùng, tỉnh, ngành mới được triển khai, tạo thành hệ thống đồng bộ, bảo đảm cho sự phát triển chung, thống nhất của cả nước. Trong kỳ họp bất thường của Quốc hội năm 2023, Quy hoạch tổng thể quốc gia nhận được nhiều sự quan tâm, được xem xét từ nhiều hướng tiếp cận, và chắc chắn văn hóa phải là một trong số đó.
Do văn hóa là lĩnh vực vừa có tính bao trùm, vừa liên quan trực tiếp và gián tiếp đến tất cả các lĩnh vực của xã hội nên khi xem xét bất kỳ một quy hoạch nào cũng cần tính toán đến yếu tố văn hóa. Ví dụ, khi kinh tế được tính toán dựa vào văn hóa, kinh tế sẽ khai thác được những giá trị của văn hóa để tạo ra tính độc đáo của sản phẩm và lợi thế cạnh tranh.
Văn hóa có tính phân vùng rất rõ rệt. GS. Trần Quốc Vượng chia ra 6 vùng văn hóa ở Việt Nam gồm: Vùng văn hóa Tây Bắc, Vùng văn hóa Việt Bắc, Vùng văn hóa châu thổ Bắc Bộ, Vùng văn hóa Trung Bộ, Vùng văn hóa Trường Sơn – Tây Nguyên, Vùng văn hóa Nam Bộ. Mỗi vùng văn hóa đều có những đặc điểm riêng mà nếu chúng ta biết cách khai thác sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển chung của đất nước. Ví dụ, vùng văn hóa châu thổ Bắc Bộ với đặc trưng của chèo, rối nước, hệ thống đình, chùa, lễ hội truyền thống có thể là chất liệu tuyệt vời cho du lịch di sản. Trong khi đó, vùng văn hóa Tây Bắc, với sự đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, phong cảnh núi non hùng vỹ, có thể là nguồn lực để phát triển du lịch cộng đồng.
Tương tự như vậy là đặc điểm hấp dẫn riêng của các vùng văn hóa khác. Các vùng văn hóa cũng là cơ sở để xây dựng các thiết chế văn hóa cấp vùng để thể hiện bản sắc của cả vùng. Tránh tình trạng tỉnh nào cũng có một thiết chế văn hóa giống hệt nhau, vừa tạo nhàm chán, vừa không tạo được điểm nhấn, vừa gây lãng phí nguồn lực...
Tôi đánh giá rất cao quan điểm phát triển trong Quy hoạch, trong đó ở quan điểm thứ hai có “phát huy tối đa lợi thế của vùng, miền; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, hay quan điểm thứ tư “lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”. Đây là những quan điểm thực sự xuất phát từ văn hóa và gắn bó với sự phát triển văn hóa.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội
Tuy nhiên, trong các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030, tôi cũng thấy có một sự hẫng hụt cảm xúc khi chỉ tiêu về văn hóa được xếp ở mục b) xã hội và không có bất kỳ một chỉ tiêu nào mang tính định lượng (như vốn mặc định cứ văn hóa thì là định tính): “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các đời sống xã hội. Phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa quốc gia bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa của đất nước”. Nếu so với các lĩnh vực khác có những chỉ tiêu rất cụ thể để từ đó có thể dễ đánh giá khi thực hiện quy hoạch như y tế “Đến năm 2030, đạt 35 giường bệnh và 19 bác sĩ trên 1 vạn dân; tỷ lệ giường bệnh tư nhân đạt 15%” hay giáo dục “Phát triển nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực; thuộc nhóm 10 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất châu Á. Tỷ lệ sinh viên đại học đạt 260 trên 1 vạn dân. Có ít nhất 05 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong số 500 trường đại học tốt nhất trên thế giới...”, thì rõ ràng việc không có chỉ tiêu định lượng khiến lĩnh vực văn hóa khó được quan tâm cụ thể, khó có thể huy động nguồn lực đối với những dự án, công trình quan trọng, tạo dấu ấn cho sự phát triển văn hóa quốc gia.
Thực ra, văn hóa là lĩnh vực thuộc đời sống tinh thần nên việc định lượng gặp nhiều khó khăn, nhưng không có nghĩa là không thể định lượng được, đặc biệt là trong một quy hoạch quan trọng. Năm 2021, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030, ở đó, nhiều chỉ tiêu cụ thể đã được đặt ra, có thể trở thành dữ liệu cho bản quy hoạch tổng thể quốc gia. Những kế hoạch như xây dựng Nhà hát Nghệ thuật quốc gia, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, hay chỉ tiêu 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ ba loại hình thiết chế văn hóa gồm: Trung tâm Văn hóa hoặc Trung tâm Văn hóa – Nghệ thuật, bảo tàng, thư viện; 100% đơn vị hành chính cấp huyện, xã có trung tâm văn hóa... chính là những dự liệu cụ thể hoàn toàn có thể đưa vào quy hoạch tổng thể quốc gia để làm căn cứ cho sự đánh giá sau này.
Để văn hóa được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội, việc đặt yếu tố văn hóa vào trong quy hoạch tổng thể quốc gia là hết sức cần thiết. Chúng ta hy vọng rằng, khi thực hiện quy hoạch đặc biệt quan trọng này, giá trị văn hóa sẽ góp phần phát huy tối đa lợi thế của vùng, miền, để văn hóa trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển bền vững đất nước./.