ĐBQH NGUYỄN NGỌC SƠN: CÓ THỂ CHO PHÉP ÁP DỤNG CƠ CHẾ ĐẶC BIỆT THỰC HIỆN DỰ ÁN ĐƯỜNG KẾT NỐI LIÊN VÙNG GIỮA TỈNH KHÁNH HÒA, NINH THUẬN VÀ LÂM ĐỒNG
RÀ SOÁT, ĐẢM BẢO TÍNH KHẢ THI KHI ĐIỀU CHỈNH ĐẦU TƯ DỰ ÁN HỒ CHỨA NƯỚC KA PÉT VÀ ĐẦU TƯ ĐƯỜNG LIÊN VÙNG KẾT NỐI KHÁNH HÒA, NINH THUẬN VÀ LÂM ĐỒNG
Tại Kỳ họp thứ 5 tới, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường liên kết vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay - Tà Gụ kết nối với Quốc lộ 27C và đường tỉnh ĐT.707.
Qua quá trình thẩm tra chủ trương đầu tư Dự án, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Ngọc Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nêu quan điểm: Chính phủ và các địa phương trong diện thực hiện Dự án cần tiếp tục rà soát lại quy mô, tổng mức đầu tư, phương án thiết kế sơ bộ, hướng tuyến, công tác giải phóng mặt bằng để bảo đảm tính khả thi, tính hiệu quả đầu tư của Dự án. Đây là những nội dung được các ĐBQH sẽ rất quan tâm, đặt câu hỏi tại Kỳ họp thứ 5.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
Phóng viên: Tại Kỳ họp thứ 5 tới, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường liên kết vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay - Tà Gụ kết nối với Quốc lộ 27C và đường tỉnh ĐT.707. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng vừa tổ chức thẩm tra việc quyết định chủ trương đầu tư Dự án này. Đại biểu có nhận định như thế nào sau khi cùng với Ủy ban thẩm tra về chủ trương đầu tư Dự án này?
ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn: Dự án đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay - Tà Gụ kết nối với Quốc lộ 27C và đường tỉnh ĐT.707, xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư tại Tờ trình số 103/TTr-Cp ngày 03/4/2023. Theo đó, thực hiện sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) đã khẩn trương nghiên cứu hồ sơ cùng các tài liệu liên quan, tổ chức Đoàn công tác đi khảo sát thực tế và tiến hành thẩm tra sơ bộ, thẩm tra chính thức Dự án.
Tôi đồng tình cao với nội dung dự thảo Báo cáo thẩm tra của Thường trực Ủy ban và nhận thấy, bên cạnh các hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đến nay Chính phủ đã bổ sung thêm Báo cáo tiếp thu, giải trình số 202/BC-CP ngày 09/5/2023. Theo đó, nhiều nội dung đã được giải trình cơ bản đầy đủ theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của Kiểm toán Nhà nước và ý kiến thẩm tra sơ bộ của Ủy ban KH,CN&MT.
Phiên họp toàn thể lần thứ 6 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường với phần thẩm tra việc quyết định chủ trương đầu tư dự án đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng.
Phóng viên: Đại biểu có ý kiến như thế nào về hồ sơ trình, phương án thiết kế sơ bộ, hướng tuyến, công tác giải phóng mặt bằng, liệu Chính phủ và địa phương có phải bổ sung, làm rõ những nội dung nào không?
ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn: Tôi cho rằng, báo cáo thẩm tra của Ủy ban KH,CN&MT đã thể hiện cơ bản nội dung này. Ngoài ra, tôi nhấn mạnh thêm một số nội dung để Chính phủ và địa phương cần làm rõ hơn, giúp ĐBQH có đầy đủ thông tin khi cho ý kiến về Dự án này tại kỳ họp thứ 5.
Trước tiên, về Hồ sơ trình Quốc hội, Hồ sơ Chính phủ trình cơ bản đáp ứng theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Điều 20 Luật Đầu tư công. Tuy nhiên, nhiều nội dung trong Tờ trình của Chính phủ đã được điều chỉnh, bổ sung thêm trong Báo cáo giải trình, tiếp thu. Ví dụ như điều chỉnh tên Dự án, bổ sung thêm cơ chế đặc thù áp dụng cho Dự án, do vậy khi Chính phủ trình bày Tờ trình số 103/TTr-CP trước Quốc hội sẽ thiếu vắng nhiều thông tin, hơn nữa trong báo cáo của Hội đồng thẩm định nhà nước (Báo cáo số 9170/BC-HĐTĐNN ngày 16/12/2022) cũng chưa có ý kiến đối với cơ chế đặc thù “Trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án trong thời gian Quốc hội không họp, Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định vấn đề phát sinh (nếu có) thuộc thẩm quyền của Quốc hội”.
Đoàn công tác của Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đi khảo sát thực tế hướng tuyến, một số điểm kết nối, khu vực phải di dân, giải phóng mặt bằng để thực hiện Dự án.
Thứ hai, về sự cần thiết của dự án, báo cáo thẩm tra của Ủy ban KH,CN&MT đã tán thành cao với sự cần thiết đầu tư của Dự án. Đây cũng là dự án đứng thứ 7 sau 06 dự án giao thông nằm trong thứ tự ưu tiên của Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 29/3/2023. Tuy nhiên, bên cạnh sự cần thiết đã được thể hiện trong Tờ trình và Báo cáo giải trình tiếp thu của Chính phủ, tôi đề nghị tỉnh Khánh Hòa cần cung cấp thêm lý do tại sao ưu tiên đầu tư Dự án này trước khi đầu tư 06 dự án giao thông còn lại đều thuộc diện ưu tiên trong quy hoạch? Đồng thời, đề nghị trong Báo cáo cần nhấn mạnh tính chất của Dự án quan trọng Quốc gia chủ yếu là do tiêu chí chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đặc dụng và rừng phòng hộ (59,95 ha) theo quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 7 Luật Đầu tư công 2019 (trên 50 ha phải xin chủ trương Quốc hội).
Phóng viên: Đại biểu có ý kiến như thế nào về tổng mức đầu tư, phân kỳ đầu tư cho Dự án và liệu Chính phủ và các địa phương có phải bổ sung, làm rõ những nội dung nào không?
ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn: Theo ý kiến của Kiểm toán Nhà nước, Chính phủ cần giải trình làm rõ hơn về tốc độ thiết kế, phương án mặt cắt ngang đường, phương án kết cấu áo đường trong Hồ sơ Dự án với tiêu chuẩn thiết kế đường ô tô TCVN 4054-2005, tính toán phân kỳ đầu tư Dự án cho phù hợp, đúng quy định và tránh lãng phí. Bên cạnh đó, tôi cho rằng, tỉnh Khánh Hòa cần xem xét, tính toán và cung cấp cho ĐBQH số liệu khái toán về tổng mức đầu tư nếu áp theo đúng tiêu chuẩn thiết kế đường ô tô TCVN 4054- 2005.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!