QUAN TÂM HƠN ĐẾN CÁC GIẢI PHÁP HỮU HIỆU GIẢM TẢI Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG LƯU VỰC SÔNG VÀ TẠI CÁC LÀNG NGHỀ
TIẾP TỤC TRIỂN KHAI MỘT SỐ NỘI DUNG TRỌNG TÂM ĐỂ THỰC HIỆN CÓ HIỆU QUẢ CÁC MỤC TIÊU BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường vừa tổ chức Phiên họp lần thứ 7 với phần thẩm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ, ngân sách cho bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2023 và dự kiến hiệm vụ, ngân sách cho bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2024.
Liên quan đến nội dung trên, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Văn An đưa ra 05 vấn đề trọng tâm cần được Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ ngành liên quan lưu ý giải quyết.
Phiên họp lần thứ 7 với phần thẩm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ, ngân sách cho bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2023 và dự kiến hiệm vụ, ngân sách cho bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2024.
Thứ nhất: Ngày 13/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, trong đó có 02 nội dung đề nghị cần nghiên cứu kỹ lưỡng. Chiến lược đặt ra các lộ trình, chỉ tiêu cụ thể về xứ lý chất thải rắn sinh hoạt và để xử lý bằng công nghệ chôn lấp thì đến năm 2025 giảm còn 30% và đến năm 2030 giảm còn 10%. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Tài nguyên Môi trường, tỷ lệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt là 70% vào năm 2022.
Với băn khoăn trên, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Văn An đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết rõ hơn về tỷ lệ chất thải rắn được chôn lấp trực tiếp đến thời điểm hiện nay là bao nhiêu phần trăm?
Để đạt được các mục tiêu giảm chất thải rắn sinh hoạt theo lộ trình đề ra, theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Văn An, vấn đề quan trọng là phải có công nghệ mới để thay thế công nghệ chôn lấp và phải kiến nghị để đưa vào nhiệm vụ, giải pháp trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 sẽ trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp thứ 6 tới.
Ngoài ra, Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 cũng đề ra nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy việc sử dụng các phương tiện giao thông phi cơ giới thân thiện với môi trường như xe điện. Bên cạnh đó, hiện nay, năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời cũng đang được khuyến khích để triển khai thế. Định hướng phát triển này cũng đặt ra thách thức đối với công tác bảo vệ môi trường. Đó là pin xe điện và pin mặt trời sau khi sử dụng sẽ được xử lý như thế nào. Do đó, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng có báo cáo về cơ chế công nghệ xử lý phù hợp với các tấm pin hết hạn nhằm tránh ảnh hưởng xấu tới môi trường cũng như có đề xuất sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật để thực hiện việc làm này một cách hiệu quả.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Văn An.
Thứ hai: Theo phản ánh của các Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân ở các địa phương thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri cho thấy, kết quả rà soát thực hiện Nghị định 101 của Quốc hội và các giám sát của Ủy ban về những văn bản quy phạm pháp luật đối với bảo vệ môi trường thì có bất cập từ quy định của Nghị định 08/2022. Trên thực tế, quy định còn có những điều chưa đi sâu vào thực tiễn cuộc sống và cũng có những khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện. Vì vậy, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Văn An đề nghị Bộ Tài nguyên Môi trường cũng có đánh giá cũng như có sự bổ sung, sửa đổi Nghị định 08/2022 để tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn.
Thứ ba: Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong 7 tháng đầu năm 2023, Bộ cũng đã tiếp nhận là 7.800 văn bản đến và đã trả lời 2.200 văn bản hướng dẫn, giải đáp những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị về giám sát môi trường của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các cá nhân. Tỷ lệ giải quyết thì đạt là 28,2% nên có thể nói là còn thấp. Điều này có thể ảnh hưởng đến hoạt động của địa phương, doanh nghiệp, cá nhân nên đề nghị Bộ làm rõ những cái vướng mắc, nguyên nhân, thực trạng của việc giải quyết những kiến nghị liên quan đến giám sát môi trường để có những giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Thứ tư: Qua khảo sát ở các địa phương, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường còn nhiều bất cập, vướng mắc.
Mới đây, Thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ Môi trường có tiến hành khảo sát công tác bảo vệ môi trường ở một số tỉnh như Thái Nguyên, Thanh Hóa, Hưng Yên và Hải Dương thì thực tế cho thấy, hầu hết các cái cụm công nghiệp, làng nghề chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu. Do đó, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có đánh giá kỹ lưỡng, thực chất hơn về tỷ lệ này cũng như cung cấp đầy đủ số liệu liên quan đến tỷ lệ này để có thể phản ánh đầy đủ tình trạng ô nhiễm môi trường, xử lý nước thải tập trung của các địa phương; việc thu gom, xử lý nước thải đô thị.
Các thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tham dự Phiên họp toàn thể lần thứ 7.
Thứ năm: Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên Môi trường, tính đến ngày 13/9/2023, Bộ đã có những ý kiến với những báo cáo đánh giá môi trường của hơn 80 chiến lược và quy hoạch; thẩm định phê duyệt là hàng trăm báo cáo đánh giá về tác động môi trường của các dự án. Đây là vấn đề mà đại biểu Quốc hội và cử tri cũng hết sức là quan tâm, sẽ là căn cứ quan trọng để thúc đẩy kinh tế đất nước, sự phát triển của từng ngành, vùng, địa phương phát triển một cách bền vững. Vì vậy, đề nghị Bộ Tài nguyên Môi trường thông qua việc mà thực hiện trách nhiệm của mình nên có những đánh giá, đề xuất các giải pháp để mà đảm bảo nguyên tắc “không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế” đã được đề ra trong Chiến lược bảo vệ môi trường.
Về công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, qua trao đổi tại một số hội thảo, các chuyên gia có đề cập đến cái việc cần phải có một luật riêng về biến đổi khí hậu thay vì các cái quy định nằm rải rác trong các cái luật như là Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khí tượng thủy văn như hiện nay. Đề nghị Bộ Tài nguyên Môi trường cũng cho biết quan điểm của mình về vấn đề này và nếu cần thiết cần có một luật riêng thì tiến trình, tiến độ mà trình Quốc hội thì nên vào cái thời điểm nào cho phù hợp.
Để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào quá trình thích ứng biến đổi khí hậu và giảm phát hành là kính, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Văn An cho rằng, một trong những giải pháp quan trọng là công cụ tài chính, chính sách thuế, phí phù hợp, chính sách ưu đãi, hỗ trợ. Do đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính cũng cần đề xuất quan điểm cần chính sách để khuyến khích doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào quá trình này. Mặt khác, trong Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2024 thì cũng cần xem xét và giao Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu và đề xuất các chính sách liên quan đến vấn đề này.
Quản lý chất thải công nhiệp và nguy hại thông qua kiểm soát chặt chẽ nguồn phát sinh, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý
Đề cập về việc quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, trong năm 2023, Bộ đã tập trung triển khai các nhiệm vụ về quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; các nhiệm vụ, giải pháp được đề ra tại Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; chỉ đạo triển khai các giải pháp đồng bộ về quản lý rác thải, từng bước thực hiện tái chế, tái sử dụng rác thải thay cho chôn lấp, giảm thiểu rác thải nhựa; thúc đẩy và triển khai có hiệu quả Chương trình đối tác hành động quốc gia về chất thải nhựa.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã tổ chức xây dựng hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt; định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Xây dựng nội dung về định hướng vị trí, quy mô các khu xử lý chất thải tập trung cấp vùng, cấp quốc gia để lồng ghép trong Quy hoạch Bảo vệ môi trường quốc gia; nghiên cứu, xây dựng hướng dẫn các mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại đô thị và nông thôn. Trước tiên, đề xuất giải pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các thành phố lớn trực thuộc Trung ương và các đô thị đặc biệt. Đẩy mạnh áp dụng các công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, đồng xử lý, xử lý kết hợp với thu hồi năng lượng; thực hiện ký quỹ Bảo vệ môi trường cho hoạt động chôn lấp chất thải, từng bước hạn chế chôn lấp trực tiếp chất thải rắn sinh hoạt.
Về quản lý, kiểm soát hoạt động xử lý chất thải công nghiệp và nguy hại, theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung rà soát, tổng hợp, đánh giá tình hình bảo vệ môi trường các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, làng nghề trên toàn quốc; tập trung kiểm soát chặt chẽ về môi trường đối với các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp; Hướng dẫn, đôn đốc để yêu cầu chủ đầu tư các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung, đảm bảo tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường đạt 92%.
Ngoài ra, Bộ cũng tiếp tục quản lý chất thải công nhiệp và chất thải nguy hại thông qua việc kiểm soát chặt chẽ nguồn phát sinh, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý. Trên cả nước hiện có 117 cơ sở xử lý chất thải nguy hại. Theo báo cáo của các địa phương, đến nay, tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải nguy hại đạt khoảng 90%./.