ĐBQH NGUYỄN TẠO: VIỆC GIẢM TỶ LỆ CỔ ĐÔNG LỚN KHÔNG CÓ Ý NGHĨA THUYẾT PHỤC TRONG GIẢM TỶ LỆ SỞ HỮU CHÉO
Đại biểu Nguyễn Tạo chỉ ra, khoản 12, Điều 04, Bộ luật Hàng hải Việt Nam quy định: Cảng cạn (IDC) là một bộ phận thuộc kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, là đầu mối tổ chức vận tải gắn liền với hoạt động của cảng biển, cảng hàng không, cảng đường thủy nội địa, ga đường sắt, cửa khẩu đường bộ, đồng thời có chức năng là cửa khẩu đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bằng đường biển. Cảng cạn được coi là một mắt xích quan trọng trong vận tải đa phương thức, góp phần giảm chi phí vận chuyển, giảm thời gian lưu hàng tại cảng, với chức năng chính là điểm thông quan hàng hóa nội địa, bãi chứa container có hàng, container rỗng và container hàng lạnh, vận chuyển hàng dự án, hàng siêu trọng, thủ tục hải quan,…
Đại biểu Nguyễn Tạo – Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng phát biểu tại hội trường
Hệ thống cảng cạn được phát triển nhằm tổ chức vận chuyển container một cách hợp lý, tăng hiệu quả hoạt động dịch vụ logistics trên các hành lang vận tải, góp phần giảm ùn tắc giao thông tại cảng biển, cửa khẩu quốc tế và các đô thị lớn. Cảng cạn có vai trò quan trọng trong hệ thống vận tải container, là điểm nối giữa một bên là nơi sản xuất, tiêu thụ hàng hóa xuất nhập khẩu với một bên là cảng biển. Ở những khu vực có khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu vận chuyển bằng container lớn thì việc quy hoạch và phát triển các cảng cạn trở thành yêu cầu cấp thiết.
Theo đại biểu Nguyễn Tạo, trên thực tế, các cảng cạn miền Nam được coi là đang phát huy hiệu quả nhất so với cả nước, khối lượng hàng hóa thông qua cảng khu vực này chiếm đến 80% lượng hàng hóa của cả nước, phát huy được ưu thế vận tải thủy nội địa, hỗ trợ tốt cho các cảng biển trong việc trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu bằng container, giảm sự ùn tắc tại cảng biển và giao thông đô thị khu vực thành phố Hồ Chí Minh. Một số cảng đã có sự gắn kết với các cảng biển và vận tải biển như một mắt xích trong dây chuyền vận tải đa phương thức.
Đại biểu Nguyễn Tạo chia sẻ bên lề kỳ họp
Cũng theo đại biểu Nguyễn Tạo, quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt trong Quyết định số 2223/QĐ-TTg ngày 13/12/2011. Theo quy hoạch này, Việt Nam đã đầu tư nhiều để phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật hệ thống cảng biển; song hiệu quả lại chưa cao khiến sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, một phần do hệ thống giao thông nội địa của các tỉnh vệ tinh chưa được nâng cấp, kết nối đồng bộ. Do đó, cần tăng cường áp dụng mô hình đầu tư công và hợp tác công - tư (PPP) để đầu tư phát triển các cảng cạn; Nhà nước hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt kết nối với cảng cạn; hoàn chỉnh môi trường pháp lý và ban hành cơ chế chính sách cho phát triển cảng cạn trong tưong lai. Tư nhân đầu tư thiết bị, kho bãi, trung tâm logistics và tổ chức khai thác cảng cạn cho hiệu quả.