Error

Web Part Error: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe. Correlation ID: ab1c66a1-697f-90f0-c4c5-0e9a08400984.

Error Details:
[UnsafeControlException: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe.]
  at Microsoft.SharePoint.ApplicationRuntime.SafeControls.GetTypeFromGuid(Boolean isAppWeb, Guid guid, Guid solutionId, Nullable`1 solutionWebId, String assemblyFullName, String typeFullName, Boolean throwIfNotSafe)
  at Microsoft.SharePoint.WebPartPages.SPWebPartManager.CreateWebPartsFromRowSetData(Boolean onlyInitializeClosedWebParts)

ĐBQH TẠ THỊ YÊN: QUY ĐỊNH TRÁCH NHIỆM CỦA BỘ GTVT TRONG QUẢN LÝ CÁC ĐỀ XUẤT NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN, THỬ NGHIỆM PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG THÔNG MINH

21/11/2023

Theo đại biểu Tạ Thị Yên – Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên, cần bổ sung vào Điều 79 dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ nội dung quy định về trách nhiệm của Bộ GTVT trong việc xử lý và quản lý các đề xuất về nghiên cứu phát triển, thử nghiệm, thí điểm phương tiện giao thông thông minh.

LỒNG GHÉP QUYỀN CON NGƯỜI TRONG GIÁO DỤC PHÁP LUẬT VỀ TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ CHO SINH VIÊN

XÂY DỰNG LUẬT TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ PHÙ HỢP VỚI XU THẾ PHÁT TRIỂN VÀ THÔNG LỆ QUỐC TẾ

Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Theo chương trình kỳ họp thứ 6, dự kiến Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ vào ngày 24/11 tới. Dự án Luật gồm 09 chương, 81 điều, được xây dựng xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan, với mục tiêu quan trọng là bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân khi tham gia giao thông, xác định cụ thể cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; đảm bảo sự điều chỉnh sát thực tế về pháp lý; khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật Giao thông đường bộ hiện hành, phù hợp với xu thế phát triển phát luật của nước ta và thông lệ quốc tế.

Thay mặt cơ quan thẩm tra dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được nêu trong Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, Luật Giao thông đường bộ được ban hành năm 2008, sau 15 năm thực hiện cho thấy, nhiều quy định của Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, không đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý trong lĩnh vực này.

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 điều chỉnh cả lĩnh vực kết cấu hạ tầng Giao thông đường bộ , vận tải đường bộ và lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ, nên không bao quát hết các nội dung về lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ, dẫn đến những bất cập trong công tác quản lý nhà nước, phải ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành. Việc ban hành Luật này là cần thiết phù hợp với chủ trương của Đảng tại Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới.

Về sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; tính hợp hiến, tính thống nhất với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; tính khả thi của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho rằng, dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và quy định của Hiến pháp năm 2013; cơ bản bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật, tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, góp phần tăng cường công tác quản lý nhà nước, thực hiện cam kết với cộng đồng quốc tế và khắc phục những vướng mắc, bất cập thời gian qua. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Cân nhắc quy định thêm về phương tiện giao thông thông minh có thể được vận hành mà không có người lái ngồi trong xe

Nhằm góp phần hoàn thiện dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ để áp dụng vào thực tiễn cuộc sống được hiệu quả, ĐBQH Tạ Thị Yên – Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên cơ bản đồng tình với nhiều nội dung của dự án Luật, nhất là về cập nhật những tiến bộ của khoa học công nghệ trong lĩnh vực vận tải. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đại biểu xin tham gia 3 ý kiến như sau:

Thứ nhất: Về khái niệm phương tiện giao thông thông minh, đại biểu Tạ Thị Yên ủng hộ dự án Luật đã bổ sung khái niệm Phương tiện giao thông thông minh tại khoản 15 Điều 3 dự thảo Luật. Điều này là hợp lý và hoàn toàn cần thiết vì ở một số quốc gia tiên tiến, xe tự lái đang bắt đầu đạt đến mức hoàn thiện và được vận hành ngoài đường và như vậy là phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ và xu hướng trên thế giới.

ĐBQH Tạ Thị Yên – Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên.

Tuy vậy, đại biểu Tạ Thị Yên nhận thấy, việc định nghĩa “Phương tiện giao thông thông minh” trong dự thảo Luật hiện nay vẫn có thể được làm rõ ràng hơn. Cụ thể, về phương tiện nào là phương tiện giao thông thông minh, được định nghĩa là “phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cho phép tự động hóa nhiệm vụ lái xe và tự xử lý các tình huống, đồng thời xác định lộ trình khi tham gia giao thông”. Định nghĩa này chưa xác định rõ là phương tiện thông minh đến mức nào thì mới được coi là phương tiện thông minh.

Trong thực tế, nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới đang phân chia phương tiện tự lái thành 6 cấp độ tự động hóa khác nhau, cấp độ sau lại thông minh hơn, tự động hóa nhiều hơn cấp độ trước. Phương tiện ở cấp độ 0 không tự động hóa tí nào, còn ngược lại, phương tiện cấp độ 5 có thể hoạt động tự động hoàn toàn trong mọi hoàn cảnh, không cần có tài xế ngồi trong xe khi di chuyển. Điều này cho thấy, các quốc gia đã chia phương tiện thông minh theo từng mức độ tự động hóa khác nhau, để phân biệt giữa phương tiện giao thông thông minh với phương tiện truyền thống, và cả giữa các cấp phương tiện giao thông thông minh khác nhau. Do đó, đại biểu Tạ Thị Yên đề xuất sửa đổi, bổ sung định nghĩa tại khoản 15 Điều 3 thành “Phương tiện giao thông thông minh là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cho phép tự động hóa một phần hoặc hoàn toàn”. Ngoài ra, định nghĩa trên cũng chưa thể hiện được việc phương tiện tự lái có bắt buộc phải có tài xế trong phương tiện hay không.

Hiện nay, các nhà sản xuất xe ô tô trên thế giới đang hướng tới việc phát triển những phương tiện có thể tự động hóa hoàn toàn, không cần phải có người lái xe ngồi trong xe khi xe di chuyển. Đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng, loại xe này sẽ sớm xuất hiện trong tương lai, và hiện nay cơ quan quản lý giao thông vận tải ở một số nước tiên tiến trên thế giới đã đưa ra chế tài cấp phép thử nghiệm cho những loại xe như vậy. Vì thế, để nâng cao tính bền vững của quy phạm pháp luật, đại biểu  Tạ Thị Yên đề nghị Ban soạn thảo xem xét, cân nhắc quy định thêm về phương tiện giao thông thông minh có thể được vận hành mà không có người lái ngồi trong xe.

Các đại biểu Quốc hội tham dự kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Thứ hai: Về thẩm quyền cho phép thử nghiệm phương tiện giao thông thông minh, để các mô hình trí tuệ nhân tạo, bộ não của phương tiện giao thông thông minh trở nên thông minh hơn và có thể đảm nhận nhiều công việc tự động hóa hơn, chúng cũng phải trải qua quá trình đào tạo và thử nghiệm.

Ngoài việc thử nghiệm giả lập, các mô hình ứng dụng đổi mới sáng tạo cũng cần được đào tạo trong môi trường thực tế để có thể rút ra được các bài học về cách ứng xử và phản ứng đối với từng trường hợp có thể xảy ra ngoài đời thật.

Việc này cũng giúp nâng cao mức độ an toàn của phương tiện giao thông thông minh khi hoạt động trên đường. Tuy nhiên, trong dự án Luật hiện nay chưa có quy định rõ ràng về thẩm quyền trong việc xử lý và quản lý những đề xuất về thử nghiệm, thí điểm phương tiện giao thông thông minh. Sự thiếu sót này có thể dẫn tới khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình phát triển phương tiện giao thông thông minh trong tương lai.

Do đó, đại biểu Tạ Thị Yên đề xuất Ban soạn thảo và Cơ quan chủ trì thẩm tra xem xét, bổ sung vào Điều 79 dự thảo Luật nội dung quy định về trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải trong việc xử lý và quản lý các đề xuất về nghiên cứu phát triển, thử nghiệm, thí điểm phương tiện giao thông thông minh.

Thứ ba: Về điều kiện thử nghiệm phương tiện giao thông thông minh, đại biểu Tạ Thị Yên nhận thấy, khi cho phép thử nghiệm phương tiện giao thông thông minh, các quốc gia trên thế giới cũng thường đưa ra tiêu chí bảo đảm an toàn khi thử nghiệm phương tiện và trách nhiệm khắc phục hậu quả trong trường hợp có tai nạn xảy ra.

Ví dụ như ở CHLB Đức, họ đưa ra quy định rất cụ thể về những điều kiện mà phương tiện giao thông thông minh phải đáp ứng trước khi được thử nghiệm trong môi trường thực như: Chỉ cho phép phương tiện tự lái cấp độ 3 (phương tiện có thể tự vận hành gần như hoàn toàn trong một vài điều kiện lý tưởng) được thử nghiệm trên đường. Hay là yêu cầu các phương tiện giao thông thông minh phải đặt hộp đen bên trong xe và ghi lại tất cả các bài kiểm tra. Hoặc là Người lái xe trong quá trình thử nghiệm, chủ phương tiện, hoặc cả hai, đều có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý khi xảy ra tai nạn hoặc thiệt hại trong quá trình thử nghiệm phương tiện giao thông thông minh. Do đó, đại biểu Tạ Thị Yên đề xuất Ban soạn thảo và Cơ quan chủ trì thẩm tra thiết kế bổ sung vào ngay trong Luật những quy tắc chung về việc đảm bảo an toàn và trách nhiệm khi xảy ra tai nạn trong quá trình thử nghiệm.

Ngoài ra, Quốc hội cũng có thể giao Chính phủ quy định chi tiết các điều kiện thử nghiệm, để cơ quan quản lý có thể có sự linh động trong quá trình quản lý, phù hợp với tình hình thực tế của sự phát triển công nghệ.

Thứ tư: Về yêu cầu người lái xe phải mang theo chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới khi tham gia giao thông, theo đại biểu Tạ Thị Yên, hiện nay, ở Điều 49 (điểm d) của dự thảo Luật đang quy định về việc khi tham gia giao thông, người lái xe phải mang theo chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Tuy nhiên, cần cân nhắc thêm việc áp dụng quy định này đối với phương tiện giao thông thông minh. Vấn đề ở chỗ là, hiện nay, các doanh nghiệp bảo hiểm chưa có gói bảo hiểm cho các phương tiện giao thông thông minh vì những phương tiện này quá mới mẻ, chưa vận hành đại trà.

Do đó, tài xế phương tiện giao thông thông minh hầu như không thể có được chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với phương tiện của mình. Thay vào đó, họ chỉ có thể có giấy chứng nhận đảm bảo đền bù, được bảo lãnh bởi một bên thứ ba. Đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị Ban soạn thảo và Cơ quan chủ trì thẩm tra cần rà soát quy định này, để tài xế phương tiện giao thông thông minh cần mang theo những loại giấy tờ cho phù hợp với thực tiễn vận hành, khai thác loại hình phương tiện đặc thù và vô cùng mới mẻ, độc đáo này./.

Bích Lan

Các bài viết khác