TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 21/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ BÁO CÁO CÔNG TÁC CỦA CHÁNH ÁN TANDTC, VIỆN TRƯỞNG VIỆN KSNDTC… CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG 2023
Tỷ lệ điều tra, khám phá tội phạm đạt 81,61%
Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023, cho thấy về cơ bản, tình hình, kết quả công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực; nhiều nhiệm vụ, chỉ tiêu Quốc hội giao đã được thực hiện tốt, một số nội dung vượt chỉ tiêu. Qua đó, góp phần giữ vững an ninh, trật tự phục vụ thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, Chính phủ đã triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp nhằm kiềm chế sự gia tăng của tội phạm về trật tự xã hội; tổ chức tấn công, trấn áp quyết liệt các loại tội phạm; tỷ lệ điều tra, khám phá tội phạm đạt 81,61%; trong đó án rất nghiêm trọng đạt 93,2%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 96,62%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Về tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Chính phủ tiếp tục rà soát, khắc phục sơ hở, thiếu sót để phòng ngừa tội phạm; chủ động nhận diện, phát hiện phương thức, thủ đoạn phạm tội mới. Phát hiện, điều tra xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023
Tuy nhiên, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn còn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu là do những khó khăn về kinh tế - xã hội làm gia tăng các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, vi phạm pháp luật; nguồn lực cho công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật còn hạn chế; năng lực, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đại biểu Lý Thị Lan, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang
Còn khoảng trống pháp lý đối với tội phạm chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng
Theo đại biểu Lý Thị Lan, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang, công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, giữ vững trật tự an toàn xã hội đã góp phần quan trọng phục vụ nhiệm phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của đất nước. Các cơ quan tư pháp đã triển khai nhiều giải pháp nhằm kiềm chế sự gia tăng và kéo giảm số vụ phạm tội về trật tự xã hội. Tỷ lệ điều tra khám phá án về trật tự xã hội rất nghiêm trọng đạt 93,2%; án đặc biệt nghiêm trọng đạt 96,62%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm tham nhũng, tiêu cực, thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt. Các cơ quan tư pháp cũng triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa, đấu tranh các hoạt động buôn bán, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của truyền thông, mạng xã hội, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật cũng nổi lên nhiều vấn đề rất đáng lưu ý. Đại biểu Lý Thị Lan cho biết, các vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng đang diễn biến rất phức tạp, trong khi đó, tỷ lệ điều tra, xử lý, thu hồi tài sản đối với hành vi này rất thấp, vì phương thức, thủ đoạn của các đối tượng này tinh vi, phức tạp. Các đối tượng đều có kiến thức sâu về công nghệ thông tin nên khó thu thập tài liệu, chứng cứ, đặc biệt là chứng cứ điện tử rất dễ bị tẩy xóa, khó khôi phục và thường có yếu tố nước ngoài.
Đại biểu Lý Thị Lan cũng cho rằng còn có khoảng trống pháp lý trong xử lý tội phạm chiếm đoạt tài sản. Tội danh này là hành vi lừa đảo, cố ý chuyển tài sản của người khác thành tài sản của mình một cách bất hợp pháp. Thủ đoạn của việc chiếm đoạt đó là hành vi gian dối, các yếu tố cấu thành tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản gồm khách thể của tội phạm là quyền sở hữu tài sản, cụ thể các quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản của chủ sở hữu tài sản đối với các tài sản bị chiếm đoạt. Đối tượng tác động là tài sản, bao gồm tiền, giấy tờ có giá và quyền về tài sản.
Theo đại biểu Lý Thị Lan, loại tội phạm này dùng các hành vi, thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản mà ngay lúc đó người bị chiếm đoạt tài sản không nhận ra hành vi gian dối. Đưa ra thông tin giả nhưng người khác tin đó là sự thật, đây chính là nguyên nhân trực tiếp khiến người bị hại tin tưởng mà giao tài sản cho người phạm tội, dẫn đến hậu quả là tài sản của người bị hại bị chiếm đoạt. Trong khi đó, quá trình xác định tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản hiện nay rất khó khăn, vì rất dễ nhầm lẫn giữa tội danh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bộ luật Hình sự cũng chưa quy định pháp nhân thương mại là chủ thể của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hiện nay pháp nhân thương mại chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi phạm tội tại các điều được liệt kê tại Điều 76 của Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản lại không được liệt kê trong số các tội đó.
Vì vậy, đại biểu Lý Thị Lan đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan cần có giải pháp ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về hành vi chiếm đoạt tài sản và thủ đoạn gian dối của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bổ sung quy định về pháp nhân thương mại là chủ thể của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản để có cơ sở pháp lý giải quyết những vấn đề bất cập trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Đồng quan điểm khi lo ngại về lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, dẫn thực tế bất cứ đại biểu nào cũng từng nhận được một cuộc gọi lừa đảo hay tin nhắn rác, đại biểu Nguyễn Minh Tâm, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh, số lượng hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, mạng internet đang ngày càng gia tăng với nhiều phương thức mới, thủ đoạn tinh vi hơn. Do vậy, để bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin người dùng, đại biểu đề nghị, Chính phủ và các bộ, ngành cần phải có giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn để phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm trên không gian mạng, chuẩn hóa thông tin thuê bao di động, loại bỏ hoàn toàn sim rác. Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông cần tăng cường triệt phá các loại tội phạm lừa đảo qua các App, điển hình là những cuộc gọi mạo danh.
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn
Cũng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn cho rằng đang có khoảng trống pháp lý trong việc tẩu tán tài sản lừa đảo trên không gian mạng, nhiều người dân bị đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng và đã trình báo với cơ quan chức năng, nhưng luật hiện hành lại chưa có quy định và chưa có hướng dẫn về việc phong tỏa tài sản khẩn cấp.
Cụ thể, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân chỉ rõ, tại Điều 129, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định “Phong tỏa tài sản chỉ áp dụng đối với người bị buộc tội về tội mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tiền, bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại khi có căn cứ xác định người đó có tài khoản tại tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước. Phong tỏa tài sản cũng được áp dụng đối với tài khoản của người khác nếu có căn cứ cho rằng số tiền trong tài khoản đó liên quan đến hành vi phạm tội của người bị buộc tội”. Do đó, lực lượng chức năng không có cơ sở để ngăn chặn đối tượng lừa đảo tẩu tán số tiền vừa chiếm đoạt. Điều này gây khó khăn cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm của cơ quan chức năng và thiệt hại cho người dân, cần được cơ quan chức năng nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.
Hay như câu chuyện rất “nóng” hiện nay, nhiều người dân gửi đơn, thư đến cơ quan chức năng phản ánh về việc các công ty bảo hiểm để nhân viên ngân hàng tư vấn sai sự thật, mời gọi khách hàng chuyển tiền gửi tiết kiệm sang mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm đầu tư. Nhiều trường hợp nhân viên công ty bảo hiểm tư vấn mua bảo hiểm không thông tin đầy đủ về nội dung của hợp đồng hoặc sai lệch thông tin hợp đồng bảo hiểm, làm ảnh hưởng lớn đến lòng tin của người dân với hệ thống ngân hàng và bảo hiểm. Đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị, Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước chủ động rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện các quy định liên quan đến lĩnh vực này, tích cực thanh tra, kiểm tra và chuyển cơ quan điều tra khi phát hiện các dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Đại biểu Trần Công Phàn, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương
Công tác phòng, ngừa tội phạm cần sự chung tay của toàn xã hội
Đánh giá công tác phòng, chống tội phạm đã có nhiều điểm sáng, đây không phải chỉ là kết quả của riêng năm 2023 mà là sự nỗ lực, cố gắng rất nhiều năm của các cơ quan tư pháp, tuy nhiên đại biểu Trần Công Phàn, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương cũng chỉ rõ, tội phạm vẫn tăng lên, đòi hỏi chúng ta phải chú trọng hơn nữa đến công tác phòng, ngừa.
Nhấn mạnh đây không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật, không phải trách nhiệm của các cơ quan tư pháp mà là trách nhiệm của toàn xã hội, đại biểu Trần Công Phàn đề nghị, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, phải nhìn nhận rõ xã hội có 2 hiện tượng: tích cực và tiêu cực. Muốn làm giảm tiêu cực, tấn công trực tiếp vào tiêu cực thì phải tăng cường các giải pháp tích cực. Đồng thời, đã đến lúc phải nghiên cứu một cách căn cơ, đầy đủ về nguyên nhân, điều kiện dẫn đến tội phạm để có biện pháp phòng, ngừa cho đúng.
Giải trình trước Quốc hội, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cũng cho rằng, việc cần quan tâm, coi trọng và tập trung là công tác phòng, ngừa để có thể chủ động ngăn chặn kịp thời tội phạm từ gốc. Công tác phòng, ngừa có liên quan đến cả công tác xây dựng pháp luật và cả cộng đồng xã hội phải cùng tham gia, với nhiều biện pháp, trong đó có cả câu chuyện đấu tranh, ngăn chặn, xử lý. Nhưng đồng thời mọi người cũng phải biết tự bảo vệ mình, có phòng ngừa, có cảnh giác… Có như vậy công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm sẽ hiệu quả hơn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khẳng định, các đại biểu đã chỉ ra những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, phương hướng, giải pháp trong thời gian tới. Các giải pháp mà các đại biểu Quốc hội nêu đã gợi mở nhiều vấn đề để các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, thực hiện công việc tốt hơn trong thời gian tới.