ĐBQH NGUYỄN VIỆT HÀ: TẠO HÀNH LANG PHÁP LÝ ĐỂ CUNG ỨNG CÁC SẢN PHẨM DỊCH VỤ NGÂN HÀNG QUA PHƯƠNG TIỆN ĐIỆN TỬ
ĐBQH NGUYỄN VIỆT HÀ: KIẾN NGHỊ KÉO DÀI ÁP DỤNG NGHỊ QUYẾT 42/NQ-CP CỦA CHÍNH PHỦ
Đại biểu Nguyễn Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang
Tiếp tục nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng hoạt động đấu giá tài sản
Luật Đấu giá tài sản được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 17/11/2016 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2017. Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, Luật Đấu giá tài sản đã đạt nhiều kết quả cụ thể, đóng góp quan trọng trong việc hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý về trình tự, thủ tục đấu giá chung, chặt chẽ trong hoạt động đấu giá.
Đồng thời, giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật, phân định rõ trách nhiệm của người có tài sản đấu giá trong các giai đoạn đấu giá, nâng cao tính công khai, minh bạch, hiệu quả trong việc xử lý tài sản, nhất là tài sản công.
Hoạt động đấu giá tài sản từng bước được chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa một cách mạnh mẽ. Hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về hoạt động đấu giá tài sản từng bước được nâng cao.
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật đã phát sinh một số vấn đề hạn chế, bất cập, cần sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn như: Pháp luật về đấu giá tài sản còn một số quy định chưa chặt chẽ về trình tự, thủ tục, chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, vướng mắc cho tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá và các cá nhân, tổ chức có liên quan, chất lượng của đội ngũ đấu giá viên tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn hạn chế, bất cập, chất lượng dịch vụ đấu giá nhìn chung còn chưa có hiệu quả, tình trạng "quân xanh, quân đỏ", "thông đồng, dìm giá" trong các phiên đấu giá ngày càng có xu hướng tinh vi, phức tạp…
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản nhằm tiếp tục thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển dịch vụ đấu giá tài sản theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; tiếp tục nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, chất lượng hoạt động đấu giá tài sản; khắc phục những hạn chế, bất cập, đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.
Cân nhắc, rà soát quy định hành vi bị nghiêm cấm
Qua nghiên cứu dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật đấu giá tài sản năm 2016 theo Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Uỷ ban kinh tế. Để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Việt Hà cho rằng, cơ quan soạn thảo cần hoàn thiện một số nội dung.
Về khoản 3 Điều 1 dự thảo sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 9, dự thảo Luật bổ sung vào Khoản 1 Điều 9 hành vi bị nghiêm cấm đối với đấu giá viên:“Để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá nhằm mục đích trục lợi”.
Về nội dung này, đại biểu đề nghị bỏ cụm từ “nhằm mục đích trục lợi” tại nội dung này, bởi trong trường hợp đấu giá viên để lộ thông tin người tham gia đấu giá nhưng không có mục đích trục lợi cũng có thể khiến cho việc bán đấu giá tài sản không thực hiện được theo đúng quy định do có thể bị những người tham gia đấu giá lợi dụng thông tin này để cùng móc nối, thông đồng, dìm giá trong quá trình tham gia đấu giá dẫn đến làm sai lệch hồ sơ tham gia đấu giá, kết quả đấu giá tài sản. Đồng thời đề nghị cũng sửa đổi nội dung này tại khoản 2 Điều này về hành vi bị nghiêm cấm đối với Tổ chức đấu giá tài sản
Đảm bảo gắn trách nhiệm của Tổ chức đấu giá tài sản khi thực hiện xác định giá khởi điểm
Về khoản 5 Điều 1 Sửa đổi, bổ sung khoản 1 của Điều 24, tại điểm g khoản 1 Điều 24 Luật đấu giá tài sản quy định Tổ chức đấu giá tài sản có quyền: xác định giá khởi điểm khi bán đấu giá tài sản theo uỷ quyền của tổ chức, cá nhân tự nguyện lựa chọn bán đấu giá tài sản theo quy định của Luật này.
Đối với vấn đề này, đại biểu đề nghị bổ sung vào khoản 2 Điều 24 của dự thảo nội dung: Tổ chức đấu giá tài sản chịu trách nhiệm về giá khởi điểm trong trường hợp xác định giá theo uỷ quyền của người có tài sản nhằm đảm bảo gắn trách nhiệm của Tổ chức đấu giá tài sản khi thực hiện xác định giá khởi điểm và đảm bảo quyền lợi cho người có tài sản trong trường hợp này.
Rà soát nội dung về Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản
Về khoản 12 Điều 1 dự thảo Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 38, dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 38 nội dung: Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản thông báo cho người không đủ điều kiện tham gia đấu giá trước ngày mở cuộc đấu giá 01 ngày làm việc. Để đảm bảo thông tin kịp thời đến người không đủ điều kiện tham gia đấu giá ở xa địa điểm tổ chức đấu giá tài sản, đại biểu Hà đề nghị tăng số ngày thông báo lên ít nhất 2 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá.
Dự thảo bổ sung vào khoản 2 nội dung: “Người có tài sản căn cứ quy định của pháp luật áp dụng đối với loại tài sản đấu giá có trách nhiệm xét duyệt điều kiện của người tham gia đấu giá và thông báo cho tổ chức hành nghề đấu giá tài sản người đáp ứng yêu cầu, điều kiện tham gia đấu giá, người không đáp ứng yêu cầu, điều kiện tham gia đấu giá chậm nhất là 05 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá.”
Theo quy định của Luật đấu giá tài sản hiện hành thì tổ chức đấu giá tài sản là doanh nghiệp có chức năng cung cấp dịch vụ đấu giá tài sản thông qua hợp đồng cung cấp dịch vụ với người có tài sản đấu giá, theo Khoản 2 Điều 24 của luật thì Tổ chức đấu giá tài sản có nghĩa vụ: Thực hiện việc đấu giá tài sản theo nguyên tắc, trình tự, thủ tục quy định tại Luật này và chịu trách nhiệm về kết quả đấu giá tài sản; Thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản. Việc đăng ký tham gia đấu giá cũng như việc xét duyệt điều kiện của người tham gia đấu giá tại Điều 38 này là một trong những trình tự, thủ tục của quy trình đấu giá tài sản do vậy thuộc trách nhiệm của tổ chức đấu giá tài sản, Điều 47 của Luật quy định về nghĩa vụ của người có tài sản đấu giá cũng không có nghĩa vụ này.
Trên thực tế việc xét duyệt các điều kiện của người tham gia đấu giá là việc phức tạp, cần có đào tạo về chuyên môn kiến thức để thực hiện, trong khi dự thảo lần này bổ sung các trường hợp không được đăng ký tham gia đấu giá mới như: “Công ty mẹ, công ty con; các doanh nghiệp mà cá nhân, tổ chức hoặc nhóm cá nhân, tổ chức có khả năng chi phối hoạt động thông qua sở hữu, thâu tóm cổ phần, phần vốn góp hoặc thông qua việc ra quyết định của doanh nghiệp khi đăng ký tham gia đấu giá trong cùng một tài sản”.
Theo đại biểu Hà, đây là những đối tượng khó để xác định, trường hợp người có tài sản đấu giá không có chuyên môn, không được đào tạo thì việc triển khai quy định này gây khó khăn trên thực tế, tạo rủi ro cho người có tài sản đấu giá và cũng không đúng nguyên tắc trong giao dịch về cung ứng dịch vụ bán đấu giá tài sản. Do vậy, đề nghị bổ sung nội dung này vào trách nhiệm của Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản.
Đồng thời tại Điều 38 này cũng cần làm rõ nhóm đối tượng là “Cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột” để đảm bảo không vướng mắc khi áp dụng luật.
Đảm bảo quyền lợi của người có tài sản đấu giá
Tại khoản 15 Điều 1 dự thảo sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 43 nêu: “Trường hợp có từ hai người trở lên cùng trả giá cao nhất thì ngay tại buổi công bố giá, đấu giá viên tổ chức đấu giá tiếp giữa những người cùng trả giá cao nhất để chọn ra người trúng đấu giá. Đấu giá viên quyết định hình thức đấu giá trực tiếp bằng lời nói hoặc đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp”.
Trong khi theo khoản 1 Điều 40 Luật đấu giá tài sản thì “Tổ chức đấu giá tài sản thỏa thuận với người có tài sản đấu giá lựa chọn một trong các hình thức đấu giá để tiến hành cuộc đấu giá”.
Do vậy, để đảm bảo quyền lợi của người có tài sản đấu giá, đại biểu đề nghị tổ chức đấu giá tài sản phải thống nhất trước với người có tài sản đấu giá trường hợp này và nêu trong quy chế tổ chức đấu giá, hoặc thống nhất ý kiến với người có tài sản đấu giá tại buổi đấu giá đó nếu chưa được thoả thuận trước.
Rà soát nội dung về xác định giá khởi điểm của tài sản đấu giá phù hợp với Luật giá năm 2023
Về Khoản 16 Điều 1 dự thảo sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 47 quy định: “Người có tài sản đấu giá chịu trách nhiệm về việc xác định giá khởi điểm”. Trên thực tế nhiều người có tài sản đấu giá khi xác định giá tài sản đấu giá thường thuê đơn vị có chức năng thẩm định giá thực hiện.
Tại khoản 2 Điều 47 Luật giá năm 2023 (có hiệu lực từ 01/7/2024) quy định thẩm định viên về giá có nghĩa vụ bảo đảm tính chính xác trong quá trình thẩm định giá tài sản; chịu trách nhiệm về chuyên môn trong quá trình thực hiện và bảo đảm báo cáo thẩm định giá tuân thủ các Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam. Việc xác định giá tài sản bán đấu giá là một khâu trọng yếu, có tính quyết định về kết quả bán đấu giá tài sản, đồng thời cũng sẽ phát sinh rủi ro pháp lý nếu thực hiện không chặt chẽ, nghiêm túc.
Do vậy, đại biểu Hà đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát nội dung về xác định giá khởi điểm của tài sản đấu giá phù hợp với Luật giá năm 2023, trong đó cần bổ sung trách nhiệm của doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên về giá trong trường hợp người có tài sản đấu giá sử dụng dịch dụ thẩm định giá để xác định giá khởi điểm./.