ĐBQH ĐOÀN THỊ LÊ AN: XEM XÉT QUY ĐỊNH CHẶT CHẼ VỀ ĐIỀU KIỆN, THỦ TỤC CẤP TÍN DỤNG CHO KHÁCH HÀNG LIÊN QUAN
TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 15/01: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ THẢO LUẬT CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG (SỬA ĐỔI)
Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Thực hiện Kỳ họp bất thường lần thứ 5, chiều 15/01, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật, đại biểu Vũ Hồng Luyến - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên tán thành cao với Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cơ bản tán thành với những nội dung của dự thảo Luật sửa đổi. Dự Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã có sự đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau và chọn ra giải pháp tối ưu nhất, phù hợp nhất với đòi hỏi của thực tiễn. Để hoàn thiện hơn dự thảo Luật, đại biểu Vũ Hồng Luyến tham gia 02 ý kiến cụ thể như sau:
Thứ nhất: Việc bổ sung quy định ở Điều 159 yêu cầu tổ chức tín dụng phải thuyết minh rõ số dự phòng rủi ro chưa được trích lập, số lãi phải thu, phải thoái, chưa phân bổ trong báo cáo tài chính bao gồm cả báo cáo tài chính niêm yết công khai tại dự thảo Luật chưa thực sự phù hợp. Vì trên thực tế, căn cứ quy định pháp luật và các chuẩn mực kế toán hiện hành, các báo cáo tài chính hằng năm của tổ chức tín dụng đều được kiểm toán độc lập, xác nhận đã được công khai theo quy định và đã có số liệu về lãi phải thu và dự phòng cho số lãi phải thu.
Việc bổ sung yêu cầu có thuyết minh và công khai số liệu cụ thể về số dự phòng rủi ro chưa trích lập và số lãi phải thu chưa phân bổ cần phải cân nhắc hết sức kỹ lưỡng hoặc có thể bỏ yêu cầu này. Nếu không thận trọng khi thực hiện yêu cầu này trên thực tế có thể ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, hình ảnh của tổ chức tín dụng, trong khi tổ chức tín dụng đang cần có sự ổn định và sử dụng các biện pháp tự thân để khắc phục khó khăn trở lại hoạt động bình thường.
Thứ hai: Tại Khoản 2, Điều 193 dự thảo Luật quy định ngân hàng, hợp tác xã quyết định cho vay đặc biệt đối với quỹ tín dụng nhân dân từ quỹ bảo đảm an toàn hệ thống quỹ tín dụng nhân dân. Việc cho vay đặc biệt với lãi suất 0%/năm không có tài sản bảo đảm đối với quỹ tín dụng nhân dân thực hiện theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước.
Đại biểu Vũ Hồng Luyến - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên.
Trên cơ sở đề xuất của ngân hàng hợp tác xã, đại biểu Vũ Hồng Luyến nhận thấy, việc giao Ngân hàng Nhà nước quyết định khoản vay đặc biệt từ quỹ bảo đảm an toàn hệ thống quỹ tín dụng nhân dân như quy định nêu trên là không hợp lý. Vì thực tế hiện nay, việc ngân hàng hợp tác xã cho vay, đặc biệt các quỹ tín dụng nhân dân từ quỹ bảo đảm an toàn hệ thống là các quan hệ hợp đồng cho vay dựa trên sự thỏa thuận giữa ngân hàng hợp tác xã và quỹ tín dụng nhân dân đi vay không phù hợp với quy chế sử dụng quỹ do các thành viên quỹ tín dụng nhân dân thông qua.
Theo đại biểu Vũ Hồng Luyến, quan hệ dân sự giữa ngân hàng hợp tác xã và quỹ tín dụng nhân dân cũng phải tuân thủ nguyên tắc thỏa thuận mà không có sự can thiệp hoặc tác động của các bên khác không phải là một bên trong hoạt động cho vay đặc biệt của ngân hàng hợp tác xã này. Vì vậy, thẩm quyền quyết định cho vay bao gồm cả về lãi suất, tài sản bảo đảm thuộc thuộc về ngân hàng hợp tác xã và quỹ tín dụng nhân dân được thực hiện trên cơ sở quy định về quỹ bảo đảm an toàn hệ thống của các thành viên thống nhất. Ngân hàng Nhà nước không có cơ sở để can thiệp vào việc tự chủ quyết định các bên.
Do đó, đại biểu Vũ Hồng Luyến đề nghị bỏ quy định Ngân hàng Nhà nước quyết định việc cho vay đặc biệt của ngân hàng hợp tác xã với lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm đối với quỹ tín dụng nhân dân như quy định tại dự thảo Luật./.