Luật Đất đai ra đời hơn 30 năm, với 5 lần sửa đổi, bổ sung và gần đây nhất là vào năm 2013. Nhiều ý kiến cũng như Tờ trình của Chính phủ đã chỉ ra, sau hơn 10 năm thực thi, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Đất đai 2013 đã lộ rõ nhiều bất cập, chồng chéo so với các Luật khác dẫn đến việc mập mờ về trách nhiệm quản lý, khó khăn trong quá trình tổ chức, thực hiện trong thực tiễn.
Toàn cảnh Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến đóng góp lần đầu tiên tại Kỳ họp thứ 4 và tiếp tục được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 và 6. Đây cũng là dự án Luật nhận được sự quan tâm của các đại biểu, Nhân dân trên cả nước với kỳ vọng sẽ khắc phục được những bất cập trong quá trình thực thi Luật thời gian qua.
Để dự án Luật thực sự được áp dụng hiệu quả trong đời sống thực tiễn, Quốc hội tiếp tục hoàn thiện và dự kiến biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 này.
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) về cơ bản có thể thông qua được nhưng một số điểm cần phải điều chỉnh
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cho biết, sau Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, dự thảo Luật đất đai còn rất nhiều phương án đưa ra để lựa chọn là 2 hoặc 3 phương án. Điều đó thể hiện các đại biểu rất lắng nghe ý kiến nhân dân và đặt ra các vấn đề cần trao đổi.
Tuy nhiên, chỉ sau thời gian rất ngắn, từ Kỳ họp thứ 6 đến nay, tại dự án Luật Đất đai (sửa đổi) mới lần này, gần như những vấn đề đưa ra trước đây đang còn những quan điểm khác nhau đã được thống nhất. Điều ấy chứng tỏ có sự tiếp thu, lắng nghe, biết được chắt lọc đưa ra quyết định, đồng thời thể hiện sự thống nhất rất cao giữa cơ quan soạn thảo, cơ quan trình chính phủ với cơ quan thẩm tra là Quốc hội.
Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) về cơ bản có thể thông qua được nhưng một số điểm cần phải điều chỉnh. Ví dụ, quy định về Nghị quyết 18 nhấn mạnh chủ yếu giao đất phải thông qua đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu. Hiện nay, trong Luật chúng ta đưa ra quyền của Hội đồng nhân dân các địa phương là đưa ra các tiêu chí xem dự án nào phải đấu giá đấu thầu, để điều tiết lợi ích, lợi tô và tạo môi trường cạnh tranh.
Tuy nhiên, theo đại biểu Hoàng Văn Cường, dự án đó phải do Nhà nước thu hồi. Vì không lẽ gì chúng ta lại giao cho nhà đầu tư đấu thầu trúng sau khi trúng thầu lại thỏa thuận với người dân. Cho nên, điều kiện thu hồi đất phải bổ sung thêm. Ngoài ra, những vấn đề liên quan đến tái định cư, bồi thường và hỗ trợ người dân có việc làm; điều kiện thu hồi thêm đất tạo việc làm người dân, các tiêu chí để khu đô thị mới, khu tái định cư có điều kiện tốt hơn nơi ở cũ... cũng cần phải bổ sung thêm.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng bày tỏ kỳ vọng các ĐBQH có sự đồng tâm, đóng góp ý kiến để Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua trong Kỳ họp bất thường lần thứ 5 này.
Cơ bản khắc phục được những hạn chế của dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6
Đóng góp vào việc hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Đại Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên đánh giá rất cao sự nỗ lực, cố gắng và quyết tâm của cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình tham gia soạn thảo dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Hồ sơ dự án luật sửa đổi trình Quốc hội lần này được chuẩn bị rất công phu, kỹ lưỡng, đã rất lắng nghe, tiếp thu đầy đủ, thận trọng các ý kiến tham gia hợp lý của các vị đại biểu Quốc hội, của các chuyên gia, các nhà khoa học và các cơ quan, tổ chức có liên quan, ý kiến của cử tri và Nhân dân cả nước; thận trọng đối với những vấn đề lớn, vấn đề khó và còn có ý kiến khác nhau vì dự án Luật Đất đai (sửa đổi) có vai trò rất quan trọng, có sự ảnh hưởng và tác động sâu rộng đến mọi tổ chức, cá nhân, đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong những năm tới.
Theo đại biểu Nguyễn Đại Thắng, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 này đã tương đối hoàn thiện, đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi thực tiễn đặt ra, cơ bản khắc phục được những hạn chế của dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 5. Để hoàn thiện hơn dự án Luật, đại biểu Nguyễn Đại Thắng lưu ý 3 vấn đề trọng tâm.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên.
Thứ nhất, về quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất do nhà nước cho thuê đất thu tiền hằng năm. Tại khoản 2 Điều 34 dự án Luật quy định "Đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm không thuộc trường hợp sử dụng đất để đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp quy định tại Điều 202 của Luật này thì có quyền, nghĩa vụ theo quy định tại khoản 1 điều này, trừ quyền bán, quyền thế chấp và quyền góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất và quyền thuê trong hợp đồng thuê".
Quy định đơn vị sự nghiệp công lập khi lựa chọn hình thức thuê đất trả tiền hằng năm thì không được quyền bán, quyền thế chấp tài sản gắn liền với đất là hợp lý và phù hợp với việc bảo toàn đất do Nhà nước giao cho đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng; ngăn chặn được việc tài sản có thể bị phát mại nếu thế chấp. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu có thể xem xét cho đơn vị sự nghiệp công lập được quyền góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê theo hướng quy định chi tiết, điều kiện góp vốn để tạo điều kiện và giảm áp lực về tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ.
Thứ hai, về thông báo thu hồi đất và chấp hành quyết định thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng. Tại khoản 1 Điều 85 dự thảo luật quy định trước khi ban hành quyết định thu hồi đất, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải gửi văn bản thông báo thu hồi đất cho người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan (nếu có) biết chậm nhất là 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp.
Thực tế, một số trường hợp chủ sở hữu có đất thu hồi không có mặt tại địa phương và không xác định được nơi ở sẽ gây khó khăn trong quá trình thực hiện, ảnh hưởng đến tiên tiến độ giải phóng mặt bằng, triển khai dự án. Đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề nghị nghiên cứu bổ sung vào khoản 1 Điều 85 nội dung như sau: "Trường hợp không liên lạc được với người có đất thu hồi thì thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã".
Thứ ba, tại Điều 91 dự thảo luật về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất. Đại biểu Nguyễn Đại Thắng tiếp tục đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu ghi rõ trong luật nguyên tắc việc bồi thường khi nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, bảo đảm thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Đây là nguyên tắc được quy định rõ trong Nghị quyết 18 của Trung ương và cần thể chế hóa trong Luật Đất đai (sửa đổi). Mặc dù các quy định trong dự thảo luật đã thể hiện cụ thể hóa nguyên tắc này, tuy nhiên đại biểu đề nghị cần quy định rõ trong luật để bảo đảm triển khai thực hiện được nghiêm túc, đầy đủ nguyên tắc này trong thực tiễn. Đồng thời, đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu sửa đổi khoản 2 Điều 91 theo hướng chỉ bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất thu hồi khi địa phương không có đất cùng mục đích sử dụng. Quy định như trong dự thảo Luật sẽ gây khó khăn trong quá trình bồi thường đất và ảnh hưởng tới việc thu hồi đất do nhu cầu của mỗi người là khác nhau và căn cứ vào đâu để được xem xét bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng như trong quy định tại khoản 2 Điều 91 của dự thảo Luật.
Với những ý kiến, đề xuất trên, các ĐBQH đều kỳ vọng, Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 này sẽ góp phần giải quyết được những vấn đề tồn đọng, bất cập trong thực tiễn cuộc sống hiện nay cũng như góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo các quyền lợi của người dân trong các hoạt động, giao dịch liên quan đến đất đai./.