TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 29/5: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 29/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và những tháng đầu năm 2024.
Qua nghiên cứu Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kinh tế - xã hội năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, đại biểu Nguyễn Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang nhận thấy, bên cạnh những kết quả đạt được như kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng đạt 5,66%, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tình trạng doanh nghiệp đang tiếp tục gặp nhiều khó khăn.
Đề cập về số doanh nghiệp rút lui và gia nhập vào thị trường, đại biểu Nguyễn Việt Hà nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên trong vòng 5 năm qua ghi nhận số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 4 tháng đầu năm thấp hơn số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Đại biểu Nguyễn Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang
Doanh nghiệp gặp khó trong thị trường đầu ra
Hệ lụy từ đại dịch Covid-19 và căng thẳng địa chính trị gia tăng ở các quốc gia trên thế giới khiến cho cung cầu từ khâu sản xuất đến tiêu thụ của các doanh nghiệp bị gián đoạn, đứt gãy dẫn đến hoạt động doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, trong đó đại biểu Nguyễn Việt Hà đặc biệt quan tâm đến khó khăn trong thị trường đầu ra của doanh nghiệp, cụ thể:
Thứ nhất, doanh nghiệp hiện nay đang thiếu đơn hàng từ thị trường quốc tế.
Đại biểu cho rằng, đây là khó khăn nổi cộm trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp từ khi diễn ra dịch Covid-19, dù đến nay tình trạng này đang dần được cải thiện nhưng vẫn là khó khăn lớn của doanh nghiệp. “Đơn cử theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, các yếu tố chính ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp chế biến, chế tạo trong Quý I/2024, yếu tố về nhu cầu thị trường trong nước thấp chiếm 55,1%; yếu tố về nhu cầu thị trường quốc tế thấp chiếm 34,2%”, đại biểu nêu dẫn chứng.
Nhận thấy tình trạng thiếu đơn hàng kéo dài từ năm 2023 đến nay, đại biểu Nguyễn Việt Hà cho rằng, điều này đã khiến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động, thậm chí phải giải thể vì không còn đủ sức chống chịu.
Thứ hai, cầu tiêu dùng trong nước tăng ở mức thấp.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước tăng khoảng 8,5% (cùng kỳ năm 2023 tăng 13,3%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,3% (cùng kỳ năm 2023 tăng 8,7%), thấp hơn kỳ vọng đạt mức tăng tương đương trước dịch Covid-19 (bình quân năm 2015 - 2019 tăng 8% so với cùng kỳ). Trong đó, thành tố chính của cầu tiêu dùng là doanh thu bán lẻ hàng hóa (chiếm 77,3%) chỉ tăng mức vừa phải 7,1% so với cùng kỳ, thể hiện sức cầu tiêu dùng trong nước còn yếu.
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV
Bên cạnh đó, chỉ số Nhà quản trị mua hàng PMI của Việt Nam năm 2023 ghi nhận mức dưới 50 điểm (là mức suy giảm các điều kiện sản xuất, kinh doanh) trong 9/12 tháng, phản ánh những khó khăn của nền kinh tế.
Đại biểu Việt Hà cho biết, thời gian qua để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất và hỗ trợ kích cầu tiêu dùng, lãi suất ngân hàng đã liên tục giảm và duy trì ở mức thấp, các ngân hàng hiện vẫn tiếp tục cuộc chạy đua giảm lãi suất cho vay và nâng cao chất lượng phục vụ để thu hút khách hàng.
Nhằm tăng trưởng tín dụng, các chương trình ưu đãi đưa ra cũng được tập trung hướng vào hoạt động sản xuất, tiêu dùng của doanh nghiệp và người dân, tuy nhiên thực trạng doanh nghiệp do khó khăn, đặc biệt là thị trường đầu ra nên giảm quy mô sản xuất, thậm chí dừng đầu tư. Người dân có tâm lý thận trọng, thắt chặt chi tiêu dẫn đến không có nhu cầu vay vốn. Đại biểu cho rằng, đây là nguyên nhân trọng yếu khiến cho tín dụng khó tăng trưởng, phản ảnh độ hấp thụ vốn của nền kinh tế còn ở mức thấp.
Các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Để góp phần tháo gỡ những khó khăn trên cho doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Việt Hà kiến nghị một số giải pháp sau:
Một là, quan tâm, chú trọng tạo thị trường xuất khẩu đa dạng, bền vững cho doanh nghiệp, đồng thời đa dạng hoá và nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, khai thác hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do đã ký kết.
Hai là, thực hiện các chính sách để phát huy tối đa nội lực của thị trường trong nước, trong đó tăng cường vai trò của các chính sách tài khoá, như các chính sách đã thực hiện hiệu quả trong thời gian qua gồm: miễn, giảm, gia hạn thuế, phí tiền sử dụng đất… Thực hiện chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, đẩy mạnh phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa; vận động phong trào người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Ba là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính theo hướng tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, lành mạnh, thuận lợi cho doanh nghiệp.
Bốn là, tháo gỡ những khó khăn của thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp để mở rộng kênh cung ứng vốn cho doanh nghiệp như trước đây, hạn chế dần nguồn vốn của nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào kênh tín dụng ngân hàng sẽ tiềm ẩn rủi ro cho nền kinh tế cũng như hoạt động của hệ thống ngân hàng./.