Error

Web Part Error: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe. Correlation ID: 6d2566a1-c987-90f0-c4c5-04b0b635073c.

Error Details:
[UnsafeControlException: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe.]
  at Microsoft.SharePoint.ApplicationRuntime.SafeControls.GetTypeFromGuid(Boolean isAppWeb, Guid guid, Guid solutionId, Nullable`1 solutionWebId, String assemblyFullName, String typeFullName, Boolean throwIfNotSafe)
  at Microsoft.SharePoint.WebPartPages.SPWebPartManager.CreateWebPartsFromRowSetData(Boolean onlyInitializeClosedWebParts)

GÓC NHÌN: VẤN ĐỀ PHÂN HÓA CÁC TỘI PHẠM ĐỂ XỬ LÝ NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN DƯỚI 16 TUỔI TRONG LUẬT TƯ PHÁP NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN

03/08/2024

Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên được Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 và xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8 (10/2024). Đây là đạo luật mới, rất nhân văn, nhân đạo, kịp thời thể chế hóa quan điểm của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, nội luật hóa Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em. Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu bài viết của TS. Đỗ Đức Hồng Hà - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về “Vấn đề phân hóa các tội phạm để xử lý người chưa thành niên dưới 16 tuổi trong Luật tư pháp người chưa thành niên” nhằm cung cấp thêm thông tin, góc nhìn trong quá trình hoàn thiện dự thảo luật.

Luật Tư pháp người chưa thành niên là đạo luật mới và rất nhân văn, nhân đạo, kịp thời thể chế hóa quan điểm của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, nội luật hóa Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em, nhằm khắc phục hạn chế, bất cập của hệ thống pháp luật và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Tôi đánh giá cao Tòa án nhân dân tối cao rất trách nhiệm, rất công phu và rất cầu thị trong quá trình chuẩn bị hồ sơ dự án Luật này trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 vừa qua.

Để hoàn thiện thêm dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên (sau đây gọi là dự thảo Luật)[1], tôi xin góp ý vấn đề phân hóa các tội phạm để xử lý người chưa thành niên dưới 16 tuổi được quy định tập trung tại Điều 111 và Điều 113 của dự thảo Luật như sau:

Điều 111. Tù có thời hạn

Mức phạt tù có thời hạn áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội được quy định như sau:

1. Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 15 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất áp dụng không quá ba phần năm mức phạt tù mà điều luật quy định, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định khi phạm một trong các tội sau đây:

a) Tội giết người;

b) Tội hiếp dâm;

c) Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi;

d) Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi;

đ) Tội sản xuất trái phép chất ma túy.

3. Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 09 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá hai phần năm mức phạt tù mà điều luật quy định, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

4. Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù. Nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định khi phạm một trong các tội sau đây:

a) Tội giết người;

b) Tội hiếp dâm;

c) Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi;

d) Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi;

đ) Tội sản xuất trái phép chất ma túy.

Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên tại kỳ họp thứ 7.

Điều 113. Tổng hợp hình phạt phạm nhiều tội trong cùng một vụ án

1. Khi xét xử người chưa thành niên phạm nhiều tội trong cùng một vụ án, Tòa án quyết định hình phạt đối với từng tội và tổng hợp hình phạt chung theo quy định của Bộ luật Hình sự:

a) Nếu hình phạt chung là cải tạo không giam giữ, mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 03 năm;

b) Nếu hình phạt chung là tù có thời hạn, mức hình phạt cao nhất được áp dụng không được vượt quá 15 năm đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội và 09 năm đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản này;

c) Nếu hình phạt chung là tù có thời hạn, mức hình phạt cao nhất được áp dụng không được vượt quá 18 năm đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội và 12 năm đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm một trong các tội quy định tại khoản 2 Điều 111 của Luật này.

2. Đối với người dưới 18 tuổi phạm nhiều tội, có tội được thực hiện trước khi đủ 16 tuổi, có tội được thực hiện sau khi đủ 16 tuổi, việc tổng hợp hình phạt chung không vượt quá mức hình phạt cao nhất đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi theo quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Đối với người phạm nhiều tội, có tội được thực hiện trước khi đủ 18 tuổi, có tội được thực hiện sau khi đủ 18 tuổi, việc tổng hợp hình phạt chung áp dụng như đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội.

Khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định (sau đây gọi là Bộ luật Hình sự)[2]: Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật Hình sự, đó là:

- Điều 123 (tội giết người - khoản 1 và khoản 2);

- Điều 134 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác - khoản 3, khoản 4 và khoản 5);

- Điều 141 (tội hiếp dâm - khoản 2, khoản 3 và khoản 4);

- Điều 142 (tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi - khoản 1, khoản 2 và khoản 3);

- Điều 143 (tội cưỡng dâm - khoản 2 và khoản 3);

- Điều 144 (tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi - khoản 1, khoản 2 và khoản 3);

- Điều 150 (tội mua bán người - khoản 1, khoản 2 và khoản 3);

- Điều 151 (tội mua bán người dưới 16 tuổi - khoản 1, khoản 2 và khoản 3);

- Điều 168 (tội cướp tài sản - khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4);

- Điều 169 (tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản - khoản 2, khoản 3 và khoản 4);

- Điều 170 (tội cưỡng đoạt tài sản - khoản 2, khoản 3 và khoản 4);

- Điều 171 (tội cướp giật tài sản - khoản 2, khoản 3 và khoản 4);

- Điều 173 (tội trộm cắp tài sản - khoản 3 và khoản 4); Điều 178 (tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản - khoản 3 và khoản 4);

- Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy - khoản 2, khoản 3 và khoản 4);

- Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy - khoản 2, khoản 3 và khoản 4);

- Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy - khoản 2, khoản 3 và khoản 4);

- Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy - khoản 2, khoản 3 và khoản 4);

- Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy - khoản 2, khoản 3 và khoản 4);

- Điều 265 (tội tổ chức đua xe trái phép - khoản 2, khoản 3 và khoản 4);

- Điều 266 (tội đua xe trái phép - khoản 2, khoản 3 và khoản 4);

- Điều 286 (tội phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử - khoản 3);

- Điều 287 (tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử - khoản 3);

- Điều 289 (tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác - khoản 3);

- Điều 290 (tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản - khoản 3 và khoản 4);

- Điều 299 (tội khủng bố - khoản 1 và khoản 2);

- Điều 303 (tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia - khoản 1 và khoản 2);

- Điều 304 (tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự - khoản 2, khoản 3 và khoản 4).

Trong 28 tội mà người chưa thành niên dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự nêu trên, có:

- 06 tội có hình phạt cao nhất là tử hình: (1) giết người; (2) hiếp dâm người dưới 16 tuổi; (3) sản xuất trái phép chất ma túy; (4) vận chuyển trái phép chất ma túy; (5) mua bán trái phép chất ma túy; (6) khủng bố.

- 12 tội có hình phạt cao nhất là tù chung thân: (1) cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; (2) hiếp dâm; (3) cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; (4) mua bán người dưới 16 tuổi; (5) cướp tài sản; (6) bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; (7) cướp giật tài sản; (8) tàng trữ trái phép chất ma túy; (9) chiếm đoạt chất ma túy; (10) tổ chức đua xe trái phép; (11) phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; (12) chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự.

- 06 tội có hình phạt cao nhất là 20 năm tù: (1) mua bán người; (2) cưỡng đoạt tài sản; (3) trộm cắp tài sản; (4) hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản; (5) đua xe trái phép; (6) sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

- 04 tội có hình phạt cao nhất dưới 20 năm tù: (1) cưỡng dâm; (2) phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử; (3) cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử; (4) xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác.

Tuy nhiên, hiện nay, Điều 111 và Điều 113 của dự thảo Luật đang chia 28 tội phạm mà người chưa thành niên dưới 16 tuổi (sau đây gọi là trẻ em) phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự thành 02 nhóm:

Nhóm 1: gồm 05 tội mà trẻ em có thể bị xử phạt đến 12 năm tù, đó là: (1) giết người; (2) hiếp dâm; (3) hiếp dâm người dưới 16 tuổi; (4) cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; (5) sản xuất trái phép chất ma túy.

Trong 05 tội này:

- Chỉ có 03/06 tội có hình phạt cao nhất là tử hình: (1) giết người; (2) hiếp dâm người dưới 16 tuổi; (3) sản xuất trái phép chất ma túy.

- 02/12 tội có hình phạt cao nhất là tù chung thân: (1) hiếp dâm; (2) cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi.

Nhóm 2: gồm 23 tội mà trẻ chỉ có thể bị xử phạt đến 09 năm tù, đó là: (1) cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; (2) cưỡng dâm; (3) mua bán người; (4) mua bán người dưới 16 tuổi; (5) cướp tài sản; (6) bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; (7) cưỡng đoạt tài sản; (8) cướp giật tài sản; (9) trộm cắp tài sản; (10) hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản; (11) tàng trữ trái phép chất ma túy; (12) vận chuyển trái phép chất ma túy; (13) mua bán trái phép chất ma túy; (14) chiếm đoạt chất ma túy; (15) tổ chức đua xe trái phép; (16) đua xe trái phép; (17) phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử; (18) cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử; (19) xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác; (20) sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; (21) khủng bố; (22) phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; (23) chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự.

Trong 23 tội này (được xử nhẹ hơn các tội thuộc Nhóm 1):

- Có đến 03/06 tội có hình phạt cao nhất là tử hình: (1) vận chuyển trái phép chất ma túy; (2) mua bán trái phép chất ma túy; (3) khủng bố.

- Có 10/12 tội có hình phạt cao nhất là tù chung thân: (1) cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; (2) mua bán người dưới 16 tuổi; (3) cướp tài sản; (4) bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; (5) cướp giật tài sản; (6) tàng trữ trái phép chất ma túy; (7) chiếm đoạt chất ma túy; (8) tổ chức đua xe trái phép; (9) phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; (10) chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự.

- Có 06 tội có hình phạt cao nhất là 20 năm tù.

- Có 04 tội có hình phạt cao nhất dưới 20 năm tù.

Cách quy định tại Điều 111 và Điều 113 của dự thảo Luật có 06 hạn chế sau đây:

Hạn chế thứ nhất là, thay đổi chính sách hình sự đối với trẻ em phạm tội so với Bộ luật Hình sự mà chưa có sự đánh giá tác động đầy đủ, cụ thể, rõ ràng, vì chính sách hình sự đối với trẻ em phạm tội trong Bộ luật Hình sự không chia 28 tội phạm mà trẻ em phải chịu trách nhiệm hình sự thành 02 nhóm như dự thảo Luật. Trong Bộ luật Hình sự, trẻ em khi phạm tội (bất kể tội đó là tội gì trong 28 tội danh nêu trên), nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng đều không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng đều không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định (khoản 2 Điều 101 Bộ luật Hình sự).

Hạn chế thứ hai là, không thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự về tội nặng, tội nhẹ nên không bảo đảm nguyên tắc công bằng, vì trong Nhóm 2 có 03 tội có hình phạt tử hình [là (1) vận chuyển trái phép chất ma túy, (2) mua bán trái phép chất ma túy và (3) khủng bố] là 03 tội nặng hơn 02 tội chỉ có hình phạt cao nhất là tù chung thân thuộc Nhóm 1 [là (1) hiếp dâm và (2) cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi] nhưng trẻ em phạm tội 02 tội nhẹ hơn này lại bị xử phạt nặng hơn (đến 12 năm tù), vì 02 tội này thuộc Nhóm 1, trong khi nếu trẻ em phạm 03 tội nặng hơn thì lại được xử nhẹ hơn (chỉ đến 09 năm tù) vì 03 tội này thuộc Nhóm 2.

Ngoài ra, để làm rõ hơn hạn chế này, chúng tôi xin đưa ra 01 ví dụ:

- A 17 tuổi chỉ phạm 01 tội nhẹ hơn là tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, có hình phạt cao nhất chỉ là tù chung thân, thì lại bị phạt đến 18 năm tù (theo điểm c khoản 1 Điều 113 dự thảo Luật).

- Trong khi B cũng 17 tuổi phạm 03 tội nặng hơn là tội vận chuyển trái phép chất ma túy, tội mua bán trái phép chất ma túy và tội khủng bố, đều có hình phạt cao nhất đến tử hình, 03 tội này bị đưa ra xét xử cùng 01 thời điểm, cùng một vụ án, thì hình phạt chung của cả 03 tội nặng hơn này chỉ đến 15 năm tù (theo điểm b khoản 1 Điều 113 dự thảo Luật).

Hạn chế thứ ba là, không bảo đảm nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự theo độ tuổi của người phạm tội, số lượng tội phạm và tội nặng, tội nhẹ, vì theo quy định hiện nay của dự thảo Luật thì trẻ em dù phạm rất nhiều tội và đều là tội nặng có hình phạt đến tử hình, nhưng nếu tất cả các tội này đều thuộc Nhóm 2 thì hình phạt chung của tất cả các tội mà họ phải chịu cũng chỉ đến 09 năm tù (theo điểm b khoản 1 Điều 113 dự thảo Luật). Trong khi trẻ em khác chỉ phạm 01 tội nhẹ hơn thuộc Nhóm 1, thì lại bị xử phạt đến 12 năm tù (theo điểm c khoản 1 Điều 113 dự thảo Luật).

Hạn chế thứ tư là, không phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm, vì theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, có tội phạm vừa nguy hiểm cao hơn, lại vừa bị xét xử nhiều hơn [ví dụ như tội mua bán trái phép chất ma túy, trong 06 năm qua (từ năm 2018 đến năm 2023) đã có gần 500 vụ người chưa thành niên (trong đó có trẻ em) bị đưa ra xét xử][3], nhưng lại chỉ bị xử phạt đến 09 năm tù, vì thuộc Nhóm 2. Trong khi có tội phạm vừa nguy hiểm thấp hơn, lại không có vụ nào bị đưa ra xét xử trong suốt 06 năm qua (ví dụ như tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi), thì lại bị xử phạt đến 12 năm tù, vì thuộc Nhóm 1.

Hạn chế thứ năm là, không rõ dẫn đến áp dụng Luật không thống nhất, vì hiện nay, khoản 2 Điều 113 quy định: “Đối với người dưới 18 tuổi phạm nhiều tội, có tội được thực hiện trước khi đủ 16 tuổi, có tội được thực hiện sau khi đủ 16 tuổi, việc tổng hợp hình phạt chung không vượt quá mức hình phạt cao nhất đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi theo quy định tại khoản 1 Điều này” nhưng không rõ là theo điểm nào của khoản 1, vì khoản 1 Điều này có 03 điểm là a, b và c. Nếu áp dụng điểm b thì trẻ em chỉ có thể phải chịu hình phạt chung đến 09 năm tù. Nhưng nếu áp dụng điểm c thì trẻ em lại có thể phải chịu hình phạt chung đến 12 năm tù.

Hạn chế thứ sáu là, không bảo đảm tính thống nhất của Luật, vì khoản 2 Điều 12 dự thảo Luật quy định: “Hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên (nhất là trẻ em) không nhằm mục đích trừng trị...” nhưng hình phạt áp dụng đối với trẻ em phạm các tội thuộc Nhóm 1 lại rất cao, đến 12 năm tù.

Để khắc phục 06 hạn chế nêu trên, theo tôi, dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên không nên phân hóa các tội phạm để xử lý trẻ em thành 02 nhóm như quy định tại Điều 111 và Điều 113./.

         

TS. ĐỖ ĐỨC HỒNG HÀ

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

 

[1] Tòa án nhân dân tối cao (2024), Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7.

[2] Văn phòng Quốc hội (2017), Văn bản hợp nhất Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2017, số 01/VBHN-VPQH ngày 10 tháng 7 năm 2017 của Văn phòng Quốc hội.

[3] Tòa án nhân dân tối cao (2024), Báo cáo số 32/BC-TANDTC ngày 26 tháng 4 năm 2024 của Tòa án nhân dân tối cao tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật về tư pháp người chưa thành niên, tr.11-12.


Tài liệu tham khảo

1. Tòa án nhân dân tối cao (2024), Báo cáo số 32/BC-TANDTC ngày 26 tháng 4 năm 2024 của Tòa án nhân dân tối cao tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật về tư pháp người chưa thành niên.

2. Tòa án nhân dân tối cao (2024), Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7.

3. Văn phòng Quốc hội (2017), Văn bản hợp nhất Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2017, số 01/VBHN-VPQH ngày 10 tháng 7 năm 2017 của Văn phòng Quốc hội.

Phụ lục: Các loại tội người chưa thành niên phạm tội (giai đoạn 2018-2023)

Loại tội

Năm

2018

2019

2020

2021

2022

2023

Vụ

Bị cáo

Vụ

Bị cáo

Vụ

Bị cáo

Vụ

Bị cáo

Vụ

Bị cáo

Vụ

Bị cáo

Giết người

82

134

76

193

68

167

80

182

88

224

48

216

Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác

294

477

222

417

210

417

266

687

193

510

49

252

Hiếp dâm người dưới 16 tuổi

55

68

80

86

79

90

132

160

100

120

9

10

Cướp tài sản

114

239

85

186

70

152

81

191

50

142

11

30

Cưỡng đoạt tài sản

18

26

17

34

11

16

23

48

10

16

2

2

Cướp giật tài sản

119

168

120

172

90

129

75

114

65

105

14

22

Trộm cắp tài sản

731

951

513

625

403

498

415

537

320

390

32

48

Các loại tội phạm về ma túy

283

354

263

322

260

321

262

344

205

321

33

77

Các tội xâm phạm an toàn giao thông

107

108

100

103

89

92

77

79

53

67

11

11

Các tội phạm khác xâm phạm trật tự công cộng

71

182

61

161

60

207

101

360

94

557

60

543

Nguồn: Báo cáo số 32/BC-TANDTC ngày 26 tháng 4 năm 2024 của Tòa án nhân dân tối cao tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật về tư pháp người chưa thành niên.