Error

Web Part Error: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe. Correlation ID: a13668a1-995f-90f0-c4c5-08ba45f16adc.

Error Details:
[UnsafeControlException: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe.]
  at Microsoft.SharePoint.ApplicationRuntime.SafeControls.GetTypeFromGuid(Boolean isAppWeb, Guid guid, Guid solutionId, Nullable`1 solutionWebId, String assemblyFullName, String typeFullName, Boolean throwIfNotSafe)
  at Microsoft.SharePoint.WebPartPages.SPWebPartManager.CreateWebPartsFromRowSetData(Boolean onlyInitializeClosedWebParts)

ĐBQH NGUYỄN NGỌC PHƯƠNG: CHẤT VẤN BỘ NN&PTNT VỀ GIẢI PHÁP XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TRONG BỐI CẢNH BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

31/03/2020

Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 đã về đích sớm hơn gần 2 năm so với kế hoạch Quốc hội giao. Tuy nhiên, để những kết quả này thực sự bền vững thì tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị cho biết các giải pháp cốt lõi nhằm xây dựng nông thôn mới trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp.

Cả nước có 52,4% xã đạt chuẩn nông thôn mới

Báo cáo tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho thấy tính đến tháng 10/2019, cả nước đã có 4.665 xã (tương đương 52,4%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 35,3% so với cuối năm 2015 và hoàn thành vượt 2,4% so với mục tiêu 10 năm (2010-2020) của Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sôi nổi, rộng khắp trên cả nước. Những kết quả đạt được đã tạo nên bước ngoặt lớn trong phát triển nông thôn nước ta. Cả nước đã có 109 đơn vị cấp huyện của 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương  được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đặc biệt, tỉnh Đồng Nai và tỉnh Nam Định có 100% xã và 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, vừa được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận tỉnh hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Từ nay đến năm 2025, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới phấn đấu có ít nhất 15 tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; Có 40% huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; Có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 80% số thôn, bản, ấp thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; Chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020.

Tuy nhiên, quá trình xây dựng nông thôn mới còn tồn tại, hạn chế. Đó là một số lãnh đạo cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương chưa chỉ đạo sâu sát, chưa phân bổ nguồn lực cho sự phát triển cân bằng, nguồn lực từ ngân sách chiếm tỷ lệ còn nhỏ, chưa tạo nên nhân tố thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững.

Đại biểu Quàng Văn Hương, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La

Theo Đại biểu Quàng Văn Hương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La, hiện nay nhà nước đầu tư các công trình nông thôn mới, hỗ trợ để người dân cùng làm. Còn đối với những tiêu chí mềm thì người dân cần chủ động thực hiện. Mục tiêu là bố trí được các nguồn lực, vừa ưu tiên cho xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng cũng cần bố trí nguồn lực cho các tiêu chí khác như sinh kế của người dân, về văn hóa xã hội, về môi trường… cũng cần được ưu tiên bố trí. Thời gian qua có thực trạng một số địa phương ưu tiên phân bổ nguồn lực quá nhiều cho cơ sở hạ tầng, đến khi hoàn thành xong các công trình hạ tầng thì các tiêu chí khác như y tế, giáo dục, nhất là môi trường lại không được quan tâm đúng mức. Điều này dẫn tới việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới không đồng bộ với nhau, dẫn tới sự thiếu bền vững của chương trình.

Thu nhập tại xã đạt chuẩn nông thôn mới chưa bền vững

Xã Thái Hoà, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới từ năm 2013. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện rõ rệt, không còn tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản. Nhưng một số tiêu chí nông thôm mới còn ở mức thấp, chưa đảm bảo tính bền vững đáp ứng nhu cầu đời sống nhân dân. Thu nhập của người dân vẫn chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi. Tuy nhiên nguồn thu nhập này cũng chưa thực sự bền vững, do đầu ra sản phẩm vẫn phụ thuộc vào thị trường tự do.

Chị Nguyễn Hồng Cúc nuôi cá lồng trên sông Phó Đáy được 3 năm. Mặc dù thu nhập từ nghề nuôi cá cũng giúp đời sống của gia đình chị được nâng lên nhưng thu nhập chưa bền vững, do thị trường tiêu thụ không ổn định, đó là chưa kể những rủi ro từ thiên tai, lũ lụt gây ra hàng năm. Chị Cúc chia sẻ: “Gia đình tôi nuôi cá được 3 năm rồi, nhưng vào mùa lũ, nước lũ chảy rất mạnh, làm nước đục, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cá và cũng thiệt lại do nước lũ bất ngờ”.

Ông Hà Cương Quyết, Phó Chủ tịch UBND xã Thái Hòa, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc

Ông Hà Cương Quyết, Phó Chủ tịch UBND xã Thái Hòa, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết thêm: Sản phẩm chăn nuôi chủ yếu vẫn phụ thuộc vào thị trường đầu ra, chưa có định hướng cụ thể. Các cấp các ngành cũng có đưa ra các giải pháp nhưng đến nay vẫn phụ thuộc chủ yếu vào thị trường tự do nên việc tiêu thụ còn nhiều khó khăn.

Xây dựng nông thôn mới trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp

Đường giao thông bị chia cắt. Nhà cửa bị cuốn trôi. Diện tích sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp. Thời tiết khắc nghiệt. Hạn hán, xâm nhập mặn, lũ ống, lũ quét thường xuyên diễn ra… Đó là thực tế đang diễn ra tại nhiều địa phương trong cả nước. Đây là thách không nhỏ đặt ra trong quá trình thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới mà Việt Nam đang phải gặp phải.

Theo thống kê, trong vòng 10 năm, từ năm 2005 đến 2014, trung bình hàng năm ở Việt Nam có đến khoảng 649 đợt thiên tai xảy ra như lũ lụt, mưa đá, bão, lũ quét, lốc xoáy, sạt lở đất. Tổng số người bị thiệt hại dù nặng hay nhẹ do các thảm họa thiên tai gây ra tính trung bình khoảng 3 triệu người mỗi năm. Về thiệt hại kinh tế khoảng 5,2 tỷ USD/năm.

Tại các tỉnh miền núi, thì lũ quét, sạt lở diễn ra thường xuyên. Còn ở các tỉnh miền Trung, những năm gần đây, do biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán liên tục xảy ra, khiến hàng nghìn ha hoa màu bị chết cháy; hàng chục nghìn hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt; sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi bị đình trệ; sông suối, hồ chứa khô cạn…

Trong những ngày đầu tháng 3 năm nay, tình hình khô hạn ở Khu vực miền Trung và Tây Nguyên đang ngày càng nghiêm trọng. Thiếu nước tưới, hàng trăm ha lúa và hoa màu của người dân ở nhiều địa phương đang đứng trước nguy cơ mất trắng.

Trong khi đó, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phải đối mặt với nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu như nước biển dâng, sụt lún ngày một nghiêm trọng, sạt lở, hạn mặn, thiếu lũ và phù sa từ thượng nguồn…

Điển hình như tại tỉnh Cà Mau, cuối năm 2019, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp sạt lở bờ biển đông và sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh. Hiện toàn tỉnh có 8 điểm sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân đó là: cửa biển Rạch Gốc, cửa biển Vàm Xoáy, cửa biển Hốc Năng (huyện Ngọc Hiển); khu dân cư thị trấn Năm Căn ( huyện Năm Căn); cửa biển Hố Gùi (huyện Đầm Dơi và huyện Năm Căn). Tình trạng sạt lở diễn ra với tốc độ rất nhanh, bình quân mỗi tháng lấn sâu vào bên trong khoảng 20 m, thậm chí có những điểm trên 50 m/tháng. Tổng chiều dài các điểm sạt lở là hơn 26,7 km.

Ngoài sạt lở bờ biển, tình hình sạt lở bờ sông tại tỉnh Cà Mau cũng đang diễn biến khá phức tạp, tập trung tại các huyện ven biển phía Đông như: Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển. Qua khảo sát, tỉnh Cà Mau hiện có 27 vị trí sạt lở bờ sông với chiều dài gần 38 km. Đáng chú ý là xuất hiện 8 vị trí xung yếu có nguy cơ sạt lở cao với chiều dài trên 4,8 km, liên quan đến hơn 1.000 hộ dân đang sinh sống, kinh doanh.

Tại các kỳ họp Quốc hội, đại biểu Trương Minh Hoàng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau đều phản ánh tình trạng sạt lở ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long: “Gần như kỳ họp Quốc hội nào, tôi cũng kiến nghị tại nghị trường Quốc hội cũng như Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tuy nhiên, thực tế tôi thấy các chương trình đầu tư cho đê biển rất chậm, thực tế thì kinh phí dành cho lĩnh vực này rất ít”.

Đại biểu Trương Minh Hoàng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau

Có thể nói, với tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, như: Sạt lở đất, mưa lũ... đang gây thiệt hại lớn không chỉ về người mà còn về kinh tế, vật chất, cơ sở hạ tầng ở các địa phương. Điều đáng lưu ý, thiên tai cực đoan hơn cả những kịch bản mà chúng ta có thể dự báo. Biến đổi khí hậu đang tác động trực tiếp, tiêu cực đến kết quả xây dựng nông thôn mới, thậm chí thiên tai, biến đổi khí hậu còn kéo lùi thành quả xây dựng nông thôn mới, vì chỉ cần một trận lũ quét, mưa bão... xảy ra là cơ sở hạ tầng của không ít địa phương đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới bị hư hỏng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân. Vì thế, việc có kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu trong xây dựng nông thôn mới nhằm xây dựng nông thôn mới bền vững cần được Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như chính quyền các địa phương lưu tâm.

Ưu tiên phân bổ nguồn lực xây dựng nông thôn mới ở vùng chịu ảnh hường thiên tai.

Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 đã về đích sớm hơn gần 2 năm so với kế hoạch Quốc hội giao. Diện mạo nông thôn của Việt Nam đã thay đổi đáng kể, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tuy nhiên, xây dựng nông thôn mới đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt, nông nghiệp là lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu và thiên tai. Trong bối cảnh Việt Nam là nước có tỷ lệ lao động nông nghiệp, sống ở nông thôn cao và là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, thì điều này sẽ ảnh hưởng, thậm chí kéo lùi những kết quả và giá trị mà Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt được. Vì vậy, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đã có câu hỏi chất vấn đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về những giải pháp xây dựng nông thôn mới trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp.

Sau khi đại biểu chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã trả lời đại biểu tại nghị trường Quốc hội. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng thừa nhận những tác động của biến đổi khí khậu hiện nay ngày càng khốc liệt, nếu chúng ta không có giải pháp căn cơ thì trước những tác động của biến đổi khí hậu, những thành quả vừa qua trong lĩnh vực nông thôn mới có địa phương sẽ về con số 0.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết thêm: Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng lớn nhất bởi biến đổi khí hậu. Tần suất 3 năm qua cho thấy thời tiết khí hậu ngày càng cực đoan hơn, tần suất mạnh hơn thế và tất cả các vùng miền trong đó có miền Trung là một nơi chịu đựng nhiều nhất. Chính vì thế, trong chương trình chỉ đạo chung của Việt Nam bao giờ cũng xác định đi đôi phát triển với các nhóm giải pháp bền vững, nâng cao năng lực của cộng đồng, nâng cao phương châm 4 tại chỗ. Vừa qua Việt Nam cũng đã dành một nguồn lực đáng kể để tập trung đầu tư các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho rằng, với quy mô kinh tế lớn, mật độ dân số đông như hiện nay, hiện vẫn còn hơn 20 triệu người sống ở miền núi với độ cao, độ dốc và chịu tác động tổn thương lớn bởi biến đổi khí hậu. Đây là một vấn đề rất đáng quan tâm trong thời gian tới. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nêu ví dụ, 3 năm gần đây ở vùng miền núi, tình trạng sạt lở, lũ ống, lũ quét đang trở thành một trong những hiện tượng dị thường và gây thiệt hại nặng nề nhất trong nhiều năm qua.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV.

Vì vậy, Bộ trưởng cũng nêu một số giải pháp, trong đó, trước mắt thì sẽ tăng cường các khâu trong quá trình ứng phó với biến đổi khí hậu. Đó là nâng cao năng lực dự báo một cách kịp thời, chính xác và tăng tần suất các bản tin dự báo. Bộ trưởng cũng nêu quan điểm và phương châm ứng phó theo hướng tích cực, đồng bộ hơn ở tất cả các cấp, từ cấp trung ương đến địa phương và huy động sự tham gia của toàn thể nhân dân. Giải pháp thứ ba là tới đây trong chương trình đầu tư nguồn lực trung hạn, việc đầu tư phát triển bền vững bằng các nguồn lực cho ứng phó biến đổi khí hậu sẽ được coi là một nhóm nguồn lực ưu tiên nhất.

Như vậy, trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã đưa ra một số giải pháp trước mắt cũng như lâu dài nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận những thành quả xây dựng nông thôn mới có thể bị xóa sạch trước tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra phức tạp.

Vậy những giải pháp mà Bộ trưởng nêu ra liệu có phù hợp? Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã phỏng vấn đại biểu Nguyễn Ngọc Phương về vấn đề này.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình

Phóng viên: Cảm ơn đại biểu đã trả lời phỏng vấn. Thưa đại biểu, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Vậy xin đại biểu chia sẻ nội dung đại biểu đã chất vấn?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình: Tại Kỳ họp thứ 8, tôi đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về thực tế hiện nay Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã tạo những bước đột phá, biến đổi, đưa lại niềm vui cho người dân. Tuy nhiên, sự biến đổi khí hậu của Việt Nam diễn biến thất thường, nguy cơ tiềm ẩn sạt lở đê điều, đập hồ thủy lợi. Thực tế hàng năm kinh phí đầu tư lại chưa được đáp ứng yêu cầu. Vậy Bộ trưởng cho biết, nỗi lo lắng của người dân có đúng không và giải pháp trong thời gian tới như thế nào? Bộ trưởng lý giải để cho người dân yên tâm và không lo ngại đến nguy cơ sạt lở?

Phóng viên: Thưa đại biểu, xuất phát từ thực tế nào đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ứng phó với biến đổi khí hậu?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình: Thực tế, người dân ở vùng nông thôn, đặc biệt vùng núi phải đối mặt với thiên tai, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng và làm cho cuộc sống cũng như thu nhập người dân bấp bênh. Điển hình như tình trạng sạt lở bờ sông, bờ suối, nhiều gia đình sống ven sông, ven suối cũng bị mất nhà cửa, tài sản, tính mạng. Mặc dù các bộ, ngành, địa phương có quan tâm đến vấn đề này tuy nhiên, kinh phí để đầu tư cho khu vực này chưa đạt yêu cầu. Thứ hai, là quá trình triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới cũng chưa thực sự chú trọng xem xét di dời người dân ở khu vực, nơi có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Vì vậy, mục đích chất vấn của tôi là đưa ra cảnh báo cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như Chính phủ biết thực tế này đã xảy ra. Từ đó, Quốc hội sẽ tiến hành xem xét đầu tư ngân sách trung hạn cho việc xây dựng nông thôn mới nhằm đảm bảo an toàn cho người dân khi có biến đổi khí hậu xảy ra. Đồng thời, qua chất vấn để Bộ Nông nghiệp có sự đánh giá, nghiên cứu, rà soát về những thiệt hại do thiên tai, biến đổi khí hậu xảy ra trong quá trình xây dựng nông thôn mới, từ đó có phương án đầu tư hiệu quả hơn.

Phóng viên: Sau khi đại biểu chất vấn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNN đã có phần trả lời chất vấn, đại biểu có đánh giá như thế nào về nội dung trả lời của Bộ trưởng?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình: Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng rất đồng tình với thực trạng tôi nêu. Thậm chí, Bộ trưởng cũng phân tích rất sâu về tình trạng biến đổi khí hậu đã xảy ra. Tôi đồng tình với phần trả lời của Bộ trưởng trong đó nhấn mạnh đây là thực tế tuy nhiên, nguồn kinh phí, ngân sách dành cho lĩnh vực này còn hạn chế nên chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, nên vẫn chưa xử lý hết những khó khăn, vướng mắc của người dân. Bộ trưởng cũng nêu rõ trong thời gian tới sẽ theo dõi, kiến nghị để Quốc hội, Chính phủ phân bổ nguồn ngân sách thích đáng dành cho lĩnh vực này.

Phóng viên: Thưa đại biểu, qua hoạt động giám sát, thì việc xây dựng nông thôn mới nhưng thiếu kinh phí để khắc phục hậu quả thiên tai thì ảnh hưởng trực tiếp như thế nào đến đời sống nhân dân và cần có giải pháp gì để giảm thiệt hại?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình: Qua giám sát thì tôi thấy tình trạng biến đổi khí hậu ảnh hưởng khá nặng nề đến kết quả chương trình xây dựng nông thôn mới. Đối với một số hộ dân, sống trong vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai nhưng họ không muốn di dời do nhiều nguyên nhân, trong khi đó trách nhiệm của chính quyền địa phương ở một số nơi chưa quyết liệt. Vì vậy, tôi nghĩ rằng, cần có giải pháp thay đổi nhận thức và hành vi của người dân cũng như chính quyền các cấp để đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng của người dân vùng thiên tai. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần có quy định cụ thể, cũng như tăng cường đầu tư nhằm giúp các hộ gia đình trong khu vực chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Phóng viên: Để Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục phát huy, đạt được kết quả bền vững, theo đại biểu, vai trò chỉ đạo điều hành của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần được nhìn nhận như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình: Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới là chuỗi liên kết từ Chính phủ, đến Bộ, đến tỉnh và từng địa bàn thôn xóm, cần sự phối hợp chặt chẽ. Theo tôi, vai trò chỉ đạo là của Chính phủ, các Bộ nhưng việc thực hiện là trách nhiệm của từng địa phương và người dân. Thời gian qua, có nhiều chuyển biến trong xây dựng nông thôn mới, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của người dân, Chính phủ và chủ trương chung của Đảng và Nhà nước. Nhưng theo tôi, trong thời gian tới, để tiếp tục hoàn thành Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đơn vị trực tiếp thực hiện, điều đầu tiên cần làm là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm. Thứ hai là đối với những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc cần khắc phục thì có sự chỉ đạo thống nhất đồng bộ, từ Bộ đến các địa phương. Thời gian vừa qua có một số địa phương triển khai tốt, nhận được sự đồng thuận của nhân dân nhưng có cá biệt một số địa phương lại huy động nhân dân đóng góp quá mức nên dẫn tới sự phản ứng của người dân; hoặc có tình trạng huy động đóng góp của người dân để hưởng lợi cá nhân. Vì vậy, cần có chương trình hành động cơ bản, trong đó nêu rõ Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ hỗ trợ đầu tư lĩnh vực nào và ngân sách là bao nhiêu; trách nhiệm của địa phương thực hiện đúng chủ trương đó; phổ biến chủ trương đến từng thôn bản; trong quá trình tổ chức triển khai cần giám sát, hạn chế tiêu cực xảy ra, tạo niềm tin của nhân dân.

Sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Việt Nam mỗi năm phải hứng chịu hơn 10 cơn bão đã tàn phá sản xuất nông nghiệp và nông thôn rất nặng nề. Trong khi đó, hạn hán kéo dài, làm giảm 20-30% năng suất cây trồng ảnh hưởng nghiêm trọng tới chăn nuôi và sinh hoạt của người dân. Qua ý kiến của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho thấy, công tác quy hoạch nông thôn mới nên tính đến nội dung thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai. Cùng với đó, cần rà soát, tổ chức thực hiện tốt các nội dung như: Lồng ghép các nội dung về thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai vào các tiêu chí, chỉ tiêu trong xây dựng nông thôn mới; xây dựng và nhân rộng các mô hình làng, xã thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai; nâng cao năng lực của người dân nhằm về thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai trong xây dựng nông thôn mới; đồng thời nâng cao năng lực dự báo và cảnh báo sớm các hiện tượng thời tiết cực đoan để chủ động ứng phó và giảm nhẹ rủi ro do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu để chương trình xây dựng nông thôn mới thực sự bền vững./.

Lan Hương

Các bài viết khác