Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình, phát biểu tại phiên họp
Tham gia đóng góp ý kiến, đại biểu Vũ Tiến Lộc bày tỏ sự đồng tình với Tờ trình của Chủ tịch nước về việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU. Theo đai biểu, hơn cả CPTPP, đây là Hiệp định Thương mại tự do có chuẩn mực cao nhất và có một không gian thị trường có tiềm năng lớn nhất và có tính tương tác, bổ sung cao nhất với nền kinh tế của Việt Nam cho đến thời điểm hiện nay. Vì vậy, Hiệp định có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam, xét trên nhiều góc độ: Mở rộng thị trường, thúc đẩy đầu tư cải cách thể chế và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Việc phê chuẩn hiệp định này trong bối cảnh hiện nay khi chúng ta vừa vượt ra khỏi Covid-19 và đang trong quá trình tái khởi động nền kinh tế thì càng có ý nghĩa quan trọng. Vì đây chính là thời điểm mà chúng ta đang cần có thêm nhiều động lực để phát triển và EVFTA có thể là một trong những động lực quan trọng.
Tăng cường hợp tác với EU, chúng ta sẽ có điều kiện tiếp cận một thị trường với gần 450 triệu dân của những nền kinh tế thuộc loại giàu có nhất trên thế giới, do vậy, chúng ta có thể đẩy mạnh xuất khẩu. Chúng ta cũng có điều kiện để khai thông một dòng chảy vốn đầu tư FDI với chất lượng cao từ EU về Việt Nam. Chúng ta cũng có điều kiện để cải thiện vị thế của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu theo hướng có giá trị gia tăng cao hơn, có công nghệ cao hơn, thân thiện với môi trường hơn và phát triển bền vững hơn. Chúng ta cũng có thêm động lực để cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của các doanh nghiệp để có thể thúc đẩy tăng trưởng, tạo nhiều công ăn việc làm. Đây là đích đến cuối cùng của mọi chiến lược phát triển. Có thể nói, giống như một con đường cao tốc hội nhập với Liên minh châu Âu, Hiệp định thương mại Việt Nam - EU sẽ giúp chúng ta có cơ hội để hiện thực hóa những kỳ vọng bứt phá của thời tái khởi động sau đại dịch.
Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ bấm nút phê chuẩn Hiệp định này, cũng có nghĩa Quốc hội sẽ bấm nút để chính thức thông xe cho con đường cao tốc tới Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, thông xe mới chỉ là mở lối đi, còn làm sao để các doanh nghiệp, nền kinh tế của chúng ta có thể vận hành trơn tru, hiệu quả được trên con đường này mới là nhiệm vụ quan trọng và là hành trình vô cùng gian nan. Ký được Hiệp định là quan trọng, nhưng thực hiện Hiệp định có hiệu quả còn khó khăn hơn gấp nhiều lần. Muốn làm điều này, trước hết chúng ta phải thiết kế được những đường gom, lối mở để doanh nghiệp, nền kinh tế của chúng ta có thể lên đường cao tốc, đó chính là những luật, những nghị định, những thông tư để nội luật hóa các cam kết hoặc hướng dẫn cách thức để thực hiện các cam kết cho các doanh nghiệp và việc soạn thảo thật nhanh, ban hành thật sớm các văn bản này có ý nghĩa rất quan trọng để chúng ta có thể thông xe.
Kết quả rà xét của Chính phủ cho thấy có một khối lượng không nhỏ các văn bản như vậy, kể cả ở tầm luật của Quốc hội, tầm nghị định, thông tư. Chúng ta hoan nghênh Chính phủ đã có một kế hoạch hành động để thực hiện chương trình này. Tuy nhiên, kinh nghiệm thực hiện, triển khai thực hiện CPTPP cho thấy việc thực hiện hiệu quả đòi hỏi một nỗ lực rất lớn. Nếu chỉ xét ở góc độ chuyên môn, đại biểu cho rằng có một số việc Chính phủ và các bộ, ngành có thể ban hành ngay để có thể triển khai thực hiện ngay. Ví dụ như những điều kiện về triển khai thực hiện thuế quan hay là ưu đãi, mở cửa thị trường dịch vụ, điều chỉnh các hàng rào phi thuế, các định chế về thuận lợi thương mại. Tuy nhiên, hiện nay cần thời gian nhất đó chính là các luật ban hành bởi Quốc hội. Đại biểu cho rằng trong chương trình này, hầu hết các luật đều đưa ra vào năm 2021 để thảo luận và chắc sẽ thông qua vào kỳ họp cuối năm sau, nếu như vậy thì rất chậm. Đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét đẩy nhanh hơn nữa, để đưa ngay vào thảo luận trong kỳ họp cuối năm và thông qua trong kỳ họp sang năm, nhằm tận dụng tốt cơ hội trước mắt.
Đại biểu cho rằng điều rất quan trọng là không chỉ có đường cao tốc này mà toàn bộ các con đường thể chế trong nền kinh tế nước ta cũng phải được đẩy mạnh, cũng phải thông xe, cũng phải để cho nền kinh tế vận hành với tốc độ cao. Cải cách thể chế là yêu cầu nền tảng để chúng ta thực hiện thành công việc hội nhập EVFTA. Theo đại biểu, trong vấn đề ban hành các văn bản để thực hiện EVFTA, không chỉ những vấn đề chúng ta phải tuân thủ thì chúng ta mới ban hành Luật để tuân thủ, mà chúng ta còn phải ban hành những văn bản để tạo ra động lực thúc đẩy sự phát triển, và cũng ban hành những văn bản để hướng dẫn những ngoại lệ, chúng ta có thể tận dụng để tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp của nước mình. Cho nên, việc ban hành những văn bản phải bao gồm cả một hệ thống đồng bộ, chứ không chỉ có việc cụ thể hóa các cam kết. Và chúng ta phải làm việc với một tinh thần thúc đẩy cho cải cách mạnh mẽ như vậy để có thể hội nhập thành công.
Đại biểu đề nghị cần ban hành ngay các chương trình để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, các chương trình thúc đẩy nâng cao công nghệ, trình độ quản trị của các doanh nghiệp Việt Nam để yểm trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam trên con đường cao tốc này, không phải chỉ có vấn đề thể chế, không phải chỉ còn về thủ tục, không phải chỉ có vấn đề pháp luật mà còn có vấn đề là các chính sách của chúng ta, các chương trình yểm trợ của các doanh nghiệp trong việc hợp tác và cạnh tranh với những nền kinh tế hàng đầu trên thế giới. Cho nên, một loạt các chương trình cần phải được xây dựng, đại biểu cũng cho rằng chúng ta cần có những dự kiến xa hơn về chiến lược lớn tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển dịch lao động, về dân cư để ứng phó với những thay đổi không mong muốn từ EVFTA cũng như từ quá trình hội nhập EVFTA và nền kinh tế nói chung, đó là những việc làm rất cần thiết.
Cuối cùng, đại biểu nhấn mạnh: "con đường cao tốc" chúng ta mở ra với châu Âu, EVFTA không phải là "con đường cao tốc miễn phí". Chúng ta phải trả phí cho quá trình này bằng cách là đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng của nền kinh tế, đầu tư nâng cấp thể chế của nền kinh tế, đầu tư, nâng cấp chất lượng nguồn nhân lực, đối với các doanh nghiệp là những đầu tư về nâng cấp quản trị doanh nghiệp, chiến lược hoạt động kinh doanh để có thể tận dụng tốt được những cơ hội, có thể thành công trên con đường hội nhập EVFTA./.