Phát biểu tại phiên thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, đại biểu Cao Đình Thưởng tham gia đóng góp một số ý kiến như sau:
Thứ nhất, về trật tự xây dựng. Thực tế trong thời gian qua, tình trạng chủ đầu tư xây dựng trái phép trên đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, có nơi còn lấn chiếm đất công, xây dựng sai thiết kế đã được phê duyệt, đa số là xây nhiều tầng hơn so với thiết kế được xây dựng để trục lợi nhưng vẫn được cơ quan chức năng cấp phép xây dựng. Đại biểu Cao Đình Thưởng nêu ý kiến, vẫn biết sau khi sự việc vỡ lở, cơ quan chức năng vào cuộc xử lý thì những chủ đầu tư vi phạm sẽ bị xử phạt, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng hệ lụy là ngân sách nhà nước thất thu, người dân chịu thiệt hại lớn khi bỏ ra hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ đồng để đầu tư vào những công trình sai phép nói trên. Mất tiền mà không biết kêu cứu ở đâu? Trong khi việc xử lý vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thường là chậm.
Đại biểu Cao Đình Thưởng phát biểu từ điểm cầu trực tuyến.
Từ những căn cứ trên, đại biểu bày tỏ sự chia sẻ với tiếp thu của Ban soạn thảo cho rằng về cơ bản Luật Xây dựng hiện hành đã có quy định liên quan đến bảo đảm trật tự xây dựng. Một số hạn chế trong quản lý trật tự xây dựng thời gian vừa qua chủ yếu do khâu tổ chức thực hiện pháp luật chưa nghiêm, thiếu kịp thời. Đại biểu cho rằng, việc sửa đổi luật phải phù hợp và theo kịp thực tiễn vận động của xã hội. Dù rằng, để khắc phục tình trạng trên, không thể sửa đổi nguyên Luật Xây dựng mà còn liên quan đến nhiều luật khác như Luật Đất đai, Luật Quy hoạch, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, v.v..
Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp thu và quan tâm đến một số vấn đề sau:
Một là, cần bổ sung trong nguyên tắc xây dựng tại Điều 4 quy định đảm bảo thực hiện đồng bộ pháp luật về xây dựng và các luật khác có liên quan vào khoản 1 Điều 4 để làm căn cứ thiết kế các quy định khác trong dự thảo luật nhằm khắc phục tình trạng xây dựng trái phép.
Hai là, quy định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương khi để xảy ra tình trạng xây dựng sai phép, gây hậu quả nghiêm trọng. Vì hiện nay chưa có văn bản nào quy định rõ trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp cơ sở đối với lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng. Việc xác định rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý trật tự xây dựng. Đồng thời sửa đổi quy định trong Bộ luật Hình sự và các văn bản pháp luật khác theo hướng quy trách nhiệm liên đới đối với cơ quan cấp phép xây dựng. Tăng mức xử phạt đối với tội xây dựng trái phép, nâng mức xử phạt hành chính và tránh tình trạng phạt để cho tồn tại. Vì thực tế hiện nay việc xử phạt hành chính bằng tiền ít mang lại tính răn đe, nhất là mức phạt tối đa hiện nay được áp dụng là 1 tỷ đồng, nếu xây vượt thêm 1 tầng, chủ đầu tư sẽ bán thêm được vài chục căn hộ, số tiền lợi nhuận có thể thu được lên tới hàng trăm tỷ đồng nhất là ở các thành phố lớn. Như vậy, chủ đầu tư sẵn sàng chịu phạt để được hợp thức hóa phần sai phạm của mình.
Thứ hai về các trường hợp không yêu cầu phải cấp giấy phép xây dựng, tại mục i khoản 2 Điều 89, đại biểu đề nghị tách biệt việc miễn cấp phép xây dựng tại khu vực nông thôn, các xã ngoại thị, ngoại thành của thị xã, thành phố với khu vực nông thôn ở các xã thuộc huyện để đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước. Vì trong thực tế tại các dự án phát triển kinh tế - xã hội tại các đô thị là thị xã, thành phố, khi nhà nước mới có chủ trương khảo sát, lập quy hoạch xây dựng các dự án (tức là chưa phê duyệt quy hoạch, công khai quy hoạch) một bộ phận người dân đã lợi dụng luật và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của nhà nước tiến hành xây dựng các công trình trên đất nhằm trục lợi việc đền bù, giải phóng mặt bằng, gây thất thoát tiền của nhà nước, khó khăn trong quản lý của chính quyền các cấp. Thậm chí an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng xấu đến dư luận, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án.
Từ lý do đó, đại biểu đề nghị sửa đổi thành: “công trình xây dựng ở nông thôn và nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn, nhà ở riêng lẻ thuộc vùng miền núi, hải đảo thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng trừ công trình nhà ở riêng lẻ được xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử văn hóa, công trình xây dựng và nhà ở riêng lẻ khu vực nông thôn tại các đô thị từ loại 4 trở lên”.
Về các vấn đề khác tại điểm b khoản 3 Điều 56 và Điều 5 dự thảo luật quy định: “các dự án xây dựng sử dụng vốn khác có quy mô lớn hoặc có ảnh hưởng lớn đến an toàn và lợi ích công cộng phải được cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp thực hiện thẩm định, trừ dự án chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế kỹ thuật”. Trong trường hợp này một số dự án có quy mô nhỏ là hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa có điều kiện như các dự án kho xăng dầu, cửa hàng kinh doanh xăng dầu và dự án hóa chất không phải thẩm định, tức là mức tổng đầu tư dưới 15 tỷ. Điều này sẽ dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý nhà nước, tiềm ẩn rủi ro trong sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng lớn đến cộng đồng. Vì vậy, đối với tất cả các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn khác có ảnh hưởng đến an toàn và lợi ích cộng đồng, đại biểu đề nghị sửa đổi giao cho các cơ quan chuyên môn về xây dựng thực hiện thẩm định.
Hai là cụm từ “công trình có quy mô lớn” hoặc “có ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong dự thảo luật, tuy nhiên hiện nay chưa có văn bản nào giải thích thế nào là “công trình có quy mô lớn”, thế nào là “công trình có ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng”, do vậy đại biểu Cao Đình Thưởng đề nghị bổ sung giải thích từ ngữ đối với các công trình nói trên.
Cuối cùng, đại biểu đề nghị cơ quan tiếp thu bổ sung quy định cơ quan quản lý nhà nước phải tổ chức nghiên cứu ứng dụng khoa học về phòng, chống thiên tai vào khoản 8 Điều 160 để thống nhất với quy định tại khoản 1 Điều 4 của dự thảo Luật.