Error

Web Part Error: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe. Correlation ID: 4a4055a1-a989-90f0-c4c5-069a38a73dd6.

Error Details:
[UnsafeControlException: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe.]
  at Microsoft.SharePoint.ApplicationRuntime.SafeControls.GetTypeFromGuid(Boolean isAppWeb, Guid guid, Guid solutionId, Nullable`1 solutionWebId, String assemblyFullName, String typeFullName, Boolean throwIfNotSafe)
  at Microsoft.SharePoint.WebPartPages.SPWebPartManager.CreateWebPartsFromRowSetData(Boolean onlyInitializeClosedWebParts)

GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: CỤ THỂ HÓA MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG NGUỒN LỢI THỦY SẢN VIỆT NAM

11/09/2020

Nhằm quản lý khai thác, bảo vệ, phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái biển; khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” theo khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 757/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch thực hiện Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng.

 

 

Cảng cá Quy Nhơn

Kiểm soát chặt hoạt động tàu cá

Tại cảng cá Quy Nhơn, mỗi ngày có hàng trăm chủ tàu làm thủ tục xuất nhập bến. Thực hiện Thông tư số 21 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quy định nộp báo cáo, nhật ký khai thác thủy sản, các đơn vị đã tăng cường công tác kiểm tra tất cả tàu cá ra vào cảng. Đa số các chủ tàu đã chấp hành nghiêm chỉnh quy định và hoàn tất thủ tục khai báo trước 1 giờ khi ra vào cảng. 

Anh Nguyễn Tấn Thành, Chủ tàu cá tại Bình Định, cho biết, thực hiện theo quy dịnh của Thông tư số 21, thuyền viên chúng tôi chấp hành nghiêm chỉnh các thủ tục khai báo khi ra vào cảng; danh sách thuyền viên, lịch trình đánh bắt,… đều ghi chép hết vào sổ cảng để báo cáo đầy đủ.

Tỉnh Bình Định là một trong những địa phương trong cả nước được đánh giá cao trong việc triển khai quyết liệt các giải pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định. Thời gian vừa qua, cùng với các ngành chức năng, Ban quản lý cảng cá Quy Nhơn đã đẩy mạnh công tác giám sát, kiểm soát tàu cá ra vào cảng nhằm đảm bảo việc khai thác, đánh bắt thủy sản được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Quy Nhơn, những trường vi phạm, Ban Quản lý cảng cá sẽ không ký vào sổ danh bạ thuyền viên và báo cáo về Tổ giám sát, kiểm tra IUU của Chi cục để lập biên bản đối với tàu cá vi phạm.

Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Quy Nhơn

Việc kiểm tra tàu cá và giám sát sản lượng thủy sản góp phần quan trọng trong việc thực hiện kiểm soát hoạt động tàu cá hiện nay. Đây là cơ sở dữ liệu giúp các ngành chức năng kiểm soát được số lượng tàu cá đánh bắt trên biển. Bên cạnh đó, việc tăng cường kiểm soát các tàu ra vào cảng cũng góp phần thay đổi quan niệm, thói quen của ngư dân trong khai thác, đánh bắt thủy sản. 

Bên cạnh hoạt động kiểm soát các tàu cá ra vào tại cảng, thì việc lắp thiết bị giám sát hành trình tàu cá thời gian qua cũng được các địa phương ven biển tích cực triển khai. Đây cũng là một trong những giải pháp hữu hiện để phát hiện kịp thời những tàu cá vi phạm lãnh hải nước ngoài trái phép trong quá trình khai thác thủy sản; tăng cường hiệu quả trong công tác quản lý, ngăn chặn, chấm dứt tàu cá khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài. Qua đó, góp phần khắc phục Thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu (EC) đối với Việt Nam.

Tính đến thời điểm này, hầu hết các địa phương đã bám sát quy định và lộ trình lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá. Hiện cả nước đã lắp đặt được 18.592 tàu, đạt gần 70%; trong đó, tàu từ 24m trở lên đạt gần 92%; tàu từ 15m đến dưới 24m chỉ đạt 67,12%. Đơn cử, tại Cà Mau, toàn tỉnh có gần 5.000 phương tiện đánh bắt thủy sản, trong đó hơn 1.600 phương tiện có kích thước tàu dài từ 15m trở lên bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát hành trình. Đến nay, đã có hơn 1.200 phương tiện đã lắp đặt, đạt hơn 70% tiến độ. Theo ngành chức năng tỉnh Cà Mau, từ khi triển khai lắp thiết bị giám sát hành trình tình trạng tàu cá, vi phạm vùng biển nước ngoài đã giảm rất nhiều so với trước đây. Đặc biệt là từ đầu năm 2020 đến nay chưa phát hiện trường hợp vi phạm.

Còn tại Kiên Giang, tỉnh đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho khoảng 3.336 tàu cá, đạt hơn 85% số tàu cá buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Tiến hành xây dựng và hoàn thiện quy trình xử lý tàu cá vi phạm phát hiện qua hệ thống giám sát đối với tàu mất kết nối trên biển, vi phạm vùng biển nước ngoài… Đồng thời, lập danh sách “đen” chủ tàu, thuyền trưởng thường xuyên vi phạm; kịp thời phát hiện vànxử lý nghiêm minh đối với những tàu cá vi phạm quy định về chống khai thác IUU.

Đẩy mạnh tuyên truyền tới ngư dân

Theo thống kê của ngành thủy sản, trong 6 tháng đầu năm 2020 đã có 31 vụ/47 tàu bị nước ngoài kiểm soát, bắt giữ. Như vậy, so với cùng kỳ năm 2019 số vụ vi phạm đã giảm 29 vụ/59 tàu.  Theo  đại biểu Ts.Cao Sỹ Kiêm, chuyên gia về kinh tế, để  ngăn chặn tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài bên cạnh việc kiểm soát chặt chẽ tàu cá, lắp thiết bị hành trình giám sát tàu cá; xử lý nghiêm vi phạm… thì việc tập huấn, phổ biến pháp luật cho ngư dân để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, chống khai thác IUU là vô cùng quan trọng.

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân được tăng cường

Để nâng cao ý thức ngư dân tuân thủ pháp luật về khai thác, đánh bắt thủy sản, các địa phương ven biển đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật bằng nhiều hình thức đa dạng. Tại Bình Định, tỉnh đã phối hợp với Bộ đội biên phòng tổ chức tuyên truyền, cung cấp thông tin cơ bản của Luật Thủy sản năm 2017, các quy định liên quan chống khai thác IUU theo khuyến cáo của Ủy ban châu Âu; tình hình tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài thời gian qua; một số biện pháp ngăn ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm an ninh quốc gia, các đường dây môi giới đưa phương tiện ra nước ngoài đánh bắt trái phép... tới ngư dân đặc biệt là các thuyền trưởng, máy trưởng.

Ông Bùi Bình Hùng, Phó Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Tam Quan, huyện Hoài Nhơn, Bình Định cho biết, thông qua hoạt động tập huấn, tuyên truyền ngư dân đã nắm được những thông tin cơ bản về vấn đề biển đảo, các giải pháp chống khai thác IUU… từ đó nâng cao kiến thức, nhận thức về chấp hành pháp luật cho bà con ngư dân để giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân trên địa bàn đánh bắt, khai thác hải sản trái phép, vi phạm vùng biển nước ngoài.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 757/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp quốc (FAO) đến năm 2025 thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc tháo gỡ thẻ vàng của EC cũng như phát triển ngành thủy sản Việt Nam theo hướng bền vững, minh bạch. Trong đó, một trong những giải pháp thực hiện được nhấn mạnh là phải tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp, chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân, tổ chức quản lý cảng thông qua các chương trình đào tạo nghề nghiệp, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ.

Nỗ lực thực hiện Quyết định số 757/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ

Sau hơn 2  năm bị Ủy ban châu Âu (EC) thông báo áp dụng biện pháp cảnh cáo bằng thẻ vàng đối với sản phẩm hải sản xuất khẩu của Việt Nam, ngành chức năng nước ta đã nỗ lực trong việc thực thi pháp luật về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Vậy những nỗ lực này đã tạo chuyển biến như thế nào trên thực tế? Quyết định số 757/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sẽ có tác động như thế nào đến mục tiêu phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản? Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận ý kiến của ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam, về nội dung này:

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam

Phóng viên: Đại biểu có đánh giá như thế nào về những nỗ lực và quyết tâm của các ngành, các cấp và các địa phương trong việc thực thi pháp luật về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU)?

Đại biểu Phùng Đức Tiến, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam: Ngày 23/10/2017, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo áp dụng biện pháp cảnh cáo bằng thẻ vàng đối với sản phẩm hải sản xuất khẩu của Việt Nam do ngành khai thác hải sản của Việt Nam vi phạm các nguyên tắc IUU về khai thác hợp pháp, bền vững, có khai báo. Kể từ đó đến nay, ngành thủy sản Việt Nam đã không ngừng nỗ lực thực hiện các khuyến nghị của EC nhằm tháo gỡ thẻ vàng, bảo vệ uy tín thương hiệu, phát triển nghề cá bền vững và có trách nhiệm.

Về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chúng ta đã có Luật Thủy sản năm 2017, luật này đã được tham vấn EC trên một tinh thần, quan điểm xuyên suốt là đảm bảo ngành thủy sản phát triển bền vững và hội nhập khu vực, quốc tế. Luật Thủy sản 2017 đặc biệt luật hóa các nội dung liên quan đến quy định IUU, trong đó có khuyến nghị của Ủy ban châu Âu. Trong luật thủy sản, từ nghề cá nhân dân đã sang nghề cá có trách nhiệm.  Bên cạnh đó có 2 Nghị định, 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 8 Thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn Luật Thủy sản…  tất cả những nội dung này cũng đã đều tham vấn EC. Bên cạnh đó Thủ tướng Chính phủ cũng có chỉ thị số 45 ; Thường trực Ban bí thư có văn bản 81 -CV/TW về tăng cường lãnh đạo, chi đạo công tác chổng khai thác, ...

Ngoài ra, Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm Trưởng ban và Ban đã có 1 quy chế làm việc và phân công cụ thể trách nhiệm cho các bộ ngành, các tỉnh thành ven biển. Trên cơ sở những văn bản quy phạm pháp luật đó, chúng ta có hành lang pháp lý, chương trình hành động và trong thời gian vừa qua các bộ ngành địa phương đã vào cuộc một cách tích cực, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao. Trong đó, tập trung vào phổ biến tuyên truyền pháp luật và tổ chức nhiệm vụ Quốc hội, Chính phủ đã giao.

Phóng viên: Theo ý kiến của đại biểu còn những khó khăn, vướng mắc gì cần tháo gỡ để Việt Nam sớm được gỡ "thẻ vàng", thực hiện mục tiêu phát triển bền vững ngành thủy sản Việt Nam?

Đại biểu Phùng Đức Tiến, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam: Ủy ban châu Âu (EC) đã tiến hành thanh tra chúng ta 3 lần .Lần thứ 3 vào năm nay nhưng do dịch covid 19 do vậy mà họ làm việc trực tuyến chứ không đến thanh tra trực tiếp. Nhưng đến nay phải khẳng định, những kết quả chúng ta đã làm được EC đánh giá rất cao. Ví dụ như: xây dựng hệ thống pháp luật, tàu chúng ta không vi phạm các quốc đảo, chúng ta có nhìn nhận đúng đắn và xử lý rất công khai minh bạch; tổ chức thực thi pháp luật nghiêm minh; tàu của chúng ta đã được quản lý chặt chẽ, hơn nữa chúng ta đã tổ chức được truy xuất nguồn gốc và EC cũng khẳng định Việt nam đã có 1 chuyển biến rất tích cực trong  những năm gần đây. Tuy nhiên, EC cũng chỉ ra những khó khăn, thách thức đối với chúng ta:

Thứ nhất, nếu tàu vi phạm sẽ rất khó thẻ vàng mặc dù trong những năm gần đây thì số vụ vi phạm và số tàu vi phạm, số người vi phạm đã giảm;

Thứ hai là quản lý tàu,  chúng ta đã lắp được thiết bị định vị đạt 70 -80% có tỉnh đạt 80 -90%, sơn màu trên tàu thì chúng ta thực hiện được trên 70% nhưng so với thời gian quy định vẫn còn chậm và việc này cần phải tập trung triển khai quyết liệt vì  tàu chính đối tượng mình quản lý trong đó có chủ tàu, người khai thác trên cơ sở định vị đấy và màu sơn. Về yêu cầu này, chúng ta đã có quản lý tuy nhiên 14 hành vi vi phạm iuu thì chúng ta phải rà soát thật kỹ. Ví dụ: quy định đánh ở vùng lậu, đánh vùng ven bờ, đánh vùng khơi thì đánh bắt vùng nào là chỉ có vùng đấy không như ngày trước là có thể đánh vùng khơi là vào vùng lậu hay vào vùng ven bờ mà bây giờ phải đánh đúng vùng quy định. Điều này, các tỉnh cũng chưa quán triệt được triệt để nên việc quản lý đội tàu đánh bắt đúng 3 khu vực là vấn đề cần thực hiện nghiêm.

Thứ ba, vấn đề truy xuất nguồn gốc, chúng ta không thể hiểu đơn giản là chỉ xuất đi Châu Âu mà sản lượng hải sản đánh ở vùng biển nào? kinh độ, vĩ độ nào? thời gian ra sao? phải có nhật ký rõ ràng, cập cảng phải báo trước 1 giờ vào phải có dự kiến sản lượng và sản lượng đó được cân chuyển vào nhà máy xuất đi các thị trường bao nhiêu? còn lại bao nhiêu  sẽ đến tận kho kiểm đếm, kể cả thủy sản xuất cũng làm thế .Về việc này chúng ta cũng đã có 1 quá trình rất tích cực nhưng còn phải cố gắng hơn nữa, các địa phương cũng đã vào cuộc nhưng để làm 1 cách chi tiết, thực sự đúng theo yêu cầu của EC thì chúng ta còn phải cố gắng.

Thứ tư, về thực thi pháp luật, chúng ta đã tổ chức rà soát, thanh tra, kiểm soát rất chặt chẽ nhưng những hành vi vi phạm IUU còn xảy ra. Như vậy, 4 điểm nhấn: tàu không vi phạm,  quản lý đội tàu, truy xuất nguồn gốc và thực thi pháp luật là 4 nút thắt để chúng ta gỡ thẻ vàng. Thời gian luật thủy sản 2017 có hiệu lực từ 01/01/2019 mới đi vào cuộc sống, vì vậy chúng ta còn phải thông tin tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và thậm chí xử lý hành chính để Luật Thủy sản đi vào cuộc sống, thực thi được tốt nhiệm vụ và gỡ thẻ vàng trong thời gian sớm nhất.

 Phóng viên: Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ  đã ban hành Quyết định số 757/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ khai thác thủy sản bất hợp pháp. Vậy, đại biểu có kỳ vọng gì về việc thực hiện kế hoạch này?

Đại biểu Phùng Đức Tiến, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam: Ngày 6/7/2018 Chính phủ có Nghị quyết 89/NQ- CP về việc gia nhập Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng nhằm ngăn chặn, chống lại khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO). Tiếp đó, đến ngày 04/06/2020, Thủ tướng Chính phủ  ban hành Quyết định số 757/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) đến năm 2025. Theo đó, mục tiêu của Kế hoạch nhằm thực hiện Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng như là một cơ sở pháp lý để tổ chức, thực hiện kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của các tàu đánh bắt thủy sản, tàu vận chuyển, chuyển tải thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc khai thác từ nước ngoài cập cảng Việt Nam để nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh thủy sản qua lãnh thổ Việt Nam. Đồng thời, thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của quốc gia thành viên theo quy định của Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng; phối hợp với các quốc gia thành viên và cộng đồng quốc tể quản lý, phòng ngừa, ngăn chặn, giảm thiểu và xóa bỏ các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáp và không theo quy định (IUU) phù hợp với các quy định của quôc tê và khu vực góp phần đảm bảo an ninh lương thực trên toàn cầu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Việt Nam có ngành thuỷ sản phát triển lâu đời, sở hữu nhiều chủng loại thủy sản đa dạng được phân bố dựa trên sự khác biệt về đặc điểm địa lý và khí hậu, trải dài từ Bắc đến Nam. Trải qua 60 năm vượt khó để phát triển, ngành thuỷ sản Việt Nam đã trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, đạt tốc độ tăng trưởng cao; quy mô và giá trị sản xuất lớn. Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản Việt Nam thì việc thực hiện hiệu quả Quyết định số 757/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là điều kiện tiên quyết. Trong đó, cần chú trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn bà con ngư dân tuân thủ pháp luật Việt Nam và các quy ước, quy tắc đánh bắt cá và nuôi trồng thuỷ sản mà Việt Nam tham gia, đảm bảo sản phẩm thuỷ sản Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn khai thác bền vững./.

 

Lê Anh