Đại biểu Nguyễn Văn Hiến, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng phát biểu tại phiên thảo luận
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Hiến bày tỏ sự ủng hộ đối với 3 nhóm chính sách lớn tại dự án luật như Tờ trình đã nêu. Để tiếp tục hoàn thiện Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, đại biểu Nguyễn Văn Hiến đóng góp một số ý kiến như sau:
Thứ nhất, theo đại biểu Nguyễn Văn Hiến, dự thảo luật cần tiếp tục rà soát, giải quyết hài hòa mối quan hệ phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực trong việc thực hiện quyền hành pháp và quyền tư pháp. Cách tiếp cận của dự thảo luật như hiện nay đang đi theo hướng ngày càng tăng cao mức phạt tiền tối đa trên các lĩnh vực cụ thể. Việc xử lý vi phạm hành chính với mức phạt rất cao nhưng thủ tục xử lý vi phạm về cơ bản lại không thay đổi, dựa trên quyết định đơn phương của người có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, cơ quan hành pháp ngoài việc thực hiện chức năng chính là tổ chức thi hành pháp luật, thực hiện quyền hành pháp thì còn phải duy trì một bộ máy khá lớn trong việc xử lý vi phạm hành chính và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong việc xử lý vi phạm hành chính. Trong khi đó, về phía người dân, trong nhiều trường hợp họ bị xử phạt ở mức rất cao nhưng lại không có cơ hội được bảo đảm quyền bào chữa, quyền biện hộ của mình trước một phiên tòa độc lập, xét xử bằng thủ tục tố tụng tư pháp chặt chẽ, công bằng, bình đẳng mà đáng ra người dân phải được hưởng theo quy định của Hiến pháp và pháp luật tố tụng.
Thứ hai, đại biểu Nguyễn Văn Hiến cho rằng, dự thảo cần tiếp tục rà soát và bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa chế tài xử lý vi phạm hành chính với chế tài hình sự. Theo đại biểu, dự án luật hiện nay vẫn tiếp tục quy định các biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là biện pháp xử lý vi phạm hành chính. Xét về bản chất, đây đều là những chế tài rất nghiêm khắc, cách ly đối tượng ra khỏi cộng đồng, hạn chế quyền tự do cư trú, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện quyền con người, quyền công dân trên nhiều lĩnh vực. Do đó, đại biểu Nguyễn Văn Hiến cho rằng, những chế tài nghiêm khắc này phải được coi là chế tài hình sự và thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án và bằng thủ tục tố tụng tư pháp.
Thứ ba, đại biểu Nguyễn Văn Hiến cũng cho rằng, dự án luật cần tiếp tục rà soát và giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp với việc duy trì hiệu lực của pháp luật, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Về biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính bằng việc ngưng cung cấp dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức vi phạm trong xây dựng công trình sản xuất, kinh doanh dịch vụ, nhằm bảo đảm thực thi nghiêm minh quyết định xử lý vi phạm hành chính, theo đại biểu, nếu tính toán không kỹ, thủ tục không chặt chẽ, đối tượng áp dụng quá rộng, không chính xác sẽ dẫn đến khả năng gây ra các thiệt hại về tài sản của tổ chức, cá nhân lớn hơn nhiều so với yêu cầu bảo đảm thực thi quyết định xử lý vi phạm hành chính. Ví dụ, việc ngưng cung cấp điện, nước sẽ dẫn đến hư hỏng tài sản, máy móc, sản phẩm, thiết bị tài sản của đối tượng bị xử lý, những người liên quan, thậm chí là cả những người không liên quan ở mức lớn hơn rất nhiều so với yêu cầu cưỡng chế quyết định xử lý vi phạm hành chính. Do vậy, đại biểu Nguyễn Văn Hiến đề nghị cần xác định rõ phạm vi áp dụng biện pháp này chỉ nên giới hạn đối với hành vi vi phạm trong một số lĩnh vực như xây dựng, dịch vụ, vui chơi, giải trí, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng cấm, đồng thời cũng quy định chặt chẽ các điều kiện, thủ tục và thẩm quyền áp dụng biện pháp này.
Bên cạnh đó, dự thảo cần tiếp tục rà soát và giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa việc tuân thủ đầy đủ các cam kết quốc tế với thực tiễn yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý xã hội và việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân ở đây. Về vấn đề biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, theo đại biểu, trong tờ trình nêu ra 2 phương án, một phương án coi đây là biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, một phương án là để trong Luật Phòng, chống ma túy. Đại biểu Nguyễn Văn Hiến cho rằng, nếu xét trên các khía cạnh như đã nêu trên thì cả 2 phương án này đều chưa thực sự hợp lý. Cụ thể, Tổ chức Y tế định nghĩa nghiện ma túy là một loại bệnh tâm thần đặc biệt, theo định nghĩa này nếu xác định nghiện ma túy là một bệnh lý thì việc áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với người này, đặc biệt là việc áp dụng các biện pháp xử lý đối với người từ 12 đến dưới 18 tuổi là chưa đúng bản chất của vấn đề.
Ngoài ra, việc cai nghiện ma túy là một quá trình điều trị bệnh, do vậy chỉ có các cơ sở điều trị bệnh đúng nghĩa mới có thể thực hiện tốt việc cai nghiện. Trong khi đó, trường giáo dưỡng là cơ sở giáo dục chứ không phải là cơ sở cai nghiện.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiến cho rằng, phương án không áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với đối tượng từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi mà áp dụng biện pháp như quy định tại Luật Phòng, chống ma túylà không hợp lý. Bởi lẽ, theo quy trình này thì việc thi hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng vẫn do Luật Xử lý vi phạm hành chính điều chỉnh, nhưng thẩm quyền, thủ tục lại do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quy định. Điều này có nguy cơ không phù hợp với yêu cầu của Công ước 29 về lao động cưỡng bức hoặc lao động bắt buộc, bởi vì nó không nằm trong trường hợp loại trừ mà công ước đã nêu.
Tôi cho rằng muốn áp dụng biện pháp lao động công ích thì phải do Tòa án thực hiện, nếu để trong Luật Xử lý vi phạm hành chính thì sẽ có nguy cơ vi phạm Công ước 29 về lao động cưỡng bức. Như vậy theo tôi các phương án trên là không hợp lý, tôi ủng hộ quan điểm là vấn đề này cần để trong Luật Phòng, chống ma túy nhưng phải do tòa án áp dụng./.