Error

Web Part Error: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe. Correlation ID: 40cb68a1-89e6-90f0-c4c5-0f7b0b6fb0c4.

Error Details:
[UnsafeControlException: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe.]
  at Microsoft.SharePoint.ApplicationRuntime.SafeControls.GetTypeFromGuid(Boolean isAppWeb, Guid guid, Guid solutionId, Nullable`1 solutionWebId, String assemblyFullName, String typeFullName, Boolean throwIfNotSafe)
  at Microsoft.SharePoint.WebPartPages.SPWebPartManager.CreateWebPartsFromRowSetData(Boolean onlyInitializeClosedWebParts)

GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: CHỦ ĐỘNG NHẬN DIỆN CHIẾN LƯỢC “DIỄN BIẾN HÒA BÌNH” TRONG HOẠT ĐỘNG LẬP PHÁP Ở VIỆT NAM

29/10/2020

Xây dựng pháp luật chiếm khoảng 50% khối lượng mỗi Kỳ họp Quốc hội. Tuy nhiên, trong quá trình lập pháp, các thế lực thù địch luôn tìm cách xuyên tạc hoạt động xây dựng pháp luật của Việt Nam, gây bức xúc trong nhân dân. Do vậy, việc chủ động nhận diện và đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, chiến lược “diễn biến hòa bình” đối với hoạt động lập pháp là nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Tại các kỳ họp Quốc hội, các thế lực thù địch luôn tìm đủ mọi cách đưa tin, bài, đăng hình ảnh, video clip sai sự thật để xuyên tạc, vu cáo, bóp méo sự thật, với mưu đồ chống phá hoạt động lập pháp của Việt Nam.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là sự kiện chính trị có ý nghĩa trọng đại của đất nước. Thời điểm diễn ra Đại hội đang cận kề cũng là lúc các thế lực thù địch càng tăng cường các hoạt động chống phá, tung ra các luận điệu xuyên tạc, sai trái nhằm làm suy giảm niềm tin, phá hoại Đại hội Đại biểu lần thứ XIII của Đảng. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, khi Đảng và Nhà nước ta chủ động đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng và xã hội, các thế lực thù địch đã đẩy mạnh Chiến lược “diễn biến hòa bình” tìm mọi cách để bóp méo, bịa đặt với mục đích cản trở sự nghiệp cách mạng và công cuộc đổi mới của đất nước.

Chiến lược “diễn biến hòa bình” là chiến lược tổng hợp của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch dùng biện pháp “phi vũ trang” là chủ yếu để chống phá, tiến tới lật đổ chế độ chính trị ở các nước xã hội chủ nghĩa. Tại Việt Nam, các thế lực thù địch áp dụng chiến lược “diễn biến hòa bình” trên tất cả các lĩnh vực và hoạt động lập pháp cũng là một trong những mục tiêu mà các đối tượng này hướng tới nhằm phá hoại, xuyên tạc thành quả và quy trình xây dựng pháp luật của nước ta. Vì vậy, nhận thức đúng đắn về nội dung, thủ đoạn thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch và tích cực đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu của chúng là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng của các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là cơ quan lập pháp - cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất trong hệ thống chính trị hiện nay.

Chủ động nhận diện chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá hoạt động lập pháp ở Việt Nam.

Tại các kỳ họp Quốc hội, các thế lực thù địch luôn tìm đủ mọi cách đưa tin, bài, đăng hình ảnh, video clip sai sự thật để xuyên tạc, vu cáo, bóp méo sự thật, với mưu đồ chống phá hoạt động lập pháp của Việt Nam.

Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật An ninh mạng với 7 chương, 43 điều quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Có thể thấy, việc Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng đã góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, đảm bảo quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân khi tham gia hoạt động trên không gian mạng trong điều kiện phát triển mạnh mẽ của internet.

Luật An ninh mạng được Quốc hội ban hành đã đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh quốc gia, đảm bảo quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam trong điều kiện phát triển mạnh mẽ của internet và mạng xã hội. Đặc biệt, các quy định trong Luật chỉ cấm những hành vi sử dụng không gian mạng nhằm chống phá Nhà nước Việt Nam, xâm phạm quyền và lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân (Điều 8), đó là: Tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo người chống phá Nhà nước Việt Nam; Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc…; Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế-xã hội… xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác; Hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong mỹ tục của dân tộc; Lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi”….

Như vậy, với những hành vi bị cấm và các quy định khác trong Luật An ninh mạng đã bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; đồng thời tạo môi trường thuận lợi, an toàn lành mạnh cho các tổ chức, cá nhân hoạt động, kinh doanh hợp pháp.

Tuy nhiên, các nội dung được sửa đổi, bổ sung của Luật An ninh mạng lại trở thành “cái gai” đối với các đối tượng thù địch, chống phá cách mạng Việt Nam. Bởi lẽ chúng mất đi công cụ quan trọng và có tầm ảnh hưởng lớn trong đó là “công cụ tuyên truyền, xuyên tạc” thông qua Internet và mạng xã hội”. Đặc biệt, thông qua không gian mạng, chúng thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, phá hoại tư tưởng, chuyển hóa chế độ chính trị nước ta. Các thế lực thù địch lấy cớ các quy định của Luật “xâm phạm quyền riêng tư cá nhân”, chúng đã sử dụng các phương tiện như Facebook, các blog cá nhân để viết nhiều bài với mục tiêu xuyên tạc bản chất, mục tiêu và các quy định trong luật, nhằm kích động, xúi giục người dân tụ tập đông người, biểu tình, gây rối an ninh, trật tự…

Vì các quy định nhằm bảo vệ Nhà nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân được quy định chặt chẽ trong Luật đã ngăn chặn các đối tượng thù địch chống phá cách mạng Việt Nam nên các thế lực thù địch đã viết một số bài báo nhằm xuyên tạc hoạt động lập pháp của Việt Nam, như “Pháp luật Việt Nam, một bước lùi đối với tiến bộ xã hội”, “Luật An ninh mạng mở đường cho một cuộc trấn áp mới''; "Pháp luật Việt Nam vi phạm quyền tự do ngôn luận (Luật Hình sự, Luật Báo chí…)"…

Cũng tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 14, trong khi các đại biểu Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, lợi dụng việc còn có ý kiến khác nhau về luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt và Luật An ninh mạng, nhiều đối tượng phản động đã dùng mọi thủ đoạn để kích động biểu tình, gây rối tại nhiều nơi.

Phản bác mạnh mẽ với những hành vi xuyên tạc hoạt động lập pháp của Việt Nam, ngày 17/6/2018 tại buổi tiếp xúc cử tri quận Thanh Xuân và quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng kêu gọi nhân dân và cử tri cả nước bĩnh tĩnh, tỉnh táo, cảnh giác trước các luận điệu xuyên tạc, tuyên truyền kích động của các thế lực phản động, chống phá Đảng và Nhà nước ta. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Rõ ràng lòng yêu nước, sự thật đã bị xuyên tạc, kích động chống đối bạo loạn. Lợi dụng lòng yêu nước của người dân để kích động, có bàn tay của các đối tượng phá hoại. Mong cử tri và nhân dân tỉnh táo, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Đảng là Đảng của Bác Hồ, của chủ tịch Hồ Chí Minh, vì nhân dân, không có mục đích gì khác”.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại buổi tiếp xúc cử tri thành phố Hà Nội.

Đối với Luật An ninh mạng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng đây là một Luật sẽ giúp chúng ta bảo vệ tốt hơn không gian mạng, bảo vệ sự vững chắc của chế độ trước tình hình mới cũng như đáp ứng yêu cầu của phát triển khoa học, công nghệ thời đại 4.0. Công nghệ phát triển mang đến nhiều lợi ích, mặt khác cũng đòi hỏi phải quản lý chặt chẽ để tránh việc lợi dụng không gian mạng kích động, gây rối, phá hoại. “Luật ra đời nhằm bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng và bảo vệ quyền công dân. Một số phần tử kích động đẩy vấn đề lên nhưng Quốc hội ta sáng suốt, thông qua với 86,86% đại biểu tán thành. Phải hết sức tỉnh táo, không mắc mưu", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói.

Lý giải nguyên nhân khi Luật An ninh mạng và Luật Báo chí được đưa ra thảo luận lại bị nhiều đối tượng thù địch tập trung chống phá, ông Đinh Xuân Thảo, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho biết đây là hai luật liên quan đến quyền ngôn luận và hệ thống mạng internet-công cụ chính để họ dùng để chống phá cách mạng Việt Nam. Nhưng trên thực tế, hoạt động lập pháp ở Việt Nam được thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục, được tiến hành thận trọng, nghiêm túc.

Cụ thể, Hiến pháp đã quy định rất rõ ở Điều 14 của Hiến pháp: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

Ông Đinh Xuân Thảo, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp.

Theo ông Đinh Xuân Thảo, đối chiếu với quy định trên có thể thấy Luật An ninh mạng có những quy định hạn chế nếu hành vi đó ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức và sức khỏe cộng đồng. Các quy định của Luật cũng ngăn ngừa các vấn đề mới trên toàn cầu đó là an ninh phi truyền thống, chiến tranh mạng. Luật đã đưa ra định chế quy định hành lang pháp lý cái gì được làm và cái gì không được làm để bảo vệ an ninh quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp, thể hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân.

Xuyên suốt quá trình lập pháp của Quốc hội Việt Nam từ Quốc hội Khóa I đến nay cho thấy, các luật, bộ luật, nghị quyết được Quốc hội ban hành đã đáp ứng kịp thời yêu cầu cách mạng trong từng thời kỳ lịch sử của dân tộc. Những thành tựu trong công tác lập pháp những năm qua thực sự đã mở rộng dân chủ, tạo ra chuyển biến tích cực trong bộ máy công quyền; đồng thời các văn bản quy phạm pháp luật đã bắt kịp với yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng.

Đặc biệt, hoạt động lập pháp được Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên trì quan điểm xây dựng Nhà nước pháp quyền, trong đó nền tảng của nhà nước pháp quyền là Hiến pháp và một hệ thống pháp luật dân chủ và công bằng. Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo nguyên tắc quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Một trong những hành động thể hiện rõ nét quyết tâm chính trị ấy là năm 2005, Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020” được ban hành, trong đó xác định xây dựng toàn diện hệ thống pháp luật với 6 định hướng lớn. Có thể nói đây là văn kiện đầu tiên của Đảng chuyên sâu về công tác pháp luật, lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp của Việt Nam, chúng ta đã có một chiến lược dài hạn với những bước đi và giải pháp cơ bản, đồng bộ cho việc xây dựng và thi hành pháp luật, tạo ra những chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội. Cụ thể hóa Nghị quyết 48, đến nay hệ thống pháp luật Việt Nam đang ngày càng hoàn thiện, điều chỉnh tất cả các lĩnh vực của đời sống, đang chuyển dần từ giai đoạn xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật sang giai đoạn hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật.

Ấy vậy mà đây đó vẫn có những quan điểm, tiếng nói phiến diện, lạc lõng, cho rằng về kinh tế, chúng ta đã đổi mới theo hướng chấp nhận kinh tế thị trường, nhưng về chính trị thì vẫn bảo thủ, trì trệ. Họ cố tình xuyên tạc nhiều bộ luật mà Quốc hội Việt Nam mới thông qua. Mục tiêu của chúng là xuyên tạc bản chất của chế độ, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước Việt Nam. Đây là một trong những vấn đề mới trên lĩnh vực bảo đảm an ninh quốc gia nói chung, an ninh mạng và an ninh tư tưởng chính trị nói riêng, cần được nhận thức đầy đủ. Vậy bản chất, nguyên tắc và quy trình ban hành pháp luật của Nhà nước Việt Nam là gì? Và vì sao các đối tượng thù địch lại cố tình tìm mọi cách xuyên tạc hệ thống pháp luật của Nhà nước Việt Nam?

Hoạt động lập pháp xuất phát từ ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

Điều 2, Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 đã quy định: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Trên cơ sở nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước được Hiến pháp 2013 hiến định, bộ máy nhà nước được tổ chức theo hướng phân công, phối hợp và kiểm soát để thực hiện quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp một cách thống nhất, trong đó quyền lập pháp được giao cho Quốc hội, quyền hành pháp được giao cho Chính phủ và quyền tư pháp được giao cho Tòa án để tổ chức thực hiện.

Theo PGS.TS Lê Minh Thông, quyền lập pháp (bao gồm cả quyền lập hiến) được giao cho Quốc hội xuất phát từ vị trí đặc biệt của Quốc hội trong cấu trúc quyền lực nhà nước. Bởi Quốc hội là cơ quan thực hiện dân chủ đại diện cao nhất của nhân dân. So với cơ quan thực hiện quyền hành pháp, quyền tư pháp trong bộ máy nhà nước Việt Nam, Quốc hội với vai trò là cơ quan duy nhất do cử tri cả nước bầu ra theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Là cơ quan duy nhất do cử tri cả nước bầu ra, Quốc hội là đại biểu cao nhất cho cử tri toàn quốc thể hiện ý chí, nguyện vọng và lợi ích của cử tri cả nước. Các đại biểu Quốc hội vừa là đại biểu của các tầng lớp Nhân dân, các dân tộc, tôn giáo, các vùng lãnh thổ, vừa là đại biểu của cả nước, thể hiện khối đoàn kết toàn dân tộc, phục vụ lợi ích của dân tộc và đất nước.

Bên cạnh đó, Quốc hội do nhân dân cả nước bầu ra, thay mặt Nhân dân thực hiện quyền lực của Nhân dân trong phạm vi được ủy quyền theo Hiến định. Mọi quyết định của Quốc hội trong việc thực hiện quyền lực của nhân dân không chỉ do Nhân dân ủy quyền mà còn nhân danh Nhân dân-chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước, thể hiện ý chí của nhân dân và vì quyền, lợi ích của người dân. Về thực chất tính tối cao của quyền lực Quốc hội xuất phát từ quyền chủ thể tối cao của Nhân dân đối với quyền lực nhà nước. Với vị trí đặc biệt như vậy, hoạt động lập pháp của Quốc hội chính là xuất phát từ ý chí, nguyện vọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, không thể có chuyện các luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành lại đi ngược lợi ích của Nhân dân.

Quy trình ban hành pháp luật của Nhà nước Việt Nam cũng được thực hiện chặt chẽ, khách quan, công khai, minh bạch, tuân thủ các quy trình trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ông Ngô Trung Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, trên cơ sở đề nghị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền trình dự án luật, pháp lệnh, Uỷ ban Thường vụ lập và trình Quốc hội xem xét, quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Trên cơ sở đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phân công, chỉ đạo, đôn đốc và giám sát các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện chương trình này. Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội dành nhiều thời gian để thẩm tra, chỉnh lý, hoàn thiện các dự án luật trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, ý kiến của nhân dân, các chuyên gia, đối tượng chịu tác động, các cơ quan, tổ chức hữu quan. Để phục vụ cho công tác này thẩm tra, chỉnh lý dự thảo luật, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội đã tham gia ngay từ đầu vào quá trình xây dựng dự án luật. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội với tư cách là cơ quan chuẩn bị và chủ trì kỳ họp Quốc hội, thường xuyên cho ý kiến đối với các dự án luật, pháp lệnh. Giữa hai kỳ họp, các đoàn đại biểu Quốc hội cũng tổ chức các hội nghị để trao đổi, thảo luận và lấy ý kiến của các đối tượng có liên quan. Ý kiến của đại biểu Quốc hội là cơ sở quan trọng, mang tính quyết định trong việc hoạch định chính sách, chỉnh lý và hoàn thiện từng nội dung của dự án luật.

Với quy trình này, Quốc hội kiểm soát toàn bộ hoạt động lập pháp, từ khâu xây dựng chương trình, trình dự án, lấy ý kiến góp ý, thẩm tra, chỉnh lý và thông qua luật. Quy trình xây dựng luật ở Việt Nam cũng tương đồng và phù hợp với quy trình xây dựng luật của nhiều quốc gia trên thế giới.

Trước những luận điệu xuyên tạc, bóp méo bản chất ưu việt của những vấn đề được đặt ra khi nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, hoạt động của Quốc hội, nhất là hoạt động lập pháp cần tiếp tục tiếp thu, học hỏi kinh nghiệm của các nước có nền lập hiến tiên tiến và nền kinh tế phát triển. Bên cạnh đó, mỗi người dân cần nâng cao nhận thức, nhận diện và cảnh giác trước những luận điệu xuyên tạc để chủ động phòng tránh, không để bị tác động, gây hoang mang tư tưởng hoặc thay đổi nhận thức chính trị vì những luận điệu sai trái, thù địch.

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Văn Hiền, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Đại biểu Quốc hội Khóa XI, XII, 3 định hướng lớn trong quá trình xây dựng luật mà Quốc hội Việt Nam luôn hướng tới. Thứ nhất xây dựng pháp luật Việt Nam vì lợi ích của dân tộc, của đất nước, nhân dân. Thứ hai, các bộ luật, luật, nghị quyết được ban hành phải tương thích với luật pháp quốc tế - tương thích với quốc tế nhưng phải đảm bảo lợi ích của đất nước. Thứ ba là đảm bảo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Hiền, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cũng khẳng định, đối với những luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch cố tình xuyên tạc rằng các văn bản luật của chúng ta chưa làm đã thay đổi, chưa làm đã sai và thiếu dân chủ, thậm chí có đối tượng còn cho rằng chỉ cần lấy nguyên luật pháp của quốc tế về áp dụng ở Việt Nam – đây là những quan điểm hoàn toàn sai lầm. Bởi chúng ta là người Việt Nam, chúng ta phải xây dựng hệ thống pháp luật phù hợp với điều kiện đất nước Việt Nam, đảm bảo lợi ích của đất nước, của nhân dân và theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình xây dựng pháp luật là dân chủ, công bằng, văn minh.

Tại diễn đàn Quốc hội, khi thảo luận xây dựng luật cũng như hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, có các ý kiến khác nhau của đại biểu được nêu lên, được đưa ra thảo luận, tranh luận nhằm tìm ra phương án tối ưu, thế nhưng các đối tượng thù địch lại lợi dụng điều này để cố tình xuyên tạc, bóp méo, kích động, hoặc trích dẫn không đầy đủ phát biểu của đại biểu để gây hiểu lầm, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Ông Nguyễn Viết Chức, Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Với tư cách là người dân Việt Nam, cũng là người có nhiều năm tham gia công tác lập pháp, ông Nguyễn Viết Chức, Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội lưu ý, trong khi phát biểu tại diễn đàn Quốc hội, mỗi đại biểu cần phát biểu trên tinh thần xây dựng, đúng với chủ trương, đường lối, đúng với tinh thần xây dựng luật pháp, xuất phát từ ý chí nguyện vọng của nhân dân; đặc biệt không thể hiện tư tưởng cục bộ, cá nhân nếu không sẽ là cơ hội để các thế lực thù địch lợi dụng, thêm mắm, thêm muối để lợi dụng, thực hiện Chiến lược “diễn biến hòa bình”. Muốn chống lại những luận điệu sai lệch của những kẻ thù địch chống phá thì trước tiên chúng ta phải trong sạch và vững mạnh, dân chủ và thể hiện được ý chí nguyện vọng của người dân. Mỗi đại biểu Quốc hội, mỗi cán bộ trong hành pháp, tư pháp phải thực sự khách quan, tuân thủ tôn chỉ của đảng đó là Đảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân vậy trong hành động, lời nói, lối sống của mình  đều thể hiện không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân”. Nếu mỗi đảng viên, mỗi đại biểu Quốc hội mỗi cán bộ quán triệt tinh thần đó thì tôi tin rằng các thế lực muốn thực hiện Chiến lược “diễn biến hòa bình” trong hoạt động lập pháp cũng thất bại”.

Trong bối cảnh hiện nay những hoạt động chống đối, chống phá Nhà nước nói chung và hoạt động lập pháp nói riêng đang và sẽ diễn ra, nên cần chủ động nhận diện âm mưu, ý đồ chống phá. Trong hoạt động của Quốc hội, nhất là hoạt động lập pháp, hiện nay hội nhập rất sâu rộng, nên việc lắng nghe, tham khảo kinh nghiệm của các nước có nền lập pháp tiên tiến và nền kinh tế phát triển sẽ giúp nâng cao chất lượng lập pháp ở Việt Nam. Ông Đinh Xuân Thảo, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp, đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII cho rằng, thông tin góp ý từ mạng xã hội cũng là nguồn tham khảo hữu ích nhưng cần nhận thức được đâu là thông tin, ý kiến góp ý chính đáng, mang tính xây dựng và nhận diện những kiến chống phá, xuyên tạc để chủ động đấu tranh phản bác. Trách nhiệm nặng nề này được đặt lên vai của cơ quan tham gia xây dựng luật.

Có thể nói hệ thống pháp luật Việt Nam kể từ thời điểm đổi mới đất nước năm 1986 đến nay đã phát triển không ngừng và còn phải tiếp tục hoàn thiện. Xây dựng pháp luật luôn là nội dung quan trọng trong các kỳ họp Quốc hội, hoạt động này chiếm khoảng 50% thời lượng của kỳ họp. Nhiều bộ luật, luật, pháp lệnh được ban hành đã tạo khuôn khổ pháp lý ngày càng hoàn chỉnh hơn để Nhà nước quản lý bằng pháp luật.

Pháp luật của Việt Nam đã có những quy định rất cụ thể bảo đảm cho mọi công dân được tiếp cận thông tin đa dạng, nhiều chiều, công khai, chủ động tham gia góp ý kiến trong các giai đoạn của quy trình xây dựng pháp luật; đồng thời, các cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền xây dựng pháp luật phải lắng nghe, tiếp thu ý kiến, phản hồi ý kiến của người dân công khai minh bạch. Do vậy, chủ động nhận diện và đấu tranh với Chiến lược “diễn biến hòa bình” trong hoạt động lập pháp cần được đề cao, nhất là trong thời điểm Đại hội Đảng lần thứ XIII sắp diễn ra. Bởi đây là thời điểm, các thế lực thù địch đang gia tăng “chiến dịch” tuyên truyền, xuyên tạc chống phá Đảng và Nhà nước. Vì vậy, hơn lúc nào hết những người làm công tác lập pháp và mỗi người dân cần cảnh giác, chủ động nhận diện, đấu tranh, không để các thế lực thù địch xuyên tạc thành quả và quy trình xây dựng pháp luật ở Việt Nam./.

Trung Hiếu - Lan Hương - Hồng Loan