Error

Web Part Error: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe. Correlation ID: b6db68a1-4911-90f0-c4c5-0782cb3f38ec.

Error Details:
[UnsafeControlException: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe.]
  at Microsoft.SharePoint.ApplicationRuntime.SafeControls.GetTypeFromGuid(Boolean isAppWeb, Guid guid, Guid solutionId, Nullable`1 solutionWebId, String assemblyFullName, String typeFullName, Boolean throwIfNotSafe)
  at Microsoft.SharePoint.WebPartPages.SPWebPartManager.CreateWebPartsFromRowSetData(Boolean onlyInitializeClosedWebParts)

ĐBQH CHAU CHẮC CHẤT VẤN BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN VỀ GIẢI PHÁP XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU GẠO

25/11/2020

Nhằm đẩy mạnh xây dựng thương hiệu gạo, tăng lợi nhuận cho người trồng lúa, đại biểu Chau Chắc, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về việc xây dựng thương hiệu gạo của Việt Nam.

ST24 VÀ ST25 chắp cánh cho thương hiệu gạo Việt Nam

Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 706 phê duyệt Đề án Phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2030, xây dựng được các vùng sản xuất lúa gạo xuất khẩu ổn định, hiệu quả và bền vững, đưa gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới về chất lượng, an toàn thực phẩm. Phấn đấu đạt 50% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam, trong đó 30% tổng sản lượng gạo xuất khẩu là nhóm gạo thơm và gạo đặc sản.

Thực hiện mục tiêu này, các nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp không ngừng tìm tòi lai tạo và cải tiến nhiều gen gạo quý. Năm 2017, giống gạo ST24 của Việt Nam lần đầu tiên lọt vào top 3 Gạo ngon nhất thế giới trong Hội nghị quốc tế lần thứ 11 về thương mại gạo tại Macau, Trung Quốc. Từ năm 2017 - 2019 nhóm gạo ST24 và ST25 của Việt Nam liên tục giữ vững vị trí trong top 3 này. Đặc biệt, năm 2019, giống gạo ST25 đạt giải Gạo ngon nhất thế giới tại Hội nghị lúa gạo quốc tế ở Manila, Philippines.

Đại biểu Trần Văn Lâm: ST24 và ST25 có thể làm nên thành công của thương hiệu gạo Việt Nam

Đại biểu Trần Văn Lâm, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, nhận định: ST24 và ST25 là mốc đánh dấu lớn đặc biệt quan trọng đối với thương hiệu gạo Việt Nam, bởi trong suốt một thời gian dài 30 năm, dù đứng trong top đầu các nước xuất khẩu gạo, song gạo Việt Nam chưa khi nào ghi được dấu ấn đối với người tiêu dùng thế giới. Việc vượt qua hàng trăm thương hiệu gạo trên thế giới rất có thể sẽ làm nên thành công của hạt gạo Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng cũng như thương hiệu sản phẩm. Nếu nhanh chóng mở rộng sản xuất gắn với các quy trình sản xuất an toàn thì đây sẽ là thời điểm vàng để Việt Nam quảng bá thương hiệu gạo Việt.

ST24 và ST25 là 2 giống gạo do nhóm các nhà khoa học gồm: kỹ sư Hồ Quang Cua, Tiến sỹ Trần Tấn Phương, kỹ sư Nguyễn Thu Hương lai tạo và cải tiến từ hàng trăm gen dòng lúa thơm nên hàm lượng đạm cao, phẩm chất gạo ngon.

Kỹ sư Hồ Quang Qua: ST24 và ST25 cho năng suất cao và khả năng chịu mặn và chống chọi với sâu bệnh tốt

Kỹ sư Hồ Quang Qua cho biết, cả 2 giống lúa này đều cho năng suất cao và có đặc tính chịu mặn, thân cứng chống đổ ngã, phổ thích nghi rộng. Đặc biệt với đặc tính kháng đạo ôn cấp 2 và bệnh bạc lá, khả năng chống chịu với sâu bệnh tốt nên  trong quá trình canh tác không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, do vậy gạo rất an toàn.

Sau khi ST24 và ST25 được vinh danh, nhiều địa phương, doanh nghiệp và người dân từ Nam ra Bắc đầu tư gieo sạ. Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu cho biết, địa phương đã tiến hành thử nghiệm và nhận thấy giống lúa rất thích nghi trên vùng canh tác luân canh lúa-tôm, đạt năng suất cao nên mở rộng gieo sạ với quy mô lớn và hi vọng thời gian tới gạo ST24 và ST25 sẽ có mặt ở thị trường quốc tế.

Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước cũng như quốc tế, bên cạnh giống lúa ST24, ST25, các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân đã và đang chú trọng nâng cao chất lượng hạt gạo, đẩy mạnh sản xuất theo quy trình sạch, hữu cơ, đa dạng hóa sản phẩm. Đơn cử, tại Cần Thơ, bên cạnh các giống lúa thơm Jasmine 85, Đài Thơm 8, VD 20, người dân còn sản xuất các giống thơm khác như KDM, lúa Nhật, Hương Châu 6, Nàng Hoa 9. Tính riêng vụ lúa Đông Xuân 2019-2020, Cần Thơ xuống giống được 79.244ha lúa; trong đó, các loại lúa thơm gồm Jasmine 85, Đài Thơm 8 và RVT chiếm tỷ lệ khoảng 75% diện tích xuống giống, lúa chất lượng cao OM 5451 chiếm 8%. Còn nhóm giống lúa có chất lượng gạo trung bình, phẩm cấp thấp (IR50404) chỉ chiếm 10% diện tích. Tại tỉnh Sóc Trăng cũng đang bước đầu triển khai thực hiện đề án “lúa thơm-tôm sạch” gắn với phát triển thương hiệu giống lúa ST. Đề án thực hiện từ năm 2020 đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu phát triển diện tích trồng lúa ST lên 17.000ha.

Tín hiệu vui từ xuất khẩu lúa gạo

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến cuối tháng 9/2020, xuất khẩu gạo của nước ta đạt 5,012 triệu tấn, kim ngạch đạt 2,46 tỷ USD. Đáng chú ý, gạo Việt Nam xuất khẩu giảm 0,96% về lượng nhưng tăng 11,41% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Các chuyên gia dự báo, nếu duy trì tốc độ xuất khẩu như các tháng vừa qua, xuất khẩu gạo cả năm 2020 có khả năng đạt từ 6,8 - 7 triệu tấn, tăng từ 5 -10% về lượng so với năm 2019. Mặt khác, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện nay cũng đang ở mức cao nhất so với nhiều năm qua nên kim ngạch xuất khẩu gạo cả năm dự báo sẽ cao hơn năm 2019.

Đặc biệt, trong tháng 8, giá xuất khẩu gạo 5% tấm của Việt Nam ở mức cao nhất trong 10 năm qua với giá từ 480-490 USD/tấn, cao hơn Ấn Độ 100 USD/tấn, hơn Pakistan 50 USD/tấn và cao hơn giá xuất khẩu gạo của Thái Lan 10 USD/tấn. Đây là lần đầu tiên giá xuất khẩu gạo 5% tấm của Việt Nam cao hơn giá gạo Thái Lan.

Ông Nguyễn Quốc Toản: Hiệp định EVFTA  mở ra cơ hội lớn cho gạo Việt Nam trên thị trường thế giới

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường Nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, gạo Việt Nam đang có sự thay đổi từ lượng sang chất và ngày càng được khẳng định về mặt giá trị trên trường quốc tế. Đặc biệt kể từ 1/8/2020, Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, trong đó dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan 80 ngàn tấn gạo (thuế suất 0%), đã mở ra cơ hội lớn cho gạo Việt Nam thâm nhập vào thị trường EU. So với lượng gạo xuất khẩu hàng năm của Việt Nam, 80 ngàn tấn sang thị trường EU dù không phải là lớn nhưng điều quan trọng nhất là nếu tận dụng được tốt hạn ngạch này, gạo Việt Nam sẽ dần tạo hiệu ứng lan tỏa không chỉ tại EU mà cả thị trường thế giới.

Còn nhiều khó khăn trong xây dựng thương hiệu gạo

Sản lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam không ngừng tăng lên qua từng năm và đạt đến con số từ 6 - 7 triệu tấn mỗi năm, có khả năng dẫn đầu thế giới về sản lượng xuất khẩu. Thế nhưng giá trị ngoại tệ mà xuất khẩu gạo mang lại cho nền kinh tế lại chưa tương xứng với vai trò vốn có của nó và công sức của người trồng lúa. Thực tế là đến thời điểm này, việc xây dựng giá trị cho thương hiệu gạo Việt, xét ở góc độ xuất khẩu còn rất hạn chế và thua các nước. Đơn cử, gạo thơm loại ngon của Việt Nam xuất khẩu với giá chưa đến 1.000 USD/tấn, trong khi cùng chủng loại gạo đó, Thái Lan đã có thể bán giá từ 1.200 - 1.300 USD/tấn.

 

Ông Piotr Harasimowicz: Các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam nên quan tâm nhiều hơn vào marketing, bao bì, đóng gói và cách nhận diện

Ông Piotr Harasimowicz, Trưởng Đại diện Văn phòng Đầu tư Thương mại Ba Lan tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, hiện gạo mang thương hiệu Việt Nam rất ít thấy ở nước ngoài mà chỉ mang nhãn mác các nước khác. Trên thực tế, chất lượng gạo của Việt Nam rất tốt, tuy nhiên, Việt Nam chưa chú trọng phát triển thương hiệu gạo, các nhà xuất khẩu chưa quan tâm nhiều vào marketing, chưa quan tâm đến bao bì, đóng gói và cách nhận diện. Thị trường Châu Âu rất cạnh tranh, hiện rất nhiều chủng loại gạo đến từ Thái Lan, Myanmar và các nước này rất chú trọng đến quảng bá thương hiệu gạo của mình. 

Thực tiễn cũng cho thấy, áp lực cạnh tranh của các nhà xuất khẩu gạo của Việt Nam ngày càng lớn trong bối cảnh các nước đều tăng sản xuất và đẩy mạnh thị trường xuất khẩu gạo như Ấn Độ, Campuchia, Myanmar. Đặc biệt, hai quốc gia Campuchia và Myanmar có tiềm năng mạnh trong việc cải thiện năng suất và rất có thể tạo ra sự thay đổi mạnh về cung gạo xuất khẩu trong thời gian tới.

Ở góc độ sản xuất, việc xây dựng thương hiệu gạo gặp khó khăn khi vùng nguyên liệu thiếu tính ổn định để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, cung cấp cho khách hàng. Vệc hình thành những cánh đồng lớn để có thể thực hiện truy xuất nguồn gốc và để đồng nhất được chất lượng sản phẩm lúa gạo với khối lượng lớn còn rất hạn chế.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, người dân vẫn sản xuất quy mô nhỏ lẻ, manh mún theo tập quán. Do vậy, doanh nghiệp xuất khẩu buộc phải thu mua gạo từ nhiều nguồn với nhiều chủng loại và như vậy chất lượng gạo cũng khác nhau. Chính việc sản xuất không bài bản cũng đã tạo nên khó khăn trong xây dựng được thương hiệu. Ngoài ra, sự liên kết giữa doanh nghiệp với người dân còn lỏng lẻo. Bản thân các các doanh nghiệp cũng chưa có liên kết, hợp tác với nhau chặt chẽ để tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Ngoài ra, xu hướng thâm canh tăng vụ đi kèm sâu bệnh đã khiến người dân đẩy mạnh sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ở một số mặt hàng nông sản, qua đó cũng đã làm ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu gạo của Việt Nam.

Nhiều chuyên gia khuyến nghị: Sự thành công của việc xây dựng thương hiệu gạo Việt cho người Việt sẽ là nền tảng vững chắc để giúp gạo Việt có thể vươn xa ra thị trường thế giới. Đại biểu Phạm Văn Hoà, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng: Chúng ta quan tâm xuất khẩu song thị trường trong nước không nên bỏ ngỏ bởi dư địa thị trường nội có tới gần 100 triệu dân, đây là thị phần rất lớn. Đặc biệt, nhu cầu của người tiêu dùng trong nước cũng giống như thế giới ngày càng yêu cầu cao về chất lượng. Do vậy, trước xu thế hội nhập, Việt Nam cần chú trọng xây dựng những loại gạo chất lượng cao, qua đó vừa đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước vừa đáp ứng đòi hỏi khắt khe của thị trường thế giới.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trả lời chất vấn

Trước việc phát triển thương hiệu gạo Việt còn nhiều khó khăn, thách thức, sáng 6/11/2019, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Chau Chắc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang đã trực tiếp chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về giải pháp xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trả lời chất vấn

Trả lời vấn đề này trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thừa nhận còn nhiều hạn chế trong xây dựng thương hiệu gạo của nước ta. Bộ trưởng cho biết, trên thế giới có 7 tỉ người thì chỉ 3,5 tỉ người ăn gạo, sản lượng lúa gạo thương mại toàn cầu hàng năm chỉ khoảng 36 triệu tấn, với kim ngạch thương mại 32 tỉ USD. Điều kiện khách quan này đã tạo áp lực và giới hạn việc xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Về giải pháp, Bộ trưởng cho biết, ngoài việc duy trì và giữ vững thị trường truyền thống, gạo có thương hiệu Việt Nam sẽ tiếp cận vào phân khúc thị trường có chất lượng cao (Mỹ, Nhật Bản, EU...). Chủ trương lâu dài giảm dần diện tích đất lúa kém hiệu quả, chú trọng phát triển giống lúa chất lượng cao, an toàn. Trước mắt, tập trung tái cơ cấu theo hướng ưu tiên những nhóm giống phù hợp với phân khúc thị trường. Bên cạnh đó quan tâm hơn đến chuỗi giá trị ngành lúa gạo. Phát triển theo hướng đa dạng sản phẩm, hướng tới lúa gạo trở thành một thực phẩm dược phẩm. Ví dụ, phát triển dầu cám gạo có giá trị cao.

Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành lúa gạo trước xu thế hội nhập

Năm 2016, Chính phủ Việt Nam đã thông qua chính sách mới nhằm tái cơ cấu ngành lúa gạo, chuyển trọng tâm của chính phủ từ số lượng sang chất lượng, từ an ninh lương thực tới an toàn thực phẩm, từ một ngành cung cấp theo định hướng thành cung cấp theo nhu cầu thị trường, do đó đóng góp vào môi trường thuận lợi hơn cho lúa gạo bền vững. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, gạo Việt Nam ở các thị trường nước ngoài còn ít, chưa phát huy được thương hiệu gạo ngon chất lượng cao vốn có. Song nhìn sang Campuchia, với bước đi bài bản nhiều năm qua gạo Campuchia có thương hiệu có chỗ đứng, chất lượng đạt sự đồng nhất cao, tạo niềm tin lớn của người tiêu dùng, nhất là khi chinh phục được các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ… Một sự tiềm tàng khác cũng được dự báo sẽ cạnh tranh mạnh với gạo Việt ngay tại thị trường Trung Quốc đó là gạo Lào. Số lượng tuy không nhiều nhưng cách làm của Lào cũng tương tự Campuchia. Theo đại biểu Chau Chắc, trước xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng, việc nâng tầm thương hiệu gạo Việt đang là vấn đề cần được các bộ ngành chức năng, doanh nghiệp và người dân phải thực sự đặc biệt quan tâm. Phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã ghi nhận ý kiến của đại biểu Chau Chắc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang về vấn đề này.

Đại biểu Chau Chắc: Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành lúa gạo để phát triển thương hiệu gạo Việt

Phóng viên: Thưa đại biểu, xuất phát từ thực tiễn nào tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về thương hiệu gạo của nước ta?

Đại biểu Chau Chắc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: Năm 2012 đã có thời điểm Việt Nam vượt lên Thái Lan về sản lượng gạo xuất khẩu - tiệm cận tới vị trí số 1 thế giới, nhưng năm 2014 lại rơi xuống vị trí thứ ba, sau Thái Lan và Ấn Độ. Năm 2015, gạo Việt không chỉ để tuột mất vị trí thứ 2 thế giới về sản lượng xuất khẩu, mà chất lượng gạo của Việt Nam cũng khó cạnh tranh ngay cả với nước kém lợi thế về sản xuất lúa gạo như Campuchia. Những bấp bênh này đã buộc ngành hàng lúa gạo nước ta có những giải pháp xây dựng thương hiệu gạo đơn cử như vào tháng 5/2015, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam; cuối năm 2018, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã lựa chọn được biểu trưng chính thức cho thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam. Dù đã có những bước khởi đầu nhằm xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, song trên thực tế thương hiệu gạo của Việt Nam còn rất mờ nhạt trên thị trường quốc tế.

Ngoài ra, thương hiệu gạo Việt chưa được khẳng định rộng rãi nên tình trạng được mùa mất giá, thậm chí mất mùa mất cả giá vẫn thường xuyên xảy ra, bởi lẽ khi chưa xây dựng được thương hiệu, uy tín nên doanh nghiệp xuất bán với giá thấp, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp mua của dân cũng thấp, giá cả bấp bênh.

Người nông dân gắn với đồng ruộng chiếm tỷ lệ lớn tới gần 70% lao động, lại là nước có tiềm năng phát triển lúa gạo lâu đời, xuất khẩu gạo cũng được 30 năm với sản lượng đứng thứ 2 trên thế giới, song chưa tạo được chỗ đứng bền vững trên thị trường thì đây là hạn chế rất lớn khi chúng ta chưa tận dụng tối ưu, chưa phát huy được thế mạnh của ngành lúa gạo Việt.

Do vậy, trước những thực trạng này, tôi đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về vấn đề xây dựng thương hiệu gạo của nước ta.

Phóng viên: Với vai trò là đại biểu dân cử, quan điểm của đại biểu về nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xung quanh vấn đề đại biểu chất vấn?

Đại biểu Chau Chắc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: Với thời gian có hạn, song Bộ trưởng trả lời đã khái quát được những hạn chế của ngành lúa gạo nước ta và đưa ra những giải pháp cho vấn đề này, do vậy tôi đánh giá cao nội dung trả lời của Bộ trưởng. Bộ trưởng thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của trưởng ngành nông nghiệp đối với vấn đề tôi chất vấn, qua đó cũng giải đáp phần nào đó vấn đề mà cử tri quan tâm.

Phóng viên: Thưa đại biểu, sau 1 năm chất vấn, vấn đề đại biểu trăn trở về thương hiệu gạo nước ta tại kỳ họp thứ 8 đến nay đã có sự chuyển biến như thế nào trên thị trường?

Đại biểu Chau Chắc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: Sau một năm chất vấn, những tín hiệu vui về ngành lúa gạo của nước ta thể hiện khá rõ. Đó là sự bứt phá trong xuất khẩu gạo của nước ta từ đầu năm đến nay, đặc biệt có những thời điểm giá gạo của nước ta lên cao và vượt qua cả Thái Lan, điều nay thể hiện thương hiệu gạo của Việt Nam đang ngày càng rõ nét trên thị trường thế giới.

Ðặc biệt, gạo ST 25 được vinh danh là gạo ngon nhất thế giới đã góp thêm một “tín chỉ” về chất lượng và giá trị của thương hiệu gạo Việt Nam có nhiều triển vọng xuất khẩu.

Bên cạnh đó, vào tháng 9 vừa qua, chỉ hơn một tháng sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 103/2020/NÐ-CP quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang Liên hiệp châu Âu. Với Nghị định này, các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc xuất khẩu gạo sang châu Âu với mức thuế ưu đãi, qua đó thương hiệu gạo dần dần chinh phục và khẳng định rõ nét hơn ở thị trường khó tính này và triển vọng tạo dần uy tín gạo Việt trên thị trường thế giới.

Trong sản xuất, tôi cũng thấy rằng các Bộ ngành chức năng, địa phương, doanh nghiệp và người dân ngày càng đề cao, chú trọng phát triển gạo theo hướng chất lượng, an toàn thực phẩm. Theo tôi, đây là hướng đi tích cực, phù hợp với xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng của nước ta hiện nay, nó không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày càng đòi hỏi khắt khe về chất lượng của người tiêu dùng trong nước mà đáp ứng cả người tiêu dùng trên thế giới, là bước đệm cho việc phát triển thương hiệu gạo Việt Nam trong tương lại.

Tuy nhiên, thực tiễn đến thời điểm này, việc xây dựng giá trị cho thương hiệu gạo Việt, xét ở góc độ xuất khẩu còn rất hạn chế và thua các nước. Với nhiều nước, làm tốt thương hiệu để khai thác mọi thị trường, các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu riêng trên nền tảng thương hiệu quốc gia. Còn ở nước ta, doanh nghiệp chưa làm được điều này. Nguồn vốn đầu tư cho xây dựng thương hiệu chưa được quan tâm đúng mức. Ngoài ra, việc xác định chuỗi một sản phẩm đặc thù còn khó khăn, chưa hoàn thiện, chưa đồng bộ và cơ chế liên kết sản xuất hiệu quả còn thấp.

Phóng viên: Xu hướng tự lực sản xuất của nhiều quốc gia châu Phi và Đông Nam Á khiến cạnh tranh xuất khẩu gạo của nước ta ngày càng gay gắt. Đại biểu có đề xuất kiến nghị gì để gạo của nước ta tiếp tục tăng giá trị, tăng sức cạnh tranh trên thị trường?

Đại biểu Chau Chắc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: Gạo Việt Nam đang có nhiều cơ hội nâng cao vị thế trên thị trường thế giới cả về sản lượng xuất khẩu lẫn giá trị kinh tế. Nhưng để khẳng định thương hiệu riêng cho hạt gạo Việt Nam và mang lại lợi ích tương xứng cho người trồng lúa đòi hỏi phải đẩy mạnh tái cơ cấu ngành lúa gạo. Trước hết tổ chức chuỗi giá trị lúa gạo một cách khoa học. Chuỗi giá trị không chỉ có sự vào cuộc từ phía doanh nghiệp và người nông dân mà nhất định phải có sự tham gia của khối ngân hàng mới tạo nên chuỗi bền vững. Ví dụ, lúa gạo thu hoạch theo mùa vụ với số lượng lớn nghĩa là doanh nghiệp cần có số tiền lớn để thu mua dự trữ lúa gạo. Và để để doanh nghiệp có tiền mua gạo dự trữ đòi hỏi sự vào cuộc từ phía ngân hàng. Song thực tế hiện nay, ngân hàng chỉ mới cho các doanh nghiệp lúa gạo vay ngắn hạn để xuất khẩu gạo còn cho vay để thực hiện mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi nhằm phát triển ngành hàng lúa gạo một cách bền vững thì còn hạn chế. Do vậy, cần có cơ chế, chính sách cụ thể để hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp tham gia vào chuỗi là yếu tố hết sức cần thiết nhằm hướng tới xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam.

Ngoài ra, ccác doanh nghiệp hợp tác chặt chẽ hơn với nông dân thông qua các mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới để từ đó xây dựng được những vùng nguyên liệu rộng lớn, có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng, áp dụng quy trình sản xuất chất lượng an toàn cho chuỗi cung ứng nguyên liệu đảm bảo sản phẩm an toàn, đồng nhất có chất lượng cao, đồng thời chủ động xây dựng thương hiệu gạo của doanh nghiệp gắn với thương hiệu gạo quốc gia.

Thị trường cũng ngày càng ưa chuộng các loại gạo thơm, chất lượng cao. Do vậy, chú trọng vào phân khúc thị trường này, có quy hoạch cụ thể cho từng chủng loại gạo, đảm bảo tổ chức sản xuất theo quy trình chuẩn, đồng bộ từ khâu giống, canh tác, thu hoạch, đóng gói. Có như vậy, sản phẩm gạo của Việt Nam, thương hiệu gạo Việt mới có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và thế giới./.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Theo ý kiến của đại biểu Quốc hội Chau Chắc, gạo Việt Nam đang có nhiều cơ hội nâng cao vị thế trên thị trường thế giới cả về sản lượng xuất khẩu lẫn giá trị kinh tế. Tuy nhiên, để tiếp tục nâng tầm cho lúa gạo Việt Nam và mang lại lợi ích tương xứng cho người trồng lúa đòi hỏi phải tổ chức chuỗi giá trị lúa gạo một cách khoa học, đáp ứng đúng nhu cầu thị trường. Trên hết với người dân phải thay đổi tư duy canh tác kiểu cũ, tránh lạm dụng phân, thuốc hóa học, chuyển sang canh tác hữu cơ, theo quy trình nông nghiệp an toàn./.

Lê Phương