Đại biểu Quốc hội Cầm Thị Mẫn, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa phát biểu từ điểm cầu trực tuyến
Qua nghiên cứu báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các tài liệu liên quan về dự án Luật Biên phòng Việt Nam, đại biểu Quốc hội Cầm Thị Mẫn, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa tham gia ý kiến về hai vấn đề cụ thể còn có ý kiến khác nhau liên quan đến dự án Luật.
Vấn đề thứ nhất, về quy định Bộ đội biên phòng chủ trì phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong việc duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật tại khoản 2 Điều 2 của dự thảo luật, đại biểu bày tỏ ủng hộ quan điểm của cơ quan trình dự án luật và tiếp thu của cơ quan chỉnh lý với 3 lý do cụ thể sau đây.
Thứ nhất, việc thực thi nhiệm vụ quốc phòng và an ninh ở khu vực biên giới khác rất căn bản với việc thực thi 2 nhiệm vụ này ở trong nội địa. Là 2 nhiệm vụ đặc biệt quan trọng không tách rời nhau vì tình huống an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới có nhiều trường hợp xuất phát từ bên kia biên giới, nếu không xử lý tốt sẽ có thể biến thành tình huống quân sự, quốc phòng, do vậy rất cần phải có sự thống nhất trong việc thực hiện 2 nhiệm vụ này.
Thứ hai, xuất phát từ lý do thứ nhất nêu trên nên phải có một cơ quan chủ trì thực hiện 2 nhiệm vụ. Địa bàn các xã biên giới thường rất rộng và hiểm trở, mặc dù hiện nay đã có công an xã chính quy nhưng với biên chế chỉ từ 3 đến 5 người thì rất khó kiểm soát được toàn bộ khu vực. Trong khi lực lượng Bộ đội biên phòng có số cán bộ chiến sĩ nhiều hơn, đồng thời là lực lượng nòng cốt, chuyên trách, lực lượng chủ trì trong việc quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia đã được xác định trong các điều ước quốc tế, các văn bản của Đảng và các văn bản quy phạm pháp luật cũng đã quy định.
Thứ ba, tại Điều 32 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự Bộ đội biên phòng chỉ điều tra ban đầu 51 tội phạm trong số 314 tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự, chỉ trừ một số tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Viện kiểm sát thì cơ quan điều tra Công an nhân dân điều tra đa số các tội phạm. Mặt khác, Bộ đội biên phòng cũng chỉ điều tra ban đầu là khởi tố vụ án và lấy lời khai, sau đó sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra Công an nhân dân tiếp tục điều tra. Do vậy, việc Bộ đội biên phòng chủ trì, phối hợp thực hiện 2 nhiệm vụ không đồng nghĩa với việc vô hiệu hóa việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Công an nhân dân. Đây là một thực tế do pháp luật quy định.
Vấn đề thứ hai, về quy định Bộ đội biên phòng được quyền kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật, tại khoản 3 Điều 14 của dự thảo luật, đại biểu đồng ý với quy định này bởi các lý do sau:
Thứ nhất, theo quy định tại Điều 32 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, trong số 51 tội phạm Bộ đội biên phòng điều tra ban đầu có tội buôn lậu và tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Cũng trong Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, tại Điều 33 quy định hải quan có thẩm quyền điều tra ban đầu 3 tội phạm, trong đó có tội buôn lậu và tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Như vậy, cả Bộ đội biên phòng và hải quan đều có thẩm quyền điều tra ban đầu 2 tội phạm nêu trên.
Thứ hai, việc luật hóa thẩm quyền của Bộ đội biên phòng trong việc kiểm tra phương tiện ở cửa khẩu chỉ là phương thức bảo đảm cho cơ quan này thực hiện nhiệm vụ quan trọng là phát hiện, xử lý hành vi vi phạm tội buôn lậu và tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới mà không vô hiệu hóa thẩm quyền của hải quan. Mặt khác, đồng thời với việc có lực lượng trinh sát thì việc cho phép Bộ đội biên phòng trong việc kiểm tra phương tiện ở cửa khẩu sẽ là một chính sách hữu hiệu để xử lý hành vi buôn lậu hoặc vận chuyển vũ khí, ma túy qua biên giới. Xét về mục đích kiểm tra, kiểm soát giữa Bộ đội biên phòng và hải quan là hoàn toàn khác nhau. Hải quan kiểm tra, kiểm soát về hàng hóa, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh xem có đầy đủ giấy tờ xuất, nhập khẩu theo đăng ký hay không. Còn Bộ đội biên phòng kiểm tra, kiểm soát đảm bảo về an ninh đối với hàng hóa, phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới và cửa khẩu.
Thứ ba, theo dự thảo luật thì việc luật hóa thẩm quyền của Bộ đội biên phòng trong việc kiểm tra phương tiện ở cửa khẩu không đồng nghĩa với việc thu thuế ở cửa khẩu. Việc thu thuế ở cửa khẩu vẫn là do hải quan thực hiện.
Thứ tư, về mặt thực tiễn, qua tổng kết Pháp lệnh Biên phòng trong giai đoạn từ 1997 đến tháng 12/2018 việc kiểm tra, kiểm soát tại cửa khẩu, Bộ đội biên phòng đã phát hiện, xử lý 13.078 vụ/16.192 đối tượng Việt Nam và 4.917 vụ/5.215 đối tượng người nước ngoài vi phạm pháp luật, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, các cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý, tạo điều kiện tốt nhất trong xuất, nhập khẩu, xuất, nhập cảnh cho cá nhân, tổ chức, tạo hình ảnh đẹp trong bạn bè quốc tế. Trong thực hiện Quy chế phối hợp số 3929 ngày 4/9/2019 của Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng và Tổng cục Hải quan, 2 lực lượng này đã kiểm tra, kiểm soát 264.089.321 tấn hàng hóa nhập khẩu và 527.948.033 tấn hàng hóa xuất khẩu tại cửa khẩu đường bộ; phối hợp hải quan, cảng vụ hàng hải, cảng vụ đường thủy nội địa kiểm tra 1.811.459.169 tấn hàng hóa xuất khẩu và 908.876.300 tấn hàng hóa nhập khẩu; Phát hiện xử lý 13.078 vụ/16.192 đối tượng người Việt Nam và 4.917 vụ/5.215 đối tượng người nước ngoài vi phạm pháp luật.
Trong công tác phòng chống dịch COVID-19, thời gian qua, Bộ đội biên phòng đã tổ chức đăng ký, xét duyệt, điều phối, phân luồng, tiếp nhận công dân Việt Nam xuất, nhập cảnh tại cửa khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho hơn 100.000 phương tiện xuất, nhập cảnh với hàng trăm triệu tấn hàng hóa xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu; phối hợp xử lý có hiệu quả một số vụ việc, các đối tượng lợi dụng phương tiện qua cửa khẩu để vi phạm pháp luật, góp phần giảm thiểu việc lây lan đại dịch COVID-19 ra diện rộng trên địa bàn cả nước, đặc biệt là ở khu vực biên giới. Như vậy, có thể nói, việc luật hóa thẩm quyền của Bộ đội biên phòng trong việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu hoàn toàn là có căn cứ, dựa trên quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước và vì lợi ích quốc gia, dân tộc, không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ với lực lượng khác, nhất là với lực lượng hải quan./.