Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy cho biết, xuất phát từ thực tế ở địa phương, xã hội và cũng qua thực tế tiếp xúc cử tri trong thời gian vừa qua, đại biểu bày tỏ thống nhất với Tờ trình của Chính phủ về nội dung cũng như ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở.
Theo đại biểu, hiện nay 3 lực lượng này đã có ở trong xã hội, đó là lực lượng bảo vệ dân phố, lực lượng dân phòng và công an xã, thị trấn bán chuyên trách. Mục đích của Luật này là nhằm thống nhất tổ chức lại 3 lực lượng này để bảo đảm có đủ khả năng trong tham gia bảo vệ trật tự, an toàn.
Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang phát biểu tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Điều 3 nêu rõ về vị trí, chức năng; Điều 4 nêu rõ về nguyên tắc tổ chức trong dự thảo luật. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy bày tỏ băn khoăn, nhiệm vụ giao rất nhiều, nhưng vị trí, chức năng chỉ là hỗ trợ và phối hợp, do vậy, cũng nên cân nhắc xem có giao nhiệm vụ nhiều như vậy hay không.
“Muốn đảm bảo bình yên cho dân, dân được ngủ ngon phải có lực lượng hỗ trợ tham gia tuần tra, canh gác. Việc thống nhất lực lượng này chắc chắn sẽ đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở. Điều quan trọng là tổ chức lực lượng để hoạt động hiệu quả đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn dân cư”, đại biểu Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy đề nghị dự thảo luật cũng nên quy định rõ định biên lực lượng này ở mỗi xã.
“Hiện nay không ghi định biên, còn chung như vậy thì thành lập như thế nào? Mỗi một xã có thể thành lập từ 5 đến 7 hay 10 người trong 1 tổ. Đề nghị trong dự thảo luật Ban soạn thảo cũng nên làm rõ”, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy nói.
Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy chỉ rõ, tại điểm a khoản 2 Điều 11 quy định về phối hợp với công an cấp xã trực tiếp quản lý thực hiện nhiệm vụ, “kiểm tra hộ khẩu, nhân khẩu, tạm trú, tạm vắng, kiểm tra căn cước công dân, chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân khác của người đến làm ăn, sinh sống trên địa bàn hoặc người có biểu hiện nghi vấn vi phạm pháp luật”.
“Dự thảo luật thì có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022, như vậy sắp tới chúng ta có cần kiểm tra hộ khẩu hay kiểm tra chứng minh nhân dân nữa hay không?”, đại biểu nêu băn khoăn, đồng thời đề nghị viết gọn lại như sau: “kiểm tra nhân khẩu, tạm trú, tạm vắng, giấy tờ tùy thân khác của người đến làm ăn, sinh sống trên địa bàn hoặc người có biểu hiện nghi vấn vi phạm pháp luật”.
Tại khoản 1 Điều 25 có quy định một số chế độ bồi dưỡng và hỗ trợ, v.v. Tuy nhiên đại biểu Nguyễn Thanh Thủy đề nghị bỏ từ “bồi dưỡng” mà chỉ ghi là hỗ trợ. Theo quy định của dự thảo Luật, người được hưởng mức hỗ trợ hàng tháng thì được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế theo mức do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.
“Tuy nhiên hiện nay ngân sách của mỗi địa phương là khác nhau, do đó trong dự thảo luật cũng nên quy định tối thiểu là bao nhiêu, ví dụ Hội đồng nhân dân hỗ trợ nhưng mức tối thiểu là không dưới 1,0 so với lương cơ bản chẳng hạn”, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy đề xuất.