Trong chương trình Kỳ họp thứ 11 Quốc hội Khóa XIV, Quốc hội đã nghe Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trình bày Dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV, trong đó đã khẳng định: 5 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, Quốc hội vẫn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực, cố gắng cao nhất để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV đã thành công với những kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực từ lập pháp, giám sát, quyết định vấn đề quan trọng của đất nước đến ngoại giao nghị viện đã góp phần đưa đất nước vững bước vượt qua khó khăn, tạo ra những chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, cải thiện và nâng cao đời sống Nhân dân, đóng góp lớn vào những thành tựu vô cùng ý nghĩa của công cuộc gần 35 năm đổi mới, làm giàu thêm truyền thống 75 năm vẻ vang của Quốc hội.
Phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã ghi lại một số ý kiến của đại biểu Quốc hội đánh giá về hoạt động của Quốc hội trong nhiệm kỳ khóa XIV:
Đại biểu Trần Văn Lâm, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang đánh giá, Quốc hội đã rất thành công trên cả 3 lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Phóng viên: Cảm ơn đại biểu đã trả lời phỏng vấn. Thưa đại biểu, với tư cách là đại biểu Quốc hội, ông có ấn tượng với kết quả nào trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV?
Đại biểu Trần Văn Lâm, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang: Theo tôi, nhiệm kỳ khóa XIV đã cho thấy sự lắng nghe, dân chủ, đổi mới, thành công của Quốc hội thể hiện trên cả 3 chức năng chính là lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Sự lắng nghe của Quốc hội được thể hiện trong mỗi hoạt động kể cả trong và ngoài nghị trường. Các ý kiến của cử tri luôn được đại biểu lắng nghe, chắt lọc, trao đổi, truyền tải đầy đủ.
Sự dân chủ trong hoạt động của Quốc hội được thể hiện rõ nét qua hoạt động điều hành của Chủ tịch Quốc hội, sự thảo luận thẳng thắn, khách quan của các đại biểu tại nghị trường, hay qua phương pháp làm việc. Mỗi một vấn đề quan trọng đều được đưa ra xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội lấy phiếu hoặc biểu quyết những nội dung chính của các dự án luật, sau đó mới tiến hành biểu quyết tổng thể. Cách làm việc dân chủ như vậy nhằm giúp Quốc hội lắng nghe được nhiều ý kiến, kể cả ý kiến nhiều chiều, từ đó đưa ra các quyết định chính xác, hiệu quả.
Một vấn đề đổi mới quan trọng nữa trong hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ Khóa XIV là lần đầu tiên Quốc hội áp dụng hình thức họp trực tuyến trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 bùng phát; ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào tất cả các lĩnh vực hoạt động của Quốc hội. Với những đổi mới của Quốc hội Khóa XIV, Quốc hội đã khẳng định vai trò của mình, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, từ xây dựng luật pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, kể cả vấn đề thường xuyên hay vấn đề đột xuất nảy sinh đều được xem xét, quyết định kịp thời. Kết quả cuối cùng là các luật đã được thông qua với chất lượng cao, các vấn đề đã được quyết định đều đúng chủ trương, phù hợp với tình hình thực tiễn, được dư luận nhân dân đánh giá cao, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển của đất nước trong nhiệm kỳ qua.
Cụ thể, đối với hoạt động lập pháp, nhiệm kỳ Khóa XIV, nhiều luật khó đã được xây dựng, hoàn thiện và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống. Trong lĩnh vực giám sát, những vấn đề thực tiễn đặt ra đã được Quốc hội xem xét, giám sát thường xuyên và giám sát chuyên đề. Những vấn đề quan trọng của đất nước, về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, tài chính ngân sách, đầu tư công… đã được Quốc hội quyết định thận trọng. Nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV, dưới sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội, các chỉ tiêu cân đối vĩ mô ngày càng được củng cố, sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô nói riêng và của đất nước nói chung đã được Quốc hội quyết định xem xét cẩn trọng, nghiêm túc.
Tôi cho rằng, với tinh thần làm việc nghiêm túc, kết quả hoạt động của Quốc hội đã rất thành công trên cả 3 lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Đại biểu Lê Thanh Vân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau: Nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV, tôi cho rằng hoạt động giám sát của nhiệm kỳ Khóa XIV của Quốc hội có bước tiến so với nhiệm kỳ trước. Cụ thể, Quốc hội đã lựa chọn những vấn đề bức xúc nhất trong đời sống xã hội để chọn chuyên đề giám sát tối cao. Các chuyên đề giám sát đều phản ánh những bức xúc của đời sống xã hội, được nhân dân quan tâm, đánh giá cao. Tuy nhiên, đi đến cùng các nội dung cần giám sát chính là hậu giám sát, cần theo đuổi đến cùng vấn đề và làm rõ trách nhiệm của cơ quan thi hành chính sách, trách nhiệm của người đứng đầu cần phải được thực hiện nghiêm túc. Thậm chí Quốc hội có thể tái lập lại đoàn giám sát để kiểm tra, giám sát lại những khuyến nghị sau khi giám sát.
Kết quả nổi bật thứ hai trong hoạt động giám sát của Quốc hội chính là chất vấn và trả lời chất vấn. Kế thừa kết quả Quốc hội khóa trước, Quốc hội Khóa này có hoạt động chất vấn rất sôi nổi. Trong đó, Quốc hội đã cải tiến về phương thức thực hiện phiên chất vấn và trả lời chất vấn bằng việc rút gọn thời gian hơn. Điều này tạo áp lực cho Quốc hội phải lựa chọn những câu hỏi ngắn, sắc sảo, đúng trọng tâm đồng thời cũng tạo áp lực cho người trả lời chất vấn trả lời đúng trọng tâm vấn đề đại biểu đặt ra. Do được truyền hình, phát thanh trực tiếp phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã nâng cao trách nhiệm hoàn thiện kỹ năng, nhận thức của cả đại biểu Quốc hội và các bộ trưởng, trưởng ngành.
Phóng viên: Bên cạnh những kết quả nổi bật của Quốc hội nhiệm kỳ Khóa XIV, đại biểu còn băn khoăn, trăn trở và đề xuất, kiến nghị vấn đề gì để Quốc hội hoạt động hiệu quả hơn trong nhiệm kỳ tới?
Đại biểu Trần Văn Lâm, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang: Tôi cho rằng, mặc dù Quốc hội có nỗ lực, cố gắng đến đâu nhưng cũng không thể đáp ứng được hết tất cả các nhiệm vụ đặt ra. Báo cáo Tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV cũng đã chỉ ra một số mặt còn hạn chế, cần phải khắc phục trong nhiệm kỳ tới. Là đại biểu chuyên trách hoạt động tại địa phương, tôi thấy rằng trong hoạt động của Quốc hội nói chung và hoạt động của đại biểu nói riêng còn một số vấn đề trong thực tiễn cử tri bức xúc nhưng đại biểu Quốc hội chưa tiếp cận được kịp thời; một số ý kiến của cử tri vẫn chưa nắm bắt và giải quyết hết.
Bên cạnh đó, việc tổ chức hoạt động tiếp xúc cử tri ở một số nơi vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn, chưa thu hút được sự quan tâm tham gia của cử tri và nhân dân. Một số hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội vẫn chưa bao trùm hết các vấn đề của cuộc sống do nhân lực, số lượng đại biểu trên mỗi địa bàn còn hạn chế.
Các hội nghị đại biểu chuyên trách tham gia xây dựng luật pháp là rất cần thiết nhưng đôi khi việc tổ chức lấy ý kiến của đại biểu Quốc hội chuyên trách tham gia vào vấn đề xây dựng luật pháp dưới hình thức giống như thảo luận trên nghị trường. Điều này chỉ tăng thời lượng thời gian thảo luận, còn phương pháp, cách thức tiến hành lấy ý kiến chuyên sâu vẫn chưa được thực hiện. Nếu chúng ta đầu tư đổi mới, cải tiến, phù hợp hơn thì tôi tin rằng hiệu quả và kết quả sẽ cao hơn.
Đại biểu Lê Thanh Vân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau: Bên cạnh những hạn chế trong Báo cáo tổng kết Quốc hội, từ góc nhìn cá nhân tôi thấy trước đây chúng ta có chương trình làm luật của cả khóa, sau đó mới xác định ưu tiên cho các đạo luật của từng năm. Tuy nhiên khóa này bỏ chương trình xây dựng luật của toàn khóa mà xây dựng theo hàng năm.
Mặt tích cực của việc xây dựng chương trình pháp luật cho từng năm là giúp việc sửa đổi, bổ sung các đạo luật kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn nhưng có mặt hạn chế là tính bị động cao, bởi sự chuẩn bị trình dự án luật có thể chưa đầy đủ, trình độ soạn thảo còn chưa đáp ứng yêu cầu.
Do vậy, theo tôi cần khôi phục lại chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của toàn khóa, trên cơ sở cụ thể hóa đường lối của Đảng được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thức 13, vì đây là tầm nhìn chiến lược. Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của toàn khóa chính là mục tiêu, mốc xác định ưu tiên, quan hệ xã hội cần được điều chỉnh bằng pháp luật, từ đó xác định lĩnh vực ưu tiên nào cần kiện toàn, củng cố, mở đường. Từ đó giao nhiệm vụ mang tính dài hơi cho các cơ quan soạn thảo có sự chuẩn bị ngay từ sớm, đây chính là chiến lược lập pháp. Chiến lược lập pháp phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội theo kỳ đại hội.
Đại biểu Lê Thanh Vân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau
Bên cạnh đó, để đảm bảo tính khách quan, minh bạch trong sọan thảo chính sách, pháp luật là phải tổ chức ban soạn thảo với các thành phần rộng hơn, hạn chế thành phần cơ quan chủ quản sử dụng đạo luật đó sau khi thông qua, đây chính là việc kiểm soát quyền lực ngay từ giai đoạn đầu của hoạt động lập pháp. Đồng thời, cần xác định rõ trách nhiệm và chế tài đối với ban soạn thảo, người đứng đầu cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm giúp ban soạn thảo hoàn thiện dự án luật.
Cung cấp đầy đủ thông tin cho đại biểu Quốc hội để có đủ cơ sở xem xét thấu đáo các quy định của pháp luật, thể hiện chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước trong từng quy định. Có như vậy các quy định của từng đạo luật mới có đời sống, khi ra đời được cộng hưởng với cuộc sống, phát huy tác dụng trong thực tế.
Về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn vẫn còn hạn chế trong đó nhiều vấn đề nóng của cuộc sống được đại biểu đưa ra chất vấn tại hội trường vẫn dừng lại ở lời hứa và sự kỳ vọng sẽ được giải quyết trong tương lai. Nếu Quốc hội khóa tới cải tiến phương thức chất vấn và trả lời chất vấn theo hướng lựa chọn những vấn đề xã hội quan tâm nhất thông qua lấy ý kiến, từ đó dành riêng vấn đề để chất vấn (có thể dành nửa buổi) để truy đến cùng vấn đề được chất vấn thì sức mạnh giám sát trực tiếp thông qua phương thức chất vấn và trả lời chất vấn sẽ hiệu quả hơn, tính quyền lực của Quốc hội sẽ thực chất hơn.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!