Toàn cảnh Phiên thảo luận
Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội, cho rằng Chính phủ nhiệm kỳ vừa qua đã rất thành công trên các phương diện hoạt động, quy mô nền kinh tế vươn lên đứng thứ 4 ASEAN, hệ số tín nhiệm quốc gia được giữ vững, giá trị thương hiệu quốc gia tăng mạnh. Theo đại biểu, Việt Nam được đánh giá là điểm đến hấp dẫn, đời sống người dân không ngừng được cải thiện.
Thống nhất với Báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chính phủ, đại biểu Quách Thế Tản, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình, đánh giá cao những kết quả toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng, đối ngoại,... của Chính phủ. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ, Chính phủ đã xây dựng, trình Quốc hội phê duyệt đề án tổng thể về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2021-2020. Theo đại biểu, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có phong cách làm việc đổi mới, sáng tạo, đi sâu đi sát, gần gũi với nhân dân. Đại biểu mong Chính phủ tiếp tục phát huy và nâng cao hơn nữa những thành quả đã đạt được, từ đó tiến lên thực hiện khát vọng xây dựng quốc gia Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào giữa thế kỷ 21.
Đại biểu Hà Thị Lan, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang
Nhất trí cao với báo cáo của Chính phủ trong nhiệm kỳ vừa qua, đại biểu Hà Thị Lan, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, nhấn mạnh ba đột phá chiến lược được xem là ưu tiên cao của Chính phủ trong nhiệm kỳ. Chính phủ đã cơ cấu lại nền kinh tế năng động hơn, hiệu quả hơn; Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế… đã có nhiều đổi mới đặc biệt trong đại dịch COVID-19 đã huy động được sự ủng hộ của người dân, phát huy được sức mạnh nội sinh của dân tộc. Bên cạnh đó, công tác môi trường, phòng chống tham nhũng được quan tâm thường xuyên, an ninh quốc phòng được giữ vững. Đại biểu bày tỏ ấn tượng với những kết quả mà Chính phủ đạt được trong 5 năm qua, ghi nhận sự thẳng thắn của Chính phủ về những tồn tại hạn chế, đồng thời chia sẻ với Chính phủ về những khó khăn, thách thức.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, cũng bày tỏ ấn tượng rất sâu sắc về một nhiệm kỳ Chính phủ thành công, liêm chính, kiến tạo, hành động phục vụ nhân dân, nói không với tham nhũng, gần dân, sát dân, giải quyết những vấn đề của đời sống, một Chính phủ quyết tâm phục vụ nhân dân. Đại biểu khẳng định, trong nhiệm kỳ này, Chính phủ có một số thành công rất quan trọng: Thứ nhất, thực hiện các nhiệm vụ trong nhiệm kỳ; Thứ hai, bắt tay khắc phục các khó khăn, tồn tại từ các nhiệm kỳ trước; Thứ ba, ứng phó với các tình huống thiên tai, bất lợi; Thứ tư, đặt nền móng tiếp theo cho nhiệm kỳ 2021-2026.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp
Đồng tình và đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội, nhấn mạnh, chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào với một nhiệm kỳ Chính phủ với nhiều thành tựu ấn tượng. Đại biểu nhấn mạnh, nhiệm kỳ 2016 -2021, Chính phủ đã vượt qua mọi khó khăn để khẳng định uy tín của mình.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội, cho rằng thành công lớn của Nhà nước nhiệm kỳ qua là đã tạo ra sự ổn định trong toàn xã hội. Trong bối cảnh thế giới phức tạp, dịch bệnh, thiên tai phức tạp thì việc ổn định xã hội là không dễ. Nhưng những năm qua, với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, nhất trí và đồng lòng của toàn dân, chúng ta đã tạo được sự ổn định. Đại biểu bày tỏ đánh giá cao các bộ, ngành đã có nhiều nỗ lực trong lĩnh vực mình quản lý, góp phần vào thành công chung của cả nhiệm kỳ đồng thời, khẳng định, "Chính phủ đã làm việc rất đều tay trong nhiệm kỳ qua, nỗ lực không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại và kiến nghị Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu và có giải pháp khắc phục trong nhiệm kỳ tới. Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội, Quốc hội, Chính phủ đã có ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm phát huy tối đa mọi nguồn lực, đặc biêt là các nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, việc huy động vốn thời gian qua chưa thực sự hiệu quả. Đơn cử, nhiều dự án thuộc cao tốc Bắc-Nam, tuyến đường ven biển, một số dự án BOT tại các địa phương… đã phải chuyển từ hình thức đối tác công-tư sang sử dụng 100% vốn Nhà nước.
Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách là không dễ dàng, nhưng Chính phủ kiến tạo là Chính phủ phải tạo được sức mạnh tổng hợp, huy động được mọi nguồn lực từ người dân cho phát triển. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị cần chấp hành nghiêm Luật Đầu tư công, nếu cần thì Quốc hội nhiệm kỳ mới xem xét sửa đổi. Theo đó, Quốc hội chỉ phê chuẩn danh sách đầu tư công trung hạn và Chính phủ giao Bộ KH&ĐT phân bổ chi tiết, tránh tình trạng dàn trải, manh mún.
Về nhiệm kỳ tới, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề nghị, cần duy trì mạnh mẽ kỷ cương việc xây dựng pháp luật; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm các thủ tục phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; dành sự quan tâm hơn nữa cho công tác tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo; quan tâm xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ; tăng cường công tác bảo vệ môi trường, khẩn trương triển khai Đề án trồng mới 1 tỷ cây xanh. Đồng thời, cần có cơ chế thu hút nhân tài; xây dựng cơ chế ứng phó hiệu quả với các tình huống khẩn cấp, bất ngờ...
Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội
Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội, cũng đề nghị Chính phủ quan tâm 3 vấn đề trong thời gian tới: Thứ nhất, thành công của Chính phủ tiền nhiệm trong việc kiểm soát nợ xấu ngân hàng từ mức báo động cao, gấp 6 lần giới hạn đã giảm xuống mức dưới an toàn 3%, trong bối cảnh lãi suất điều hành giảm; đã đưa nợ công giảm sâu gần 10 điểm, từ sát kịch trần, xuống 55,3% GDP. Đây là điều kiện thuận lợi rất tốt cho những nhiệm kỳ tới, có dư địa để tăng nguồn lực đầu tư bằng nguồn vốn vay; sử dụng kết hợp các chính sách tài khóa và tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng, trên quan điểm tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô; Thứ hai, kết quả nhập siêu tích cực nhưng còn một số vấn đề cần lưu ý như nhập siêu với các nước trong khu vực; Thứ ba, để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh thì không phải là tiếp tục thực hiện rà soát, cắt giảm thủ tục mà phải thực hiện đột phá thể chế bằng việc thay đổi hoàn toàn phương thức quản lý, chuyển cơ chế, đối tượng quản lý từ xin phép khai báo trước với cơ quan quản lý sang cơ chế đối tượng quản lý tự lựa chọn quyết định, tự công khai thông tin, cơ quan quản lý từ nhiệm vụ tiếp nhận thông tin và tiền kiểm sang nhiệm vụ tìm kiếm, thu thập thông tin và thực hiện hậu kiểm. Phương thức quản lý này chỉ có thể được thực hiện trên cơ sở chuyển đổi số toàn bộ thông tin và quy trình quản lý, đây phải là khâu đột phá tiên phong trong chương trình chuyển đổi số quốc gia. Nếu chuyển đổi số và ứng dụng AI trong quản lý thành công thì tất cả những yêu cầu về đột phá trong cải cách về thể chế sẽ giúp chúng ta biến những điều không thể thành những điều có thể và mang lại những nguồn lực vô cùng to lớn cho đất nước./.