Error

Web Part Error: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe. Correlation ID: b4c266a1-f936-90f0-c4c5-029d3d4d079b.

Error Details:
[UnsafeControlException: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe.]
  at Microsoft.SharePoint.ApplicationRuntime.SafeControls.GetTypeFromGuid(Boolean isAppWeb, Guid guid, Guid solutionId, Nullable`1 solutionWebId, String assemblyFullName, String typeFullName, Boolean throwIfNotSafe)
  at Microsoft.SharePoint.WebPartPages.SPWebPartManager.CreateWebPartsFromRowSetData(Boolean onlyInitializeClosedWebParts)

GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: LÂY LAN DỊCH BỆNH COVIDD-19 - CẦN SIẾT CHẶT QUẢN LÝ NGƯỜI NHẬP CẢNH TRÁI PHÉP

28/05/2021

Trong khi dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp trên thế giới thì mỗi ngày có khoảng 100 đến 150 người tìm cách nhập cảnh trái phép vào Việt Nam bằng các con đường phi pháp. Ðây thật sự là vấn đề rất nghiêm trọng và đáng lo ngại, bởi nguy cơ những người nhập cảnh trái phép có thể mang mầm bệnh vào Việt Nam là rất lớn.

Nguy cơ bùng dịch từ người nhập cảnh trái phép

Xác định dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường, Bộ đội Biên phòng cùng các lực lượng chức năng các tỉnh có tuyến biên giới ngày đêm căng mình bám trụ trên các chốt, trạm, duy trì tổ chức tuần tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn mọi hoạt động xuất nhập cảnh trái phép. Hơn bốn tháng qua, bộ đội biên phòng đã phát hiện, bắt giữ và xử lý hơn 3.260 vụ/hơn 18.330 người xuất nhập cảnh trái phép; khởi tố 52 vụ/127 đối tượng. Nhập cảnh trái phép xảy ra nhiều nhất trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc và Việt Nam – Campuchia.

Chỉ trong ngày 24/5, lực lượng chức năng đã bắt giữ 46 đối tượng nhập cảnh trái phép, trong đó trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc bắt giữ 37 đối tượng, tuyến Việt Nam - Campuchia 8 đối tượng và tuyến Việt Nam - Lào 1 đối tượng.

Đáng quan ngại, mặc dù các lực lượng chức năng ngày đêm nỗ lực để ngăn chặn nhưng vẫn có nhiều trường hợp thực hiện trót lọt việc nhập cảnh vào Việt Nam, cư trú, sinh sống sâu trong nội địa, giữa khu dân cư với số lượng lớn. Đơn cử, đêm mùng 03 và sáng 04/5, lực lượng chức năng tỉnh Vĩnh Phúc phát hiện 52 trường hợp người Trung Quốc cư trú bất hợp pháp tại thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Nhóm người Trung Quốc cư trú bất pháp tại chung cư Florence 

Trước đó, ngày 02/5, lực lượng chức năng thành phố Hà Nội phát hiện, bắt quả tang 46 người (quốc tịch Trung Quốc) thuê 9 phòng tại chung cư cao cấp Florence (địa chỉ 28 Trần Hữu Dực, thuộc phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm). Nhóm người này được xác định đã nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và cư trú bất hợp pháp tại đây.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cảnh báo, dịch bệnh tại các nước trong khu vực và thế giới còn phức tạp, việc nhập cảnh trái phép gia tăng mà không được kiểm soát, cách ly, áp dụng các biện pháp phòng chống dịch kịp thời là mối nguy cơ lớn tiếp tục làm lây lan dịch bệnh vào nước ta, đồng thời cũng tạo ra sự khó khăn trong công tác quản lý người nước ngoài để đảm bảo an ninh trật tự.

Thực tiễn thời gian qua nước ta đã xuất hiện thêm các ca nhiễm Covid-19 mới, qua điều tra dịch tễ, truy vết tiếp xúc của cơ quan y tế và công an xác định những ca nhiễm này đều là người nước ngoài hoặc có tiếp xúc với người nước ngoài. Trong khi đó, mỗi ngày có khoảng 100 đến 150 người tìm cách nhập cảnh trái phép vào Việt Nam bằng các con đường phi pháp thì đây thật sự là vấn đề rất nghiêm trọng và đáng lo ngại.

Nhiều thách thức trong kiểm soát người nhập cảnh trái phép

Qua đấu tranh, nhiều đối tượng khai nhận lý do tìm cách nhập cảnh trái phép vào Việt Nam là để làm ăn, du lịch, thậm chí là hoạt động phi pháp…. Để thực hiện nhập cảnh trót lọt, các đối tượng cầm đầu thuê những người địa phương, thông thạo địa bàn khu vực biên giới để đưa đón, dẫn đường người nhập cảnh trái phép theo một đường dây khép kín. Một số trường hợp trốn vào các phương tiện vận tải nhằm qua mặt lực lượng chức năng.

Trung tá Lê Văn Hoàng: Các đối tượng lợi dụng nhiều đường ngang, lối mở để nhập cảnh trái phép

Trung tá Lê Văn Hoàng, Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ đội biên phòng tỉnh Long An cho biết, các hoạt động xuất nhập cảnh qua các cửa khẩu biên giới bị hạn chế bởi dịch bệnh bùng phát. Mặt khác với những người đủ điều kiện làm thủ tục xuất nhập cảnh tại cửa khẩu thì phải cách ly theo quy định, mất thời gian nên nhiều đối tượng đã chọn con đường phi pháp nhập cảnh trái phép về nước ta bằng cách lợi dụng các tuyến biên giới rộng lớn với nhiều đường ngang, lối mở trong khi lực lượng chức năng kiểm tra kiểm soát vấn đề này còn mỏng.

Theo Trung tá Bùi Thị Hoàng Hà, Đội trưởng Đội Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội, với các đối tượng đã nhập cảnh trái phép được vào sâu trong nội địa họ không vào những cơ sở đã được đăng ký với nhà nước như là khách sạn, nhà nghỉ để cư trú mà thường móc nối thuê căn hộ của những chủ cơ sở lưu trú, gia đình, cá nhân có nhà cho người nước ngoài thuê hoặc qua khâu trung gian để giảm sự quản lý của các cơ quan chức năng.

Luật sư Ngô Văn Hiệp: Nhiều chủ cơ sở lưu trú chưa đăng ký tam trú cho người nước ngoài

Theo Luật sư Ngô Văn Hiệp, Văn phòng Luật sư Hiệp và Liên danh: Khoản 2, Điều 33 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014, (sửa đổi bổ sung năm 2019) quy định người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú có trách nhiệm ghi đầy đủ nội dung mẫu phiếu khai báo tạm trú cho người nước ngoài và chuyển đến Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú. Tuy nhiên, nhiều chủ căn hộ kinh doanh cho thuê chưa ý thức thực hiện đăng ký tạm trú, lưu trú với người nước ngoài, thậm chí nắm được các quy định của pháp luật nhưng cố tình lờ đi.

Mặt khác nhiều căn hộ chủ nhà cho thuê qua khâu trung gian nên việc quản lý lượng người ra vào căn hộ rất khó khăn. Trong khi đó, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là những địa phương có nhiều căn hộ, nhiều toà nhà chung cư cao cấp cho người nước ngoài thuê nên việc kiểm soát được người nước ngoài ra vào cơ sở lưu trú vẫn đang là những thách thức lớn.

Theo thống kê của Bộ Công an, phần lớn các đối tượng nhập cảnh trái phép hoặc cư trú bất hợp pháp ở Việt Nam đều có sự giúp sức của những kẻ tiếp tay. Các đối tượng người trong nước móc nối với các đối tượng cầm đầu đường dây xuất nhập cảnh trái phép ở bên nước ngoài và những đối tượng này điều hành mọi hoạt động thông qua các trang mạng xã hội. Đơn cử, trở lại với vụ việc 52 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép trót lọt tại thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc là một ví dụ điển hình. Qua đấu tranh, Nguyễn Thị Hồng Hạnh sinh năm 1985, trú ở phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc khai nhận đã câu kết với các đối tượng ở bên nước ngoài thông qua mạng xã hội. Do vậy, từ đầu tháng 4/2021, Nguyễn Thị Hồng Hạnh đã thuê 5 căn nhà trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên với giá từ 15 triệu đến 18 triệu đồng/tháng để cho các đối tượng người Trung Quốc nhập cảnh trái phép đến ở. Để tránh cơ quan chức năng phát hiện, Hạnh yêu cầu các đối tượng người Trung Quốc không ra khỏi nhà trọ, bản thân Hạnh trực tiếp đảm bảo việc cung cấp lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm sinh hoạt hàng ngày.

Ở một số vụ án khác, thậm chí chính cán bộ thực thi nhiệm vụ lại tiếp tay đưa người nhập cảnh trái phép vào sâu trong nội địa. Nổi bật trong số đó là Thôn đội trưởng Lý Chừ (dân tộc Mông, 33 tuổi, ở thôn Na Lốc 1, xã Bản Lầu). Lý Chừ giữ chức thôn đội trưởng từ năm 2016. Tuy nhiên, trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Lý Chừ được tham gia tổ tuần tra, kiểm soát phòng, chống dịch cùng lực lượng biên phòng nên nắm rõ cách thức tuần tra, lịch sinh hoạt của các cán bộ, chiến sĩ trong tổ và trở thành nội gián, tiếp tay cho Giàng Mỉ (cầm đầu phía Việt Nam) đưa người xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới. Tổng số vụ Lý Chừ đưa người xuất nhập cảnh trái phép trót lọt là 91 vụ, với 200 trường hợp.

Tinh vi hơn, có những đối tượng đã lợi dụng chính sách của nhà nước dưới danh nghĩa nhà đầu tư nước ngoài, chuyên gia kỹ thuật, lao động tay nghề cao để đưa người nhập cảnh trái phép vào nước ta. Đơn cử, ngày 12-5, cơ quan An ninh điều tra công an thành phố Đà Nẵng đã khởi tố, bắt, khám xét nơi ở của đối tượng Nguyễn Trần Anh Tuấn (34 tuổi, tạm trú 102 Lê Văn Thứ, phường Mân Thái, quận Sơn Trà) do tổ chức cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trái phép dưới danh nghĩa chuyên gia.

Siết chặt quản lý người nhập cảnh trái phép

Hiện nay, dịch Covid19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới, ở nước ta cả hệ thống chính trị cũng đang nỗ lực dập dịch tốn kém cả về công sức, thời gian và tiền của, ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế xã hội rất lớn. Chính vì vậy, chỉ cần lơ là, mất cảnh giác để lọt những trường hợp nhập cảnh và cư trú trái phép thì mọi nỗ lực trong phòng chống dịch Covid-19 có thể bị phá vỡ, nguy cơ lây lan dịch là rất lớn, nhất là khi các đối tượng này đi sâu vào trong nội địa. Do vậy, trên hết, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tăng cường siết chặt quản lý người nhập cảnh trái phép hơn nữa để đẩy lùi nguy cơ lây lan dịch bệnh. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Chiến, đại biểu Quốc hội Khóa XIV, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

 Đại biểu Quốc hội Khóa XIV Nguyễn Văn Chiến

Phóng viên: Thưa đại biểu, nhiều ý kiến cho rằng việc để “lọt khe” không ít người nước ngoài vào trong nước cư trú một cách bất hợp pháp cho thấy sự quản lý chưa nghiêm của các cơ quan chức năng? Và trách nhiệm này cần được nhìn nhận như thế nào thưa đại biểu?

Ông Nguyễn Văn Chiến, Đại biểu Quốc hội Khóa XIV, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam: Thời gian qua chúng ta chứng kiến nhiều vụ việc, trong đó có hàng chục người nước ngoài sinh sống trên địa bàn mà chính quyền địa phương, cảnh sát khu vực, tổ dân phố, không hề hay biết. Điều này cho thấy việc quản lý của ngành chức năng còn lỏng lẻo. Ở đây có thể thấy trách nhiệm của cơ quan chức năng như công an cấp cơ sở, cảnh sát khu vực còn chưa đi sâu đi sát, chưa thanh tra kiểm tra các cơ sở lưu trú kịp thời; chưa bám chặt địa bàn dân cư, các khu vực, địa điểm có đông người nước ngoài cư trú.

Trách nhiệm của tổ trưởng tổ dân phố, trách nhiệm của ban quản lý tòa nhà chung cư và cả những người dân, những người sống xung quanh khu vực có người nước ngoài lưu trú cũng chưa được phát huy. Đành rằng thông thường người nhập cảnh trái phép thường che dấu, thâm chí lén lút đến nơi lưu trú vào ban đêm và ít khi ra ngoài nên việc phát hiện dường như khó khăn. Tuy nhiên, nếu người dân ủng hộ, chính quyền địa phương, tổ trưởng tổ dân phố, công an hộ tịch sát sao thì tôi nghĩ sẽ giảm đáng kể tình trạng nhập cảnh trái phép. Về phía chủ các cơ sở lưu trú, cá nhân hộ gia đình có nhà cho người nước ngoài thuê cũng chưa làm tròn trách nhiệm khai báo tạm trú khi có người nước ngoài đến thuê ở.

Phóng viên: Thưa đại biểu, với sự kiểm soát rất chặt chẽ của cơ quan chức năng, bên cạnh đó cũng đã có nhiều đối tượng nhập cảnh trái phép, môi giới, tổ chức cho người nhập cảnh trái phép bị xử lý theo quy định của pháp luật. Vậy tại sao vẫn còn nhiều đối tượng vẫn cố tình vi phạm?

Ông Nguyễn Văn Chiến, Đại biểu Quốc hội Khóa XIV, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam: Như Bộ Công an cho biết, mỗi ngày có hàng trăm người tìm cách nhập cảnh trái phép vào Việt Nam bằng các con đường phi pháp, điều này cho thấy, nhu cầu nhập cảnh vào Việt Nam là rất lớn và con số này cũng cho thấy vẫn còn "lỗ hổng" trong việc kiểm soát người ra vào biên giới của nước ta. Khi đã có 1 đối tượng nhập cảnh “trót lọt” thì những đối tượng khác đang có ý định vào nước ta sẽ tìm mọi cách để có thể nhập cảnh trái phép vào nước ta bằng nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi.

Và có thể thấy, khu vực biên giới nước ta rất rộng lớn, các đối tượng thường lợi dụng nhiều đường mòn, lối mở để vượt biên trong khi lực lượng chức năng còn mỏng, thậm chí một số nơi quản lý chưa thực sự chặt chẽ. Mặt khác các đối tượng cũng lợi dụng sự hiểu biết pháp luật còn hạn chế của một bộ phận người dân khu vực biên giới để mua chuộc.

Trong nội địa, thời gian qua chúng ta cũng phát hiện nhiều vụ việc người nước ngoài cư trú bất hợp pháp, sinh sống ngay giữa khu dân cư, điều này cũng cho thấy khâu quản lý người nước ngoài ở các cơ sở lưu trú còn lỏng lẻo. Và khi sự kiểm soát thiếu chặt chẽ của ngành chức năng thì những đối tượng xấu sẽ lợi dụng cơ hội để thực hiện hành vi của mình. 

Một đặc điểm nữa là điểm chung của các vụ nhập cảnh trái phép, cư trú bất hợp pháp của người nước ngoài ở Việt Nam đều có sự tiếp tay, hỗ trợ của những cá nhân người Việt Nam. Một mặt do nhận thức về pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế nên có những đối tượng vô tình bị kẻ xấu lợi dụng. Măt khác cũng có những trường hợp vì đồng tiền bất chính họ bất chấp pháp luật và đạo đức cố tình tiếp tay, trực tiếp hỗ trợ người nước ngoài nhập cảnh, cư trú bất hợp pháp ở nước ta bất chấp dịch bệnh đang bùng phát, bất chấp sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị đang căng mình phòng chống dịch. Nghĩa là vì lợi nhuận, có những cá nhân này sẵn sàng bỏ qua sự an toàn của cộng đồng, bỏ qua nguy cơ dịch bệnh lây lan, bỏ qua các quy định của pháp luật để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Phóng viên: Thưa ông, vậy phải chăng chế tài xử phạt đối với những hành vi liên quan đến người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam còn chưa đủ sức răn đe?

Ông Nguyễn Văn Chiến, Đại biểu Quốc hội Khóa XIV, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam: Theo quy định của pháp luật, hành vi xuất nhập cảnh trái phép sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của Nghị định 167/2013/NĐ-CP do Chính phủ ban hành và hình phạt nghiêm khắc hơn là chịu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017). Theo đó, tùy vào mức độ nguy hiểm của hành vi nhập cảnh trái phép và số lần vi phạm để áp dụng chế tài phù hợp, có thể xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, tại khoản 3, Điều 17, Nghị định 167/2013 quy định phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định.

Tại khoản 4 quy định: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với chủ phương tiện, người điều khiển các loại phương tiện chuyên chở người nhập cảnh, xuất cảnh Việt Nam trái phép.

Tại khoản 5 quy định phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi giúp đỡ, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác vào Việt Nam, ở lại Việt Nam hoặc qua lại biên giới quốc gia trái phép; Người nước ngoài nhập cảnh, hành nghề hoặc có hoạt động khác tại Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam;

Và tại khoản 6 ở Nghị định này quy định phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức, đưa dẫn hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam trái phép.

Về trách nhiệm hình sự: Theo Điều 347, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định người nào xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc ở lại Việt Nam trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Tại khoản 1, Điều 348 quy định quy định người nào vì vụ lợi mà tổ chức hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép, thì bị phạt từ từ 01 năm đến 05 năm.

Liên quan đến việc làm lây lan dịch bệnh thì Điều 240 của Bộ luật Hình sự quy định phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm đối với người làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.

Như vậy có thể thấy, chế tài xử phạt đối với các hành vi liên quan đến nhập cảnh trái phép đã đầy đủ từ xử phạt hành chính đến truy cứu trách nhiệm hình sự, tuy nhiên vấn đề là chúng ta phải phát hiện kịp thời và xử lý thật nghiêm những tập thể, cá nhân có liên quan.

Phóng viên: Chúng ta đang đứng trước thách thức rất lớn trong công tác phòng chống dịch Covid-19, vậy theo ông bên cạnh các chế tài xử phạt của Luật pháp thì cần phải có giải pháp như thế nào để hạn chế thấp nhất tình trạng người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào nước ta?

Ông Nguyễn Văn Chiến, Đại biểu Quốc hội Khóa XIV, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam: Theo tôi, bên cạnh áp dụng nghiêm các quy đinh của pháp luật, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, xử lý nghiêm những tập thể cá nhân thiếu trách nhiệm, người đứng đầu buông lỏng quản lý thì cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho quần chúng nhân dân. Nhân dân cần nhận thức đầy đủ để không bị kẻ xấu lợi dụng và không tiếp tay, giúp đỡ, tổ chức cho người nhập cảnh trái phép. Mặt khác người dân cũng nâng cao kiến thức trong việc giám sát, phát hiện tố giác các trường hợp nhập cảnh trái phép, các hoạt động môi giới, đưa dẫn người xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới.

Các lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát chặt biên giới. Việc này dù khó khăn vì biên giới nước ta khá dài và nhiều đường mòn, lối mở, tuy nhiên nếu chúng ta tăng cường kiểm soát chặt ngay từ khu vực biên giới thì sẽ hạn chế được tình trạng người nước ngoài cư trú bất hợp pháp.

Với tuyến "phòng thủ" trong nội địa, lực lượng công an cơ sở, cảnh sát khu vực tăng cường hơn nữa kiểm tra quản lý cơ sở lưu trú người nước ngoài, nhằm kịp thời phát hiện, xử lý không để lọt các trường hợp nhập cảnh trái phép. Đối với khu chung cư, nêu cao trách nhiệm của Ban quản lý toà nhà.

Mặt khác, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tổ trưởng dân phố, tổ trưởng khu dân cư, Ban quản lý tòa nhà nâng cao kiến thức cơ bản về công tác quản lý xuất nhập cảnh người nước ngoài để giúp lực lượng công an phòng ngừa, phát hiện đối tượng nhập cảnh trái phép.

Nâng cao công tác tuyên truyền để các cơ sử lưu trú có trách nhiệm trong việc tiếp nhận người nước ngoài, kiểm tra kỹ giấy tờ lưu trú của khách nước ngoài như Hộ chiếu, Visa... và khi phát hiện nghi vấn thì có biện pháp báo cho cơ quan chức năng. Đồng thời, phát động toàn dân nêu cao tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ tham gia chống dịch” kịp thời phát hiện, tố giác những đối tượng cư trú bất hợp pháp để cơ quan chức năng kịp thời xử lý có hiệu quả.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Trước tình trạng nhập cảnh trái phép vào nước ta, mới đây Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc họp trực tuyến khẩn cấp với lãnh đạo 6 tỉnh biên giới Tây Nam từ đầu cầu UBND tỉnh Gian Giang. Thủ tướng nhấn mạnh, Tây Nam là một trong những điểm nóng về quản lý xuất nhập cảnh và tình trạng nhập cảnh trái phép qua biên giới từ Campuchia về Việt Nam được dự báo sẽ còn phức tạp, nếu không kiểm soát tốt thì nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh vào khu vực Tây Nam Bộ là rất lớn và sẽ làm gia tăng sức ép đối với công tác phòng chống dịch. Thủ tướng đề nghị, các tỉnh có biên giới giáp Campuchia cần phải cảnh giác, tuyệt đối không được chủ quan ngay cả khi địa phương mình chưa có ca nhiễm trong cộng đồng. Thủ tướng mong muốn các chiến sĩ biên phòng phối hợp chặt chẽ với công an và chính quyền địa phương kiểm soát chặt biên giới, trên bộ và trên biển không để việc xuất nhập cảnh trở nên phức tạp hay dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh đến sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, chỉ có sức mạnh của cả hệ thống chính trị, từ các bộ ban ngành, chính quyền địa phương, cơ sở và người dân thì mới ngăn chặn được tình trạng nhập cảnh trái phép./.

Lê Phương