Cuộc sống bất định của người dân bên đại dự án đập Bản Mồng
Tháng 5–2009, Dự án hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt tại Quyết định 1478, sau đó phê duyệt bổ sung để điều chỉnh thiết kế và quy mô vào tháng 6–2017. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 3.744 tỷ đồng này đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Đây là công trình thủy lợi, thủy điện quan trọng của tỉnh Nghệ An bởi theo thiết kế, dự án có vai trò cấp nước tưới 18.670 ha đất nông nghiệp; cấp nước cho công nghiệp và dân sinh nhiều vùng của tỉnh Nghệ An; chia nước cho sông Cả về mùa khô; đồng thời, phát điện với công suất khoảng 45 kW. Sau khi chặn dòng, công trình cũng góp phần cắt và giảm một phần lũ của sông Hiếu; vùng lòng hồ rộng lớn phía thượng nguồn sẽ là nơi nuôi trồng thủy sản nước ngọt tiềm năng, góp phần bảo vệ môi trường và tạo nên tiềm năng phát triển du lịch...
Phối hợp thực hiện, phía tỉnh Thanh Hóa đã đồng ý phương án tái định cư, di chuyển 118 hộ dân của bản Thanh Sơn đến nơi ở mới. Người dân địa phương trong vùng ảnh hưởng cũng đồng tình phương án này sau khi được gặp gỡ, vận động của các bên liên quan cũng như UBND huyện Như Xuân. Tuy nhiên, kể từ khi Dự án được phê duyệt đến nay đã hơn 10 năm thì cũng là từng ấy thời gian hơn 120 hộ dân của bản Thanh Sơn vẫn đang phải sống trong cảnh mỏi mòn “dở khóc, dở cười”, đi không được mà ở thì cũng chẳng xong.
Ông Hà Văn Tỵ, thôn Thanh Sơn, xã Thanh Hòa, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa
Hơn 10 năm nay, gia đình Ông Hà Văn Tỵ, thôn Thanh Sơn, xã Thanh Hòa, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa vẫn phải sống trong ngôi nhà tồi tàn, chật hẹp bởi đất đai không được cấp mới, nhà cửa không được xây dựng, cơi nới, không được tách hộ phải sống “dồn” từ 3 đến 4 thế hệ trong ngôi nhà này. Theo Ông Tỵ, vì không được cấp đất sản xuất nên các con ông đã bỏ lên thành phố kiếm việc để lại hai ông bà già và 2 đứa cháu rau cháo nuôi nhau.
Cùng cảnh ngộ, anh Hà Thái Dương, thôn Thanh Sơn, xã Thanh Hòa, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa cho biết anh đã chuẩn bị đầy đủ các vật tư cần thiết như cột kèo, ván gỗ, để xây nhà thế nhưng, cũng giống như bao người dân khác, hơn 10 năm nay, giấc mơ ấy chưa bao giờ có cơ hội trở thành hiện thực, mặc dù gia đình anh vẫn đang phải sống tạm bợ trong ngôi nhà xuống cấp. Anh Hà Thái Dương kiến nghị, các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến dự án đập bản Mồng nếu thực hiện thì cũng sớm di dân đến nơi tái định cư mới để người dân ổn định cuộc sống. Nếu không thực hiện dự án nữa cũng có thông báo chính thức cho người dân được biết để người dân yên tâm ở lại phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống lâu dài.
Anh Hà Thái Dương, thôn Thanh Sơn, xã Thanh Hòa, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa
Không chỉ có vậy, do nằm trong vùng quy hoạch nên các chương trình, dự án như điện, đường, trường, trạm chục năm nay không được đầu tư, sửa chữa đã làm cho cuộc sống người dân vốn dĩ đã khó khăn lại thêm phần cơ cực. Hàng ngàn người dân trong độ tuổi lao động không có công ăn việc làm ổn định buộc họ phải ly hương để lại mẹ già, vợ dại , con thơ không công ăn, việc làm. Theo ông Đỗ Tất Hùng, Chủ tịch UBND xã Thanh Hòa, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa, đã hơn 13 năm nay trong kế hoạch di dời vẫn chưa thực hiện được đã ảnh hưởng rất lớn tới đời sống của bà con. Về cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm từ năm 2007 đến nay không được đầu tư mới nên rất khó khăn cho đời sống của bà con…
Dự kiến, từ tháng 1–2020, nước sông Hiếu đã được chặn lại một phần, đưa cao trình hồ chứa lên +55 m nên chưa ảnh hưởng đến bản Thanh Sơn. Từ cuối năm 2020, mực nước hồ sẽ dần dâng cao từng bước theo quy trình tích nước và từ mùa mưa lũ năm 2021 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến 118 hộ dân ở bản Thanh Sơn. Khi mực nước hồ lên đến cao trình +71,86 m, toàn bộ diện tích 702,06 ha gồm toàn bộ không gian sinh sống và sản xuất của người dân bản Thanh Sơn sẽ bị ngập lụt, bắt buộc phải di dời. Cấp bách là vậy, thế nhưng câu hỏi ngày nào có thể di dời 118 hộ dân ra khỏi vùng ảnh hưởng bởi dự án thì cho đến nay vẫn còn bỏ ngỏ?
Để di dời 118 hộ dân với gần 450 nhân khẩu của thôn Thanh Sơn bị ảnh hưởng bởi dự án, Chính quyền huyện Như Xuân đã bố trí khoảng 300 ha đất để xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật công cộng, nhà ở và công trình sinh hoạt của các hộ gia đình tái định cư tại khu vực phía Bắc thôn Đồng Trình, xã Xuân Hòa. Toàn bộ diện tích đất kể trên hiện đang được Công ty TNHH một thành viên Cao Su Thanh Hóa quản lý. Tuy nhiên, để thu hồi được diện tích đất này thì cũng đang là một vấn đề nan giải đối với chính quyền huyện Như Xuân. Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng TN&MT huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa cho biết, khó khăn vướng mắc chủ yếu bây giờ là vấn đề thực hiện thu hồi đất của Công ty Cao su Thanh Hóa để thực hiện bố trí tái định cư cho người dân.
Trước đó, đã có nhiều đoàn giám sát của lãnh đạo Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội đã đến khảo sát thực địa và làm việc với các cơ quan chức năng có liên quan nhằm tháo gỡ những khó khăn cho dự án Hồ chứa nước Bản Mồng trong quá trình thực hiện. Cũng tại các cuộc khảo sát và làm việc này, hàng loạt các vấn đề khó khăn, vướng mắc đã được đề cập như: Tiến độ giải phóng mặt bằng cho thực hiện Dự án còn chậm, mới thực hiện được 790,14 ha trên địa bàn tỉnh Nghệ An; khối lượng phải giải phóng mặt bằng còn lại gồm 1.383 ha thuộc tỉnh Nghệ An, 681 ha thuộc tỉnh Thanh Hoá; Một số hạng mục công trình xây dựng chưa xong do phải dừng vì liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Cũng tại kỳ họp Quốc hội thứ 10 khóa XIV, Quốc hội đã có Nghị quyết đồng ý chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng: 1.131,22 ha rừng để thực hiện Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, qua đó tạo hành lang pháp lý thuận lợi để các bên có liên quan thúc đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng và bố trí tái định cư cho người dân chịu tác động bởi dự án.
Có thể nói, việc Quốc hội thông qua Nghị quyết đồng ý về mặt chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng: 1.131,22 ha rừng để thực hiện Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi để các bên có liên quan thúc đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng và bố trí tái định cư cho người dân chịu tác động bởi dự án. Người dân có được di dời nhanh, hay chậm bây giờ không hoàn toàn nằm ở những vướng mắc về mặt chính sách mà trách nhiệm này thuộc các cơ quan chức năng có liên quan.
Về vấn đề này, đại biểu Mai Sỹ Diến, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, kinh phí cho việc giải phóng mặt bằng cũng như công tác tái định cư vẫn chưa có bất kỳ chuyển biến gì. Không chỉ có vậy, công tác thu hồi diện tích hơn 300 ha đất đã được quy hoạch là nơi tái định cư của người dân hiện gặp nhiều vướng mắc. Do đó, kiến nghị Bộ NN&PTNT phải khẩn trương chỉ đạo triển khai nhanh nguồn kinh phí để giải phóng mặt bằng; hỗ trợ tái định cư cho đồng bào đảm bảo cuộc sống. Đồng thời, Bộ NN&PTNT, tỉnh Thanh Hóa, Tổng giám đốc tổng công ty cao su cần phối hợp chặt chẽ, có sự thống nhất để chỉ đạo huyện Nghi xuân thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư ổn định cuộc sống cho người dân, phát huy hiệu quả của hồ thủy lợi bản Mồng.
Đại biểu Mai Sỹ Diến, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa
Phóng viên: Mặc dù cử tri và chính quyền huyện Như Xuân đồng tình ủng hộ, tuy nhiên cho đến nay công tác giải phóng mặt bằng và bố trí tái định cư cho người dân chịu tác động bởi dự án vẫn chưa được thực hiện? Vậy, theo đại biểu thì đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này?
Đại biểu Mai Sỹ Diến, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa: Bộ NN&PTNT phải chỉ đạo để có nguồn kinh phí hỗ trợ cho đồng bào thứ nhất là giải phóng mặt bằng, thứ hai nữa là để đầu tư hạ tầng cho tái định cư. Quy hoạch đất tái định cư 300 ha này cho tái định cư của đồng bào vùng bị ảnh hưởng thì lại nằm trong đất của tổng công ty cao su Việt Nam. Như vậy, nếu không có sự kết hợp phối hợp giữa bộ Nông nghiệp và tỉnh Thanh Hóa làm việc với tổng công ty cao su Việt Nam thì không giải quyết được vấn đề mặt bằng để thực hiện tái định cư. Do vậy, đầu mối phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và tỉnh Thanh Hóa để giải quyết các vấn đề nêu trên rất là cần thiết.
Phóng viên: Để xảy ra những tồn tại như đã đề cập, theo đại biểu thì trách nhiệm của Bộ NN&PTNT, đặc biệt là người đứng đầu sẽ phải được xem xét như thế nào trong trường hợp này?
Đại biểu Mai Sỹ Diến, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa: Cử tri cũng như đồng bào dân tộc, chính quyền địa phương rất lo lắng vấn đề khi hồ được đóng nước dâng thì ảnh hưởng lớn đến sản xuất,tái định. Trong khi đó, công tác tái định cư cho người dân cũng chưa ổn định. Thực tế này ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt, đời sống của người dân nơi đây, ngay bản thân tôi cũng rất băn khoăn về vấn đề chính sách với đồng bào khi phải di dời trả lại nơi chôn nhau cắt rốn, nơi sinh sống ổn định để lên vùng đất mới dành lại đất thực hiện dự án nhưng trách nhiệm của Bộ NN&PTNN đối với đồng bào còn chậm trễ.
Phóng viên: Thưa Đại biểu, cần phải thực hiện những giải pháp căn cơ gì để có thể đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tái định cư cho gần 120 hộ dân chịu ảnh hưởng bởi dự án khi mà công trình sẽ chặn dòng khiến nước vùng thượng lưu lòng hồ dâng cao, sẽ làm ngập lụt bản Thanh Sơn, xã Thanh Hòa của huyện Như Xuân đã được cảnh báo?
Đại biểu Mai Sỹ Diến, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa: Cho đến thời điểm này, sau kỳ họp thứ 10 đã kết thúc từ rất lâu thì kinh phí cho giải phóng mặt bằng cũng như thực hiện tái định cư vẫn chưa có một chuyển biến gì. Bộ NN&PTNN phải chỉ đạo triển khai nhanh nguồn kinh phí để giải phóng mặt bằng; hỗ trợ tái định cư cho đồng bào đảm bảo cuộc sống. Vấn đề quy hoạch đất 300 ha nằm trong đất của Công ty cao su Việt Nam kiến nghị Bộ NN&PTNT, tỉnh Thanh Hóa, Tổng giám đốc tổng công ty cao su khẩn trương phối hợp để chỉ đạo huyện Nghi xuân để thực hiện giải phóng mặt bằng, sớm tái định cư cho người dân nơi đây ổn định cuộc sống đồng thời phát huy hiệu quả của hồ thủy lợi bản Mồng.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!
Mặc dù tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Nguyễn Xuân Cường đã đưa ra hàng loạt giải pháp để khẩn trương giải phóng mặt bằng và di dời người dân ra khỏi vùng chịu tác động bởi dự án Hồ chứa nước bản Mồng. Thế nhưng, từ diễn biến thực tế cũng như qua ý kiến của Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Mai Sỹ Diến có thể thấy, kinh phí cho việc giải phóng mặt bằng cũng như công tác tái định cư vẫn chưa có bất kỳ chuyển biến gì. Không chỉ có vậy, công tác thu hồi diện tích hơn 300 ha đất đã được quy hoạch là nơi tái định cư của người dân hiện đang do Công ty Cao Su Thanh Hóa vẫn dậm chân tại chỗ do chưa đạt được sự đồng thuận của các bên có liên quan. Thiết nghĩ, các cơ quan có liên quan, đặc biệt là Bộ NN&PTNT cần vào cuộc một cách đầy trách nhiệm, chỉ đạo và phối hợp với các cơ quan có liên quan để sớm giải phóng mặt bằng và bố trí tái định cư cho hơn 118 hộ dân bản Thanh Sơn khi mà toàn bộ diện tích 702,06 ha gồm toàn bộ không gian sinh sống và sản xuất bản Thanh Sơn sẽ bị ngập lụt đã được cảnh báo./.