Error

Web Part Error: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe. Correlation ID: 3efe67a1-793e-90f0-c4c5-0370ad17ea2a.

Error Details:
[UnsafeControlException: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe.]
  at Microsoft.SharePoint.ApplicationRuntime.SafeControls.GetTypeFromGuid(Boolean isAppWeb, Guid guid, Guid solutionId, Nullable`1 solutionWebId, String assemblyFullName, String typeFullName, Boolean throwIfNotSafe)
  at Microsoft.SharePoint.WebPartPages.SPWebPartManager.CreateWebPartsFromRowSetData(Boolean onlyInitializeClosedWebParts)

NGUYÊN TẮC DÂN TỘC HÓA CỦA ĐỀ CƯƠNG VĂN HÓA VIỆT NAM 1943 TRONG BỐI CẢNH HIỆN NAY

17/03/2023

Sau 80 năm, những giá trị của Đề cương văn hóa Việt Nam 1943 vẫn còn nguyên giá trị, thể hiện sức sống trong xã hội đương đại. Nhân kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương văn hóa Việt Nam” (1943 – 2023), PGS. TS.Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã có bài viết “Nguyên tắc dân tộc hóa của Đề cương văn hóa Việt Nam 1943 trong bối cảnh hiện nay”. Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

PGS.TS - ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: CẦN KẾ THỪA, HOÀN THIỆN CÁC NGUYÊN TẮC CỦA ĐỀ CƯƠNG VĂN HÓA VIỆT NAM PHÙ HỢP VỚI TỪNG GIAI ĐOẠN

ĐBQH NGUYỄN THỊ VIỆT NGA: ĐỀ CƯƠNG VĂN HÓA VIỆT NAM NĂM 1943 - ĐỘNG LỰC THÚC ĐẨY NGUỒN LỰC NỘI SINH PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐẤT NƯỚC

PGS. TS. Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Dân tộc hóa là một trong ba nguyên tắc (Dân tộc hóa, Đại chúng hóa, Khoa học hóa) xây dựng văn hóa được xác định trong vấn đề cách mạng văn hóa Việt Nam của Đề cương văn hóa Việt Nam 1943. Đây là nguyên tắc đầu tiên và quan trọng trong việc hình thành nên một nền văn hóa độc lập, tạo điều kiện cho tự cường dân tộc, giải phóng đất nước. Sau 80 năm, nguyên tắc này vẫn còn nguyên giá trị, và sự vận động của nguyên tắc dân tộc hóa có thêm những nội dung mới, tạo điều kiện phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước.

1. Dân tộc hóa để giải phóng dân tộc

Trong Đề cương văn hóa Việt Nam 1943, nguyên tắc dân tộc hóa được hiểu là “chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập”. Văn hóa trong Đề cương bao gồm cả tư tưởng, học thuật và nghệ thuật. Đặt trong bối cảnh năm 1943, tức là khi đất nước ta còn đang chịu ách nô lệ, đô hộ của ngoại xâm thì mục tiêu quan trọng nhất của toàn dân tộc là giành được độc lập, tự do cho tổ quốc. Trước đó, Phan Châu Trinh đã nhận ra sức mạnh và cả những điểm yếu của đất nước nói chung (gồm cả văn hóa) trong thời kỳ này. Chính vì thế, ông chủ trương xây dựng một đất nước phát triển trên cơ sở “khai dân trí – chấn dân khí – hậu dân sinh”, ở đó, mở mang nhận thức, tri thức của nhân dân; chấn hưng ý chí, tinh thần, khí phách của nhân dân; đồng thời làm cho đời sống của dân được ấm no, hùng hậu, chính là cách xây dựng và bảo vệ đất nước. Một nhân sĩ trí thức quan trọng khác là Phan Bội Châu cũng nhấn mạnh: “1) Độc lập dân tộc là mục đích tối cao, duy nhất. 2) Tất cả những cách thức, thủ đoạn, đường lối, chiến lược, lực lượng nào có khả năng thúc đẩy thực hiện được mục đích độc lập dân tộc đều được hoan nghênh. 3) Lợi ích dân tộc, thể diện dân tộc là trên hết”. Từ đó, chúng ta thấy rằng, huy động mọi nguồn lực cho mục tiêu giành độc lập, tự do cho dân tộc, với khẩu hiệu “không có gì quý hơn độc lập, tự do” chính là mục đích của các phong trào yêu nước, đặc biệt là của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trên thực tế, văn hóa đã tạo nên sức mạnh thực sự cho dân tộc ta khi chúng ta sử dụng văn hóa để tạo nên sự thống nhất trong nhận thức về lòng yêu nước. Ngay những ngày tháng đầu tiên khi đất nước độc lập, một trong những hoạt động sớm nhất là thành lập các hội văn hóa cứu quốc ở các tỉnh. Ngày 16/11/1946, trong thư của đồng chí Trường Chinh gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhiệm vụ văn hóa Việt Nam trong công cuộc cứu nước và xây dựng nước, xác định văn hóa và cách mạng giải phóng dân tộc như sau: “1. Trước cuộc cách mạng, văn hóa cách mạng đóng vai trò khá quan trọng là tuyên truyền giác ngộ, cổ động nhân dân khởi nghĩa giành độc lập; 2. Trong cuộc cách mạng, văn hóa cách mạng phải kích thích tinh thần khởi nghĩa, làm sôi nổi nhiệt huyết cách mạng của nhân dân, thôi thúc nhân dân tất cả nổi dậy giành lấy chủ quyền; kháng chiến giữ vững chủ quyền ấy. 3. Sau cuộc cách mạng, văn hóa cách mạng phải động viên mọi lực văn hóa của dân tộc; hăng hái kiến quốc; gây đời sống mới, gột rửa những tư tưởng, tập quán hủ bại, giáo dục nhân dân, làm cho dân tộc có một nền văn hóa tiến bộ”. Đặc biệt, một trong những nhiệm vụ cụ thể của văn hóa Việt Nam trong giai đoạn này là: “phát triển tinh thần đoàn kết và yêu nước của dân tộc; củng cố đức tin của dân tộc ở sự nghiệp dân tộc giải phóng”. Bác nêu khẩu hiệu Tổ quốc trên hết như một cách để huy động nhân dân, lấy lợi ích của Tổ quốc để liên kết mọi người.

Như vậy, dân tộc hóa chính là cách chúng ta huy động tình yêu nước thông qua nhận thức về những giá trị chung, nguồn gốc tổ tiên chung của dân tộc, từ đó hình thành nên sức mạnh của tình đoàn kết. Đất nước ta trải qua nhiều cuộc chiến tranh. Kết quả, chúng ta đều chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Vũ khí lớn nhất của chúng ta không phải là khí tài quân sự hiện đại mà chính là lòng yêu nước, tinh thần dân tộc. Mọi người đều thuộc và hiểu nội dung của những bài Nam Quốc sơn hà, hịch tướng sĩ, hay Bình Ngô đại cáo, các câu ca dao, tục ngữ về lòng yêu nước, những câu chuyện gắn bó con người với đất nước qua câu chuyện về Hùng Vương, Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Quang Trung…

Không phải ngẫu nhiên, năm 1954, trước khi về Thủ đô, Bác Hồ đến thăm Đền Hùng và để lại câu nói truyền cảm hứng và niềm tin cho toàn dân tộc: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Những bài hát ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi lãnh tụ chính là một kết quả tất yếu của tư tưởng dân tộc hóa. Những bài hát với lời ca như “đường ra trận mùa này đẹp lắm”, “ta tự hào đi lên ôi Việt Nam”, “Đảng đã cho ta cả mùa xuân của cuộc đời. Đảng truyền cho ta một niềm tin ở tương lai”… đã là niềm cảm hứng cho bao thế hệ thanh niên tình nguyện, vui vẻ ra trận; Những bài hát về chủ tịch Hồ Chí Minh như “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người”, “Đất nước nghiêng mình. Đời đời nhớ ơn. Tên Người sống mãi với non sông Việt Nam”… đến nay vẫn là nguồn cổ vũ, động viên mọi người về tấm gương đạo đức, luôn đem lại biết bao xúc động trong lòng nhân dân cả nước. Đây chính là sức mạnh tinh thần quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và giải phóng đất nước về sau này để văn hóa trở thành cột mốc chủ quyền của đất nước.

Đặt trong mối quan hệ với hai nguyên tắc còn lại là đại chúng hóa và khoa học hóa, chúng ta càng thấy rõ hơn ý nghĩa của nguyên tắc dân tộc hóa. Một dân tộc mạnh phải dựa trên sức mạnh của quần chúng, còn một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Quan tâm đến quần chúng nhân dân, khối đại đoàn kết toàn dân tộc, dựa trên sự phát triển của khoa học, giáo dục sẽ giúp dân tộc ta vững vàng và tự tin hơn trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.

2. Dân tộc hóa để xác định chủ quyền quốc gia về văn hóa

Các quốc gia có quyền chủ quyền về văn hóa. Cùng với chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền lãnh hải, chủ quyền văn hóa cũng là một quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Đề cao văn hóa dân tộc chính là cách chúng ta xác định chủ quyền quốc gia về văn hóa, cũng như đưa văn hóa trở thành sức mạnh để gìn giữ chủ quyền ấy, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Tôi mong chúng ta đem văn hóa lãnh đạo quốc gia để thực hiện độc lập, tự cường và sáng tạo”.

Trong Đề cương, Đảng ta đã xác định 3 công việc phải làm (tranh đấu về học thuyết, tư tưởng để làm cho học thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử thắng; tranh đấu về tông phái văn nghệ để làm cho xu hướng tả thực xã hội chủ nghĩa thắng; tranh đấu về tiếng nói, chữ viết), trong đó, tiếng nói và chữ viết được xem như một sự khẳng định văn hóa rõ ràng nhất. Ngôn ngữ không chỉ là phương tiện để giao tiếp, là công cụ để tư duy mà nó còn được xem là “linh hồn của dân tộc”. Sinh thời, khi nói về ngôn ngữ tiếng Việt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”. Việc bảo vệ ngôn ngữ tiếng Việt, cũng là bảo vệ văn hóa đất nước, thể hiện nguyên tắc dân tộc hóa trong xây dựng văn hóa Việt Nam.

Ở một cách tiếp cận văn hóa rộng hơn, trải qua 80 năm, nguyên tắc dân tộc hóa vẫn còn nguyên giá trị và được bổ sung thêm những nội dung mới, phù hợp hơn với hoàn cảnh phát triển đất nước. Năm 2005, Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc ra Công ước về bảo vệ và phát huy các biểu đạt đa dạng của văn hóa như một cách để toàn nhân loại trân trọng những giá trị văn hóa khác nhau của các dân tộc khác nhau. Chính việc tôn trọng các biểu đạt đa dạng văn hóa giúp chúng ta hiểu nhau hơn, giúp gìn giữ hòa bình của thế giới, làm giàu có hơn kho tàng văn hóa, trí thức của nhân loại. Văn hóa là chủ quyền quốc gia, hay như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu trong Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021: “văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn, dân tộc còn”.

Đất nước hòa bình, văn hóa mang sứ mệnh mới trong việc xây dựng tổ quốc độc lập, tự do, hạnh phúc. Từ cách tiếp cận của Đề cương là: “Văn hóa mới Việt Nam là một thứ văn hóa có tính chất dân tộc về hình thức và tân dân chủ về nội dung”, các quan điểm chỉ đạo của Đảng về văn hóa được thể hiện rõ trong các nghị quyết, tập trung nhấn mạnh vào việc xây dựng một nền văn hóa mới, ở đó, văn hóa là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực, đồng thời là hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Bước vào thời kỳ Đổi mới, trước những cơ hội và thách thức từ quá trình hội nhập quốc tế, nền kinh tế thị trường vừa giúp đất nước ta có thêm điều kiện tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, vừa đe dọa giá trị văn hóa dân tộc, vì thế, năm 1998, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm (Ban chấp hành Trung ương Khóa VIII) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Năm 2008, Đảng ta ban hành Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, trong đó nhấn mạnh mục tiêu “xây dựng nền văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng nhân cách con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về chân, thiện, mỹ của các tầng lớp nhân dân; phục vụ có hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, vì mục tiêu ''dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, “xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” .  Đây là sự lựa chọn sáng suốt trong việc kiên trì bảo vệ những giá trị văn hóa dân tộc, hội nhập mà không hòa tan, xác định bảo vệ văn hóa cũng là bảo vệ chủ quyền quốc gia, đồng thời chủ động lựa chọn những giá trị tinh hoa của văn hóa thế giới, làm giàu có hơn cho văn hóa của đất nước, thể hiện tư tưởng Đổi mới trong phát triển văn hóa.

Đánh giá về những nỗ lực phát triển văn hóa, tác giả Phạm Duy Đức nhấn mạnh: “Trong thời kỳ vừa qua, các hoạt động văn hóa, nhất là lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, lĩnh vực văn học, nghệ thuật, lĩnh vực thông tin đại chúng đã có nhiều thành tựu trong việc khẳng định, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật và các sản phẩm truyền thông để tuyên truyền, cổ vũ, khơi dậy khát vọng về một Việt Nam hùng cường, hạnh phúc”. Rõ ràng, những sản phẩm văn hóa, nghệ thuật, từ những sinh hoạt lễ hội tới những bài hát, bộ phim, bức tranh, vở kịch không chỉ tôn vinh những giá trị, hình ảnh đẹp về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam, mà còn giúp chúng ta có thêm niềm tự hào, tự tin và bản lĩnh văn hóa để khẳng định mình trong quá trình hội nhập quốc tế, ở đó, bất cứ một quốc gia nào không khẳng định được bản sắc và giá trị văn hóa của mình, sẽ dễ bị hòa tan, bị xâm lăng văn hóa.

3. Dân tộc hóa để tạo sức mạnh nội sinh cho dân tộc

Sức mạnh nội sinh bắt nguồn từ những giá trị văn hóa dân tộc, được đúc kết, chưng cất qua hàng ngàn năm lịch sử, trở thành tài sản quan trọng của dân tộc ta. Để hình thành nên sức mạnh nội sinh, đó là cả một quá trình đấu tranh, lựa chọn, gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa đó. Lấy lợi ích dân tộc làm trung tâm, đất nước ta đã tạo ra nhiều kỳ tích. Trong Đề cương, Đảng ta đã nhấn mạnh: “Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa) ở đó người cộng sản phải hoạt động”. Trong bối cảnh hiện nay, phát triển văn hóa cần phải tạo tác động lan tỏa sang các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực chính trị, kinh tế. Chủ trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa chính là một trong những nhiệm vụ đột phá, thực hiện theo đúng xu thế và hoàn cảnh đất nước. Các ngành công nghiệp văn hóa, dựa vào tài năng sáng tạo, nguồn lực văn hóa, công nghệ và kỹ năng kinh doanh để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ văn hóa, không chỉ đưa những giá trị văn hóa vào các sản phẩm kinh tế để tạo ra lợi thế cạnh tranh, lợi ích vật chất, mà còn kể những hình ảnh đẹp, câu chuyện hấp dẫn về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam, qua đó giúp chúng ta hình thành nên sức mạnh mềm, nội sinh của dân tộc.

Để khẳng định sức mạnh nội sinh của dân tộc, chúng ta cần lưu tâm đến những định hướng của Đề cương, ở đó, “Muốn cho ba nguyên tắc trên đây thắng, phải kịch liệt chống những xu hướng văn hóa bảo thủ, chiết trung, lập dị, bi quan, thần bí, duy tâm,...”. Rõ ràng, chúng ta đang ở trong một bối cảnh xã hội rất phức tạp. Những tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học công nghệ, của các phương tiện truyền thông mới với Internet và mạng xã hội, đã khiến sự phát triển văn hóa đang gặp những khó khăn hơn bao giờ hết. Nguyên tắc phát triển văn hóa cần tránh bảo thủ để lựa chọn được tinh hoa văn hóa thế giới, tránh lập dị, bi quan, thần bí, duy tâm để hình thành nên một môi trường tích cực, văn minh, thuận lợi cho sự phát triển đất nước.

Ví dụ như quá trình hội nhập quốc tế tạo ra rất nhiều điều kiện thuận lợi cho các quốc gia trong phát triển kinh tế - xã hội. Giờ đây, thế giới đã thực sự phẳng và trở thành một ngôi làng toàn cầu khiến cho chúng ta có thể cập nhật thông tin, kiến thức nhanh hơn, nhiều hơn. Chúng ta vừa tận hưởng những dịp lễ hội Halloween, Giáng Sinh, Valentine hay nhiều sự kiện khác chung với người dân thế giới. Không kể các bộ phim bom tấn của Hollywood xuất hiện đồng thời cùng lúc cả ở các nước và ở Việt Nam. Tức là chúng ta đã cùng đồng thời tận hưởng, cập nhật, không bị lạc hậu trong sinh hoạt văn hóa nghệ thuật, với mọi người dân trên thế giới. Điều đó chứng minh quá trình hội nhập sâu rộng của đất nước ta vào đời sống thế giới trên mọi lĩnh vực, trong đó có văn hóa nghệ thuật. Như thế, đời sống văn hóa nghệ thuật cũng trở nên phong phú hơn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng đa dạng và phong phú của nhân dân trong nước. Tuy nhiên, rõ ràng chúng ta đang gặp phải những vấn đề nhất định trong quá trình hội nhập đó, đặc biệt là việc chúng ta tiếp thu văn hóa nghệ thuật nước ngoài quá nhiều, chưa thực sự chọn lọc, trong khi đó, việc giới thiệu văn hóa nghệ thuật của Việt Nam ra thế giới còn hết sức hạn chế. Tức là chúng ta đang thua trên chính sân nhà của mình trong “cuộc đua” chiến lược “quảng bá sức mạnh mềm văn hóa”. Điều này dẫn đến nguy cơ bị xâm lăng văn hóa khi người dân, đặc biệt là giới trẻ say mê với những bộ phim, câu chuyện, bài hát, thời trang hay các phong cách sống của nước ngoài, mà quên đi những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Đây là xu thế hết sức đáng báo động khi chúng ta biết điều này không chỉ dẫn đến việc xao nhãng văn hóa dân tộc, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội, mà như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu trong Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 “văn hóa còn thì dân tộc còn”, chính việc thất thế trong mặt trận văn hóa nghệ thuật sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển chung của đất nước, trong nỗ lực xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc mà chúng ta đang theo đuổi. Đây cũng chính là một trong những lý do quan trọng để chúng ta có thêm quyết tâm xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa tạo nên sức mạnh tổng hợp cho đất nước, tạo nên bản lĩnh, sự tự tin cho cả dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế.

KẾT LUẬN

Đánh giá về tầm quan trọng của Đề cương, Nguyễn Khoa Điềm nhấn mạnh: “Đảng đã coi xây dựng văn hóa dân tộc là một bộ phận của sự nghiệp giải phóng dân tộc. Bản Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời nói lên tầm vóc chính trị tư tưởng sâu sắc của một chính đảng của giai cấp công nhân, đánh dấu bước phát triển mới của văn hóa nước nhà. Vì vậy, Đề cương về văn hóa Việt Nam mang đầy đủ ý nghĩa của một bản cương lĩnh về văn hóa, bổ sung cho cương lĩnh chính trị của Đảng. (...) Giá trị lý luận của bản Đề cương về văn hóa Việt Nam là ở chỗ, lần đầu tiên, chúng ta công bố quan niệm của mình về văn hóa theo quan điểm Mác xít, văn hóa được xác định là một trong ba mặt trận (cùng với mặt trận chính trị và kinh tế) trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, tạo nên bước ngoặt trong nhận thức về vai trò và sứ mệnh của văn hóa đối với đời sống xã hội”.

Văn hóa là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu vừa là động lực, là hệ điều tiết của sự phát triển xã hội là những quan điểm cơ bản cho sự phát triển văn hóa ngày nay đã bắt nguồn từ những tư tưởng đầu tiên của Đảng về phát triển nền văn hóa Việt Nam dân tộc, khoa học, đại chúng này. Trải qua thời gian, cùng với những chặng đường phát triển từ mục tiêu giành lại độc lập cho dân tộc, xây dựng đất nước, và hội nhập quốc tế, nguyên tắc dân tộc hóa đã giúp định hướng đất nước trong việc giải phóng dân tộc, xác định chủ quyền quốc gia, tạo sức mạnh nội sinh cho dân tộc. Ngày nay, chúng ta rất cần bổ sung những thông điệp, nội dung mới cho nguyên tắc dân tộc hóa, để từ đó hình thành nên sức mạnh nội sinh, hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam từ nguyên tắc quan trọng này.

 

PGS. TS. Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội