TIẾP TỤC QUAN TÂM HƠN VỀ CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỂ THU HÚT CÁC LỰC LƯỢNG THAM GIA BẢO VỆ AN NINH, TRẬT TỰ Ở CƠ SỞ
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương
Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có bố cục gồm 05 chương, 31 điều quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Dự thảo Luật quy định cụ thể tiêu chuẩn về lý lịch, trình độ văn hóa, sức khỏe của người được tuyển chọn tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn, yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự của từng vùng miền; quan hệ công tác với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Công an cấp xã và quan hệ phối hợp với các cơ quan, tổ chức đóng trên địa bàn cấp xã; các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến tổ chức, hoạt động, xây dựng, bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở quy định kiện toàn thống nhất lực lượng bảo vệ dân phố, lực lượng Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng thành lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và được bố trí theo mô hình tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở thôn, tổ dân phố, đơn vị dân cư tương đương…
Việc xây dựng Luật nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về kiện toàn, sắp xếp, tinh gọn đầu mối bên trong gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của từng tổ chức cơ sở; giảm chi ngân sách nhà nước; cụ thể hóa và tạo cơ sở pháp lý để bảo đảm thi hành quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới; xây dựng, củng cố phong trào toàn dân bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở do Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, các lực lượng chức năng, trong đó Công an nhân dân làm nòng cốt thực hiện; pháp điển hóa văn bản quy phạm pháp luật về các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để quy định trong văn bản luật, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, tương xứng hơn trong xây dựng, hoạt động, quản lý, sử dụng các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở.
Phát biểu góp ý kiến về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại Kỳ họp thứ 5, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH Hải Dương bày tỏ nhất trí cao với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết xây dựng, ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Nữ đại biểu cho rằng, hiện nay, theo quy định của Luật Công an nhân dân thì công an nhân dân là lực lượng vũ trang nhân dân có vai trò làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Tuy nhiên, trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự ngoài lực lượng nòng cốt là công an thì còn có các lực lượng hỗ trợ công an như: Công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố, dân phòng, gọi chung là lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Những năm qua, lực lượng này đã phối hợp tích cực với lực lượng công an trong đảm bảo an ninh, trật tự ở các địa phương và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có tác động trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân mà theo quy định của Hiến pháp 2013 thì điều này phải do luật định. Bởi vậy, việc xây dựng một luật để điều chỉnh về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là hợp lý và cần thiết.
Quang cảnh phiên họp
Bên cạnh đó, theo đại biểu, xuất phải từ yêu cầu thực tế, kể cả ở các đô thị, nông thôn, vùng sâu, vùng xa đều cần có lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Bởi lẽ, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, sự giao thoa, hội nhập về văn hóa, đã nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp ở cơ sở, với bố trí lực lượng công an xã chính quy hiện nay, một địa bàn xã (tùy theo địa bàn dân cư và số dân) giao động có 5 – 8 biên chế công an xã. Với số lượng công xã còn mỏng trên địa bàn rộng, trong bối cảnh nảy sinh tình hình phức tạp, nếu lực lượng công an xã không có lực lượng hỗ trợ thì rất khó khăn trong quá trình nắm bắt địa bàn và giải quyết các công việc liên quan đến cấp cơ sở.
Về xây dựng lực lượng và đảm bảo điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trong Chương III, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhất trí với dự thảo Luật quy định theo hướng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng quần chúng được tuyển chọn, tự nguyện tham gia vào tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Việc bố trí số lượng tổ bảo vệ an ninh, trật tự và số lượng chức danh của lực lượng này do chính quyền địa phương quyết định trên cơ sở căn cứ yêu cầu đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở và trên điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương, như vậy sẽ hợp lý hơn việc quy định số lượng cứng của các thành viên trong tổ bảo vệ an ninh, trật tự, bởi mỗi địa phương, mỗi cơ sở có những đặc thù khác nhau, dẫn tới yêu cầu khác nhau về bảo vệ an ninh, trật tự. Những quy định về xây dựng tổ chức, hoạt động, bố trí lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trong mục 1 Chương III đã bảo đảm tính tự quản ở cộng đồng dân cư, tính tự nguyện khi tham gia và do Nhân dân quyết định.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng nhất trí với quy định "kinh phí bảo đảm hoạt động và trang bị cơ sở vật chất của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở do ngân sách địa phương đảm bảo theo cấp ngân sách hiện hành và các nguồn tài chính huy động hợp pháp khác".
Tuy nhiên, với quy định "đối với địa phương khó khăn về ngân sách thì được ngân sách trung ương hỗ trợ kinh phí để thực hiện theo khả năng cân đối ngân sách trung ương", đại biểu nhận thấy việc đưa ra khái niệm "địa phương khó khăn về ngân sách" còn quá chung chung, chưa rõ nội hàm. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu quy định rõ hơn để khi luật được thông qua có hiệu lực các địa phương không lúng túng trong công tác triển khai./.