Error

Web Part Error: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe. Correlation ID: 321967a1-9922-90f0-c4c5-076ff90a5cd0.

Error Details:
[UnsafeControlException: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe.]
  at Microsoft.SharePoint.ApplicationRuntime.SafeControls.GetTypeFromGuid(Boolean isAppWeb, Guid guid, Guid solutionId, Nullable`1 solutionWebId, String assemblyFullName, String typeFullName, Boolean throwIfNotSafe)
  at Microsoft.SharePoint.WebPartPages.SPWebPartManager.CreateWebPartsFromRowSetData(Boolean onlyInitializeClosedWebParts)

ĐBQH NGUYỄN QUANG HUÂN: XÁC ĐỊNH QUY TRÌNH THU HỒI ĐẤT RÕ RÀNG, TỪNG BƯỚC KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG KHIẾU KIỆN LIÊN QUAN ĐẾN ĐẤT ĐAI

15/01/2024

Chia sẻ bên hành lang Quốc hội về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Quang Huân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương cho rằng, dự thảo luật đã có nhiều quy định tiến bộ, cụ thể hơn về thu hồi, đấu thầu đất, nhưng để hoàn thiện và đảm bảo tính khả thi, cần xác định quy trình thu hồi và đấu thầu đất thật rõ ràng, mới có thể từng bước khắc phục tình trạng khiếu kiện liên quan đến đất đai.

KỲ VỌNG DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) SẼ ĐƯỢC XEM XÉT KỸ LƯỠNG, GỠ KHÓ CHO ĐỐI TƯỢNG CHỊU SỰ TÁC ĐỘNG

Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiêp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần thứ Năm.

Một trong những quy định nhận được sự quan tâm của đông đảo cử tri, Nhân dân và đại biểu Quốc hội là thu hồi đất thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ (khoản 27 Điều 79); Giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất (Điều 126).

Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ Năm đã tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội và các cơ quan, dự thảo Luật quy định theo hướng kế thừa quy định của Luật Đất đai năm 2013, chỉ thu hồi đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ khi là “dự án đầu tư xây dựng khu đô thị”.

Về thiết kế kỹ thuật chính sách, quy định tại dự thảo Luật làm rõ hơn tính chất của dự án khu đô thị thuộc trường hợp xem xét thu hồi là “dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có công năng phục vụ hỗn hợp, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng”. Thiết kế kỹ thuật như vậy tương tự và đồng nhất với cách thiết kế kỹ thuật tại các khoản khác của Điều 79. Điều 79 chỉ quy định về các trường hợp thu hồi đất thực hiện dự án để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Khi thực hiện thu hồi đất đối với các trường hợp quy định tại Điều 79 sẽ phải đáp ứng các căn cứ, điều kiện quy định tại Điều 80 về “Căn cứ, điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”. Điều 72 về “Thẩm quyền quyết định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất” đã có quy định về việc trước khi phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua danh mục công trình, dự án phải thu hồi đất trong đó có dự án thu hồi đất để đấu giá, đấu thầu.

Chia sẻ bên hành lang Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương cho rằng, dự thảo luật đã có nhiều quy định tiến bộ, cụ thể hơn về thu hồi, đấu thầu đất, nhưng để hoàn thiện và đảm bảo tính khả thi, cần xác định quy trình thu hồi và đấu thầu đất thật rõ ràng, mới có thể từng bước khắc phục tình trạng khiếu kiện liên quan đến đất đai.

Phóng viên: Đại biểu đánh giá như thế nào về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình tại Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, để khơi thông nguồn lực đất đai phục vụ phát triển kinh tế-xã hội đất nước?

Đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương: Tôi cho rằng, so với dự thảo luật trình tại Kỳ họp thứ 6  (còn 27 điểm cần tiếp tục thảo luận và còn nhiều ý kiến khác nhau), đến Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, nhiều nội dung đã được thống nhất và chỉ còn một phương án trình Quốc hội. Dự thảo luật lần này đã thể hiện nỗ lực rất lớn của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra trong thời gian qua. Chất lượng dự thảo luật đã cao hơn nhiều.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương

Trong đó, một trong những nội dung được đại biểu quan tâm, có nhiều ý kiến khác nhau tại Kỳ họp thứ 6 liên quan đến thu hồi đất thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ (Điều 79). Tiếp thu ý kiến đại biểu, tại Kỳ họp này đã quy định cụ thể hơn, đảm bảo tính khả thi, vấn đề này tiếp tục được đại biểu đóng góp ý kiến hoàn thiện.

Để khơi thông nguồn lực đất đai, phát huy được ở khía cạnh là tư liệu sản xuất và chỗ ở thay vì thiên về khía cạnh tài sản như hiện nay, tôi cho rằng quá trình sửa luật cần bảo vệ được nền tảng lý luận đã được Hiến định và được cụ thể hóa, áp dụng vào thực tế cuộc sống, chính là thành công trong quá trình sửa luật. Nếu chỉ bảo vệ được nền tảng lý luận mà không áp dụng được vào thực tế, nghĩa là kinh tế thị trường không vận hành được là luật chưa hoàn thiện; còn nếu nghiêng về kinh tế thị trường, xa dời nền tảng sẽ không thành công. Vì vậy, hai tiêu chí phải song hành, vừa đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường, nhưng không được xa rời lý luận nền tảng.

Phóng viên: Trong dự thảo Luật Đất đai trình tại Kỳ họp này, đại biểu quan tâm và sẽ góp ý nội dung nào để góp phần hoàn thiện dự thảo luật?

Đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương: Tôi quan tâm đến quy định tại Điều 126 về các trường hợp giao đất, cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất. Theo đó, Nhà nước thay mặt Nhân dân thực hiện quyền sở hữu, nhưng khi muốn thực hiện quyền sở hữu cần thu hồi trước mới tiến hành đấu giá, nhưng hiện nay đang quy định ngược, thể hiện tại Điều 126 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): “Trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày ban hành quyết định công nhận kết quả trúng đấu thầu hoặc thời hạn khác theo hợp đồng đã ký kết với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền phải thực hiện xong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để giao đất, cho thuê đất đối với nhà đầu tư trúng đấu thầu. Nhà đầu tư trúng đấu thầu có trách nhiệm ứng vốn để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Quá thời hạn 06 tháng kể từ ngày nhận được yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo hợp đồng đã ký kết với cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà nhà đầu tư không ứng đủ vốn để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định hủy kết quả trúng đấu thầu”.

Tôi cho rằng, nếu quy định như vậy sẽ gây ra tình trạng khiếu kiện, bởi khi tiến thành đấu giá người dân biết được khu vực đó có dự án và khiếu kiện vì mong muốn giá chênh lệnh về khoản đầu tư sau này, chứ không phải địa tô chênh lệch 1, mà người có đất đang được hưởng.

Tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW đã nêu, nếu không đầu tư thì không được hưởng chênh lệch, nhưng nhà đầu tư đã đấu thầu trúng giá đất, khi đó nhà nước mới tiến hành thu hồi đất dẫn tới khiếu kiện, vì thời điểm thu hồi, giá đất trên thị trường biến động, người sử dụng đất không sẵn sàng bàn giao đất, dẫn đến không thu hồi được. Vì vậy, chúng ta phải xác định quy trình thu hồi và đấu thầu đất thật rõ ràng, từng bước, mới có thể từng bước tình trạng khiếu kiện liên quan đến đất đai.

Ngoài ra, đối với việc thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định rõ ràng hơn tại Điều 79 về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Trong đó đã quy đinh rõ: Thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có công năng phục vụ hỗn hợp, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng. Đây là quy định rất tiến bộ so với luật hiện hành, tránh tình trạng cách hiểu và áp dụng khác nhau giữa thu hồi và sang nhượng quyền sử dụng.

THeo đại biểu Nguyễn Quang Huân, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ Năm đã có nhiều tiến bộ so với Kỳ họp thứ 6.

Nghị quyết 18-NQ/TW đã nêu: “Tiếp tục thực hiện cơ chế tự thoả thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại”. Tôi cho rằng, cần nghiên cứu để cụ thể hóa Nghị quyết 18-NQ đảm bảo thống nhất trong nhận thức và thực hiện. Khi tiến hành đền bù cho người dân khi chưa hình thành dự án nghĩa là đền bù cho người sử dụng đất địa tô chênh lệch 1 (chưa đầu tư nên không được hưởng địa tô chênh lệch 2). Nếu không làm rõ nội hàm này, có tình trạng người sử dụng đất nhận thấy khi đấu thầu, có dự án (trong vòng 36 tháng) sẽ không trả đất mà muốn được hưởng địa tô chênh lệch 2.

Các quy định trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có những tiến bộ nhất định, nhưng để rõ ràng hơn và giải quyết căn cơ tình trạng khiếu kiện cần có cơ chế cụ thể hơn do vậy, cần chỉnh sửa lại Điều 126 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) theo hướng chặt chẽ hơn.

Phóng viên: Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai, một số vấn đề còn ý kiến băn khoăn, ông kỳ vọng gì tại Kỳ họp này sẽ khắc phục cơ bản những vướng mắc, bất cập  dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần thứ Năm?

Đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương: Nghị quyết 18-NQ/TW đã nêu: Đến năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất; Nghị quyết 18-NQ/TW cũng nêu ra các yêu cầu giải quyết những vấn đề còn tồn đọng, bất cập của luật hiện nay.

Tôi nghĩ rằng, với quyết tâm chính trị, cử tri và Nhân dân rất mong muốn Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, nhất là dưới góc nhìn Luật Đất đai chi phối đến đời sống kinh tế-xã hội. Nhiều quy định trong dự thảo luật đã nhận được sự đồng thuận, đồng tình, thống nhất của đại biểu Quốc hội. Tuy vậy, vẫn còn một số nội dung còn ý kiến khác nhau, trong đó có một số vấn đề liên quan đến kỹ thuật lập pháp cần được tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện; nếu thông qua vội vàng khi các vấn đề còn khúc mắc trong luật hiện hành chưa được giải quyết trong luật sửa đổi thì cần được cân nhắc kỹ lưỡng.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Lan Hương - Trọng Quỳnh

Các bài viết khác