Khai mạc Phiên họp thứ tư của UBTVQH

18/12/2007

*Dự kiến phần lớn thời gian của Kỳ họp thứ Ba, QH Khóa XII sẽ dành cho công tác lập pháp * Dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Lực lượng cảnh sát biển Việt Nam: Nhiều quy định còn chung chung, chưa thống nhất

Ngày 17.12, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, UBTVQH đã khai mạc Phiên họp thứ tư.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ngay sau khi khai mạc Phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng gửi lời thăm hỏi và chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân trong vụ sập công trình thủy điện Bản Vẽ ở Tương Dương, Nghệ An; Đề nghị các cơ quan hữu quan nhanh chóng khắc phục hậu quả sự cố và hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và của. 

Trong phiên làm việc buổi sáng, UBTVQH đã cho ý kiến đối với Báo cáo Đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm Kỳ họp thứ Hai, QH Khóa XII; Tờ trình về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ Ba, QH Khóa XII.

Báo cáo Đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm Kỳ họp thứ Hai, QH Khóa XII do Ủy viên TƯ Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm VPQH Trần Đình Đàn trình bày nêu rõ, Kỳ họp thứ Hai, QH Khóa XII đã thành công tốt đẹp, có nhiều cải tiến được dư luận và cử tri đánh giá cao. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn có nhiều khởi sắc, phản ánh khá đầy đủ ý kiến và nguyện vọng của cử tri. Tuy nhiên, một số báo cáo, dự án luật gửi đến ĐBQH  chậm, chất lượng dự án Luật chưa cao. Các báo cáo về kinh tế- xã hội, ngân sách nhà nước chưa đánh giá đầy đủ và làm rõ nguyên nhân những yếu kém trong quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực như quản lý giá cả, nhập siêu, tình trạng vốn giải ngân chậm, cải cách hành chính, hạn chế tai nạn giao thông...

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, để nâng cao chất lượng các phiên thảo luận, cần làm rõ mục tiêu của các phiên thảo luận ở tổ cũng như thảo luận tại Hội trường, tránh tình trạng trùng lắp ý kiến, vừa mất thời gian vừa không đem lại hiệu quả. Đối với các báo cáo kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước, bên cạnh việc chỉ rõ nguyên nhân những tồn tại, vướng mắc, phải đưa ra được những giải pháp, phương hướng mang tính khả thi. Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị, để nâng cao hiệu quả Kỳ họp QH, nên đưa các phiên chất vấn và trả lời chất vấn lên ngay sau phiên khai mạc. Đồng tình với đề xuất này, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng cho rằng, để làm được điều này, cần tập trung chú ý hơn nữa đến việc tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri để bảo đảm được yêu cầu về thời gian, đồng thời, việc gửi chất vấn bằng văn bản tới các Bộ trưởng cũng cần được tiến hành sớm hơn. Chủ tịch QH nhấn mạnh, việc thảo luận ở hội trường cần tiến tới tính tranh luận, phản biện chứ không thể chỉ là tham luận, đóng góp ý kiến.

Kỳ họp thứ Ba, QH Khóa XII sẽ khai mạc vào ngày 6.5.2008. QH sẽ cho ý kiến đối với 10 dự án luật và thông qua 13 dự án luật; Xem xét các báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2007, việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2008; Giám sát tối cao việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác xã hội hóa chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Cho ý kiến bước đầu về Kỳ họp thứ Ba, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng, với số lượng lớn các dự án luật, trong đó có tới 8 dự án luật được đưa ra cho ý kiến lần đầu, thời gian 22 ngày dành cho công tác xây dựng pháp luật là ít, không thể bảo đảm yêu cầu về chất lượng xây dựng luật. Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, để nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, QH cần cải tiến cách thức thảo luận, thông qua các dự án luật, tránh tình trạng sa đà vào các vấn đề kỹ thuật.

Trong phiên làm việc buổi chiều, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, UBTVQH đã cho ý kiến đối với dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Lực lượng cảnh sát biển Việt Nam.

Tờ trình dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Lực lượng cảnh sát biển Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh trình bày. Theo đó, Pháp lệnh Lực lượng cảnh sát biển Việt Nam được sửa đổi, bổ sung một số điều về trách nhiệm, quyền hạn của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam; Việc ký kết, gia nhập và thực hiện các điều ước quốc tế và các thỏa thuận quốc tế; Bổ sung quy định về thẩm quyền tiếp nhận và xử lý thông tin, thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường, tham gia tuyên truyền phổ biến pháp luật cho các đối tượng hoạt động trên biển...

Cơ bản nhất trí với những nội dung nêu trong Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Lực lượng cảnh sát biển Việt Nam do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, an ninh Lê Quang Bình trình bày khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung đối với Pháp lệnh Lực lượng cảnh sát biển Việt Nam là cần thiết, đáp ứng yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm và những vi phạm trên biển trong tình hình mới. Tuy nhiên, một số quy định trong dự thảo Pháp lệnh còn chung chung, chưa thống nhất và còn mâu thuẫn với nhiều quy định trong các hệ thống văn bản quy phạm pháp luật khác. Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng, quy định như trong dự thảo Pháp lệnh sẽ dẫn đến tình trạng, cùng một vùng lãnh hải có 2 lực lượng cùng chủ trì trong hoạt động quản lý, bảo vệ, giữ gìn an ninh, trật tự biên giới biển là Bộ đội biên phòng và Lực lượng cảnh sát biển. Do đó, cần nghiên cứu, xem xét lại để tránh chồng chéo về nhiệm vụ, quyền hạn, gây khó khăn trong triển khai thực hiện.

Về thẩm quyền tham gia ký kết, gia nhập và thực hiện các điều ước quốc tế, đa số ý kiến đều cho rằng, lực lượng cảnh sát biển không phải là chủ thể ký kết các điều ước và thỏa thuận quốc tế. Việc ký kết các điều ước và các thỏa thuận quốc tế phải tuân theo quy định của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế. Tuy nhiên, lực lượng này phải có trách nhiệm tham mưu, đề xuất để ký kết, gia nhập và thực hiện các điều ước quốc tế có liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

 

Thu Hồng

(http://www.nguoidaibieu.com.vn/)