Kỳ họp thứ Ba, QH Khóa XII: Hoạt động xuất bản cần phù hợp Công ước quốc tế

14/05/2008

Việc Việt Nam gia nhập Công ước Berne và trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), một số quy định của Luật Xuất bản hiện hành không phù hợp với những cam kết quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực này

(VOV)_ Chiều ngày 13/5, Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường nghe trình bày về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản và việc điều chỉnh địa giới hành chính thủ đô Hà Nội và một số tỉnh.

Luật Xuất bản được Quốc hội khoá XI thông qua ngày 3/12/2004 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2005. Sau gần 3 năm thi hành, Luật Xuất bản được đánh giá đã tháo gỡ được nhiều vấn đề vướng mắc trong hoạt động xuất bản, tạo bước ngoặt mới cho sự phát triển của ngành trong những năm qua.

Tuy nhiên, với việc Việt Nam gia nhập Công ước Berne và trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), một số quy định của Luật Xuất bản hiện hành không phù hợp với những cam kết quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực này. Việc chuyển đổi chức năng quản lý nhà nước đối với một số Bộ theo cơ cấu tổ chức mới của Chính phủ cũng đặt ra yêu cầu thay đổi tên gọi của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực xuất bản trong Luật.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (VHGDTNTN&NĐ) cơ bản nhất trí về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản liên quan đến cam kết quốc tế của Việt Nam và việc chuyển đổi chức năng quản lý nhà nước của các Bộ như trong Tờ trình của Chính phủ. Ủy ban VHGDTNTN&NĐ cũng đề nghị nhân dịp này Quốc hội cho sửa đổi, bổ sung một số điều khác liên quan đến những vấn đề cấp thiết mà thực tiễn đòi hỏi phải giải quyết.

Theo cam kết gia nhập WTO của Việt Nam, đối với hoạt động xuất bản, Việt Nam chỉ mở cửa trong lĩnh vực phát hành, cụ thể là phát hành xuất bản phẩm nhập khẩu. Từ ngày 1/1/2009, công ty nước ngoài được quyền nhập khẩu vào Việt Nam tất cả các loại xuất bản phẩm, trừ báo, tạp chí chuyên ngành và xuất bản phẩm định kỳ (những xuất bản phẩm này phải nhập khẩu thông qua công ty của Việt Nam). Họ cũng được quyền phân phối xuất bản phẩm nhập khẩu; riêng sách, báo và tạp chí phải phân phối thông qua công ty của Việt Nam.

Về lĩnh vực này, Uỷ ban VHGDTNTN&NĐ cho rằng phát hành xuất bản phẩm nhập khẩu là một lĩnh vực nhạy cảm. Trong đàm phán gia nhập WTO, các đối tác đã ghi nhận xuất bản (bao gồm lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm) là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Để một mặt đáp ứng cam kết mở cửa với doanh nghiệp nước ngoài, mặt khác kiểm soát được xuất bản phẩm nhập khẩu vào thị trường nội địa, Ủy ban này kiến nghị cần quy định những điều kiện rất cụ thể đối với doanh nghiệp nhập khẩu, nhất là doanh nghiệp Việt Nam thực hiện chức năng phân phối sách, báo và tạp chí nhập khẩu. Trong hoàn cảnh nước ta mới gia nhập WTO, chưa có nhiều kinh nghiệm, chỉ nên quy định nguyên tắc “kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm cần có giấy phép” và giao Chính phủ quy định điều kiện cấp phép kinh doanh trong lĩnh vực này.

Về tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động xuất bản như lấy cắp bản thảo; xuất bản, in hoặc in nối bản tác phẩm không được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả; phát hành tác phẩm không có nguồn gốc hợp pháp... dẫn đến sự hỗn loạn thị trường sách, kìm hãm sự phát triển của ngành xuất bản và gây bức xúc trong dư luận, vi phạm Công ước Berne và các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, Uỷ ban VHGDTNTN&NĐ đề nghị Quốc hội cho sửa các Điều 30, 36 và 44 của Luật Xuất bản 2004 theo hướng bổ sung chế tài còn thiếu, dẫn chiếu các quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ và các Bộ luật Dân sự, Hình sự cho đầy đủ hơn, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Ủy ban này cũng đề nghị bổ sung chế tài xử lý các hành vi vi phạm Điều 5 Luật Xuất bản nhằm ngăn chặn các hành vi xuất bản tác phẩm không thông qua nhà xuất bản và lợi dụng quyền phổ biến tác phẩm làm tổn hại lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Về việc điều chỉnh địa giới hành chính giữa tỉnh Hà Tây và tỉnh Phú Thọ, giữa tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thể hiện sự đồng thuận cao với đề nghị của Chính phủ. Ủy ban Pháp luật cho rằng đây là việc làm cần thiết, phù hợp với nguyện vọng của chính quyền và nhân dân địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sinh hoạt của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Theo tờ trình của Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, việc điều chỉnh địa giới giữa tỉnh Hà Tây và Phú Thọ được thực hiện theo hướng chuyển toàn bộ xã Tân Đức thuộc huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây với diện tích tự nhiên là 454,08 ha, dân số là 2.721 nhân khẩu về thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ quản lý; giữa tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai thực hiện theo hướng chuyển toàn bộ ấp C10 thuộc xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước với diện tích tự nhiên là 128,48 ha, dân số là 830 nhân khẩu về xã Đắc Lua, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai quản lý.

Về nội dung điều chỉnh địa giới Hà Nội, ý kiến chung của Uỷ ban Pháp luật đều tán thành với chủ trương mở rộng địa giới hành chính Hà Nội nhằm từng bước xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Về quy mô, lộ trình thực hiện, cách làm và thời điểm quyết định sẽ được các đại biểu Quốc hội thảo luận và có ý kiến cụ thể.

Ngày 14/5, Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về các nội dung này./.

 

(http://www.vovnews.vn/)