Bộ trưởng Công thương phân trần về giá

01/06/2008

Vấn đề giá cả tăng, tình trạng giá điện “một mình một chợ” của EVN, giá thuốc bị đẩy lên cao… đã chiếm gần hết thời gian trả lời chất vấn của Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng sáng nay (31/5)

(VOV)_ Sáng nay (31/5), Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Tại kỳ họp này, Bộ Công Thương nhận được chất vấn của 18 vị Đại biểu Quốc hội và 1 đoàn Đại biểu Quốc hội, tập trung vào tình hình nhập siêu năm 2008, cung ứng điện mùa khô 2008, tình hình sử dụng vốn đầu tư của các tập đoàn.

Nhập khẩu tăng cao do cơ cấu kinh tế dịch chuyển chậm và yếu kém

Trả lời bằng văn bản những chất vấn trên, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, nhập khẩu tăng cao chủ yếu là do số lượng nhập khẩu các nhóm hàng nguyên nhiên vật liệu, thiết bị máy móc phục vụ sản xuất và đầu tư tăng nhanh, phải chịu mặt bằng giá cao hơn nhiều so với cùng kỳ (tác động do giá tăng chiếm 70% mức tăng nhập khẩu); tác động của việc cắt giảm thuế theo lộ trình WTO; nhưng nguyên nhân sâu xa là cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm và còn nhiều yếu kém, công nghiệp sản xuất tư liệu sản xuất và công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, tốc độ tăng xuất khẩu thấp hơn tốc độ tăng nhập khẩu; hàng công nghiệp xuất khẩu chủ yếu là gia công lắp ráp và hiệu quả đầu tư thấp, còn nhiều lãng phí trong sản xuất và tiêu dùng... Để kiềm chế và giảm dần nhập siêu, góp phần kiềm chế lạm phát, Bộ Công Thương đã và đang phối hợp với các Bộ, ngành chức năng có liên quan triển khai đẩy mạnh xuất khẩu, đồng thời thực hiện các giải pháp giảm nhập khẩu

Về công tác quản lý thị trường, giá cả, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, lực lượng Quản lý thị trường trên cả nước đã triển khai nắm tình hình cung cầu hàng hoá, hàng dự trữ đối với 10 mặt hàng thiết yếu; kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm khắc những vi phạm về chất lượng hàng hoá, giá, niêm yết giá, đo lường hàng hoá, các biểu hiện đầu cơ…

Công tác chống buôn lậu, vận chuyển và buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, chống sản xuất, buôn bán hàng giả, vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng chống dịch cũng được đẩy mạnh. Gần đây khi nổi lên tình trạng xuất lậu xăng dầu và nhập lậu đường cát, xe đạp điện, gia súc, gia cầm qua biên giới, Bộ Công thương đã chỉ đạo cơ quan chức năng và lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với chính quyền các địa phương xử lý, ngăn chặn nên đã thu được kết quả bước đầu.

Trong phần chất vấn trực tiếp tại Hội trường, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đã trả lời chất vấn của 20 đại biểu trong tổng số 36 đại biểu đăng ký chất vấn. Câu hỏi của các đại biểu Quốc hội tập trung vào vấn đề cung ứng điện, giá tiêu dùng tăng cao trong đó có giá dược phẩm, thuốc chữa bệnh, cơn sốt giá gạo trong thời gian gần đây…

Để xảy ra sốt giá gạo có trách nhiệm của Bộ Công thương

Đại biểu Đỗ Hữu Lâm (Long An) chất vấn Bộ trưởng bằng câu hỏi để xảy ra tình trạng giá gạo tăng bất thường thời gian qua gây tâm lý lo ngại trong dân có phải do công tác quản lý thị trường còn yếu kém hay do chủ trương tạm ngừng xuất khẩu gạo. Thực tế giá vật tư nông nghiệp tăng cao, giá lúa lại thấp do tư thương ép giá, đại biểu đề nghị Bộ trưởng nói rõ trách nhiệm của Bộ đến đâu khi để xảy ra tình trạng này và rút ra được bài học gì trong thời gian tới.

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, sở dĩ Chính phủ có chủ trương tạm ngừng xuất khẩu gạo, do tác động thời tiết rét đậm kéo dài ở miền Bắc vừa qua và đặc biệt là tình hình thị trường ở xung quanh, rất nhiều nước có nhu cầu nhập khẩu lương thực, do mất mùa, đói kém vì vậy Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ ngành tính toán lấy yêu cầu về an ninh lương thực làm đầu. Về vấn đề sốt giá gạo, theo Bộ trưởng, nguyên nhân đầu tiên là do hệ thống về phân phối bán lẻ lương thực có vấn đề. Tuy nhiên, cũng không ngoại trừ tâm lý chủ quan bởi thực tế trong nhiều năm liền chúng ta liên tục được mùa, chưa để xảy ra tình hình sốt giá gạo, nên khả năng sốt giá gạo và thiếu gạo là khó có thể xảy ra.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã thẳng thắn thừa nhận trong vấn đề này có trách nhiệm của Bộ Công thương, đó là khả năng dự báo tình hình và công tác xây dựng hệ thống phân phối, bán lẻ chưa đạt hiệu quả. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng đây là một bài học để chấn chỉnh lại hệ thống phân phối bán lẻ nói chung, trong đó có phân phối bán lẻ lương thực. Bộ Công thương đã bàn với Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, các địa phương và Tổng Công ty Lương thực miền Nam, trước mắt có một số giải pháp: sẽ thiết lập tại các thành phố lớn, ít nhất là mỗi một quận có một cửa hàng lương thực, trực thuộc trực tiếp Tổng Công ty Lương thực miền Nam; sử dụng hệ thống đại lý phân phối và bán sản phẩm gạo của Tổng Công ty Lương thực; các địa phương chủ động, tích cực xây dựng mạng lưới bán lẻ của mình… 

Giá điện - bao giờ kết thúc tình trạng “một mình một chợ”

Đại biểu Vũ Quang Hải (đoàn Hưng Yên) chất vấn về việc ngành điện “một mình một chợ” - một người bán, vạn người mua. Đại biểu dẫn khoản 2, điều 4 của Luật Điện lực Việt Nam quy định việc Nhà nước độc quyền trong hoạt động chuyển tải, điều độ hệ thống điện lưới quốc gia và hệ thống nhà máy điện chứ không quy định độc quyền về giá mua, giá bán. 

Về câu chuyện “một mình một chợ” của EVN, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, Chính phủ đã phê duyệt lộ trình về thị trường hoá ngành điện, bao gồm thị trường hoá phát điện và thị trường hoá giá bán điện. Lộ trình đó đã được phê duyệt: từ 2006-2014 thị trường hoá phát điện (trong đó, từ 2006-2008 thí điểm chuyển một số nhà máy phát điện lớn trước đây thuộc EVN thành Công ty TNHH Nhà nước 1 thành viên, đồng thời cổ phần hoá một số nhà máy điện và thí điểm)… Hết 2008 theo đúng lộ trình sẽ triển khai đại trà việc phát điện thị trường. Từ 2014- 2022, thực hiện lộ trình bán buôn giá điện, trong đó từ 2014- 2016 thí điểm, sau đó thực hiện đại trà. Từ 2022 trở đi thực hiện thị trường hoá giá bán lẻ điện, thí điểm từ 2022- 2024, sau đó thực hiện đại trà.

Đây là lộ trình đã được phê duyệt và có tính toán. Việc phát điện theo thị trường tương đối đơn giản nhưng việc phân phối phức tạp vì chỉ có một hệ thống truyền tải do Nhà nước độc quyền, giá của nhà máy điện khác nhau, người bán muốn bán cao, người mua để phân phối lại muốn có giá hợp lý. Hơn nữa nguồn điện được huy động từ nhiều dạng nên giá thành tính toán rất phức tạp… vì vậy mỗi bước đi phải rất thận trọng. Năm 2008, đúng theo lộ trình, đến tháng 7 giá điện phải tăng thêm 5,6% so với giá hiện hành nhưng do yêu cầu của chống lạm phát nên Thủ tướng chỉ đạo tạm hoãn lại.

Giá cả tăng - nằm ngoài khả năng kiểm soát

Đại biểu Dương Kim Anh (đoàn TràVinh) nêu vấn đề, một trong những giải pháp của Chính phủ để kiềm chế lạm phát là kiên quyết không để xảy ra tình trạng trạng lợi dụng biến động trên thị trường để đầu cơ tăng giá, nhất là các mặt hàng thiết yếu. Tuy nhiên thực tế, chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 vẫn tăng 3,91% so với tháng 4. Đại biểu chất vấn Bộ trưởng nguyên nhân nào khiến chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 vẫn tăng, phải chăng các biện pháp kiềm chế lạm phát chưa khả thi và chưa sát thực tế.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định, không xảy ra sốt giá đối với một số mặt hàng chiến lược như xăng dầu, điện, than, giấy… ngoại trừ sốt gạo chỉ là do sốt ảo, sốt giá xi măng là do cục bộ và tâm lý, tuy nhiên “những cơn sốt” này đã được khắc phục ngay. Còn nguyên nhân chỉ số giá tiêu dùng của tháng 5 tăng cao là do ảnh hưởng của sốt giá lương thực mặc dù chỉ là sốt ảo; tâm lý của bộ phận không nhỏ người dân cho rằng hết tháng 6 các mặt hàng sẽ tăng giá nên tích trữ hàng theo kiểu gia đình khiến cho giá tăng lên. Thậm chí một số doanh nghiệp cũng tích trữ hàng kể cả hàng nhập khẩu để khi tăng giá kiếm lợi nhuận. Trong khi đó, trên thế giới, giá cả cũng tăng cao. Khi Thủ tướng họp bàn với ngành xăng dầu (vào tháng 3), giá dầu thô lúc đó chỉ xê dịch ở mức 105 USD/thùng, dự báo cuối năm có khả năng tăng lên 120 USD, nhưng ngay trong tháng 4 và 5 giá dầu đã tăng rất nhiều, có lúc đạt 135 USD. Trong khi giá dầu lại ảnh hưởng rất lớn đến giá của các mặt hàng khác, ảnh hưởng đến giá nguyên liệu đầu vào… Đây là điều xảy ra ngoài khả năng kiểm soát.

Đại biểu Phương Thị Thanh (đoàn Bắc Cạn) đặt câu hỏi về trách nhiệm của Bộ Công thương trong quản lý Nhà nước khi không kiểm soát được giá thuốc trên thị trường để  xảy ra tình trạng một số công ty dược nhập khẩu thuốc chữa bệnh đẩy giá thuốc lên cao để thu lợi bất chính. Đại biểu băn khoăn, không biết ngoài mặt hàng thuốc chữa bệnh, đây có phải là tình trạng phổ biến đối với các mặt hàng nhập khẩu khác hay không.

Trả lời chất vấn của đại biểu Phương Thị Thanh, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nêu thực tế, nước ta mới sản xuất được 50% số thuốc ở trong nước, còn lại vẫn phải nhập khẩu nên giá thuốc ở trong nước vẫn biến động theo giá thị trường, từ đó dẫn đến tình trạng một số nơi, một số cửa hàng thuốc tư nhân đã lợi dụng tình trạng này để tăng giá. Tuy nhiên, các cơ quan kiểm tra liên ngành Bộ Y tế, Bộ Tài chính và quản lý địa phương qua kiểm tra, giám sát cũng đã xử phạt một số trường hợp. Về trách nhiệm của Bộ Công thương, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng hứa sẽ tiếp tục trao đổi kỹ hơn với Bộ Tài chính, Bộ Y tế để đảm bảo các nhu cầu thiết yếu về thuốc chữa bệnh cho người dân, nhất là các đối tượng xã hội và người nghèo, không để xảy ra tình trạng biến động giá.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Anh (đoàn Hải Phòng) chất vấn Bộ trưởng về vấn đề mũ bảo hiểm, ngoài chất lượng không đảm bảo, đây còn là mặt hàng góp phần làm tăng giá trị nhập khẩu của nước ta thời gian qua. Không biết Bộ Công thương có quan tâm vấn đề này hay không?

Về vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, Nghị quyết 32 Chính phủ đã quy định rất rõ ràng chức năng nhiệm vụ của các cơ quan trong đó có 3 ngành chính, ngành Giao thông vận tải đề xuất, Khoa học công nghệ đưa ra các tiêu chuẩn kỹ thuật, Công thương phối hợp kiểm tra việc thực hiện đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, và Tài chính kiểm tra việc thực hiện giá. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định vấn đề an toàn giao thông luôn được quan tâm đúng mức, nhất là bằng các phương tiện kỹ thuật hữu hiệu trong đó có đội mũ bảo hiểm. Khi phát hiện một số sai phạm, các cơ quan quản lý thị trường của ngành công thương phối hợp với ngành chức năng đã xử lý  bước đầu. Không phải chúng ta không có những cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm đạt chất lượng, nhất là những hãng có tên tuổi của nước ngoài có đầu tư sản xuất xe máy ở Việt Nam, như Honda. Tuy nhiên, việc ngăn chặn mũ chất lượng kém nhập lậu qua biên giới vẫn còn. Bộ Công thương nhận thấy có trách nhiệm phối hợp với các địa phương có đường biên, các ngành chức năng cố gắng ngăn chặn ở mức tối đa việc nhập lậu này, để hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất trong nước và đảm bảo sinh mạng của người đi đường.

Trong 135 phút trả lời chất vấn, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng đã trả lời câu hỏi của 20 đại biểu trong tổng số 36 đại biểu đăng ký chất vấn tại Hội trường. Các câu hỏi của đại biểu được đánh giá là thẳng thắn, rõ ràng, đi vào các vấn đề sát sườn, là những vấn đề cử tri đang nóng lòng quan tâm. Phần trả lời của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng được đánh giá là khúc triết, có sự chuẩn bị chu đáo. Kết thúc phần chất vấn dành cho Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đề nghị Bộ trưởng Bộ Công thương tiếp tục trả lời câu hỏi của 16 đại biểu còn lại bằng văn bản.

Ngay sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Lao động -  Thương binh - Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp tục đăng đàn. Đây là lần đầu tiên, vị nữ Bộ trưởng này lên trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội./.

 

Thanh Hà - Cẩm Thủy

(http://www.vovnews.vn/)

Các bài viết khác