Phiên họp thứ Mười của UBTVQH

29/07/2008

* Dự án Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu biển: Mở rộng phạm vi điều chỉnh cũng vẫn đúng luật * Dự án Luật Thi hành án dân sự: Có nên xã hội hóa việc thực thi quyền lực Nhà nước?

Sáng 28.7, dưới sự điều khiển của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu biển.

Theo Tờ trình của Tòa án Nhân dân Tối cao, Bộ luật Hàng hải năm 2005 đã có nhiều quy định mới về bắt giữ tàu biển, đặc biệt đã cho phép Tòa án quyết định bắt giữ tàu biển để bảo đảm giải quyết các khiếu nại hàng hải; Nhưng lại chưa có các quy định về trình tự, thủ tục bắt giữ tàu biển cụ thể nên khó áp dụng trong thực tế. Hơn nữa, với chính sách mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, quan hệ giữa Nhà nước, các cơ quan, tổ chức, cá nhân của Việt Nam với các Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài ngày càng mở rộng thì việc ban hành văn bản pháp luật về thủ tục bắt giữ tàu biển nhằm bảo đảm giải quyết các khiếu nại hàng hải, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để thi hành án và thực hiện ủy thác tư pháp về bắt giữ tàu biển là hết sức cần thiết. Trình bày Báo cáo thẩm tra của UB Tư pháp, Chủ nhiệm Lê Thị Thu Ba tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự án Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu biển. Trước sự phân vân của Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận về việc mở rộng phạm vi điều chỉnh như dự thảo Pháp lệnh là không đúng với Bộ luật Hàng hải Việt Nam, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu khẳng định: Bộ luật Hàng hải Việt Nam chỉ quy định bắt giữ tàu biển để giải quyết khiếu kiện hàng hải nhưng việc mở rộng phạm vi điều chỉnh như dự thảo Pháp lệnh vẫn đúng. Về cơ bản, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Pháp lệnh đã bao quát được các vấn đề cần phải được cụ thể hóa theo yêu cầu của Bộ luật Hàng hải Việt Nam, pháp luật về tố tụng dân sự, thi hành án dân sự, pháp luật về tương trợ tư pháp quốc tế trong lĩnh vực dân sự và sẽ giải quyết được những vấn đề đặt ra trong thực tiễn. Hơn nữa, dự thảo Pháp lệnh không chỉ quy định các nguyên tắc chung nhất về bắt giữ tàu biển mà đi vào các trường hợp cụ thể cũng đã có các quy định đầy đủ về thủ tục, thẩm quyền và trình tự bắt giữ tàu biển.

Liên quan đến quy định về ủy thác tư pháp, các Uãy viên UBTVQH yêu cầu Ban soạn thảo xem xét, bổ sung các quy định về việc Tòa án Việt Nam ủy thác cho Tòa án nước ngoài thực hiện việc bắt giữ tàu biển ở nước ngoài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức ở Việt Nam trong các tranh chấp quốc tế. Các Ủy viên UBTVQH cũng đã cho ý kiến về việc buộc thực hiện biện pháp bảo đảm tài chính trong bắt giữ tàu biển và tán thành quan điểm giao Chính phủ xác định danh mục các tổ chức bảo hiểm có uy tín để Tòa án có căn cứ khi quyết định chấp nhận biện pháp bảo đảm của người yêu cầu bắt giữ tàu biển...

Buổi chiều, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, UBTVQH đã cho ý kiến về một số nội dung lớn của dự án Luật Thi hành án dân sự như: Xã hội hóa hoạt động thi hành án; Tổ chức thi hành án dân sự; Ngạch và tiêu chuẩn bổ nhiệm Chấp hành viên; Thi hành quyết giám đốc thẩm, tái thẩm; Giải quyết khiếu nại, tố cáo và các điều khoản chuyển tiếp...

Về xã hội hóa hoạt động thi hành án dân sự, Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền đề nghị: Chưa nên quy định về xã hội hóa thi hành án dân sự trong điều kiện hiện nay. Còn Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng thì băn khoăn: Kết luận của Bộ Chính trị là xã hội hóa một số công việc của thi hành án dân sự nhưng dự thảo Luật lại nói là xã hội hóa thi hành án dân sự. Khác với nhiều nước, Việt Nam coi thi hành án là hoạt động thuộc phạm vi quyền lực của Nhà nước. Vậy có nên xã hội hóa việc thực thi quyền lực của Nhà nước hay không? Đồng ý về chủ trương xã hội hóa trong hoạt động thi hành án dân sự nhưng Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng đề nghị: Cần phải khẳng định quan điểm xã hội hóa một số công việc đơn giản của hoạt động thi hành án dân sự. Cùng quan điểm này, Chủ nhiệm UB Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề: Tại sao UBTVQH và Ban soạn thảo không đào sâu suy nghĩ hơn một chút để xác định cụ thể những công đoạn có thể xã hội hóa trong hoạt động thi hành án dân sự và quy định ngay vào Luật? Theo Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng, nếu quy định rõ được như vậy thì cũng không nên đặt vấn đề thí điểm xã hội hóa thi hành án dân sự tránh những rối rắm, phức tạp không cần thiết.

Về mô hình cơ quan thi hành án dân sự, nhiều Ủy viên UBTVQH tán thành việc  tổ chức cơ quan thi hành án dân sự theo ngành dọc là: Bộ Tư pháp quản lý thống nhất và tổ chức thực hiện việc thi hành án dân sự trong cả nước; Hệ thống cơ quan thi hành án dân sự có hai cấp tỉnh và huyện. Cơ bản, mô hình này vẫn giữ nguyên hệ thống cơ quan thi hành án như hiện nay; Bảo đảm kế thừa những kết quả đã đạt được và không làm xáo trộn về hệ thống tổ chức cơ quan thi hành án dân sự. Mô hình này cũng bảo đảm được tính độc lập tương đối và chịu trách nhiệm trước pháp luật của cơ quan thi hành án dân sự và các chấp hành viên đồng thời vẫn bảo đảm được vai trò của UBND cấp tỉnh, huyện trong việc chỉ đạo công tác thi hành án dân sự, nhất là đối với các vụ, việc phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, liên quan đến việc thành lập Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp thì đa số Uỷ viên UBTVQH cho rằng không nên quy định Tổng cục Thi hành án dân sự được trực tiếp thi hành án mà chỉ tập trung làm nhiệm vụ quản lý nhà nước và thực thi quản lý chuyên ngành; Vấn đề này cũng cần phải được thể hiện ngay trong Luật chứ không giao cho Chính phủ quy định.

Về việc bổ nhiệm Chấp hành viên, đa số Uãy viên UBTVQH nhất trí cần phải cân nhắc để đổi mới công tác tuyển chọn Chấp hành viên thông qua thi tuyển và không nên quy định việc bổ nhiệm theo nhiệm kỳ.

P.Thúy

(http://www.nguoidaibieu.com.vn)

Các bài viết khác