Khai mạc Phiên họp thứ Mười sáu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

17/01/2009

Sáng 15.1, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, UBTVQH đã khai mạc Phiên họp thứ Mười sáu.

Tiếp đó, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, UBTVQH đã xem xét dự kiến danh sách các huyện, quận, phường thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND và việc tổ chức và hoạt động của HĐND, UBND tại những địa phương thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường.

Theo Tờ trình của Chính phủ, Chính phủ dự kiến danh sách 67 huyện, 32 quận và 483 phường của 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND. UBTVQH cơ bản nhất trí với danh sách này và tập trung đóng góp ý kiến về việc quyết định ngân sách; điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND tỉnh; mô hình tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của UBND huyện, quận, phường- nơi thí điểm không tổ chức HĐND...

Về việc thực hiện nhiệm vụ ngân sách của UBND huyện, quận, phường- nơi không tổ chức HĐND- nhiều ý kiến băn khoăn về việc nên xác định huyện, quận, phường tiếp tục là một cấp ngân sách (như quy định của Luật Ngân sách Nhà nước) hay chỉ là một đơn vị dự toán ngân sách? Dự thảo Nghị quyết của UBTVQH điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; quy định nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của UBND nơi không tổ chức HĐND huyện, quận, phường (sau đây gọi tắt là dự thảo Nghị quyết) thể hiện theo hướng coi huyện, quận, phường là một cấp ngân sách. Theo đó, UBND huyện, quận, phường- nơi không tổ chức HĐND- tiếp tục là một cơ quan lập dự toán ngân sách Nhà nước. Quan điểm của UB Pháp luật - cơ quan của QH được giao nhiệm vụ thẩm tra dự thảo Nghị quyết- cho rằng không nên coi huyện, quận, phường- nơi không tổ chức HĐND- là một cấp ngân sách. Bởi, khi không tổ chức HĐND mà lại giao cho UBND huyện, quận, phường được tự mình quyết định các nội dung về ngân sách trong khi chưa tạo được một cơ chế kiểm tra, kiểm toán, giám sát rõ ràng (vì không còn HĐND huyện, quận, phường) là vấn đề cần được cân nhắc thận trọng.

Đa số Ủy viên UBTVQH cơ bản nhất trí với đề nghị của UB Pháp luật về việc cần cân nhắc thận trọng vấn đề giao UBND huyện, quận, phường tự mình quyết định các nội dung về ngân sách. Tuy nhiên, một số Ủy viên UBTVQH cho rằng vẫn nên coi UBND quận, huyện, phường là một cấp ngân sách, nhưng là cấp ngân sách không đầy đủ như UBND các quận, huyện, phường vẫn tổ chức HĐN. Lý lẽ cho quan điểm này, theo Chủ nhiệm UB Tài chính- Ngân sách Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng... thì mặc dù một số quận, huyện, phường không còn tổ chức HĐND, nhưng chức năng quản lý hành chính Nhà nước ở địa phương không thay đổi. UBND huyện, quận, phường vẫn là một cấp quyết định về KT- XH ở địa phương, có chức năng quyết định các chủ trương, biện pháp phát triển KT- XH, quốc phòng, an ninh, bảo đảm đời sống nhân dân trên địa bàn. Do vậy, để thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ trên, huyện, quận, phường cần được xác định là một cấp ngân sách, nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo trong việc tăng thu, chi ngân sách, bảo đảm thực hiện tốt các hoạt động quản lý hành chính Nhà nước ở quận, huyện, phường.

Liên quan đến việc khi thí điểm không tổ chức HĐND ở một số quận, huyện, phường thì ai sẽ là người quyết định hay phê chuẩn việc lập, phân bổ dự toán, quyết toán ngân sách của UBND huyện, quận, phường? Tờ trình của Chính phủ đề xuất phương án UBND huyện, quận, phường- nơi không tổ chức HĐND- vừa là người lập vừa là người quyết định các nội dung liên quan đến ngân sách Nhà nước ở cấp quận, huyện, phường. Đa số Ủy viên UBTVQH không đồng tình với phương án nêu trên và cho rằng dự thảo Nghị quyết phải thể hiện theo hướng có người lập (dự toán) thì phải có người phê (dự toán). Theo đề nghị của UB Pháp luật thì UBND huyện, quận, phường sẽ lập dự toán thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn; lập dự toán thu, chi ngân sách địa phương, phương án phân bổ ngân sách cấp mình; lập quyết toán ngân sách địa phương... Còn, người phê là UBND tỉnh, thành phố, trực thuộc Trung ương. Như vậy sẽ chặt chẽ, bảo đảm tính công khai, minh bạch và phù hợp với nguyên tắc quản lý tài chính.

Về việc ai sẽ là người quyết định, phê chuẩn những nội dung liên quan đến ngân sách của UBND huyện, quận, phường, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng đề xuất phương án nên chăng cân nhắc việc giao quyền giám sát, phê chuẩn này cho Thường trực HĐND cấp tỉnh. Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng nêu quan điểm: để tránh khả năng lạm quyền, khó kiểm soát trong việc điều hành, thực hiện ngân sách của UBND huyện, quận, phường thì nên bổ sung thêm chốt an toàn là HĐND cấp tỉnh giao UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm các hoạt động của UBND cấp dưới, trong đó có UBND cấp huyện, quận, phường- nơi không tổ chức HĐND. Và, nếu cụ thể hơn thì chỉ cần trói bằng 1 câu là trước khi UBND huyện, quận, phường thực hiện dự toán, phân bổ ngân sách Nhà nước phải có sự phê chuẩn của UBND cấp tỉnh- Ý kiến của Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển- như vậy, sẽ bảo đảm việc HĐND tỉnh vẫn giám sát hoạt động của UBND cấp huyện thông qua UBND cấp tỉnh, đạt yêu cầu thí điểm và bảo đảm nguyên tắc quản lý tài chính là có người lập phải có người phê. Tuy nhiên, nếu giao cho UBND tỉnh là cấp phê duyệt các nội dung liên quan đến ngân sách của UBND huyện, quận, phường thì rất có thể sẽ bị chậm trễ về mặt thời gian. Nhất là trong trường hợp xảy ra thiên tai, bão lũ hoặc các công việc đột xuất khác cần chi từ ngân sách thì sẽ "bó tay" UBND huyện, quận, phường. Để bảo đảm không chậm trễ hay "bó tay" UBND huyện, quận, phường, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đề nghị phương án nên giao thẳng cho Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm phê chuẩn các nội dung liên quan đến ngân sách Nhà nước của UBND huyện, quận, phường. Quy định như vậy sẽ tránh tình trạng UBND huyện, quận, phường vừa đá bóng vừa thổi còi và phù hợp với thực tiễn hoạt động ở HĐND.

Buổi chiều, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh.

(http://www.nguoidaibieu.com.vn/)

Các bài viết khác