Động lực phát triển miền Trung

23/09/2007

TP - Sự hình thành hai cảng nước sâu Dung Quất, Chân Mây; tiếp đó là sự ra đời các khu kinh tế (KKT), các dự án đường cao tốc đã thúc đẩy hình thành một trục công nghiệp - thương mại - du lịch - dịch vụ và chuỗi đô thị mới dọc duyên hải miền Trung.

Cảng Chân Mây

Không chỉ gắn kết với hai đầu đất nước mà khu vực này đã liên thông với các nước tiểu vùng Mekong với dự án Hành lang Kinh tế Đông Tây, thông thương với thế giới bên ngoài bằng các cảng biển nước sâu và sân bay quốc tế.

Định hình và mở rộng Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung (VKTTĐMT) kéo dài từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Định với sự kết nối các KKT và chuỗi đô thị đang phát triển nằm trải dài trên hơn 500km bờ biển. Đó là các KKT Chu Lai, Dung Quất, Chân Mây - Lăng Cô, Nhơn Hội.

Thế nhưng, hiện tại hệ thống hạ tầng của miền Trung vừa thiếu vừa không đồng bộ. Hầu hết các KKT đều xa các đô thị lớn - nơi đã có sẵn hệ thống hạ tầng và các dịch vụ tổng hợp. Hầu hết các KKT đều phải gắn với cảng biển, lấy các vịnh nước sâu làm thế mạnh, làm động lực phát triển.

Các KKT này nằm ở khu vực đất đai cằn cỗi, hoang hóa, mật độ dân cư thấp nhằm để giảm thiểu khâu đền bù giải tỏa. Đó là một lợi thế nhưng hệ quả kéo theo là hạ tầng lại rất kém, đòi hỏi chi phí đầu tư rất lớn, cả trong và ngoài “hàng rào”, mới tạo được sự hấp dẫn.

Khoản đầu tư này không hề nhỏ. Tỉnh Thừa Thiên-Huế, cũng như các tỉnh, thành phố khác trong vùng, đã có những nỗ lực rất lớn để đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu tăng trưởng kinh tế tại các KKT, các KCN, các địa bàn kinh tế trọng điểm, nhưng lực bất tòng tâm bởi gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn đầu tư.

Các công trình hạ tầng như đường giao thông, cảng biển, sân bay, hệ thống cung cấp điện trong khu vực vẫn đang ở quy mô nhỏ, chưa có những công trình lớn tạo động lực tăng trưởng cho toàn vùng; sự kết nối hạ tầng giữa các tỉnh, thành phố còn yếu đã tạo trở ngại lớn trong phát triển và thu hút đầu tư.

Mặt khác, các tỉnh miền Trung đều có những điều kiện tự nhiên na ná nhau như bờ biển dài, có vịnh nước sâu... có tiềm năng và lợi thế để phát triển các lĩnh vực như: liên vận - trung chuyển hàng hóa quốc tế, du lịch, thủy điện, đánh bắt thủy hải sản... nhưng sự liên kết, phối hợp để biến cả khu vực này thành một thể thống nhất đang là bài toán nan giải bởi thiếu tổng đạo diễn.

Tỉnh nào cũng quyết tâm làm sân bay, cảng nước sâu, nhà máy xi măng, nhà máy đường, mở thêm trường đại học... đã làm cho nguồn kinh phí đầu tư bị manh mún, kém hiệu quả phục vụ, nguồn nhân lực đào tạo ra không đáp ứng được quy luật cung – cầu. Đầu tư dàn trải đã dẫn đến thực trạng hiệu quả không được như sự kỳ vọng.

Miền Trung nhỏ hẹp, chưa có mô hình thí điểm nào hoàn thành nhưng địa phương nào cũng dàn hàng ngang trên đường đua nên đã không tránh khỏi tình trạng manh mún, thảm đỏ cạnh tranh với thảm đỏ.

Vùng KTTĐMT đang cần có một chính sách đầu tư hoàn thiện, đồng bộ và đủ mạnh cho mỗi KKT, mỗi địa phương. Song song là sự điều chỉnh chiến lược, quy hoạch khai thác lợi thế của từng địa phương; xây dựng được mối liên kết chặt chẽ trong toàn vùng, làm cho miền Trung trở thành một khối thống nhất mới có thể đủ sức phát triển nhanh, đủ sức hấp dẫn thu hút đầu tư, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng.

 

Thanh Tùng

(http://www.tienphongonline.com.vn)