“Đất nước đang rất cần các bạn trẻ tham gia vào hệ thống làm việc trong khu vực công, bởi chính họ sẽ là những người tham gia trực tiếp vào hệ thống quản lý vĩ mô, xây dựng và phát triển đất nước. Đây là lúc đất nước cần sự lựa chọn và hy sinh của các bạn!” - Đó là điều mà ông Thang Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ mới kêu gọi trên một tờ báo của Đoàn thanh niên.
Lời kêu gọi này thực sự tâm huyết, nó xuất phát từ sự âu lo về tình trạng chảy máu chất xám ở khu vực công trong bộ máy Nhà nước của chúng ta, từ tình trạng nhiều bạn trẻ băn khoăn về việc có nên làm việc cho các cơ quan, tổ chức Nhà nước hay không. Đất nước cần sự hy sinh của giới trẻ. Lời kêu gọi ấy chứng tỏ sự cần thiết thực sự vai trò của nguồn nhân lực trẻ trong khu vực công.
Và để cụ thể hoá mong muốn này, năm ngoái, Chính phủ đã phê duyệt một Đề án của Trung ương Đoàn nhằm đưa 1.000 trí thức trẻ về tăng cường cho bộ máy chính quyền cơ sở ở các xã khó khăn. Tuy nhiên, sau một năm thực hiện, có vẻ như Đề án này không để lại dấu ấn gì. Còn nhớ, khi Trung ương Đoàn trình Chính phủ Đề án đưa trí thức trẻ về xã, trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV, thạc sĩ Bùi Văn Cường, Bí thư BCH Trung ương Đoàn TNCS HCM cho rằng, yếu tố hấp dẫn nhất chính là: “Các bạn trẻ được tuyển chọn kỹ, được đào tạo cơ bản, sau khi vào dự án thì sẽ được lưu hồ sơ theo dõi, như một nguồn cán bộ. Họ sẽ được theo dõi, sẽ được đào tạo để trên cơ sở đó xem xét đề bạt, cất nhắc vào các vị trí mà qua thực tiễn có thể bộc lộ được khả năng ở đó”.
Như vậy, Đề án trên đã thất bại ngay từ khi đặt vấn đề. Bởi vào cơ quan Nhà nước để hy vọng sẽ làm cán bộ thì không phải điều hấp dẫn đối với những người thực sự muốn cống hiến. Muốn thu hút trí thức trẻ làm việc tại khu vực công, điều quan trọng nhất là phải tạo ra môi trường để họ có thể cống hiến. Mà điều này thì thực tế đang chứng minh ngược lại.
Khi tre chưa già thì măng chưa được mọc!
Mới đây, Bộ Nội vụ đã công bố một kết quả điều tra tại Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo báo cáo này thì có tới 41% giáo viên quá tuổi vẫn không nghỉ hưu. Liệu chúng ta có thể tìm ra một lý do để biện minh cho hiện tượng này? Do thiếu nguồn cung giáo viên ư? Các giáo sinh mới tốt nghiệp sẽ là những người đầu tiên phản bác luận điểm này. Và nếu để ý thì chúng ta sẽ thấy, ngành giáo dục rất hiếm khi phải đăng tin tuyển dụng. Phải chăng, để chấn hưng giáo dục, chúng ta cần giữ lại những giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm? Câu hỏi này sẽ bị bác bỏ hoàn toàn sau khi chứng kiến cuộc họp rút kinh nghiệm mới đây của ngành giáo dục xung quang việc hàng trăm ngàn học sinh bỏ học. Trong cuộc họp đó, ngành giáo dục chỉ ra rất nhiều nguyên nhân khách quan: Từ rét đậm kéo dài, đến lạm phát… nhưng không hề có nguyên nhân liên quan đến chất lượng giáo viên và phương pháp giảng dạy. Có nghĩa, những vấn đề liên quan đến bản thân người giáo viên không hề quan trọng. Cũng theo phát hiện của Bộ Nội vụ, ngành giáo dục nhiều lần ban hành quyết định nâng lương sau khi đã ban hành quyết định nghỉ hưu... Như vậy, phải chăng vấn đề chính nằm ở khoản thu nhập sẽ mất đi do phải về hưu?
Các bạn trẻ cần hy sinh để lựa chọn làm việc cho các cơ quan, tổ chức của Nhà nước. Đó là điều mà xã hội đang cần. Song, vì lợi ích của một số người thì sự hy sinh của họ không phải là lựa chọn nơi cống hiến. Sự hy sinh đó có nghĩa là chấp nhận làm giáo viên hợp đồng để lay lắt cống hiến và chờ đợi thế hệ đàn anh rút lui khi đã quá tuổi hưu. Con số 41% giáo viên quá tuổi không về hưu có thể chưa phản ánh một cách toàn diện thực trạng nhân lực ngành giáo dục hiện nay khi mới chỉ được tiến hành với gần 2.000 trường hợp. Song có một thực tế khó chối bỏ là, chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo của các trường sư phạm được xây dựng trên nhu cầu thực tế của ngành giáo dục. Và một thực tế khác là không ít giáo viên khi ra trường phải tuyệt vọng trên con đường tìm kiếm việc làm. Bởi vậy, muốn thu hút nhân lực, trước hết là phải tạo ra chỗ đứng cho nguồn nhân lực đó.
Câu chuyện của ngành giáo dục có thể chỉ mang tính cá biệt với con số 41%. Nhưng thiếu chỗ đứng cho những người trẻ thực sự muốn cống hiến thì không phải chuyện cá biệt. Cũng theo một số liệu từ Bộ Nội vụ, trong số 1,7 triệu cán bộ công chức hưởng lương ngân sách hiện nay thì có tới 30% không đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, những công chức không đáp ứng được yêu cầu ấy là những ai, nằm ở đâu, các cơ quan Nhà nước có lộ trình để đào thải lực lượng lao động kém chất lượng này ra sao? Đó là những câu hỏi bỏ ngỏ. Và các khoá đại học tại chức vẫn tiếp tục được mở ra như nấm sau mưa để chuẩn hoá văn bằng cho lực lượng công chức được tuyển dụng không phù hợp với công việc.
Làm thế nào để người trẻ có thể tìm được chỗ đứng ở khu vực công bằng chính thực lực của mình? Câu trả lời là, khi nào các cơ quan Nhà nước có một hệ thống tiêu chuẩn minh bạch để thu hút nhân lực vì yêu cầu thực tế của cơ quan, đơn vị mình; chỉ khi nào đồng tiền ngân sách không còn phải chi cho 30% cán bộ, viên chức không đủ khả năng làm việc. Khi đó, có lẽ những lời kêu gọi sự “hy sinh, cống hiến” của các bạn trẻ cũng sẽ là thừa thãi./.